ỐNG HEO CỦA CON NHÀ NGHÈO (P3)

Từ ngày có anh em Tý về ở chung, Tuất rất bận rộn. Kiên đóng một cái nôi lớn rồi lót chiếc chiếu cũ được anh cắt gọn gàng để Dần ngồi chơi trong đó. Tuất mua chút đỉnh đồ chơi cho con bé, khi nó chơi chán định khóc thì Sửu leo vào cùng chơi và dỗ em. Lạ một điều là từ lúc mẹ bỏ đi con Dần không còn khóc lè nhè như trước, nó chơi đùa vui vẻ với chị và khi được dì Hai bồng ẳm nó luôn tươi cười và hăng hái ăn cơm.

Tý được dượng Hai dạy học hàng đêm, đang chuẩn bị thi học kỳ 2 rồi nghỉ hè. Nhà Tuất cũng chật chội nên Kiên vẫn giữ nguyên căn nhà lá của Ngọ chỉ giở vách dừng để nối với nhà anh thành một nhà. Tối lại anh qua dạy Tý học và soạn giáo án xong cho anh em nó ngủ hết mới về. Anh hỏi Tý có sợ không? Tý lắc đầu cười trả lời :” con trai mà sợ gì? ” khiến Kiên cảm thấy vui trong bụng lắm.

Dần biết nói trước khi biết đi. Tiếng nói đầu tiên của nó là MÁ, nó gọi Tuất như vậy làm chị hạnh phúc chảy nước mắt. Nhờ cái nôi của Kiên mà Dần từ từ biết lần lần đi. Những lúc rảnh rỗi Kiên bồng nó ra, dẫn đi từng bước, Dần cười ha hả rồi cuối cùng cũng chạy giáp nhà tìm má.

Sửu biết vo cơm, biết quét nhà, dọn cơm và rửa chén, làm được gì nó tự làm cả dù dì Hai lúc nào cũng giành lấy để làm.

Tý là anh cả, ý thức được mọi việc, ngoài giờ học ra nó phụ bán quán với dì. Rảnh hơn, nó dẫn hai em đi hái rau về bán nhưng không lấy tiền bỏ ống nữa mà đưa hết cho dì Hai.

Nghỉ hè, Kiên mở lớp dạy thêm để kiếm thu nhập, Tuất may đồ chục y như Ngọ lúc trước nhưng do lu bu nên mỗi ngày chỉ ráp được chừng năm, sáu chục cái. Chị cũng vui vì ít nhiều cũng có thêm chút tiền.

Kiên làm thêm chuyện vá dép và thùng mủ. Những đôi dép mủ của khách bị đứt bất kỳ chỗ nào, anh cắt miếng mủ khác đắp vào rồi nung đỏ cái dùi sắt trên lò than hàn cho chảy ra xong anh tán lại cho bằng, vậy là khách không cần mua dép mới, mỗi đôi như vậy anh lấy tiền công năm ngàn, ngày cũng được vài đôi.

Những điều đó Tý thấy hết, nó biết dì dượng mình đang nổ lực kiểm tiền chỉ vì anh em của nó. Trong khi Sửu dửng dưng vì sự biến mất của mẹ nó và hài lòng vì cuộc sống vui vẻ no đủ bây giờ, thậm chí cả con Dần vô tư cũng cười vui suốt ngày thì Tý lại cảm thấy tủi thân, nó thương dì dượng bao nhiêu thì căm ghét ba mẹ nó bấy nhiêu.

Một bữa, khi Dần ngủ, Tý và Sửu cắt rau càng cua sau nhà, nó hỏi Dần:

— Sau nầy mẹ về cưng có đi theo mẹ không?

Sửu trề môi:

— Không bao giờ.

Rồi nó giật mình:

— Anh theo hả? Không cho anh theo nhen.

Tý cũng trề môi:

— Không bao giờ.

Sửu lim dim, mơ màng:

— Dì Hai thương mình hơn mẹ nhiều, dượng cũng thương mình. Con Dần hồi đó khóc tối ngày giờ ở với dì cũng hỏng khóc. Mình ở với dì dượng vui thấy bà về với mẹ chầm dầm chù ụ tối ngày. Anh coi, dì dượng không khi nào cãi lộn còn mẹ với ba thì hỏng chửi cũng uýnh, sợ gần chết.

Hai anh em nó vừa nói vừa cắm đầu cắt rau không để ý dì dượng Hai đang đứng gần bên nhìn nhau cười mãn nguyện.

Tuất sắm cho ba anh em Tý thật nhiều đồ mới bởi vì đứa nào cũng lớn phổng phau không mặc được đồ cũ nữa. Tý và Sửu mỗi đứa được hai bộ đồng phục, Tý được vài cái quần cụt, vài cái áo thun, Sửu vài bộ đồ bộ còn Dần thì khỏi nói, quá trời.

Dần bập bẹ nói, nó gọi Kiên bằng cha, vậy là nó nghiễm nhiên thành con gái của cha má nó, Kiên và Tuất.

Tý và Sửu thấy dì dượng không phản ứng gì mà còn có vẻ hài lòng nên cũng bắt chước Dần, gọi bằng cha má.

Lúc nầy thì vợ chồng Tuất cảm thấy mình đã không hoài công nuôi dưỡng, nhất là khi nghe Tý nói với Sửu:

— Anh em mình không có ba mẹ, chỉ có cha má thôi.

Mặc dù rất vui nhưng Kiên cũng không hiểu sao trí óc non nớt của bọn trẻ lại hằn sâu ký ức đáng buồn như vậy.

Rồi nhập học, Sửu cũng được đến lớp, thằng Tý đã vào lớp ba. Cuộc sống của anh em tụi nó cứ như vậy và chúng cũng có tuổi thơ vui vẻ vô cùng.

Thắm thoát từ ngày Ngọ bỏ con ra đi đã được ba năm rồi. Tý đang học lớp 5 Sửu lớp 3 còn Dần cũng được 4 tuổi. Cuộc sống của gia đình họ vẫn bình yên và hạnh phúc.

Dần là một hiện tượng lạ trong nhà, nó nói chuyện đớt đát ngọng ngịu, ngoài hai tiếng Cha, Má thiêng liêng ra tất cả các từ nó dùng đều thiếu phụ âm đầu. Bù lại nó có một trí nhớ rất tốt, dạy nó hát một lần nó hát lại không sai một chữ, nó nhớ hết tên và giá tiền các món đồ má nó bán, Dần không phá phách như con nít bình thường, khi thấy cha nó rảnh, Dần cứ theo hỏi suốt, chuyện gì cũng hỏi và chỉ có mình Kiên mới đủ hiểu biết và đủ kiên nhẫn trả lời nó. Tuất hay mắng yêu : “nhỏ nầy hỏi cơ hết biết”. Nó hỏi đến khi nào trả lời vừa ý nó mới thôi.

Lúc rảnh hơn, nó leo lên võng nằm vừa đưa vừa hát:

— Ánh ăng òn áng ên ọn e

Ăng ấp ánh óng àng áng ươi

Ông ăng anh áng ời, em ỉm ười

Ăng ấy em úa át, ăng ũng ười.

Cả nhà nghe nó hát, cười lăn lộn.

Kiên nói:

— Nó nói cha má được thì sẽ nói những tiếng khác được, để từ từ rèn dạy nó.

Và anh dạy Dần, luôn luôn theo sát và chỉnh sửa từng tiếng, anh phát hiện ra nó nói được hết nhưng cố tình ngọng vậy chơi, chắc là để cả nhà vui. Anh hăm nó:

— Con mà đớt đát vậy hoài cha không cưng nữa đâu.

Là Dần sợ, nói chuyện bình thường nhưng hát thì cũng là:

— U ao ổ

Ó óc âu

Ật ật ầu

Ông ộ ỉ

……

Thấy cả nhà cười Kiên cũng cười rồi bỏ qua.

Dần là niềm vui của gia đình nên ai cũng cưng.

Tuất lấy Kiên cũng đã nhiều năm mà chưa lần mang thai, chị cũng rất ái ngại với anh khi nhìn chồng cứ lo chăm sóc cháu của mình. Chị cũng ngại bên gia đình anh buồn phiền dù anh vẫn còn hai người anh và một người em trai. Nên tối đến chị năn nỉ anh cùng chị đi Sài Gòn lên bệnh viện Từ Dũ khám xem lý do nào mà muộn con như vậy. Kiên chần chừ nhưng Tuất nói mãi anh cũng nghe theo. Trong bụng Tuất nghĩ nếu nguyên nhân hiếm muộn là do chị thì chị sẽ mạnh dạn kìm nén đau khổ mà trả tự do cho anh.

Hai vợ chồng đùm túm nhau đi SG, dặn anh em Tý ở nhà coi quán xá và cơm nước cho Dần. Lý do đi chỉ một mình thằng Tý biết. Tý lúc đó đã 11 tuổi, dù thương cha má lắm nhưng càng thương nó lại càng lo, lo cha má có con riêng rồi có còn thương anh em nó không?

Vợ chồng Tuất biết nguyên nhân hiếm muộn là do Kiên, do tinh trùng anh quá yếu nên không đủ khả năng kết hợp với trứng để thụ thai. Khi bác sĩ tuyên bố, cả hai ngỡ ngàng một chút rồi cũng vui vẻ ra về. Kiên nói với Tuất:

— Nếu chưa có ba đứa nhỏ chắc là anh sẽ buồn lắm, hoặc mình sẽ xin con nuôi hoặc anh để em tự do có chồng khác. Nhưng bây giờ yên tâm rồi, mình có ba đứa con ngoan ngoãn, ráng nuôi dạy cho tốt sau cũng có người hủ hỉ tuổi già.

Tuất nhìn Kiên, lòng dậy lên một tình yêu thương kính trọng vô bờ bến.

Trên chuyến xe về quê, Tuất gặp lại Tuyết, là bạn học cũ của Ngọ lúc trước thường hay đến nhà chị chơi với Ngọ. Gặp chị, Tuyết vui vẻ chào hỏi:

— Chị Hai đi thăm Ngọ về hả?

Tự nhiên Tuất run lên, tay chân lạnh ngắt, lắp bắp hỏi:

— Em biết chỗ Ngọ ở hả?

Tuyết vô tư lắc đầu:

— Em không biết, nhưng hôm rồi em có thấy nó, lúc nầy nó sang lắm nhen chị, mặc đầm, son phấn dữ lắm mà đi cặp kè với một ông cũng lớn tuổi, khoác tay tình tứ lắm. Em kêu nó, nó quay lại nhìn rồi làm ra vẻ như không quen em, chảnh lắm chị. Ông kia mở cửa xe bốn chỗ báo lộng cho nó leo lên, chừng đó nó mới quay lại nhìn em cười là em biết em không lầm. Chị lên, nó có gửi tiền về nuôi mấy đứa nhỏ không?

— Chị không có gặp nó. Em biết chị nuôi con nó sao?

— Biết chứ chị. Hôm gặp nó rồi em có gặp lại thím Ba Cảng ở xóm chị, em hỏi thăm thì thím mới kể.

Tuất đâm lo trong bụng, chị nghĩ chắc là Ngọ đã tìm được bến đỗ cho mình và sợ chồng biết quá khứ nên dấu biệt không liên lạc về quê. Mừng cho em nhưng cũng tức cho tấm lòng bạc bẽo của người làm mẹ. Ba năm từ Sài Gòn về Trà Vinh có bao xa đâu mà một chút tin tức cũng không có. Ngọ chỉ nghĩ đến bản thân mà không hề quan tâm đến núm ruột của mình.

Tuất nói những suy nghĩ của chị cho Kiên nghe, anh chẳng nói gì. Nhưng khi xuống xe về nhà anh nói với chị:

— Thứ hai nầy anh ra UBND xã khai sinh lại hết cho ba đứa nhỏ. Từ nay chúng nó sẽ là con của mình.

Kiên nói là làm. Do quen biết và anh làm đúng theo thủ tục hành chánh, ba đứa con mồ côi được khai sinh làm con của cha má Nguyễn Trung Kiên và Trần Thị Tuất.

— Nguyễn Kiên Định (Tý)

— Nguyễn Kiên Dung (Sửu)

— Nguyễn Kiên Tâm (Dần)

Tý và Sửu mừng lắm, chúng gọi nhau bằng tên mới không thôi.

Để tăng cường thức ăn cho bọn trẻ, Kiên mua lưới bao quanh một khu vực để nuôi thêm gà vịt, khoảng đất phía sau nhà Ngọ anh cuốc liếp trồng rau, cái một ít để bữa cơm nào cũng có rau tươi xanh. Trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười do một mình Dần, bây giờ là Tâm tạo ra.

Khi Định bước vào lớp 12, Dung lớp 10, Tâm lớp 5, Kiên gọi ba anh em lại hỏi:

— Tốt nghiệp xong Định tính thi vào trường nào?

Định trả lời chắc nịch:

— Con thi vô Y khoa cha. Con phải trở thành bác sĩ để sau nầy chăm sóc cha má dễ dàng hơn.

Kiên mát lòng mát dạ, Định lại nói:

— Ý cha muốn con thi vô trường nào?

Kiên cười khà khà:

— Nuôi con là bổn phận của người làm cha mẹ, còn nguyện vọng là sở thích là của các con, con thích ngành nào thì học ngành đó sau nầy mới có niềm vui trong công việc. Cha tôn trọng quyết định của con. Cha đặt con tên Kiên Định là ý muốn nếu con đã tính cái gì thì phải kiên định mà thực hiện bằng được dù vấp phải khó khăn cũng san bằng.

Định nhìn cha, đôi mắt đầy thương yêu và hàm ơn. Kiên quay sang Dung:

— Còn con? Con định sao nói cha nghe nè?

Dung chớp chớp mắt, chúm chím cười:

— Con sẽ theo gót anh Hai. Làm Doctor.

Kiên phá lên cười:

— Vậy là nhà mình có hai Doctor rồi nhen.

Tuất vui trong bụng kỳ cục, chị chen vào:

— Đốc tờ là làm gì?

— Là bác sĩ đó má, -Dung trả lời.

Kiên ngoắc Tâm lại ôm nó vào lòng, âu yếm:

— Còn cục vàng của cha? Con sau nầy làm gì?

Tâm giơ hai tay lên liếng thoắng:

— On àm ốc ờ.

Cả nhà phá lên cười.

Nếu như Định và Dung luôn là học sinh giỏi đứng đầu lớp thì Tâm là đứa duy nhất đứng đầu toàn khối học của nó suốt bốn năm liền và bây giờ khả năng đó vẫn có thể duy trì lâu hơn nữa.

Ba đứa trẻ là niềm vui, niềm tự hào của vợ chồng Kiên, bao nhiêu năm trôi qua kể từ ngày Ngọ ra đi chưa một lần trở về, vợ chồng anh cũng quên bẵng chúng không phải do chính mình sinh ra.

Định hân hoan báo tin đã đậu tốt nghiệp cấp 3 với số điểm cao chót vót, không phụ lòng cha khi đưa nó đi thi ở hội đồng thi trên huyện suốt 3 ngày. Kiên cười cười gật gật đầu bởi anh thừa biết với khả năng học như anh em Định thì chuyện đỗ Tốt nghiệp là đương nhiên. Tuất mừng chảy nước mắt còn Dung thì ôm lấy anh Hai, Tâm giơ tay nhảy cồng cồng:

— Ậu ồi, ậu ồi, anh ai ỏi ữ. Ốc ờ ỏi ữ.

Đêm đó, khi Tuất và Tâm đã ngủ, Dung đang học bài thì Định lại bàn, kéo ghế ngồi đối diện Kiên:

— Cha, con xin lỗi cha.

Kiên ngạc nhiên:

— Xin lỗi cha chuyện gì?

Định cúi đầu xuống:

— Hôm rồi con hứa với cha là thi vô Y khoa nhưng bây giờ con đã nộp đơn vô ĐHSP rồi.

— Sao vậy? Không kiên định à?

— Có. Con có kiên định. Vì kiên định nên con mới quyết vậy. Con tính rồi, nếu con học Y thì phải mất 5 năm, mới năm thứ 2 Dung lại vào Đại học tiếp, cha má nuôi hai đứa ở Sài gòn sao chịu xuể? Con vô sư phạm không phải đóng học phí rồi cũng có khả năng kiếm chuyện làm thêm đỡ đần cha má lo cho hai em. Cha đừng buồn, Dung sẽ học ngành Y thay con, con làm giáo viên về dạy ở Huyện gần nhà để sớm hôm cận kề cha má phòng khi đau ốm cũng có người khỏe mạnh.

Kiên mím môi, đôi mắt đỏ hoe nhưng anh không khóc, anh hiểu ý của Định và rất cảm động với sự hiếu thảo của nó. Kiên với tay xoa đầu Định:

— Cha hiểu. Nhưng con thích làm bác sĩ vậy mà hy sinh mơ ước của mình thật tội cho con. Nếu như con chưa từ bỏ và còn kịp thì cha má cũng sẵn sàng chịu khó một chút mà lo cho các con.

Định nắm lấy tay cha:

— Con biết, cho nên con không dám nói sớm sợ cha kêu để cha má ráng, bây giờ hồ sơ đã nộp rồi muốn thay đổi cũng không được. Con đi rồi cha má cực hơn, một mình cha vừa đi dạy, vừa đạp xe giao đồ cho má, vừa dạy thêm, vừa vá dép, vừa dạy cho Tâm học rồi trồng rau củ chung quanh nữa. Thu nhập như vậy nuôi hai đứa học ĐH là cả một vấn đề, cha để con phụ lo với. Trước đây con đã định nghỉ học rồi nhưng sợ cha má buồn, nay được như vầy con đã mãn nguyện lắm rồi cha.

Kiên vỗ vỗ vào tay Định:

—- Con biết suy nghĩ cha rất vui. Cha luôn tôn trọng quyết định của các con. Đây cũng là KIÊN ĐỊNH đó con. À mà con chọn học ngành nào?

— Ngành ngoại ngữ cha, hì hì, ngành nầy sau dễ dạy thêm.

— Cũng tốt. Thôi, nhà có hai ốc ờ cũng được.

Dung nãy giờ ngồi im lặng lắng nghe, nước mắt chảy quanh má, nó bước lại vòng tay ôm lấy cổ cha, an ủi:

— Cha đừng buồn nhen cha, con thấy anh tính như vậy cũng đúng, tụi con đi học xa hết, tiền bạc tốn kém, con cũng không phụ má ráp đồ được, thu nhập ít đi thì cha má sẽ chật vật lắm. 

Định nhìn Dung:

— Nhưng em cũng phải cố gắng thi vô ĐHYK là tâm nguyện của anh em mình đó nhen.

Ngày đưa Định đi thi ĐH ở Sài Gòn, Kiên dẫn theo Dung cùng đi, Tâm giận dỗi không thèm nói chuyện với cha nhưng anh dỗ dành mãi:

— Cục vàng nè, cha dẫn chị Ba theo để biết quang cảnh thi, hai năm nữa chị con thi rồi, chừng đó cha sẽ dẫn con theo chịu chưa? Giờ cha đâu có đủ tiền mà dẫn hết ba đứa đi nè?

Nghe cha than không đủ tiền thì Tâm cười liền:

— Ậy ì ược. Anh ai ỏng i ốc ờ à i áo iên. ( Anh Hai không thi đốc tờ mà thi giáo viên)

Kiên ôm Tâm, hun chụt vào má nó:

— Bởi vậy, chỉ có cục vàng của cha là ngoan nhất nên cha cưng nhất nhà luôn. Về mua bánh nhóc cho cục vàng nhen?

Tâm nhe răng cười, hôn trả lại cha

Còn tiếp. 

(Lê Nguyệt)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *