Peer Pressure là câu chuyện không bao giờ có hồi hết

Tối qua đang lướt lướt story facebook, tôi nhận ra cô bạn cấp ba của mình đã hạ sinh em bé đầu lòng. Trộm vía em bé rất kháu khỉnh, xinh xắn như búp bê. Tôi mừng cho nó: Học vị Thạc Sĩ, làm ngân hàng và có gia đình hạnh phúc. Thế nhưng cũng chính vào lúc tâm trí đang bồng bềnh trôi như thế, suy nghĩ về “Peer Pressure – Áp lực đồng trang lứa” đã kịp len lỏi ghé thăm, kiếm chuyện để một tối thứ bảy của tôi không quá vô dụng.

“Tại sao bây giờ mình lại chưa tiến xa hơn được nhỉ?” – Tôi khựng lại. 

Tôi đặt mục tiêu sẽ lập gia đình và hoàn thành bậc học Thạc Sĩ trước năm 30 tuổi.

Tôi đặt mục tiêu sẽ chạm ngưỡng tự do tài chính cũng là trước năm 30 tuổi.

Hay đơn giản hơn là việc thành thạo một ngôn ngữ mới, đặt chân tới một châu lục mới cũng là trước năm 30 tuổi.

À, có một cái niềm tin rất kì quái là tôi thấy bạn bè đau lưng hay thoát vị đốt sống mà tôi cũng áp lực vì chắc mẩm chúng nó làm việc chăm chỉ hơn mình.

Và tôi tự hỏi, lẽ ra bản thân đã phải giải quyết được một trong những bài toán này hoặc ít nhất là không ngừng tìm cách giải nhanh.

Năm 30 tuổi, là một cột mốc gì đó khiến người ta tin rằng nó lớn lao. Hoặc cơ bản là người ta thích làm tròn. 

Thế nhưng sự thật là gì, đôi mắt mỏi trĩu sau hơn 12 tiếng nhìn màn hình mỗi ngày, quật cường vượt qua để chen chân được vào cửa ngõ mang tên “chuẩn mực xã hội”, cuối cùng vẫn chẳng giải quyết được cái việc khỉ gió gì. Ngoài việc sáng nào cũng chạy toán loạn để kịp cái máy chấm công, tối và nhanh nhanh bát cơm để tiếp tục dán mắt vào màn hình giải quyết công việc mà người đời ưu ái với cái tên Freelance.  

Bận rộn đôi khi là cách để người ta vỗ về bản thân rằng mình đang có ích. Nhưng bận rộn cũng là cách nhanh nhất dẫn đến hoảng loạn, vì bận cỡ nào cũng không theo kịp bạn- đồng- trang- lứa. Nhiều khi còn không theo kịp thế hệ hiện nay đang nổi lên mang tên GenZ – quá tài giỏi và năng động. 

Nguyên lý là, con người chúng ta luôn có tâm lý muốn được hòa nhập. Quá trình tiến hóa tự nhiên đã quy định điều này, chúng ta phát triển được là nhờ cộng tác. Nhưng, mà này, đâu nhất thiết ai cũng phải đi một con đường giống hệt nhau. Nếu thật vậy thì chán chết. 

Chúng ta muốn mọi cách vận hành của cuộc sống phải thực sự đạt hiệu quả, như người ta, như ai đó, như anh ấy, chúng ta muốn làm thay việc của ông trời, là an bài mọi thứ. Chúng ta vượt qua mỗi ngày bằng những bước chân lê lết mệt mỏi. Chúng ta chán ghét thời gian, mong nó trôi qua thật nhanh, rồi đến khi nó trôi qua thật thì nuối tiếc. Chúng ta ước thời gian quay trở lại để nỗ lực hơn, làm khác đi. Nhưng một lần nữa sự thật là gì, thời gian có quay trở lại thì ta vẫn sẽ làm y chang như đã từng. Đừng tự huyễn hoặc nữa. Giống như việc có ai đó nói rằng: thời gian quay trở lại sẽ không bao giờ quen thằng bồ cũ. Quên đi, không quen nó thì còn lâu mới nghiệm ra được chân lý này. 

Vậy thì, mỗi người đều có một múi giờ, một quỹ đạo cuộc đời rất riêng phải không?

Nghe thì có vẻ cũ rích và sách giáo khoa, thế mà nhiều người vẫn không nhớ được mà bình tâm vững vàng. 

Bạn không cần phải tạo ra một thiết bị máy móc cao siêu, bạn cũng không cần xóa hết nạn phân biệt giàu nghèo để trở nên vĩ đại, để thôi áp lực về địa vị và thành công. Bạn chỉ cần làm tốt việc của mình, ngay- tại- thời- điểm này thôi. Kể cả ngày hôm nay bạn chỉ là một nhân viên lau dọn vệ sinh, cũng hãy lau dọn sạch nhất có thể. Kể cả hôm nay bạn ngủ sâu giấc hơn ngày hôm qua, cũng đã là một dạng thành tựu rồi. 

Nhà văn Stephen King đã từng khuyên thế hệ sau như thế này: “Bạn có thể tiếp cận việc viết bằng sự lo lắng, phấn khích, hy vọng thậm chí tuyệt vọng. Bạn có thể lao vào việc viết với phong thái của môt võ sĩ. Bạn có thể viết bởi bạn muốn một nàng cưới mình hoặc thay đổi thế giới… Có một tỉ lí do dẫn bạn đến với việc viết lách, nhưng đừng hời hợt. Tôi nhắc lại: Đừng hời hợt khi ngồi trước một trang giấy trắng”.

Và bài học tương tự rút ra cho chúng ta chính là ĐỪNG HỜI HỢT. Bạn có thể định vị cuộc đời của bạn bằng bất cứ phong thái nào, chỉ cần bạn luôn biết những gì đang xảy ra chính xác là những gì cần phải xảy ra, làm cho tốt việc của mình.

Đừng khắt khe với bản thân vì những áp lực quá, cũng đừng cố gắng vô vọng để loại bỏ áp lực, ngày hôm nay bạn đã làm rất tốt rồi. 

“No pressure, no diamonds” mà, phải không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *