ỔI RỪNG

( Truyện ngắn của Trịnh Tuyên)

   Lão Bổn là Chủ tịch xã  mới về hưu. Nghỉ  hôm trước, hôm sau, người làng đã thấy  lão cắp nách chiếc điếu cày bằng gốc tre ngà ,  thủng thẳng lùa mấy con trâu ra  chân núi Đòn Chông rồi. Đối với lão, hình như làm Chủ tịch hay chăn trâu, cũng chả khác nhau là mấy.

    Khi còn đương chức chủ tịch xã, lão cũng đã có cái thú chăn trâu. Ngày thường ra ủy ban, đạo mạo trong bộ comple, chủ nhật, lại lại quần nâu áo cộc, một mình lùa trâu ra chân  núi. Lão bảo: “Chỉ khi nào đứng trước loài vật, con người ta mới được là chính  mình!” Xem ra cái triết lý nhân sinh của lão thật độc đáo ra phết, có lẽ vì thế mà lão đi chăn trâu để được là chính mình chăng?

   Từ nhà lão Bổn, đi tắt qua bãi tha ma ra núi Đòn Chông chừng nửa cây số. Lão muốn đi tắt, tiện thể thắp hương cho vợ,  vì đi con đường đó phải qua mộ vợ lão. Vợ lão sinh thời  là một người phụ nữ nết na, chết vì căn bệnh ung thư dạ dày từ ngày lão đang làm Bí thư Đảng ủy xã. Ngày ấy, lão đang còn trẻ, lại có chức, có quyền, nhiều người khuyên lão nên đi bước nữa, về già nương tựa lẫn nhau. Nhưng lão gạt phắt, thứ nhất, ngoài vợ lão ra, trong lòng lão chưa ai có thể ai thay thế, thứ hai, làm lãnh đạo, “quan hệ nhăng nhít”, dân chúng cười cho. Vậy là lão cứ ở độc thân cho mãi đến giờ. Mưa cũng như nắng, ngày nào lão cũng có mặt dưới chân núi  cùng với sáu con trâu, năm cái, một đực. Vài tháng sau, da lão sắt lại, đen bóng như tượng đồng. Vầng trán hói đến đỉnh đầu, niềm tự hào của lão khi còn làm Chủ tịch xã, giờ càng hói thêm. Trông xa, lão giống hệt một con vượn núi.  

     Cứ tưởng những năm tháng cuối đời, xa lánh chốn chốn quan trường sóng gió bất an, lão Bổn được về vui thú với việc chăn dắt đàn trâu theo sở nguyện. Ai ngờ lão lại gặp mụ Vạn, để đến nỗi, đàn trâu mấy lần sinh sản, cuối cùng cũng chỉ còn nguyên gốc sáu con.  Số là phía bên kia núi Đòn Chông,  có mụ Vạn người cùng làng vào núi chăn dắt gia súc giống lão, nhưng mà mụ chăn thuê. Mụ Vạn không chăn trâu mà chăn bò. Trâu bò có mấy khi ăn chung với nhau? Vì thế, mãi năm tháng sau, lão mới gặp mụ Vạn. Mụ Vạn đã qua một đời chồng. Chồng mụ tư nan do tai nạn nổ mìn đánh đá dưới chân núi Đòn Chông. Sau khi chồng chết, ông chủ thầu phía bên kia sườn núi tên là Trương Công Mịch, tuyển vào vào làm chân chăn bò. Mụ Vạn đã ngoài bốn mươi, người hơi thấp nhưng da dẻ còn sáng sủa. Leo núi quanh năm nên mụ sở hữu cặp đùi chắc nịch. Mông nở, eo thon chỉ hiềm một nỗi, tai mụ đã điếc đặc, đã thế, giọng nói lại ngọng líu. Hôm đuổi bò ra suối uống nước, gặp lão Bổn, mừng lắm, lắp bắp mãi mụ mới nói được một câu: “Chào ông ủ ịch”. Lão Bổn nhăn răng cười. Cả xã, còn mỗi  mụ Vạn là chưa biết lão làm chủ tịch đã về hưu. 

    Chăn trâu bò nơi núi vắng, người ta thường dễ thân nhau, giống như khi đi xa  tìm người cùng quê nhận đồng hương vậy. Từ ngày biết lão Bổn đã về hưu, chăn trâu ở phía núi bên kia, mụ Vạn thường sang chơi. Trong cái nón mê của mụ,  đựng lẫn lộn cả bưởi lẩn ổi, tự mụ leo hái trên sườn núi. Mụ đem sang biếu “ông ủ ịch”. Xem ra thì mụ Vạn còn quý nể ông Chủ tịch lắm. Lão Bổn sáu mươi nhưng hai hàm răng còn chắc khỏe. Nhìn nón ổi ương, lão cũng thèm nhưng sợ mất sỹ diện. Ai lại ăn quà của  mụ gái góa chăn bò thuê bao giờ? Thời đương chức, quà người ta tặng lão, chí ít cũng chai rượu Lúa Mới, hay Vodka đựng trong hộp bìa cát tông hẳn hoi. Lão chối không ăn. Mụ Vạn rất tự nhiên, đặt nón ổi xuống vạt cỏ, ngồi dạng hai chân, nhai  côm cốp, miệng ướt rượt. Thấy mụ nhai ngon lành, nhất là khi mụ dùng mấy ngón tay tách các múi bưởi ra một cách thành thạo. Những múi  bưởi tươi hồng, tép vàng ươm, lóng lánh nước, khiến lão Bổn ứa nước miếng. Dưới nắng chiều thu, trông mụ Vạn trẻ ra đến chục tuổi. Bổng nhiên lão Bổn đăm đăm nhìn vào khuôn ngực tròn căng của mụ, rồi thở dài. Hình như lão Bổn  nhớ về một hình ảnh nào đó trong quá khứ thời trai trẻ của lão chăng?

    Hôm sau thì lão Bổn ăn. Hoa quả trong rừng mọc tự nhiên ngon ngọt lắm. Không những lão ăn mà lão còn với mụ Vạn leo lên tận lưng chừng núi để hái nữa. Ở trên núi, có bao nhiêu cái hang động, lão và mụ Vạn đều khám phá hết. Buổi chiều mệt phờ, nhưng mà vui đáo để. Bây giờ mới thấy “cái triết lý” của lão là đúng! Đứng trước loài vật, con người ta mới được thực là chính mình. Sau bao nhiêu năm đứng trước bàn dân thiên hạ thuyết lý, giờ trước lão, chỉ còn một bên mụ Vạn, một bên  là trâu bò. Đứng trước  mụ Vạn, lão được mụ kính trọng. Đứng trước trâu bò, lão được chính là con người thật của lão. Thật sống trên đời không còn gì sung sướng hơn. Dần dần mối quan hệ giữa lão và mụ Vạn càng gắn bó thân thiết đến mức, đêm nào lão cũng chỉ mong trời mau sáng, lùa trâu ra chân núi để được cùng mụ Vạn leo núi thăm thú các hang động rồi cùng nhau đi hái ổi, hái bưởi rừng… 

      Bẵng đi gần tháng, không thấy mụ Vạn, lão Bổn  buồn như thiêu thiếu một thứ gì. Ngày nào lão cũng ngóng sang sườn núi bên kia xem có mụ Vạn đuổi bò không? Rồi một hôm, mụ Vạn lại xuất hiện. Gặp lại lão Bổn, mụ có vẻ mừng lắm. Hai con mắt lung liêng. Lão định hỏi là thời gian vừa rồi mụ đi đâu, nhưng lại thôi. Ai lại đi can thiệp vào đời tư của người khác? Đã từng làm đến Chức chủ tịch xã, lão biết đâu là giới hạn trong quan hệ thân, sơ. Lâu ngày gặp lại, trông mụ Vạn có vẻ mập hơn nhưng nước da  hơi xanh. Trên da mặt mụ xuất hiện những đốm mầu nâu nhạt. Mụ hay nôn ọe và thường nhờ lão lên núi hái bưởi rừng cho mụ ăn. Mụ ăn chua đến phát khiếp. Và mụ còn hay đi tiểu vặt nữa. Mụ đã quen coi lão Bổn như người thân rồi nên chả còn thấy ngượng.  Lão Bổn vốn vô tâm nên cũng chẳng để ý. Ngực và  bụng mụ mỗi ngày một nhô cao. Mụ đi đứng chậm chạp dần.

    Thường ngày, mỗi sớm mai thức dậy, lão Bổn tự mình thổi cơm, ăn sáng xong, còn lại bao nhiêu cho vào cặp lồng cùng với thức ăn dùng làm bữa trưa trong núi. Từ ngày gặp mụ Vạn, biết mụ khó khăn, lão thường mang cơm gấp đôi. Trưa nào mụ cũng sang, hai người cùng ngồi ăn với nhau. Nhiều hôm, lão đem cả một con gà luộc. Dạo này tự nhiên lão thấy mụ Vạn ăn khỏe nên lão thường ăn ít đi, nhường cho mụ ăn thật no căng.

       Buổi trưa hôm ấy, lão Bổn đang thiu thiu ngủ dưới gốc cây si già  thì có ba người đàn ông cầm gậy sồng sộc chạy đến tìm lão. Họ thông báo với lão một tin quan trọng là mụ Vạn đã sinh được một thằng con trai rất kháu khỉnh. Nhưng mụ bị băng huyết, phải đưa đi bệnh viện huyện cấp cứu. Hiện mụ đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Vì mụ khai bố thằng bé là ông Chủ tịch, nên yêu cầu lão Bổn phải có trách nhiệm với hai mẹ con nhà mụ. Lão Bổn nghe như tiếng sét bên tai, hùng hổ bác bỏ. Nhưng họ khẳng định: Trong núi vắng, chỉ có hai người ngày nào cũng cùng ăn cơm với nhau, rủ nhau leo lên núi, chui vào hang tránh nắng, không chửa với lão thì còn ai vào đây?

    Lão Bổn không còn tin vào tai mình nữa. Làm sao mụ Vạn lại có thể vu cáo cho lão một cách bỉ ổi như thế? Là một ông Chủ tịch xã về hưu, giờ mang tiếng “hủ hóa” với mụ đàn bà góa chồng chăn bò thuê trong núi vắng thì còn gì ô nhục bằng?

    Lão phản đối kịch liệt và yêu cầu ba người kia phải có bằng chứng. Một người điềm nhiên móc trong túi ra tờ biên bản, đưa cho lão xem, có chữ ký của mụ Vạn hẳn hoi. Lão Bổn phẫn uất quá, nhưng hết cãi. Ba người kia có vẻ đắc chí lắm. Một người trong số họ ung dung ra bãi cỏ, bảo “mượn” ông Chủ tịch một con trâu, bán lấy tiền chi phí thuốc thang cho sản phụ và cháu bé. 

    Đêm hôm ấy về nhà, lão Bổn không sao ngủ được. Cái thằng đàn ông khốn nạn nào nỡ cưỡng đoạt mụ Vạn rồi lại xui mụ đổ tội cho lão? Lão không tiếc con trâu, mất con này, trâu cái lại sinh ra con khác. Lão già rồi, chăn trâu để lấy thú vui, chứ tiền nong trong nhà, lão có thiếu đâu? Nhưng mà lão giận mụ Vạn. Nếu túng quẫn quá, mụ bàn trước với lão, lão đâu có hẹp hòi gì? Đằng này, nỡ tâm gắp lửa bỏ tay nhau! Thực tình thì lão Bổn đã có tình cảm với mụ Vạn từ sau cái lần mụ bưng nón ổi sang làm thân với lão. Sự quan tâm thái quá của một người đàn bà góa khiến lão ban đầu rất lấy làm khó chịu. Nhưng rồi, chính  sự thái quá đó lại minh chứng cho tình cảm chân thật của mụ Vạn. Cuộc đời của mụ bây giờ có còn gì đâu? Cũng một thân một mình như lão, nhưng mà mụ Vạn  còn khổ gấp mấy lần lão. Đàn bà qua tuổi bốn mươi, coi như đã về già mà vẫn hai bàn tay trắng. Lão Bổn không hề có ý định  lấy một người chăn bò thuê như mụ Vạn làm vợ. Lão chỉ thương  hoàn cảnh của mụ, muốn chia sẻ với mụ trên tình cảm bạn bè mà thôi. Nhưng có một tình cảm rất lạ đang nhen nhóm trong lòng lão mà lão cũng không sao giải thích nổi, là một ngày không gặp mụ Vạn, lão thấy  trống trải như mất một thứ gì đó. Giờ mụ đang gặp khó khăn, chẳng nhẽ mình bình chân như vại? Đàn bà con gái, ai chẳng một lần trót dại, nhưng giá như mụ đừng có đổ oan cho lão, những lúc như thế này, lão tiếc chi một con trâu? Lão định bụng khi nào mụ Vạn về, lão phải làm cho ra nhẽ!

    Cứ thế, mấy đêm liền, trong lòng lão Vạn ngổn ngang bao tình cảm trái ngược. Giận thì giận thật, nhưng nghĩ lại những ngày không quản nắng mưa,  mụ leo dốc sang thăm lão, cười toe toét khi lão khen ổi mụ hái ngon. Mà  đúng là mụ Vạn có duyên hái ổi thật. Mụ bảo: Leo càng cao, ổi càng ngon, quả càng nhỏ quả, càng thơm. Xem ra thì mụ ta cũng khôn đáo để! Nhớ lần lão bảo mụ đừng hái ổi chín, lão thích ăn ổi ương cơ. Mụ lườm lão, bảo lão là già rồi, ăn ổi ương cho nó gẫy răng đi à? Lão bảo với mụ là răng của lão còn chắc lắm. Ổi càng cứng, lão nhai càng ròn… 

Tự nhiên lão ngửi thấy mùi  hương ổi rừng ở đâu đây? Lão nhớ vẻ nồng nàn quyến rũ từ cái miệng tươi hơn hớn của mụ Vạn mới hôm nào. Lạ thật, mùi ổi rừng thơm nức cứ ám vào từng giấc ngủ của lão. 

Phải rồi! Lão chợt nhớ ra cách đó mấy ngày, lão trông thấy một cây ổi rừng chín vàng trên lưng  núi cao. ỔI càng mọc trên cao, càng thơm, mụ Vạn đã từng nói thế. Lão hăm hở leo lên hái đầy một túi. Định bụng  để dành cho mụ Vạn, nhưng mụ Vạn có nhà đâu? Thế là lão mang về  để ở đầu giường. Mấy hôm nay, tự nhiên lão quên béng đi mất. Thảo nào! Mùi ổi thơm thế. Lão giở túi ổi ra xem. Những quả ổi đã héo quắt. Giống ổi rừng rất lạ, hái vào để lâu, vỏ chỉ quắt lại chứ không ủng thối. Vỏ ổi càng quắt, mùi ổi càng thơm, đạt đến độ nồng nàn, ngọt ngào và quyến rũ, đủ để thỏa mãn khiếu giác của con người. Có lẽ trên đời này, không có hương thơm của loại hoa quả nào nào  như cây ổi rừng trên núi cao lão hái. Lão nhón một quả đưa lên miệng định ăn, nhưng nghĩ thế nào, lão lại không nỡ cắn vào. Lão đang nhớ tới cái miệng hơn hớn của mụ Vạn buổi chiều thu dưới chân núi hôm nào. Cứ thế, lão miên man suy nghĩ và tưởng tượng lại những ngày thật đẹp lão với mụ Vạn dưới chân núi. Hay là ta cứ lên thăm động viên mụ ấy? Cứ cho là bạn bè khi hoạn nạn thăm thăm nhau, rồi trắng đen  trước sau sẽ rõ. Cây ngay  sợ gì chết đứng? Nói là thế để lấy tinh thần thôi chứ thực lòng, lão cũng  nhớ mụ Vạn. Mười mấy ngày rồi còn gì? 

    Thế là sáng sớm hôm sau, đích thân lão cỡi xe máy lên Bệnh viện thăm mẹ con mụ Vạn. Mụ Vạn vẫn còn sốt vì bội nhiễm. Thấy lão lên thăm, mụ mừng và cảm động lắm, từ hai con mắt có hàng mi đen, nhỏ ra hai giọt lệ trong vắt. Lão bế thằng cu con trên tay, lòng rưng rưng. Ừ trẻ con mà, đứa nào khi bé trông cũng đáng yêu. Cái thằng cu chả biết con ai, mới mười mấy ngày tuổi,  mà khi lão bế cũng đã biết cười. Trong lòng lão, tự nhiêng dâng lên một tình cảm rất lạ, vừa thương, lại vừa giận. Lão định hỏi mụ là con ai nhưng lại thôi. Người ta mới sinh nở xong, lại đang bị bệnh, nỡ nào? Lão chào về, dặn là mẹ con cứ yên tâm điều trị, nếu thiếu tiền, lão sẽ về bán thêm một con trâu nữa…

      Chuyện ông Chủ tịch xã về hưu, đi chăn trâu trong chân  núi, kiếm được vợ trẻ và  cả  thằng cu con kháu khỉnh loang ra, cả làng ai cũng phấn khởi. Đám cán bộ ủy ban dưới quyền lão ngày trước kéo đến chật nhà chúc mừng lão và còn khuyên lão đăng ký kết hôn cho hợp pháp, rồi thì đón “chị và cháu” về. Lão lúng búng như người ngậm hạt thị, muốn giải thích mà không sao nói được. Phải thêm hai tuần sau nữa,  mẹ con mụ Vạn mới xuất viện. Chiếc xe tắc xi mầu sữa  đi thẳng vào sân nhà lão Bổn. Thì người ta đã hoàn toàn tin là con lão rồi còn gì?  Đám thân cận lão trong chính quyền đã sốt sắng làm đăng ký kết hôn sẵn cho lão. Chỉ đợi vợ chồng lão ký, đặt tên con, làm giấy khai sinh nữa là mọi sự hoàn tất.

    Bà con trong làng xã kéo đến đầy nhà, mọi người đề hồ hởi chúc mừng vợ con lão “mẹ tròn con vuông”. Hứng chí lên, mấy tay trong ban lãnh đạo xã còn gợi ý nên làm vài chục mâm mời anh em bạn bè và bà con lối xóm. Lão ừ luôn. Sau cái ừ ấy, một con trâu nữa bị dắt đi.

    Về ở chung một nhà rồi, nhưng lão vẫn thấy ấm ức trong lòng. Lão nghĩ, cha đứa trẻ là ai chỉ có mụ Vạn  biết, sớm hay muộn thì mụ Vạn cũng phải trả lời cho lão. Nhiều lần lão cũng định hỏi cho ra nhẽ nhưng mụ Vạn đã điếc đặc, giọng lại ngọng líu, có nói cũng chả đâu vào đâu. Thôi thì đằng nào cũng đã là vợ con mình rồi, “cá vào ao nhà nào, nhà ấy được”! Lão chẳng nói ra thì ai biết? Lão tự an ủi mình như thế.

     Năm sau, có đoàn Bác sỹ trung ương về xã khám và điều trị tai mũi họng miễn phí cho nhân dân trong xã. Mụ Vạn cũng ra khám và được cấp một bộ tai nghe nhỏ xíu dùng cho người khiếm thính. Sau khi điều trị khỏi chứng hẹp thanh quản, lắp tai nghe, mụ Vạn nghe được chính giọng nói của mình, tự điều chỉnh nên giọng nói rõ hơn rất nhiều. Đêm xuống, mụ hay tâm sự,  nói năng nhỏ nhẹ, êm ái du dương như mật rót. Cho dù trong lòng còn ấm ức, nhưng lão thấy cuộc sống gia đình thật sự hạnh phúc…

     Một đêm trăng sáng, trong nhà thằng cu con đã ngủ say, ngoài hiên vợ chồng lão ngồi ngắm trăng, nhắc lại những kỷ niệm  thời chăn trâu dưới chân núi. Lão Bổn đằng hắng mấy lần rồi mới cất thành lời được: – Vợ chồng mình bây giờ đâu đã vào đó rồi! Tôi không trách mình đâu! Tôi chỉ hỏi cho biết, chứ không nói ra, trong lòng tôi không lúc nào yên…

    Mụ Vạn ngạc nhiên, không biết có chuyện gì mà chồng mình úp mở có vẻ quan trọng như thế. Mụ cố lắng nghe. Khi nghe hết lời bộc bạch của chồng,  mụ bật lên tiếng cười khanh khách. Thì ra là thế…

   Mụ quàng tay lên vai lão Bổn. Mụ khóc. Mụ biết chồng mụ là một người đàn ông cao thượng. Mụ cứ tưởng là lão Bổn biết chuyện nhưng bỏ qua vì thương mụ,  chứ có ngờ đâu là lão không hề biết sự thật việc mụ có thai rồi sinh ra thằng cu con. Mụ vừa khóc, vừa tấm tức kể lại: Hôm ấy mụ đang “tắm tiên” bên dòng suối vắng, ông chủ  Trương Công Mịch đi qua. Trong cái hoang vắng của núi rừng và độ tươi mởn của da thịt đàn bà góa lâu năm, ông chủ nổi hứng khám phá, xuống suối cầm tay mụ kéo lên bìa rừng. Mụ cố chống cự nhưng không thoát khỏi hai cánh tay hộ pháp của hắn ta. Mụ khai với mọi người là ông chủ Mịch. Không ngờ những người hỏi mụ, nghe mụ nói ngọng, hiểu lầm  thành “ông ủ ịch” nên sự việc mới thanh ra như thế.

    Thì ra là thế!  Mọi sự hiểu lầm là do tật nói ngọng của mụ mà ra. Nhưng có khi là cái duyên cái số nó thế. Nếu không vì tật nói ngọng của mụ Vạn, lão Bổn làm sao có được hạnh phúc như bây giờ? Cả hai vợ chồng cười rũ, khiến thằng cu con trong nhà thức giấc. Mụ Vạn vội chạy vào trong buồng bế nó lên, rồi mụ giả vờ nựng con bằng cái giọng ngọng nghịu  ngày trước để trêu chồng: Ôi cái thằng cu con ông ủ ịch dậy rồi ư? Cho mẹ xin lỗi… mẹ xin lỗi. Ông ủ ịch ơi, vào mà xem cái thằng con ông nó tè bậy này…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *