Ở CÔNG SỞ, XIN HÃY HẠN CHẾ NÓI “TÔI KHÔNG BIẾT”…

#1. Tui quen một ông bạn, ông bạn này vừa mới tuyển được một thực tập sinh trông sáng láng lắm, là sinh viên Đại học trường top. Bạn vào làm việc hai tháng, không có gì bất thường xảy ra, căn bản vì việc của bạn đó cũng chỉ là giúp sếp sắp xếp tài liệu và làm vài việc lặt vặt.

Hôm đó bạn tui đi ra ngoài gặp khách hàng, vì quý bạn thực tập này nên kéo đi cùng để học hỏi cho biết. Trên xe, bạn tui đưa cho bạn thực tập tấm danh thiếp của khách hàng, hỏi có biết đường đến công ty kia không? Bạn thực tập ngây ngô bảo: “Em không biết, em không quen thuộc với đường xá ở đây”, sau đó quay mặt ra nhìn phong cảnh ngoài cửa. Bạn tui bất lực, đành lấy điện thoại ra nhập địa chỉ, tra Google map để lái xe đến đó.

Lại có một lần khác, một bạn thực tập khác đến, được bạn tui giao nhiệm vụ photo tài liệu. Đợi cả nửa tiếng chẳng thấy bạn ấy chạy về, bạn tui sốt ruột chạy ra ngoài tìm thì thấy bạn thực tập đang ngồi bất động trên ghế. Hóa ra, bạn thực tập này không biết sử dụng máy photo, nhưng thay vì hỏi các anh chị đồng nghiệp, bạn lại ngồi chờ.

Bạn tui sững sờ trong giây lát, cảm giác như bị một dội một xô nước đá. Sau khi bình tĩnh lại, bạn tui đành gọi bạn thực tập đó ra, không chỉ dạy cách photo tài liệu mà còn dặn nếu sau này có chuyện gì khó thì hãy hỏi mọi người xung quanh, đừng làm trễ nải chuyện quan trọng.

#2. Cái này khiến tui nhớ về hồi mình đi thực tập. Lúc ấy, tui làm việc cho một tạp chí nhỏ, nhiệm vụ chính là giúp sếp thu thập thông tin và chụp ảnh. Có một hôm, sếp yêu cầu tui đi phỏng vấn và hỏi tui có biết sử dụng máy SLR không. Thú thực, sống từng đó năm, tui chưa bao giờ được chạm tay vào một chiếc SLR đắt tiền chứ đừng nói đến chuyện biết vận hành.

Tuy nhiên, tui không trực tiếp nói với sếp rằng tui không biết, mà tui bảo trước đây đã được tiếp xúc với một số loại máy khác, tối nay tui sẽ về nghiên cứu cái này, không phải vấn đề lớn. Hôm ấy sếp không nói thêm gì, chỉ lấy trong tủ ra một chiếc SLR đưa cho tui về nghiên cứu.

Sau khi về nhà, tui đã dành cả đêm tìm thông tin trên Google, vừa học vừa mô phỏng các thao tác cơ bản của máy. Kết quả khá ổn, sếp không chỉ khen tui mới lần đầu sử dụng máy mà đã thành thạo, mà còn biểu dương tui vì chụp được vài tấm hình rất đẹp. Ngoài ra, sếp còn đặc biệt bố trí người quản lý dự án dẫn dắt tui đi làm dự án.

#3. Tôi không biết, tôi không hiểu, tôi chưa học qua, tôi không thể làm, tôi thiếu kinh nghiệm,…những lời này thường là câu cửa miệng của một bộ phận tân binh công sở. Bạn cảm thấy bạn là người mới, bạn có quyền không biết, có quyền được cấp trên bao dung và để trôi mọi thứ, tuy nhiên, đây lại là điều khá nhạy cảm ở nơi làm việc.

Tui nghĩ vấn đề mà những người mới nên lưu ý gồm có:

* Công ty không phải là trường học, và sếp không phải giáo viên. Ở trường, bạn đóng học phí nhưng không chăm chỉ thì chỉ có tương lai của bạn bị ảnh hưởng. Còn ở trong công ty, sếp là người trả tiền cho bạn, nếu bạn luôn nói “không biết” hoặc “không thể làm được” thì không chỉ công việc chung bị ảnh hưởng mà bạn còn có thể bị đưa vào tầm ngắm bị sa thải trong tương lai gần.

* Không ai trong chúng ta là toàn năng, chúng ta phải chủ động học hỏi nếu không muốn bị thụt lùi. Bạn có thể nói: “Xin lỗi, tuy hiện tại tôi không hiểu rõ về vấn đề này lắm, nhưng tôi sẽ tìm hiểu ngay lập tức và báo cáo cho sếp sớm”.

* Những người nói “không biết” và “không thể làm được” thoạt trông có vẻ thẳng thắn, nhưng việc từ chối đơn giản và vội vàng như vậy sẽ cản trở sự giao tiếp giữa bạn và sếp, không chỉ khiến sếp thất vọng mà còn khiến sếp nghĩ rằng bạn không chịu tìm hiểu công việc nằm trong phạm vi nhiệm vụ của mình.

* Nếu bạn không chắc mình có thể hoàn thành nhiệm vụ được sếp giao phó thì trước hết hãy phân tích mục tiêu của sếp, cố gắng làm hết sức mình hoặc hỏi ý kiến của đồng nghiệp có kinh nghiệm. Nếu bạn vẫn không thể làm nó hoàn hảo dù đã cố gắng hết sức, hãy báo cáo trung thực với sếp rằng mình đã làm được đến bước nào, còn gặp khó khăn ở đâu để sếp nắm được tình hình kịp thời và điều chỉnh biện pháp đối phó.

Chúc các bạn thành công!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *