o-nhiem-song-to-lich:-tp-ho-chi-minh-va-cac-nuoc-bien-song-“chet”-thanh-trong-xanh,-ca-tung-tang-boi-loi-(bai-3)

Ô nhiễm sông Tô Lịch: TP Hồ Chí Minh và các nước biến sông “chết” thành trong xanh, cá tung tăng bơi lội (Bài 3)

TP.HCM đã “hồi sinh” Nhiêu Lộc – Thị Nghè như thế nào?

TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cũng nêu, cách đây hơn 20 năm, khi nói về kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (chảy qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh), ai cũng biết đó là con kênh ô nhiễm bậc nhất TP.HCM với dòng nước đen đặc. Thế nhưng, với quyết tâm thay đổi, từ năm 2002, Dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được thực hiện. Sau gần 10 năm triển khai, tháng 8/2012, công trình này đã khánh thành, đánh dấu sự “hồi sinh” của dòng kênh suốt bao nhiêu năm “chết chìm” trong rác.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: TP Hồ Chí Minh và các nước biến sông

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ở TP.HCM với dòng nước trong xanh. Ảnh: Cao Hùng.

Nước con kênh bây giờ đã xanh trở lại, cá tung tăng bơi lội. Hơn 1,2 triệu người sống xung quanh lưu vực kênh có hệ thống thu gom nước thải tập trung, trực tiếp được hưởng lợi thông qua cải tạo điều kiện vệ sinh, giảm nguy cơ ngập lụt. Đêm đêm, ánh đèn dưới chân cầu soi rõ màu nước trong, người dân thong dong tản bộ 2 bên bờ hóng mát, quán xá đông đúc. Dự án đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cư dân 7 quận, góp phần thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, tạo môi trường sống xanh – sạch – đẹp – hiện đại – văn minh.

Sau giai đoạn 1, TP.HCM đang triển khai giai đoạn 2 dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè với mục tiêu xử lý nguồn nước thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai cũng như cải tạo, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Ngoài việc phục hồi lại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, TP.HCM còn cải tạo thành công kênh Tân Hóa – Lò Gốm, đạt mục tiêu nâng cao điều kiện sống cho hơn 1 triệu dân dọc 2 bờ kênh vốn ô nhiễm trầm trọng. Giá trị đất đai, nhà cửa cũng nhờ đó được tăng cao, tình trạng bệnh tật được đẩy lùi, phúc lợi công cộng, an sinh xã hội, diện mạo khu vực thay đổi tích cực một cách rõ rệt.

“Tôi cho rằng, TP.HCM làm được thì Hà Nội cũng sẽ làm được. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi thành phố phải rất quyết tâm, phải làm ngay chứ để càng lâu càng khó và phải chọn giải pháp thích hợp. Trên thế giới có rất nhiều mô hình đã làm rồi, chúng ta phải học hỏi, không còn cách khác được. Như ở Hàn Quốc họ đã biến dòng sông đô thị thành dòng sông đẹp giữa thủ đô. Làm được vậy họ phải di chuyển toàn bộ rất nhiều hệ thống hạ tầng, trong đó kể cả những khu dân cư rất lớn…”, ông Tứ thông tin thêm.

Những nước nào đã thành công “hồi sinh” dòng sông chết?

Anh, Pháp “lận đận” làm sạch hai dòng sông nổi tiếng: Giống như nhiều thành phố lớn khác, London và Paris nằm trên những dòng sông lớn có thể điều hướng được. Sông Thames chảy dài 346km, qua miền nam nước Anh và London đến Biển Bắc. Sông Seine chảy dài 777km, qua miền bắc nước Pháp và Paris đến eo biển Manche, eo biển Anh.

Trong nhiều thế kỷ, sông Thames của nước Anh được coi là một cống lộ thiên. Vào năm 1858, nhiệt độ tăng cao vào mùa hè, mùi hôi thối của sông bốc lên khiến chính phủ chấp nhận một đề xuất về hệ thống thoát nước mới để ngăn chặn ô nhiễm của con sông.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: TP Hồ Chí Minh và các nước biến sông

Sông Thames vẫn bị coi là ô nhiễm dù Anh đã có nhiều nỗ lực trong việc làm sạch dòng sông này. Ảnh: The Wire.

Sau nhiều năm nỗ lực làm sạch sông Thames, vào tháng 7/2009, sông Thames được ca ngợi là có dòng chảy sạch tới mức các loài cá liên tục xuất hiện, dù từng được coi là tuyệt tích trước đó. Nhưng chỉ 4 năm sau, vào năm 2013, hơn 55 triệu tấn nước thải thô pha loãng đã bị đổ xuống sông Thames, giết chết cá, để lại nước thải thô trên bờ sông và làm giảm chất lượng nước.

Tại Pháp, việc bơi lội ở sông Seine đã bị cấm vào năm 1923 do mức độ ô nhiễm cao với hàm lượng e.coli cao và cống rãnh tràn ra sông khi trời mưa. Những người bị bắt gặp đang bơi ở sông Seine sẽ bị phạt tiền. Là một phần trong nỗ lực đăng cai Thế vận hội năm 2016, Paris đã công bố kế hoạch trị giá 1,4 tỷ euro (1,2 tỷ bảng Anh) để đảm bảo một dòng sông sạch sẽ trước thềm Thế vận hội. “Kế hoạch bơi lội” được khởi động với mục tiêu làm cho dòng sông an toàn để sử dụng cho Thế vận hội Mùa hè 2024.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: TP Hồ Chí Minh và các nước biến sông

Sông Seine của Pháp liên tục đối mặt với tình trạng ô nhiễm. Ảnh: Pico92

Năm 2023, Pháp đã xây dựng bể chứa Austerlitz, có kích thước bằng 20 bể bơi kích cỡ Olympic tại sông Seine. Mục tiêu của nó nhằm hứng mưa khổng lồ, rộng 50m và sâu 34m, có khả năng chứa tới 46 triệu lít, sẵn sàng vào mùa xuân năm nay. Sau khi nước mưa được thu gom ở đó, sẽ được vận chuyển qua một đường hầm bên dưới sông, đến một nhà máy xử lý nước thải ở hạ lưu. Khi chất lượng nước đáp ứng ngưỡng an toàn, nó sẽ được đưa trở lại sông Seine.

Công trình trị giá 1,4 tỷ euro này giờ đây là hy vọng lớn cho Thế vận hội sắp diễn ra. Paris coi đây một bước quan trọng trong việc ngăn chặn ô nhiễm thêm 777km đường thủy.

Hàn Quốc là hình mẫu giải quyết ô nhiễm sông đô thị:  Tại Hàn Quốc, sông Hàn từng bị ô nhiễm bởi công nghiệp và nước thải đến nỗi cá chết xếp hàng trên bờ. Tuy nhiên, một dự án kỹ thuật kéo dài 5 năm đã khai thông và làm sạch huyết mạch của Seoul, biến sông Hàn thành niềm tự hào quốc gia.

Dòng sông đã trở thành nạn nhân của quá trình công nghiệp hóa, khiến nó trở nên ô nhiễm nặng. Vào năm 1982, chính phủ đã khởi động một dự án trị giá 470 triệu đô la để làm sạch sông Hàn, trước khi đăng cai Thế vận hội Mùa hè 1988.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: TP Hồ Chí Minh và các nước biến sông

Sông Hàn từ lâu đã trở thành biểu tượng của Hàn Quốc. Ảnh: Oneday Korea.

3 trong số 4 giai đoạn của dự án đã hoàn thành: một đường cao tốc mới, 4 nhà máy xử lý nước thải và nạo vét để kiểm soát mực nước và lũ lụt. Giai đoạn cuối cùng, xây dựng các khu vực giải trí và xây dựng bậc thang cho các bờ sông để tận dụng nó làm biểu tượng vui chơi, giải trí của thành phố.

Các kỹ sư đã tạo ra 1.730 mẫu đất dọc theo bờ, được xây dựng bằng vật liệu nạo vét từ sông. Đặc biệt, doanh thu từ việc bán vật liệu nạo vét đã thanh toán gần một nửa tổng chi phí của dự án.

Ngoài sông Hàn, Seoul còn có Cheonggyecheon, một con suối chảy qua thành phố dài gần 9km. Cheonggyecheon cũng hợp nhất với sông Hàn. Sự hồi sinh của dòng sông, hay còn gọi là suối, từ lâu được coi là đã chết là một ví dụ về việc chính quyền quan tâm đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và phúc lợi.

Chính phủ Hàn Quốc vào năm 1968 xây dựng một đường cao tốc dài 5,6km trên Cheonggyechan, nhằm “che đậy” con suối phía dưới. Tuy nhiên, vào giữa năm 2003, một dự án trị giá 281 triệu USD đã trở thành một hành động đổi mới đô thị khổng lồ, khiến một lượng lớn người dân ven sông buộc phải di dời.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: TP Hồ Chí Minh và các nước biến sông

Cheonggyechan trở thành một biểu tượng du lịch, giải trí, văn hoá giữa lòng Seoul. Ảnh: Wiki.

Khi Cheonggyechan mở cửa lại vào năm 2005, người dân địa phương và khách du lịch đã rất kinh ngạc vì sự đổi thay. Nhờ dự án này, nhiệt độ trung bình của khu vực đã giảm 3,6 độ so với các khu vực khác của Seoul. Nó cũng giúp hồi sinh tuyến đường dành cho người đi bộ truyền thống của thành phố bằng cách kết nối dòng suối với các khu vực cũ như Bukchon, Namchon và Daehangro. Việc phá bỏ đường cao tốc cũng dẫn đến số lượng xe vào trung tâm thành phố Seoul giảm 2,3 độ và số lượng người sử dụng xe buýt và tàu điện ngầm tăng lên.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: TP Hồ Chí Minh và các nước biến sông

Cheonggyechan xưa và nay, hiện đã trở thành một biểu tượng du lịch của Seoul. Ảnh: Reddit.

Hiện tại, khu vực Cheonggyechan đã trở thành trung tâm giải trí chính cho người dân Seoul và khách du lịch tới thành phố này. Hàng năm, thành phố tổ chức lễ hội đèn lồng dọc theo dòng suối. Khách du lịch từ ít nhất 30 quốc gia đến thăm Cheonggyechan mỗi năm.

Hệ thống “trưởng sông” đặc biệt tại Trung Quốc: Năm 2007, sự bùng phát của tảo xanh lam tại Thái Hồ, thành phố Vô Tích ở tỉnh Giang Tô khiến hơn hai triệu người không có nước uống trong một tuần. Chính quyền Vô Tích đã cố gắng giải quyết các vấn đề ô nhiễm nước bằng cách bổ nhiệm các quan chức chính quyền địa phương làm “trưởng sông”. Sự hiệu quả của chính sách này khiến chính phủ Trung Quốc đã triển khai Hệ thống Trưởng sông (RCS) trên toàn quốc.

Theo RCS, các quan chức chính quyền các cấp được bổ nhiệm làm trưởng sông, chịu trách nhiệm toàn diện về bảo vệ và giám sát chất lượng nước trong khu vực mình quản lý. Hiệu quả công việc của họ được đánh giá thông qua hệ thống trách nhiệm từ trên xuống, liên kết với các ưu đãi và hình phạt.

Việc triển khai RCS đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện chất lượng nước ở nhiều khu vực, thể hiện qua tỷ lệ tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng nước ngày càng tăng. Chính sách này đã được nhân rộng trên toàn quốc và được coi là một giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại Trung Quốc.

Còn với sông Tô Lịch ở Thủ đô Hà Nội, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và thử nghiệm với các công nghệ khác nhau, nhưng đến nay, các phương án xử lý con sông này vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ cần có quyết tâm cao Hà Nội sẽ thành công trong việc “tẩy uế” dòng sông này.

Còn nữa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *