Ông Tư Tình ngó lom lom vô cái điện thoại nhờ mấy đứa con nít nó chỉ làm lại cái tài khoản facebook. Ở cái tuổi xế chiều, mắt mũi tèm nhẻm tèm nhem, ông treo cái kính trên mặt mà vẫn chữ được chữ mất. Tính năng điện thoại thay đổi liên tục, tụi nhỏ thì cứ bô lô ba la chỉ tới chỉ lui mà ông cũng chưa tường tận cách dùng. Bữa hổm, hỏng biết ông bấm nút nào mà mất luôn cái tài khoản, đám con nít cười rần rồi ghẹo ông, đặt luôn cái tên là “ông Tư công nghệ” nghe như thọt lét.
Cũng cũng chẳng phải ông ham hố gì mấy cái đồ công nghệ của bọn trẻ, nhưng mà tụi nó ai cũng có, mình cứ giữ cái quê mùa rồi mỗi ngày một xa cách với con. Hai đứa con ông, mỗi đứa có một cái điện thoại, mặt lúc nào cũng lạnh băng trưng ra với đời, còn bao nhiêu tâm sự thì quăng hết ráo lên mạng. Nhà còn có mình ông với xấp nhỏ, đứa mười bảy, đứa mười chín tuổi mà cả năm trời chả mấy khi cha con nói chuyện với nhau.
Mấy độ ăn cơm chung bữa, nó dòm miết dô cái điện thoại, nói học hành bạn bè chi đó. Ông giả bộ gắp trái ớt bỏ vào chén thằng hai, nó ăn tỉnh queo mà không hay. Sặc gần chết, ông đưa cho nó ly nước, vỗ vỗ cái tấm lưng trần mỏng dánh ốm lòi mấy cọng sường. Ông Tư ghẹo thằng nhỏ, làm cả nhà cười rũ rượi mà trong lòng buồn tự biết, dưới một mái nhà chung nhưng lòng ngăn cách bởi ánh sáng của công nghệ, wi-fi.
Mấy hôm, thấy nhỏ ba mặt buồn rười rượi. Cơm không buồn ăn, ông hỏi cũng chẳng buồn nói, cứ lặng lẽ đi ra đi vào như hồn nó lạc trôi mãi phương nào. Ông thương con, đi rình thấy con nhỏ nửa đêm lên sân thượng, ngồi ôm cái điện thoại mà khóc, nước mắt vô tình lăn dài trên đôi gò má núng nính hồng đào. Ông lặng lẽ đứng trên bậc cầu thang, tay bấu chặt vào cánh cửa đến trằn bệch, nhìn mà thương, mà xót, nghĩ phải chi ông biết nhỏ bị làm sao thì đỡ quá. Con gái lớn rồi, có đời nào mở lời tâm sự với ông đâu. “Đứa nào ghẹo con gái ông, ông mà biết là tụi bây tới số.” – Ông Tư nghiến răng trèo trẹo mà lòng bất lực, hỏng biết phải làm sao.
Thương các con ông quyết tâm đi học công nghệ, học để còn lớn theo mấy nhỏ, để biết mấy nhỏ nghĩ gì. Hôm đầu, ông nhờ mấy đứa con nít trong xóm chỉ xài điện thoại. Tay miết miết trên cái màn hình mà thấy ngồ ngộ cũng thấy là lạ, vui vui. Mấy bà xồn xồn hàng xóm biết chuyện ghẹo ông, nói mấy bả đợi miết mấy năm nay ông hỏng chịu, giờ ông lên mạng đu đưa cô nào. Ông Tư đỏ mặt tía tai, xấu hổ hỏng biết dấu đi đâu. Tính chung thủy của ông cả xóm hai hỏng biết, giờ có cái điện thoại, làm ông mang tiếng với mẹ xấp nhỏ. Cũng buồn.
Được mấy bữa, xấp nhỏ nhà ông phát hiện ra hình ông trên facebook, hớn hở ra mặt. Tụi nó đứa lớn đứa nhỏ chỉ ông cách xài, rồi còn mấy cái ứng dụng đọc báo xem phim. Nhớ hồi trước tụi nó nói cái tivi lỗi thời rồi ông đâu có chịu. Mấy thế hệ, từ đời ông bà lớn lên với cái tivi không màu. Giờ tụi nó chê cái tivi nhạt nhẽo, giống như chê ông cổ lỗ hết thời. Ông giận lắm, thời sự, tin tức hỏng xem tivi rồi biết xem gì. Nhớ lúc đó ông giận vậy đó, nổi gân lên với sấp nhỏ. Rồi hỏng biết sao cái điện thoại cũng hớp mất hồn ông Tư.
Được mấy năm, sấp nhỏ gói đồ đi học xa tuốt trên thành phố. Ông gọi video nhắc tụi nhỏ siêng đăng bài giống người ta đó. Ăn uống, đi đâu đăng lên, để ở nhà ông còn biết đỡ lo. Mấy hôm thấy tụi nhỏ im ru, ông lo hai đứa bận thi cử quên ăn uống. Nửa đêm, ông lụi hụi nấu đồ ăn để hộp sẵn, sáng đem lên còn cẩn thận bỏ tủ lạnh, dặn có gì đói lấy ra hâm.
Ông Tư Tình chơi điện thoại cả xóm biết tên. Hỏng phải vì cái xóm quê người ta toàn xài mấy loại điện thoại đen trắng, thấy ông suốt ngày lướt lướt mà ghen ghét gì. Chủ yếu là ổng khoe hình con ổng đứa này đứa nọ ăn uống, học hành, mập ốm ra sao. Cái đất thành phố nhộn nhịp ánh đèn, nuốt chửng từng đứa nhỏ ở cái chốn quê nghèo. Đi rồi là đi mất biệt, chả biết tụi nó sống chết như nào. Thương cũng thương mà cái buồn nó cứ vậy mà vương vất.
Vậy rồi cả xóm bắt chước ông, học chơi điện thoại. Có hôm bà ngoại chống cái cây qua nhờ ông chỉ cách gọi video cho mấy nhỏ nhà bên đó. Con cháu đi mấy năm bận công chuyện lần lữa mãi không về. Bà ở nhà nhớ héo quắt queo, ánh mắt đục ngầu mờ ảo như lời hứa non hẹn biển của mấy đứa nhỏ. Nó không về thì tụi già mình gọi nó chứ biết phải làm sao.
Có bận, cả xóm nhỏ râm rang chuyện thằng Chót đi phố làm ăn sao mà có bồ. Nhỏ vợ ở nhà nghe người ta chỉ trên mạng chồng nó chụp hình xà nẹo với người ta. Tức nổ đom đóm, nửa đêm con nhỏ dẫn xấp nhỏ loi nhoi lóc nhóc lên thành phố đánh ghen, còn quay phim làm bằng chứng. Nghĩ thấy mà thương nhưng vương thành tội.
Từ ngày cả xóm biết đến cực sắt có màu, mấy đứa con nít chí choách xề xà đu theo người lớn xin chơi game, chơi mạng. Riết rồi cánh đồng mất bóng của những trò chơi đuổi bắt, quánh nhau, mất luôn tiếng cười rôm rã những buổi chiều tà nắng hạ. Cánh diều giờ nằm xó nhà, phủ lớp bụi dầy vương ánh mắt nhớ bầu trời bao la. Tụi nhỏ ngày xưa lớn dần trong những trò chơi dân dã, những điệu hát vè… giờ chỉ còn là kỉ niệm vương bóng trên phim.
Những con người xưa cũ như ông Tư chỉ biết thể hiện tình thương, qua lời nói, hành động, chăm sóc hai đứa con bằng mấy món ăn nóng ấm. Giờ tụi nhỏ tiến càng xa thì ông cố học cách chạy lại cho gần. Còn chuyện sau này ông không đuổi kịp nữa thì tính mần sao? chẳng ai biết được. Ờ! mà biết đâu đó, ông lại quắt queo trong ngôi nhà cô đơn quạnh quẽ, đón mừng năm tháng cuối đời bằng những hình bánh kem, lời chúc tụng cọp dê từ chỗ nào… Mà chúng nó tag tên ông. Rồi thời gian trôi, ông cứ vậy mà lặng lẽ chết, lạnh ngắt phủ tấm vải mềm. Trong khi những đứa con, đứa cháu của ông ở đâu đó bận đổi hình nền, bận trả lời tin nhắn, bận thả những hình icon mặt khóc, bận cả viết mấy lời xót thương.
Nghĩ tự nhiên buồn, ông Tư Tình thương mấy đứa nhỏ nên còn phải gắng sống, còn phải chạy theo công nghệ, phải nghịch facebook, còn nghe nhạc Trịnh dạo mòn năm tháng, thả hồn trôi lững thững về những năm tháng lòng người vấn vít qua những bữa cơm dẻo ngọt, giòn rụm tiếng nói cười.