ỐNG HEO CỦA CON NHÀ NGHÈO (phần 1)

(Trích trong Tác phẩm NHỮNG MẢNH ĐỜI xuất bản năm 2017)

Lê Nguyệt. 

1.

Tý 8 tuổi, con Sửu em nó thì mới lên sáu, ba Thiện của nó ra đi bỏ mẹ Ngọ nó lúc Sửu mới hai tuổi và mẹ nó đã kịp có chồng khác. Dì Hai Tuất của nó ở cạnh bên đã từng ngăn cản không cho mẹ nó tái giá với người đàn ông nầy vì không biết gốc gác cội nguồn ông ta ở đâu. Dì sợ sau khi có con với mẹ thì ổng lại bỏ đi mất một mình mẹ nó không cách nào nuôi nỗi bầy con, nhưng mẹ nó đâu có chịu nghe nên dì cũng đành bất lực.

Bây giờ thì nó có thêm một đứa em gái chưa biết đứng chựng nữa. Nhà nghèo lại càng nghèo thêm. Tý và Sửu thường hay qua nhà dì Hai nó ăn chực cơm nguội. Được cái dì cũng thương, bữa cơm nào cũng nấu nhiều hơn để anh em nó có cái ăn, có khi Tý còn nê theo con Dần qua khi mẹ nó đi mần vắng nhà.

Mà lạ nhen, dì Hai thương anh em nó chứ không thương conaanf.

Dượng Hai Kiên là thầy giáo Tiểu học, lương cũng ba cọc ba đồng, dì dượng  cưới nhau mà  vẫn chưa con. Dì của nó giỏi lắm, chồng đi dạy, một tay dì trồng chút đỉnh rau củ để bán, nuôi heo, nuôi gà vịt thêm để cải thiện cuộc sống. 

Ông bà ngoại mất lúc mẹ nó còn bé xíu, chính dì nuôi mẹ nó như nuôi con dù cách nhau có ba tuổi. Nhà nghèo lắm, nghèo rách mồng tơi nhưng dì buôn bán giỏi và cho mẹ nó học may, sau đó dì mở tiệm tạp hóa nho nhỏ còn mẹ may cọc cạch, chị em đùm bọc nhau cũng đủ sống rồi thì gặp ba nó, dì gả mẹ nó xong cho vợ chồng cất nhà ở riêng sát bên. Mẹ nó vẫn may đồ còn ba đi làm thuê làm mướn cho người ta, công việc của mẹ càng ngày càng ít khách vì bà không có điều kiện để học thêm nhiều kiểu đồ đẹp và nhất là cứ thai nghén sinh đẻ liên tiếp anh em nó trong vòng hai năm.

Rồi một hôm ba nó đi biệt không về.

Mẹ nó khổ lắm, lại phải một tay dì Hai đùm bọc mới qua được cơn khốn khó. Rồi Tý cũng được đi học như người ta nhưng con Sửu thì không được vô Mẫu giáo vì không có tiền gửi và mua sắm quần áo cho nó mặc. Ngay cả tiền quần áo sách vở của Tý cũng do dì Hai Tuất lo.

Dì Hai nói mẹ nó là đứa NẶNG VÀM, lì như trâu. Khi bị dì rầy mẹ Ngọ không hề trả treo nhưng cũng không hề nghe lời khuyên bảo. Dì nói với anh em Tý ” tao nặng hơi mỏi cổ với con mẹ của bây lắm rồi” mà Tý cũng không hiểu nặng hơi mỏi cổ có nghĩa là gì nữa.

Mẹ nó rất ít nói chuyện và ít âu yếm với anh em nó. Đi làm thì thôi, về tới nhà là lo quét dọn và lúc nào cũng cau có lầm bầm gì ở trong miệng. Mẹ cũng ít nói chuyện với cha dượng và dì Hai, Tý nhớ cũng rất lâu rồi anh em nó chưa được mẹ ôm hôn, kể cả con Dần bé xíu dù mẹ cho bú, tắm rửa hàng ngày cũng ít khi thấy bà hôn nó. Tý ngây thơ nói điều đó với dì thì dì chỉ chép miệng, lắc đầu rồi ôm nó vào lòng.

Mẹ Tý đi phụ quán lẫu bò cho người ta, mỗi ngày từ hai giờ chiều đến bảy giờ tối, có khi quán đắc bán đến mười giờ khuya mà cũng chỉ được có 70 ngàn đồng, ngày nào hết ngày nấy. Tý đi học về là phải giữ con Sửu và con Dần. Dần còn ẳm trên tay mà nó cứ khóc lè nhè suốt ngày khó dỗ trần thân. Mỗi lần như vậy Tý lại nê nó sang nhờ dì Hai dỗ. Dì lấy bánh tiệm cho Dần ăn mới chịu nín, nhìn thấy Sửu dòm miểng bánh lom lom và nuốt nước miếng, dì lại lấy thêm cho cả ba anh em.

Cha dượng nó thì đi phụ hồ với người ta, nhưng ông ta tánh dễ nỗi nóng và thích nhậu nên cũng ít được lòng chủ thầu, vậy là khi nào gấp lắm mới gọi ông còn thường là thất nghiệp.

Nhìn tình cảnh nhà nó như vậy, dì Hai kêu mẹ Tý lại bảo:

— Mầy bây giờ đã ba đứa con rồi. Kiếm chuyện gì có thu nhập ổn định mà làm, làm tại nhà để trông chừng con cái. Dần còn nhỏ xíu mà mầy bỏ đi cả buổi chiều tới khuya mới về, ai cho nó bú, ai dỗ nó ngủ? Để nó khóc oặc oà oặc oại vậy xóm riềng quở quang. Nói với thằng chồng mầy cũng tu tỉnh mần ăn chứ thôi nghèo chểt luôn à.

Mẹ Ngọ làm thinh không trả lời, đứng dậy định bỏ đi nhưng dì Hai kéo lại:

— Mầy bỏ cái tật lầm lì của mầy nghe hôn? Đẻ cho cố xác vô, chồng hai ba đời rồi giờ chẳng biết lo, chẳng biết nuôi con ra làm sao hết. Khổ thì khổ một mình chứ mấy đứa nhỏ có tội tình gì?

Mẹ nó quay lại, gắt lên:

— Chứ bây giờ chị kêu tui làm sao?

— Thì tao nói rồi đó, tao dẫn mầy lên nhà bà Hằng lảnh đồ chục về ráp, siêng năng, chịu khó chút ngày cũng kiếm cả trăm ngàn khỏi phải dòm thái độ người ta.

Ngọ trề môi:

— Làm cái chuyện “lúa trăm mà đong lít” may ngày được bao nhiêu tiền?

— Chứ bây giờ ngày mầy được bao nhiêu? Thằng chồng mầy bữa nào đi làm thì thôi, bữa nào nghỉ thì ở nhà lo cơm nước cho mầy rảnh rang mà may. Vừa may vừa dòm chừng con của mầy, đã cho thằng Tý đi học thì cũng phải để nó học đàng hoàng, có đâu mà tối ngày giữ em làm sao học hành?

Ngọ tỏ thái độ bực bội:

— Trời, lải nhải hoài mệt ghê, chị kệ tui đi, tui hỏng phải con nít.

Xong te rẹt bỏ đi, dì Hai Tuất ngồi lại, lắc đầu, rươm rướm nước mắt mà giận no.

Chiều hôm đó , Lộc, cha dượng của Tý đi làm về, người nồng nặc mùi rượu. Vừa bước vô nhà , anh ta quăng bịch cái túi dụng cụ làm hồ vào một góc rồi lên võng nằm đưa vù vù. Cái võng mà chiều tối nào Tý cũng thả con Dần lên dỗ cho nó ngủ, Dần khóc dai dẳng một hồi rồi mệt, ngủ luôn. Đợi nó ngủ mê Tý mới nơ nó lên giường, tấn mùng xong xuôi rồi kêu Sửu vào cùng nằm chờ mẹ về. Hôm nay Lộc cứ nằm đưa tòng teng hoài mà Tý cũng không dám nói mặc dù Dần tới cử, khóc lè nhè cả buổi. Nghe một hồi mắc quạu, Lộc chửi:

— ĐM, cái thứ gì khóc dai như đỉa đói. Tao nói bóp mũi cho nó chết là xong. Từ hồi sanh con nhỏ nầy tới giờ lụn bại luôn hà.

Tý sợ điếng trong bụng, tay ẳm con Dần, tay dắt con Sửu ra cửa hóng đợi mẹ. Nhưng Dần đâu chịu nín, nó hét càng dữ hơn. Dì Hai đứng bên nhà đã thấy nhưng dì đang bận bán đồ cho vài người nên chưa dỗ giùm nó thì cha dượng đã hét lên:

— ĐM, mầy lấy nùi giẻ nhét vô họng nó cho nó im đi hôn, khóc một hồi tao vặn cổ bây giờ.

Dì Hai nghe vậy, bước qua xớt con Dần từ tay Tý, đưa cho Lộc:

— Nè, vặn cổ cho nó chểt đi. Phải chết liền nhen.

Lộc im, làm bộ nhắm mắt, đưa võng vù vù. Dì Tuất nổi nóng lên:

— Không biết nó con của quân nào mà khó chịu quá trời. Một ngày ngoài lúc ngủ ra thì toàn là khóc, ăn cũng khóc. Làm cha mẹ mà chẳng hề quan tâm coi nó có khó ở trong mình hay không, mạnh vợ vợ đi, mạnh chồng chồng đi, giao cho thằng nhỏ tám tuổi chăm sóc. Nghĩ có tui nên nạnh hẹ chứ gì? Mà tui cũng đâu có làm mọi hoài được, tui thương cháu chứ không có thương cái thứ chẳng có trách nhiệm đâu à.

Nghe dì Hai châm chích vậy mà cha dượng cũng làm thinh. Dì tức mình, mát mẻ:

— Rồi giờ có chịu xuống lên giường nằm trả cái võng cho nó dỗ em ngủ hay không?

Lộc lầm bầm rồi cũng vất vả rời khỏi võng, rớt thân bịch xuống cái giường kế bên. Tuất liếc hắn bằng nửa con mắt rồi đặt Dần xuống võng, vỗ vỗ vào đầu nó đang khóc hức hức như tủi thân:

— Thôi ngủ ngoan đừng khóc nữa nhen con. Nè Tý, lại dì dạy cho.

Rồi Tuất ắm Dần để Tý nằm xuống trước, đỡ con Sửu lên nằm trái trả với nó rồi đặt bé Dần nằm trên tay trái của Tý, vậy là ba anh em cùng thoải mái nằm chờ mẹ về. Dì bảo chờ chút rồi về nhà lấy qua sợi dây và khoanh nhang muỗi, dì đốt nhang lên, cột sợi dây vào cột nhà phía tay phải của Tý rồi đưa cho nó kéo tới kéo lui để võng không ngừng. Ba anh em thích chí cười vang dội, con Dần cũng cười quên khóc.

Anh em Tý ngủ quên trên chiếc võng đã ngừng đưa nhưng nhờ có khói nhang nên chúng không bị muỗi đốt. Khi mẹ nó về, xách miếng đồ ăn thừa trong quán đem xuống bếp hâm lại thì Lộc cũng tỉnh rượu, nhìn thấy Ngọ lui cui dưới bếp, anh ta cằn nhằn:

— Nay đi phục vụ thằng nào mà tới giờ mới về?

Ngọ lặng thinh không thèm trả lời khiến hắn đổ quạu:

— ĐM, cái nhà nầy riểt câm hết rồi.

Rồi đột ngột giận dữ, gầm lên:

— Hay là mầy chán chê tao rồi? Nói mẹ một tiếng đặng tao biết đường mà liệu thân tao chứ?

Ngọ quay lại:

— Liệu làm sao?

Lộc nhấm nhẳn:

— Mầy nói chán tao một tiếng, tao bỏ đi khỏi cái nhà nầy liền.

Ngọ hứ một cái cốc, trề môi:

— Bỏ đi để con ông lại chó nuôi hả?

— Tại mầy ham đẻ, mầy ham đẻ nên tao để mầy nuôi cho đã. Sanh gì đụng tới là sanh, sanh ra con nhỏ nó khóc trù chủ suốt ngày ngóc đầu dậy không nổi..

— Tại cái thứ nào ra thứ đó vậy thôi.

Lộc bật đứng dậy:

— Thứ tao làm sao hả mậy? Bây giờ tao đã hiểu rõ tại sao thằng chồng trước nó thôi mầy rồi. Bản mặt hãm tài nầy có mần ăn tới già cũng không khá nỗi. Tao tiếc mấy năm lãng phí với mầy quá.

Ngọ cũng không vừa gì:

— Tiếc rồi ông làm sao? Bỏ tui à?

Lộc im lặng. Được nước, Ngọ làm tới:

— Ông nghĩ đi, một tháng ông làm ra được bao nhiêu tiền? Đủ để ông ăn nhậu không? Tui phải đi ở đợ cho người ta mới nuôi nổi cả nhà nầy. Con bỏ cù bơ cù bất là lỗi của tui sao? Những ngày không đi làm ông ở nhà phụ trông chừng chúng cũng không được thì xứng làm cha sao?

Lộc ngồi xuống giường một cái rầm:

— ĐM, mầy nói một hồi tao lọi họng mầy bây giờ. Thứ đàn bà gì…

— Đàn bà gì sao?

— Đàn bà gì không chịu an phận thủ thường, ở nhà kiếm chuyện gì làm, hễ tối là chưng ra ngoài quán nhậu cho đàn ông ghẹo chọc sờ mó. Tao lạ gì mấy chỗ đó, mà tao cũng rành mầy sáu câu vọng cổ. Mầy ham đực cái lắm, một thằng chồng chưa đủ nên phải kiếm thêm.

Ngọ gào lên làm Tý thức giấc và bên kia Tuất cũng nghe thấy:

— Ông nói tui như vậy đó sao? Đem cái thân trâu ngựa kiếm tiền lo cho chồng con giờ lại nói vậy?

Ngọ rấm rứt khóc. Lộc như thấy mình quá đà, bèn xuống nước nhỏ:

— Tại tui thấy bà làm đêm hôm mà không có bao nhiêu tiền nên nói cho bà tức mà kiếm chuyện gì khác làm. Chứ cái kiểu vợ chồng mình như vầy nghèo không có cơm ăn bây giờ.

Ngọ dịu lại, cô nghĩ đến lời nói của chị Hai Tuất, liền trả lời Lộc:

— Hay là tui tính vầy anh thấy sao? Tui đi lảnh đồ chục về ráp. Anh bữa nào không đi mần về phụ tui cơm nước coi chừng mấy đứa nhỏ. Tui ráng may cọc cạch cũng kiểm ngày trăm ngàn, xài tặn tiện cũng không đến nỗi nào.

— Thì bà tính sao thì tính miễn cải thiện được cuộc sống hiện nay chứ tui thấy bế tắc quá.

Dì Tuất sợ vợ chồng đánh nhau nên nhóng nghe, sau khi nghe được những lời của Ngọ dì mới yên tâm, chúm chím cười.

Tý nghe hai người nói chuyện rù rì một hồi rồi ngủ tiếp, đến sáng thức dậy thì thấy mình nằm trên giường rồi.

Ngọ rụt rè qua nhà Tuất, cô ngại gặp anh rể, trước khi cưới Tuất, có một thời gian Ngọ cũng thầm mơ đến Kiên nhưng tự cô biết mình không thể nào với tới con người đứng đắn đạo mạo như vậy. Đển khi anh và Tuất yêu rồi thành vợ chồng với nhau Ngọ mới tức tối vì nghĩ rằng mình đã bỏ qua cơ hội , và Tuất không có gì hơn được cô. Cho nên cũng vì lẽ đó, Ngọ ít gần gũi và nghe lời chị mình như trước nữa.

Hôm nay mang mặt nhục qua xuống nước với Tuất vì Ngọ sợ mất chồng. Phải, cô không thể nào mất chồng lần nữa dù rằng cô cũng đã chán chê cái hủ hèm nầy lắm rồi.

Có cả vợ chồng Tuất ở nhà, Tuất biết lý do Ngọ tìm gặp chị và không để em mình khó xử trước mặt chồng, chị nói liền:

— Mầy chờ tao vo nồi cơm bắt lên rồi dẫn mầy ra bà Hằng lãnh đồ may.

Chị tất tả đi nấu cơm, Ngọ xớ rớ đứng đó thì Kiên nhìn cô, cười cười:

— Ngồi đi dì Ba.

Tự nhiên, Ngọ thấy mất tự nhiên khi đứng trước anh rể, người mà cô đã từng thầm thương trộm nhớ.

Vậy là Ngọ đã lảnh đồ chục về để ráp, lúc đó cô mới phát hiện ra là lâu nay Lộc không hề đi làm hồ, cô cũng không biết anh ta đã từng đi đâu hết ngày nầy đến ngày khác. Những ngày đầu đem đồ trẻ em về ráp, Lộc cũng lo cơm nước quét dọn giặt giũ cho Ngọ rảnh rang mà may. Ngọ chỉ việc ngồi đó, thỉnh thoảng cho con bú và tới bữa thì ăn cơm, từ sáng tới tối cũng ráp được hơn 150 cái áo, mỗi cái 1000₫ là 150.000₫, cũng hơn gấp đôi làm ở quán nhậu.

Tý cũng rảnh rang mà lo học hành. Nó và Sửu nhìn thấy đám rau càng cua mọc đàng sau nhà quá chừng xanh um tươi tốt bèn nhổ một rỗ đem về ăn và mang cho dì Hai nó một mớ. Tuất nhìn thấy rau đẹp quá bèn hỏi Tý:

— Con nhổ ở đâu?

Tý liếng thoắng trả lời:

— Đàng sau nhà con á.

— Nhiều hôn?

— Quá trời quá đất luôn. Dì muốn ăn nữa hả? Để con nhổ cho.

Tuất khoát tay, lắc đầu:

— Không phải, là dì muốn nói nếu nhiều, anh em con đem qua đây dì bán giùm cho rồi lấy tiền ăn bánh hay bỏ ống cũng được.

Tý và Sửu thắc mắc:

— Bỏ ống là sao dì?

Tuất cười, chị vò đầu chúng, trìu mến:

— Con kêu mẹ mua cho con heo đất, mỗi ngày anh em nhổ rau đem qua dì bán được bao nhiêu thì bỏ vô con heo, chừng nó đầy đập ra con sẽ có tiền mua quần áo đẹp hay mua cái gì đó con thích.

Tý nhảy dựng lên, mặt mày sáng rỡ:

— Ôi, thích quá, con muốn mua nhiều thứ lắm đó, trước hết là mua cho con Sửu bộ đồ để nó đi học, đóng tiền đầu năm cho nó nữa, rồi mua cho con Dần bộ đồ đẹp, mua cho dì với mẹ mỗi người một khúc vải để may áo mới.

Nói xong, nó nhảy cà cồng như chuyện đó đang xẩy ra, Tuất thương làm sao là thương:

— Còn con? Con mua gì cho mình nà?

— Khỏi, con là con trai mà. Dì ơi, hái rau hoài nó cũng hết hà, hết rồi bán gì giờ?

— Con đừng có nhổ, dùng dao mà cắt để nó còn lên nữa chứ. Hết rau thì con đi nhổ rau dền dền bán cũng được.

Thằng Tý mừng hết biểt, viễn cảnh cái ống heo làm nó rạo rực suốt ngày. Về nhà, khi nhìn thấy mẹ đang ngồi cho Dần bú, Tý xà lại:

— Mẹ mua cho con con heo đất đi mẹ.

Ngọ nhìn con, hỏi xẵng lè:

— Chi vậy? Hỏng có tiền ăn ở đó mà bỏ ống heo.

Tý vội vả kể chuyện dì Hai biểu thể nầy, dì hai biểu thế kia, Ngọ bực bội:

— Bả biểu thì kêu bả đi mua đi, tao không rảnh cũng không có tiền.

Tý như cái bong bóng bị xì hơi. Dì Hai vừa mới nhóm trong lòng nó tia hy vọng lại bị mẹ nó dập tắt một cách không thương tiếc. Bỗng dưng Tý nhận ra một điều là chuyện gì nó cũng có thể nói với dì chứ không thể nói với mẹ. Dì luôn lắng nghe và trả lời nó ân cần chứ không phải lúc nào cũng có thể làm cho nó thất vọng. Rồi Tý cũng ngộ thêm một điều nữa là mẹ nó không, không bao giờ ôm hôn nó và Sửu, còn dì Hai thì cứ luôn ôm anh em nó vào lòng.

Tý ủi thân, đứng dậy thất thiểu ra ngoài cửa, nó nép vào vách muốn khóc hết biết nhưng nước mắt không chảy ra. Con Sửu đeo theo giật giật tay nó:

— Mẹ không cho mua con heo hả anh?

Tý nhìn Sửu, ôi bộ đồ mới và tiền học phí. Nó rươm rướm nước mắt, dì Hai bên kia nhìn thấy đưa tay ngoắc ngoắc nó. Tý chầm chậm đi qua, kể cho dì nghe mẹ nó nói vậy, dì chắc lưỡi, nhếch mép:

—- Tội nghiệp, thôi để dì mua cho.

Tý ngước nhìn dì Hai của nó, trong bụng thầm nghĩ nếu như mẹ nó giống như dì thì anh em của nó sẽ vui vẻ biết bao nhiêu.

Hôm sau, Tý canh dì Hai đi chợ về, vừa thấy dáng dì tuốt đàng xa nó đã chạy ra phụ xách đồ, lăng xăng ra chiều nịnh bợ mà không dám hỏi gì về con heo. Dì Hai hiểu ý nên khi vào tới nhà liền soạn ra con heo đất bự bằng cái đầu con Sửu đưa cho nó. Tý ôm con heo trong tay, bụng sướng rơn. Nó nói cám ơn dì rồi nhảy cồng cồng về nhà, miệng réo con Sửu om trời:

— Sửu ơi Sửu, dì Hai mua cho con heo nè.

Sửu đang ngồi chơi với Dần, bèn đứng bật dậy, đỡ lấy con heo trên tay anh nó, mắt sáng rỡ:

— Ôi con heo, con heo. Đi anh, đi nhổ rau liền.

Dần khóc thét lên đòi con heo cho bằng được, Tý giành lấy ôm vào lòng dặn dò Sửu:

— Không cho bé Dần đụng vô nhen, nó làm bể cái chết à.

Rồi anh em nó đem heo lại giường, để trên đầu nằm và lấy mền đắp lại dấu Dần, nhưng nó đã nhìn thấy, bèn vừa khóc vừa lếch lại mẹ nó, đưa tay chỉ con heo. 

Ngọ nãy giờ nhìn xem bọn trẻ đang làm gì, trong lòng cô cũng thoáng chút ái ngại với con nhưng rồi cô nghĩ, Tuất khá giả lại không có con thì lo cho cháu cũng là việc đương nhiên thôi. Vả lại, bây giờ cô lo cái ăn cái mặc cho cả nhà cũng đủ mệt rồi, bọn nhỏ nhổ rau bán có được bao nhiêu thì phải đưa cho cô chứ sao Tuất lại bày ra cái vụ bỏ ống heo rồi còn mua heo cho chúng nữa. Nghĩ tới đó tự nhiên cô cảm thấy tức, bèn lại đầu giường lấy con heo đưa cho Dần chơi.

Tý và Sửu hoảng hốt giành lại, Tý nói:

— Mẹ kỳ quá, con heo bằng đất Dần quăng một cái bể nát làm sao bỏ ống?

Ngọ nạt:

— Tiền bạc đâu mà bỏ ống?

Sửu giành lại con heo, Dần khóc ré lên và Sửu cũng khóc, Tý uất ức:

— Con đâu có xin tiền mẹ đâu, tự anh em con kiếm tiền bỏ heo thôi mà.

— Con nít con nôi làm gì ra tiền? Để em nó chơi cho tao may đồ mới có tiền mua gạo biết chưa?

Lần đầu tiên Tý cãi lời mẹ, nó xớt con heo từ tay Sửu đi qua dì Hai, nói với lại:

— Mẹ Không cho bỏ ống heo thì con đem trả dì Hai.

Rồi mặc cho Dần khóc la, hai anh em nó đi qua dì thì Tuất đã đứng trước cửa nhà chúng.

— Việc gì mà um bà sùm hết trơn vậy?

Bao nhiêu bực dọc Ngọ trút hết vào chị mình:

— Tại chị rộn chuyện đó mà. Chị thấy tui khổ chưa đủ sao mà bày ra cái vụ bỏ ống heo cho rùm beng vậy? Đám con nít con nôi làm gì ra tiền mà bỏ ống hỏng phải chị xúi tụi nó chôm chỉa tiền tui ha? Chưa nói ăn cắp quen tay bữa nào nó chôm tiền của chị đừng nói sao rủi nhen.

Tuất ngẩn người vì những câu nói của Ngọ. Chị lại chặc lưỡi:

— Trời ơi sao mỗi lúc mầy mỗi quá đáng vậy Ngọ? Con nít mua cho nó con heo để cho nó vui, có niềm hy vọng, tập cho nó hái rau rác chung quanh nhà bán kiếm tiền, tích lũy lâu ngày có cái để sắm quần sắm áo đi học mà cũng không được sao?

Ngọ trề môi:

— Bán ba cái rau càng cua đó được bao nhiêu tiền mà bỏ ống?

— Bao nhiêu cũng bỏ được. Bởi vậy tao nói mầy nghèo hoài là phải, làm ra tiền thì ít mà hở ra là chê. Con nít thì làm chuyện của con nít, nó làm ra ngày trăm ngàn được sao? Mười mấy ngàn cũng lạy mà mừng à.

— Mười mấy ngàn phụ tui không được sao mà bày ra chuyện bỏ ống?

Tuất nổi quạu:

— Không có mười mấy ngàn của nó mầy chết đói hả? Đâu mầy nghĩ lại coi, cho thằng Tý đi học mầy lo được cái gì? Quần áo cũng không, tiền học phí cũng không, thậm chí quyển tập cây viết cũng không có, chỉ biết đẻ chứ không biết lo. Bây giờ tao mua cho nó con heo, dạy cho nó cách kiếm tiền để nghỉ hè vô còn lo thêm cho con Sửu, năm nay là hai đứa chứ không phải một nhen. Làm mẹ như mầy con lớn lên một chữ bẻ đôi cũng không biết.

Tuất trầm ngâm:

— Hồi đó nghèo hèn gì, mà tao cũng nuôi mầy học tới lớp 10, là do mầy làm biếng không chịu học nữa chứ mầy ráng tới đâu tao cũng ráng tới đó thôi.

Nhắc tới chuyện ngày xưa, Ngọ không nói nữa. Tý ôm con heo qua gửi nhà dì chờ tối đem về cho Dần không nhìn thấy.

— Thằng chồng mầy đâu?

— Đi nhậu rồi.

— Vậy không. Mần tới chết không khá nổi.

Tuất bỏ về. Ngọ ngồi đờ người ra, nhớ tới Lộc cô bực mình muốn đập một cái gì đó cho vỡ tan tành.

Chiều lại, anh em thằng Tý hâm hở ra đám rau càng cua sau nhà, Tý cầm con dao nhỏ xíu còn con Sửu bưng cái rổ chà bá chạy lơn tơn theo anh, Tý cắt được bao nhiêu thì Sửu bỏ vào rổ bấy nhiêu. Hai đứa sung sướng khi nhìn rổ rau đầy cứng mà đám càng cua chẳng có vơi đi là mấy.

Xong anh em nó mang qua dì Hai, Tuất nhìn hai đứa nhỏ, vừa thương vừa buồn. Chị ngồi xổm xuống đổ rổ rau ra rồi dạy cho anh em nó lặt bỏ những cọng bông chỉ còn lại rau xanh mướt, chị xếp ngay ngắn chúng lại bỏ trở vào rổ và để lên cân, rổ rau lớn vậy mà chỉ được gần hai ký, chị đưa cho Tý 20 ngàn bằng hai tờ 10 ngàn để mỗi đứa có thể tự mình bỏ vào ống heo.

Anh em Tý mừng quính, lần đầu tiên cầm trên tay số tiền “lớn” như vậy. Hai đứa ù té chạy về nhà không quên xin dì Hai cái túi xốp đen, Tý trân trọng mang con heo ra, tự tay xếp tiền bỏ vào. Dần nhìn và làm theo từng động tác của anh mình, xong, hai đứa nhìn nhau cười chúm chím, mặt mày hớn hở.

Tý nâng con heo bỏ vào cái túi xốp đen rồi để trên đầu tủ đựng đồ ăn tránh không cho con Dần thấy vì nhà nó không có cái tủ nào khác. Nhất cử nhất động của anh em nó không lọt khỏi mắt Ngọ và Lộc, Ngọ không nói gì nhưng Lộc thì vặn hỏi:

— Tiền đâu mà tụi bây có?

Sửu trả lời:

— Con bán rau cho dì Hai.

— Rau đâu bây bán?

— Con nhổ rau càng cua đàng sau nhà mình đó.

— Nhổ đàng sau nhà mình thì phải đưa cho mẹ bây mua đồ ăn chứ sao lại bỏ ống heo?

Tý nhìn cha dượng, trong bụng lo lo:

— Con bỏ ống để dành sắm đồ cho con Sửu đi học, mua đồ mới cho con Dần mẹ khỏi lo.

Lộc xì một tiếng:

— Xời, được bao nhiêu mà tính nghe ghê.

Nãy giờ lặng im nghe, Ngọ cảm thấy bực bội Lộc bèn mĩa mai trút giận:

— Kệ tụi nó đi, ông thắc mắc khỉ gì. Ít nhứt nó cũng biết lo chứ không phải như ông vậy, lo ăn nhậu chứ biết cái gì mà dành dụm.

Lộc trợn mắt ngó Ngọ:

— Tao không có chọc ghẹo tới mầy mà ĐM, mầy kiếm chuyện với tao hả? Mầy đừng có ỷ mần ra đồng tiền rồi chảnh chó với tao đó.

Ngọ cũng không nhịn:

— Không phải sao? Ông có phụ sự gì được cho tui hôn? Ở nhà lo giữ con cơm nước cho tui may mà cũng không làm được mà hả mở miệng ra là sợ nghèo, phải cải cách cuộc sống, cải cục cứt chứ cải, cải trong chai rượu của ông đó, không tiền bạc không biết lo, nay la cà chỗ nầy mai la cà chỗ nọ riết nghe tới tên ông người ta chạy mặt luôn. Nhục hết biết nhục mà.

Đang có rượu trong mình lại nghe những lời sỉ vả của Ngọ , Lộc tức không chịu nổi bèn đứng bật dậy xáng cho Ngọ một bạt tay, gầm lên:

— ĐM, mầy quá đáng lắm mà, nói chuyện với chồng cái kiểu đó hả?

Ngọ bị ăn bạt tay thì lập tức sôi máu lên, đang ngồi may cô cũng phóng nhanh ra ngoài cào vào mặt Lộc, rú lên:

— Mầy dám đánh tao hả? Cái thứ đồ ăn bám mà dám làm giọng cha hả?

Lộc nắm tóc Ngọ, kéo ghịt lên rồi vả bôm bốp vào miệng cô liên tiếp năm sáu cái, mỗi cái đều kèm theo câu “Đồ ăn bám nè”.

Dần khóc ầm ĩ lên. Tý chạy lại ẳm lấy nó, Sửu mặt mày tái mét run sợ nép vào anh, ba đứa cùng khóc mà chẳng biết làm sao. Ba mẹ nó vừa đánh vừa chửi nhau vang dội cả xóm làng.

Dì Hai bên nhà chịu không nổi cũng chạy qua can thiệp, dì hét lớn, tiếng hét của dì làm hai người dừng lại:

— Trời ơi tụi bây làm gì vậy?

Họ buông nhau ra, Ngọ trở lại ghế ngồi nơi bàn máy may. Lộc ngồi cái rầm xuống giường, Tuất bất nhẫn:

— Vợ chồng có gì thì nói nhau nghe, đánh đập chửi bới um sùm trước mặt con cái mà coi được sao?

Lộc phân bua:

— Chị nghe nó chửi tui hôn? Phật cũng nổi giận chứ đừng nói tui.

Ngọ trề môi:

— Cái thứ của mầy nói như vậy biết thấm vô đầu mầy hôn chứ ở đó mà nhỏ nhẹ.

Lộc chỉ về phía Ngọ:

— Đó, chị coi đó, nhịn nó được hôn?

Tuất từ tốn nói:

— Không đứa nào trúng hết và cũng không đứa nào nhịn đứa nào. Vợ chồng nghèo thì phải ráng lo mần ăn chứ kiểu nầy hoài làm sao khá nổi. Chuyện nầy không phải ngày một ngày hai mà xẩy ra. Nếu tụi bây có duyên sống đời với nhau thì phải nhẫn nhịn nhau mà sống chứ không phải hở chút là chửi, là đánh. Sống phải làm gương cho con chứ đâu tụi bây coi nè, mấy đứa nhỏ sợ run hết trơn rồi kìa.

Tuất ôm mấy đứa cháu vào lòng rồi dẫn về nhà chị cho chúng ăn cơm vì biết chắc xảy ra chuyện như vậy Ngọ không có nấu cơm chiều rồi.

Còn lại hai vợ chồng. Im lặng một hồi, Lộc nói:

— Chắc tui không ở với bà đươc nữa rồi. Bà liệu mà cố gắng nuôi con.

Ngọ hoảng hốt, tuy rằng khinh Lộc nhưng cô không bao giờ nghĩ rằng sẽ chia tay với anh ta, cô không muốn mình cô đơn. Phải, cô cần có một người chồng ở cạnh hay nói đúng ra là cô cần một người đàn ông.

Nhưng bây giờ anh ta nói vậy thì cô phải tính sao đây? Ngọ xuống nước nhỏ:

— Anh chán chê tui rồi hả?

— Không phải, là bà chán chê tui. Bà coi thường tui như vậy thì làm vợ chồng không còn ý nghĩa gì nữa rồi.

Ngọ lại hoảng hốt:

— Tại tui buồn nên nói vậy thôi chứ vợ chồng đã có một mặt con rồi đâu phải nói thôi là thôi. Tui muốn anh ngày nào không đi làm thì ở nhà phụ ví tui coi sóc mấy đứa nhỏ để tui yên tâm may đồ. Ngày kiếm trăm rưỡi bạc xài một trăm cũng còn năm chục, tui để dành rồi sắm cho anh chiếc xe đạp đặng có mà đi chứ anh cứ nhậu nhẹt hoài tui buồn bực mần gì cũng hổng được hết.

Lộc lặng im nghe Ngọ nói, một lát sau anh ta trả lời dứt khoát:

— Được, tui nghe lời bà. Tui không đi nhậu nữa nhưng mỗi ngày bà phải mua cho tui một xị, ăn cơm chiều tui uống cho dễ tiêu.

Ngọ nhìn Lộc, liếc một cái:

— Ừ cũng được. Coi bộ ông ghiền rượu dữ rồi nhen. Thôi qua dẫn tụi nhỏ về ngủ chắc chị Hai cho ăn cơm rồi.

Vậy là không còn trở ngại gì cho việc bỏ ống heo của anh em Tý. Dì Hai mua cho nó một ký phân urê để nó quăng vô đám rau cho tươi tốt. Tý cũng siêng lắm, nó tưới mỗi ngày nên đám rau lúc nào cũng xanh um.

Một bữa nó phát hiện ra dì Hai bán cho người ta chỉ có bảy ngàn một ký. Nó tính đi tính lại là dì đã lỗ mỗi ngày sáu ngàn. Tý thấy ngại nên bữa sau đem rau qua cho dì nó không lấy tiền, nói là bù cho dì bởi nó biết dì không bán được mười ngàn một ký. Dì cười xòa vò đầu nó rồi cũng đưa anh em nó mỗi đứa mười ngàn. Cầm tiền trên tay Tý bần thần trong bụng hết biết.

Rồi đám rau sau nhà nó cũng không ra kịp cho anh em nó cắt, trưa đi học về , con Dần có cha nó trông chừng, Tý dẫn Sửu đi vòng vòng quanh quẩn trong vườn nhà người khác để nhổ rau dền dền, có bữa gặp dền dền gai nó cũng nhổ bị gai đâm tứa máu, nó bứt luôn những lá bình bát còn non trộn vô về rửa sạch mang qua cho dì, dì Hai cũng trả cho anh em nó hai chục ngàn. Tý ái ngại:

— Rủi dì bán hỏng được hai chục ngàn sao?

Tuất cười:

— Được chứ, dì bán ba chục ngàn luôn đó.

Tý yên tâm, rồi nó lại hỏi:

— Dì ơi, nếu con nhổ nhiều hơn, rồi con cắt rau càng cua nhiều hơn dì bán hết không?

Tuất ngồi xuống ôm lấy Tý, lắc đầu:

— Bán không hết đâu con, xóm mình có mấy người, họ ăn cái nầy sẽ không ăn cái kia. Hôm nào dì đi chợ bổ đồ thì con có bao nhiêu dì bán cũng hết á.

Tý nhảy dựng lên vì mừng. Nó vái trời cho dì bán quán thiệt đắc để mau đi lấy hàng.

Ngọ mua được chiếc xe đạp cũng nửa sạc nhưng mẫu mã còn đẹp và chạy cũng nhẹ nhàng lắm. Lộc xăm xoi chiếc xe coi bộ rất vui mừng làm Ngọ cũng vui lây. Cô nghĩ có thể từ nay anh ta sẽ có hy vọng về tương lai tươi sáng nhất là trong tháng nầy anh ta đi làm hai ngày mà Ngọ cũng không hỏi tiền công. Lộc cũng không nhậu nhẹt ngoài đường chỉ về uống một mình mỗi ngày một xị là đà rồi ngủ nên Ngọ biết trong mình Lộc có ít nhất ba trăm ngàn.

Rồi một hôm ngủ dậy, Ngọ không nhìn thấy Lộc nên cất tiếng kêu, chiếc xe cũng không thấy nên cô nghĩ là Lộc đạp đi mua cái gì đó đến khi anh em Tý hớt ha hớt hải chạy vào vừa khóc vừa la:

— Mẹ, mẹ ơi mẹ có thấy con heo của con đâu hôn?

Lúc ấy, bỗng nhiên Ngọ rụng rời chân tay, ngồi bịch xuống giường không đứng dậy nổi.

Sửu nắm tay mẹ, vừa khóc vừa kéo kéo:

— Mẹ, mẹ lấy con heo của con cho em chơi rồi phải không? Trả cho con đi, con với anh Hai bỏ nhiều tiền ở trỏng lắm á. Trả cho con đi mẹ.

Ngọ điếng người, bỗng nhiên cô cảm thấy thương con minh đứt ruột đứt gan, cô ôm lấy Sửu, òa khóc:

— Thằng khốn nạn đó lấy của con, lấy luôn chiểc xe đạp của mình rồi.

Tý ngưng khóc, nó đờ người ra một chút rồi chạy như bay qua nhà dì Hai, dượng Hai đang ăn tô mì gói để chuẩn bị đi dạy, nhìn thấy dì đang lui cui dọn hàng, nó khóc lớn, lắp bắp:

— Dì ơi, ba con Dần ăn cắp con heo của con với chiếc xe đạp của mẹ trốn đi mất tiêu rồi. Huhuhuhu.

Tuất rớt túi đồ xuống đất, ngẩn người:

— Trốn đi mất tiêu rồi sao?

Tý hức hức:

— Trốn đi mất tiêu rồi dì ơi. Cái ống heo anh em con bỏ hơn một tháng rồi.

Tuất tất tả đi qua nhà Ngọ. Dượng Hai ngoắc Tý lại, ôm lấy nó vào lòng:

— Thôi bỏ đi con, làm lại ống heo khác, đừng khóc lóc hoài mẹ con buồn. Là con trai mấy lúc như vầy phải tỏ ra bãn lĩnh, hiểu không? Học thuộc câu nầy về nói với mẹ con:

Kẻ phụ tình ta

Người hôm qua không nên giữ

Kẻ bỏ ta đi

Ngày quay lại chẳng ra gì.

Học thuộc nhen.

Hết 1.

Lê Nguyệt.

(Còn tiếp).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *