NƯỚC NGA ĐÃ TỪNG KHIẾP SỢ DÂN DU MỤC TATARS TỪ BÁN ĐẢO CRIMEA NHƯ THẾ NÀO? (phần 1)

CÁC CUỘC TẤN CÔNG CỦA DÂN DU MỤC TATARS TỪ BÁN ĐẢO CRIMEA
Thế kỷ XV Kim trướng Hãn quốc do người Mông Cổ thành lập sụp đổ, Haci I Giray (1397 – 1466), một thủ lĩnh địa phương xuất thân là hậu duệ của Truật Xích, con trai của Thành Cát Tư Hãn nhân cơ hội đó ly khai khỏi Kim trướng để lập ra Crimea Hãn quốc và lên ngôi Khả hãn năm 1449. Lãnh thổ Hãn quốc bao gồm bán đảo Crimea cũng như vùng thảo nguyên liền kề.(trừ một số đô thị ven biển như Kaffa là thuộc địa của Cộng hòa Genoa)
Vào cuối thế kỷ 13, các thương nhân từ Cộng hòa Genoa đã mua thành phố từ nhà cầm quyền Kim trướng Hãn quốc Mongke Temur, cháu trai của Bạt Đô. Họ đã thiết lập một khu định cư thương mại hưng thịnh gọi là Kaffa, nơi gần như độc quyền thương mại ở khu vực Hắc Hải và đóng vai trò là một cảng và trung tâm hành chính lớn cho các khu định cư Genoa quanh Hắc Hải.
Năm 1475, các lực lượng Ottoman, dưới sự chỉ huy của Gedik Ahmet Pasha tấn công Crimea, xoá sổ hết các thuộc địa của những người Genoa theo Công giáo và cầm tù Meñli I Giray, con trai của Haci I Giray trong ba năm vì chống lại cuộc xâm lược. Sau khi Meñli I Giray chấp nhận thần phục, người Thổ công nhận Crimea Hãn quốc là một đồng minh lệ thuộc vào triều đình Ottoman và trả tự do cho ông ta.
Việc buôn bán nô lệ là xương sống của nền kinh tế của Crimea Hãn quốc. Trước kia họ sống nhờ tiền thuê đất hàng năm từ các cứ điểm thương mại của người Genoa trên bán đảo Crimea giao nộp và một phần đáng kể của dân số du mục Tatar ở Crimea đã chuyển qua làm nông dân trồng trọt cho người Genoa nhưng sau khi quân Ottoman hủy diệt tất cả các cứ điểm thương mại này, giới quý tộc Crimea bị khánh kiệt đã chuyển sang kiếm tiền bằng cách tiến hành đột kích cướp bóc, bắt người bán làm nô lệ như các tổ tiên Mông Cổ của họ hàng trăm năm trước.
Người Crimea thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào các quốc gia Ba Lan – Litva và Muscovy để bắt người đem bán làm nô lệ. Đối với mỗi tù nhân, khả hãn Crimea nhận được một phần cố định là 10% hoặc 20%. Theo ước tính, số người Nga, Ukraina và Ba Lan bị Tatars bắt làm nô lệ khoảng 2 triệu người từ năm 1468 đến 1694. Chỉ riêng trong nửa đầu thế kỷ 17, từ 150.000 đến 200.000 người đã bị bắt làm nô lệ từ lãnh thổ của nhà nước Muscovy, tiền thân của nước Nga ngày nay. Các cuộc đột kích đã diễn ra liên tục trong thế kỷ 16 – 17 , khi chúng xuất hiện gần như mỗi mùa hè. Buôn bán nô lệ thời kỳ này là nguồn thu nhập chính của giới quý tộc Crimea Hãn quốc.
Các cuộc đột kích là một yếu tố nghiêm trọng làm cạn kiệt cả nguồn lực vật chất và con người của Nga và Khối thịnh vượng chung Ba Lan – Litva. Để bảo vệ chống lại chúng, các biện pháp quy mô lớn và tốn kém đã được thực hiện ở Nga, bao gồm việc xây dựng một hệ thống phòng thủ dài hàng trăm km và duy trì lực lượng đồn trú bảo vệ biên giới.
CHIẾN THUẬT CỦA DÂN DU MỤC
Lãnh thổ giữa Crimea và nhà nước Nga trong thế kỷ XVI là một cánh đồng hoang vắng mênh mông với đất đai màu mỡ và con sông Oka là biên giới chính và cuối cùng trên con đường của người Tatar hướng đến Moscow.
Cách thức chiến tranh của người Tatars là họ chia thành nhiều nhóm nhỏ và cố gắng thu hút người Nga đến một hoặc hai nơi trên biên giới, sau đó họ có thể tự do đột kích biên giới và cướp bóc, bắt người ở bất kỳ nơi nào không có binh lính bảo vệ. Trong khi 20-30 ngàn kỵ binh Tatar đánh lạc hướng sự chú ý của các lực lượng biên phòng của Nga, các đơn vị nhỏ khác đã có thể tàn phá và quay trở lại mà không bị thiệt hại nhiều. Khi đến khu vực có người Nga sinh sống, quân Tatars được chia thành nhiều đội gồm vài trăm người, lần lượt được tách ra khỏi lực lượng chính. Những biệt đội này bao vây các ngôi làng ở cả bốn phía để cư dân không thể bỏ trốn, sau đó chúng cướp, đốt, tàn sát những người chống cự và dẫn đi không chỉ đàn ông, phụ nữ, trẻ em mà còn cả bò, ngựa, cừu, dê.
SỐ PHẬN CỦA NHỮNG NÔ LỆ NGƯỜI NGA
Địa điểm chính của buôn bán nô lệ là thành phố Kaffa của Crimea, thuộc sở hữu trực tiếp của Đế chế Ottoman từ năm 1475 và được một đơn vị đồn trú Janissaries tinh nhuệ phòng thủ.
Những người nô lệ trên đường đi đến Crimea vô cùng thê thảm khi tay bị trói, dây thừng buộc quanh cổ như súc vật và liên tục bị quất bằng roi không ngừng dọc theo thảo nguyên mênh mông. Đến được vùng đất tương đối an toàn người Tatars cho ngựa của họ vào thảo nguyên để chăn thả tự do và họ bắt đầu chia sẻ nô lệ, đánh dấu từng nô lệ bằng sắt nóng đỏ. Các cô gái có thể bị hãm hiếp trước mặt những người thân yêu. Bọn Tatars cắt cổ họng của tất cả những người già trên sáu mươi tuổi, không có khả năng làm việc.
Ở Crimea, những người bị bắt được mang đi bán ở các chợ nô lệ, nơi chúng đặt từng người trong một chuỗi bị xích vào nhau gần cổ. Khi mua, những nô lệ được mang ra cho người mua kiểm tra cẩn thận. Người Tatar đặc biệt ra giá cao cho những cô gái xinh đẹp. Các nô lệ bị bán đã được chuyển đến các vùng đất xa xôi như Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, Syria, Ba Tư, Ấn Độ…mãi mãi không bao giờ còn được gặp lại người thân của họ. Trong cuộc hành trình dài như vậy những người nô lệ phải chịu đựng cảnh chật chội đến nỗi họ không thể di chuyển cũng không nằm xuống sàn được. Đứng ăn và đứng ngủ. Từ một chuyến đi chật chội và mệt mỏi như vậy, những người nô lệ bị bệnh hàng loạt và nếu như chết thì thi thể của họ bị vứt xuống biển.
Những người đàn ông khỏe mạnh bị đóng dấu trên trán và thường bị thiến đã phải lao động xây dựng trong các công trường còn nhiều người khác phải trở thành người chèo thuyền, nơi họ bị xích vào băng ghế và chèo cho đến khi kiệt sức
Thậm chí đến thế kỷ XVIII, khi mà nước Nga đã trở thành một đế chế hùng mạnh dưới thời Ekaterina II, năm 1769, cuộc đột kích lớn của kỵ binh Tatar đã bắt giữ 20.000 nô lệ Nga. Mọi chuyện chỉ kết thúc khi Ekaterina II, vị nữ hoàng tài ba gốc Đức tiêu diệt hoàn toàn Crimea Hãn quốc và sáp nhập nó vào đế chế Nga ngày 19/4 năm 1783.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *