rên mạng xã hội lan truyền danh sách 10 cấp độ cô đơn của con người, đó là:
- Cấp độ một, đi siêu thị một mình.
- Cấp độ hai, đi ăn nhà hàng một mình.
- Cấp độ ba, đi quán cà phê một mình.
- Cấp độ bốn, đi xem phim một mình.
- Cấp độ năm, đi ăn lẩu một mình.
- Cấp độ sáu, đi hát karaoke một mình.
- Cấp độ bảy, đi tắm biển một mình.
- Cấp độ tám, đi công viên giải trí một mình.
- Cấp độ chín, đi du lịch một mình.
- Cấp độ mười, đi bệnh viện phẫu thuật một mình.
Ngày nay, trong xã hội có những người đang dần quen với cuộc sống một mình, đơn độc không có ai bên cạnh. Thậm chí lối sống này còn phát triển thành một trào lưu và ở Nhật Bản người ta gọi đó là ohitorisama.
Ohitorisama được hiểu như là “khách đi một mình” hay là “bữa tiệc của một người”. Thuật ngữ này chỉ đến lối sống của những người ngại tương tác, giao lưu với cộng đồng và muốn ở một mình, tận hưởng những điều mà họ thích.
Vì vậy mà nền kinh tế Nhật Bản đã sản sinh ra những dịch vụ để phục vụ cho những ai theo phong cách Ohitorisama. Các quán bar, nhà hàng, quán karaoke,… đều phát triển dịch vụ phục vụ cho khách hàng đi một mình. Trước đây các quán karaoke thường có thiết kế những phòng rộng cho một khóm khách hàng nhưng giờ đây có nhiều quán đã dựng lại các phòng cho nhóm thành từng buồng nhỏ với kích thước nhỏ hơn như bốt điện thoại để dành cho một người.
Một mình có ổn không?
Với những người theo chủ nghĩa độc thân thì một mình đương nhiên là ổn. Họ có không gian riêng cho bản thân, thỏa mãn nhu cầu và giải tỏa những mệt mỏi, căng thẳng, tâm sự chất chứa trong lòng mà không mấy ai hiểu được.
Các dịch vụ giải trí “một mình” sẽ giúp những ai theo xu hướng ohitorisama giải tỏa stress mà không phải lo lắng ánh mắt soi mói hay thương hại của một số người khi nhìn thấy họ cô độc, một mình giữa chốn công cộng. Từ đó mà họ được giải phóng nỗi buồn, phòng tránh được căn bệnh trầm cảm và không tìm cách nghĩ đến việc tự s.á.t, giảm tỷ lệ t.ự t.ử.
Ohitorisama một phần nào đó cũng làm giảm áp lực lên những người trưởng thành trong vấn đề tìm kiếm bạn đời, lập gia đình.
Tuy nhiên, đây cũng là một trào lưu sống khiến xã hội Nhật Bản phải đau đầu tìm biện pháp giải quyết khi chủ nghĩa độc thân lên ngôi, tỷ lệ sinh giảm xuống ở mức thấp, dân số ngày càng già hóa. Những ai theo đuổi trào lưu ohitorisama về lâu dài sẽ hình thành nên một thế hệ những người cô đơn và vấn đề hôn nhân sẽ rơi vào tình trạng đáng báo động, làm ảnh hưởng đến sự phát triển dân số tại Nhật Bản.
Và trong thời kỳ của dịch bệnh Covid thì trào lưu ohitorisama dần bùng nổ mạnh mẽ hơn so với trước đây.
Nguồn: procaffenation, tổng hợp