o-nhiem-song-to-lich:-du-an-20-nghin-ti-co-giup-“dai-lua-den”-hoi-sinh?-(bai-cuoi)

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỉ có giúp “dải lụa đen” hồi sinh? (Bài cuối)

Dự án xử lý nước thải 800 triệu USD có giúp hồi sinh sông Tô Lịch?

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay, sông Tô Lịch là dòng sông chính chảy qua nội đô nên bất cứ ai cũng mong muốn dòng sông được phục hồi cảnh quan như ngày xưa.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỉ có giúp

Thực trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch khiến dư luận bức xúc. Ảnh: Viết Niệm.

Để hồi sinh sông Tô Lịch, bà An cho rằng, đây là vấn đề không dễ nhưng quyết tâm sẽ vẫn thực hiện được. Điều quan trọng đầu tiên phải có hệ thống đường ống hai bên sông thu gom toàn bộ nước thải từ khu dân cư, nước thải sinh hoạt, làng nghề… để xử lý, khi đã đạt tiêu chuẩn mới xả trở lại sông.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỉ có giúp

Bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đó, ước tính hiện nay, hai bên bờ sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ, mỗi ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả thẳng xuống sông. Để giải quyết tình trạng này, Hà Nội khởi công dự án tách nước thải ra khỏi sông Tô Lịch từ tháng 10/2016, với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng. 

Dự án bao gồm một nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874ha. Nhưng sau gần 10 năm triển khai, nhà máy chưa đi vào hoạt động. Dự án hệ thống cống gom nước thải sông Tô Lịch để đưa nước thải về xử lý tại nhà máy nước thải Yên Xá đến nay đã hoàn thành trên 90% khối lượng công việc.

“Hai bên bờ sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ. Hằng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống sông. Nếu không tách được nước thải thì mọi giải pháp đều không hồi sinh được sông Tô Lịch”, bà An nói.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỉ có giúp

Cảnh tiêu điều hai bên bờ sông Tô Lịch, “dải lụa đen” chảy giữa lòng thủ đô Hà Nội. Ảnh: Việt Phương.

Bên cạnh đó, bà An cho rằng, kết hợp với đó cần đồng bộ hơn như nạo vét sạch bùn đất dưới sông Tô Lịch đã ô nhiễm suốt bao năm qua. Nếu có thể được cho thau rửa lại hệ thống sông.

“Tuy nhiên, điều khó ở chỗ chi phí tốn kém, công nghệ xử lý nào cho chuẩn. Bên cạnh đó phải có phương pháp kết hợp, giáo dục để người dân hiểu và không thải ra môi trường. Giờ hàng trăm cống thải xả ra tồn đọng rất nhiều năm, ô nhiễm nặng nề, xử lý rất khó.

Tôi nghĩ rằng cần rà soát lại toàn bộ, nơi nào chưa xử lý nước thải phải có biện pháp xử lý nghiêm, truy trách nhiệm của ai, của cơ quan nào. Cùng với đó, phải hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải, đảm bảo đồng bộ, thực chất sẽ giải quyết được vấn đề. Thành phố cần thúc đẩy tiến độ công trình Dự án hệ thống cống gom nước thải sông Tô Lịch sớm hoàn thiện để khai thác”, bà An nói.

Chuyên gia hiến kế phải làm “sống lại” sông Hồng trước khi hồi sinh sông Tô Lịch

Đồng quan điểm trên, ông Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng sau khi hệ thống cống gom và Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành, điều cần làm là bổ cập nước cho sông Tô Lịch để tạo dòng chảy.

Việc này được ông Tứ nhấn mạnh là cần làm dòng chảy cưỡng bức bằng cách bơm trực tiếp nước từ sông Hồng hoặc lấy nước sông Hồng “quá cảnh” qua hồ Tây rồi chảy về sông Tô Lịch.

“Nguồn nước thải từ Yên Xá sau khi xử lý sẽ đổ về sông Nhuệ. Nếu bơm ngược lại vào Tô Lịch là tốn kém và không khả thi. Bên cạnh đó, cần thiết kế và làm lại ngay bờ kè con sông này, bởi bờ kè hiện nay chiếm diện tích lớn, lại chỉ phù hợp với một cống thoát nước chứ không phải của một dòng sông”, ông Đào Trọng Tứ tiếp lời.

Trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, để giải cứu sông Tô Lịch điều quan trọng có nguồn nước để đưa về sông Tô Lịch được không?

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỉ có giúp

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam. Ảnh: Thành An

“Trước đây vẫn lấy từ sông Hồng thông qua hồ Tây để đưa vào sông Tô Lịch. Điều khó là làm sao có nguồn nước để có thể đưa về sông Tô Lịch. Hiện sông Hồng đang bị cạn, vậy việc giải cứu nguồn nước của sông Tô Lịch lại là vấn đề liệu có đủ không. Hiện nay cống Xuân Quan (huyện Văn Giang, Hưng Yên) không đủ vì thế hiện vấn đề lớn nhất đó là phải làm sống lại sông Hồng”, ông Hồng nhấn mạnh.

Ông cũng phân tích, hiện đáy sông Hồng bị tụt xuống do làm sai quy luật của dòng chảy. Cụ thể, do khai thác cát, đào đáy sông… là một trong những nguyên nhân gây ra hệ quả trên.

“Sông hoạt động theo quy luật, mỗi m3 nước trôi đi thì có bao nhiêu bùn cát, phù sa… Không có bùn cát nước không chảy, đứng lại, khoét sâu hai bên bờ. Chính vì vậy cống Xuân Quan đang phải thực hiện bơm truyền. Quan trọng nhất phải làm sống lại sông Hồng. Để làm được điều này phải có chiến lược quốc gia chứ không thể từng tỉnh làm. Tại sao bùn cát sông Hồng bị mất? Cái chính là hàng trăm thủy điện giữ hết bùn cát, quy trình xả thế nào để bảo đảm sông Hồng”, ông Hồng nói.

Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỉ có giúp

Những nỗ lực khơi thông dòng chảy của sông Tô Lịch chỉ mang tính tạm thời. Ảnh: Việt Phương.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, hệ thống cống gom nước thải sông Tô Lịch đang làm giai đoạn cuối, được đầu tư, UBND TP Hà Nội cũng rất quyết liệt, thế nhưng lấy nước ở đâu để xử lý những chất xả thải đó để hòa loãng là một bài toán.

“Hà Nội có ý tưởng xây đập dâng nước ở sông Hồng để phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời tạo nguồn nước xử lý ô nhiễm các con sông của thành phố, trong đó có sông Tô Lịch cần phải nghiên cứu thêm, lấy ý kiến các chuyên gia trước khi thực hiện. Việc xây đập ở sông Hồng rất có thể ảnh hưởng đến hạ lưu, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Do vậy, TP Hà Nội cần tính tới giải pháp xây trạm bơm đưa nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch. Ngay cống Xuân Quan cũng hạ thấp đáy sông, trên thế giới cũng chưa đâu có. Muốn làm xử lý được phải có nguồn nước cho sông Tô Lịch, nguồn nước lấy từ đâu, bao nhiêu cho sông Tô Lịch thì phải có bài toán”, ông Hồng nhấn mạnh.

Ông Hồng đề nghị làm sống lại sông Hồng trước khi bàn đến xả thải Yên Xá. Mục đích sống lại thế nào thì Chính phủ phải họp các Bộ có chức năng và các nhà khoa học nghiên cứu, làm bao lâu thì sông Hồng sống lại. Như mùa khô rất quan trọng thì không có nước.

Chia sẻ với Dân Việt về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, đánh giá dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là một dự án lớn và khả thi, đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho khu vực trên 1 triệu dân.

Tuy nhiên, để phục hồi sông Tô Lịch, ông Huân cho rằng cần có ba yếu tố quan trọng:

Thứ nhất, nhà máy xử lý nước thải đủ công suất, vận hành trơn tru và công nghệ phù hợp. Trong giai đoạn thử nghiệm, cần đánh giá kỹ lưỡng nồng độ nước thải đầu vào, xác định rõ nguồn nước thu gom có phải chỉ là nước thải sinh hoạt hay còn bao gồm cả nước thải làng nghề, chăn nuôi và sản xuất công nghiệp, từ đó lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp. Ông Huân cũng bày tỏ lo ngại về hàm lượng kim loại nặng và chất độc trong nước thải sản xuất.

Thứ hai, hệ thống cống thu gom toàn bộ nước thải đổ ra sông, đảm bảo lưu lượng đáp ứng nhu cầu lâu dài.

Thứ ba, xử lý môi trường đáy sông Tô Lịch bằng cách nạo vét bùn thải tích tụ và bổ cập nước từ sông Hồng để tạo dòng chảy. Quá trình này cần được thực hiện cẩn trọng, kèm theo đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng. Ông Huân tin rằng khi sông Tô Lịch không còn nguồn thải và có dòng chảy liên tục, dòng sông sẽ dần hồi sinh.

Trong buổi làm việc với các đơn vị thi công dự án dịp sau Tết Nguyên đán vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có vai trò rất quan trọng đối với môi trường thành phố. Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện dự án hiện nay là xây dựng hệ thống cống ngầm gom nước thải.

“Nhà máy hoàn thành mà không đủ nước để xử lý thì sẽ không phát huy hiệu quả”, ông Nguyễn Trọng Đông nói và đề nghị các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống thu gom nước thải cho Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, môi trường là vấn đề lớn của thành phố. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, TP Hà Nội phải đảm bảo tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 50-55% (hiện nay xử lý được 28,8%).

Để đạt được mục tiêu trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu để đưa nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vào hoạt động. “Khi hệ thống xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, 50% lượng nước thải của thành phố sẽ được xử lý”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá không chỉ có ý nghĩa về việc đạt chỉ tiêu xử lý nước thải của thành phố mà còn góp phần rất quan trọng trong việc làm sạch các con sông quan trọng của Thủ đô như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét để phục vụ cho gần 1 triệu dân trong phạm vi 6 quận nội thành và huyện Thanh Trì.

Để các dòng sông của thành phố ‘sống lại’, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, sau khi dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu phương án bổ cập nước vào các dòng sông.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *