Ông Shimamura Yoshio là Chủ tịch một công ty khởi nghiệp tại Nhật chuyên buôn… dây thừng.
Trước tiên, ông đến nhà máy sản xuất dây thừng, đặt mua một loại dây với giá 0,5 yên một sợi, sau đó bán lại đúng giá mua. Cách kinh doanh phi lợi nhuận này được duy trì 1 năm. Tiếng lành đồn xa, câu nói “dây thừng của Shimamura rẻ” bay đi bốn phương, đơn đặt hàng bay về như bông tuyết mùa đông.
Đến lúc này, Shimamura cầm hóa đơn mua dây thừng đến từng hộ đặt hàng, nói: “Cho đến hôm nay, tôi không lấy một đồng tiền lãi nào của các vị. Nhưng cứ tiếp tục phục vụ như thế này, tôi chỉ còn cách đi theo con đường phá sản”. Các hộ khách hàng rất cảm động trước tinh thần phục vụ và sự chân thành của ông, tình nguyện nâng giá mua lên 0,55 yên một sợi.
Shimamura quay lại nhà máy sản xuất dây thừng, thương lượng: “Các ông bán cho tôi mỗi sợi 0,5 yên, tôi luôn bán đúng giá đó cho người khác, do đó mới có nhiều đơn hàng như ngày nay. Nếu cứ tiếp tục bán nguyên giá mua, tôi chỉ có nước… phá sản”. Chủ nhà máy xem hóa đơn mua – bán, bỗng giật mình vì lần đầu tiên mới gặp một người buôn bán “lạ đời”, không lấy tiền lãi. Và, không chút do dự, chủ nhà máy tình nguyện hạ giá bán mỗi sợi còn 0,45 yên.
Thế là, tính toán sơ sơ, nếu bán 10 triệu sợi dây thừng, ông Shimamura thu lãi tới 10 triệu yên. Sau 2 năm lập nghiệp, Shimamura trở thành triệu phú và “Thuật bán nguyên giá Shimamura Yoshio” ra đời.
Tư duy “khác người” cộng với mạo hiểm và kiên trì đã đưa nhà kinh doanh đến thành công.
Thực ra, cốt lõi của “thuật nguyên giá” chính là dùng lợi thế sản lượng lớn để đạt được mức giá tốt nhất. Nếu ngay từ ban đầu, Yoshio chỉ đơn giản đến và thương thảo với cả 2 bên khách hàng và nhà sản xuất, chắc chắn việc nhượng bộ không dễ dàng xảy ra. Cảm động chỉ là cái cớ, thực tế với một sản lượng lớn như thế, Yoshio đã có một quyền lực đàm phán đáng kể, và kết quả là ông đã có được lợi thế, dù ít trên một đơn vị nhưng nhiều trên tổng sản lượng.
Và không đâu xa lạ, biến thể của phương pháp này ngày nay đã được rất nhiều doanh nghiệp quen thuộc với chúng ta áp dụng. Phương pháp của Yoshio nghe qua rất lý tưởng, nhưng ở thời đại ngày nay, trước sự cạnh tranh vô cùng gay gắt và áp lực của tốc độ phát triển, thay vì bán nguyên giá, các doanh nghiệp sẵn sàng chịu lỗ một tỷ lệ nhất định để giành được thị trường càng nhiều càng tốt. Muốn bán càng nhanh, hãy bán giá càng thấp, đó là một nguyên tắc không bao giờ cũ. Và đó chẳng phải là cách làm của những ông lớn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee… hay còn là cuộc chiến sống còn đang đến hồi gay cấn giữa Grab, Uber và các hãng taxi truyền thống đó sao? Nền kinh tế chia sẻ, công nghệ hiện đại cuối cùng chỉ là công cụ, mục đích cuối cùng của họ vẫn là một quy mô tiêu thụ đáng kể. Và cuối cùng, sau khi đã bình định các đối thủ và giành được chiến thắng, cũng như Yoshio, họ sẽ sử dụng quyền lực của mình để thu lại lợi nhuận. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng bản chất của kinh doanh vẫn muôn đời như vậy.
Theo thời gian, dù cho công nghệ và cuộc sống của con người đã thay đổi nhưng kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ vẫn còn nguyên đó. Hiểu được bản chất vấn đề và tìm cách sử dụng sáng tạo chúng trong thời hiện đại chính là nhiệm vụ của hậu bối chúng ta. Đừng chờ đợi những bài học hoàn toàn mới mẻ từ trên trời rơi xuống nữa, đôi khi tất cả những gì chúng ta cần học hỏi đã có sẵn ngoài kia. Tìm học được tới đâu và nghĩ cách vận dụng như thế nào, đó là còn tùy thuộc ở bạn vậy.
Nguồn: Sưu tầm
#trainghiemsong
#nghiendulich
Cùng tham gia nhóm Nghiện Du Lịch để chia sẻ đam mê du lịch