NỮ GIỚI MẶC MEN-QUE/ NHỮNG CÂU CHUYỆN CHƯA KỂ

Cụm từ này đang được sử dụng rất nhiều trong thời gian gần đây, nào là nữ giới mặc Phong cách Men Que (?!) – nào là phong cách này tạo ra sức mạnh cho nữ giới. Nhưng thực chất chúng ta có hiểu được bản chất của vấn đề này trong lịch sử thời trang hay không hay nó chỉ dừng ở việc sử dụng các cụm từ một cách vô nghĩa và vô tội vạ?

Thực tế ngày nay phụ nữ ở Việt Nam đã có một sự thay đổi lớn về cách ăn mặc trong thời trang rất nhiều với sự bùng lên của thế hệ mới. Gợi cảm hơn, phóng khoáng hơn và hiện đại hơn – nó thể hiện được sự đổi mới của xã hội, của thị trường Việt Nam ngày càng hiện đại hơn. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những định kiến, những luồng suy nghĩ từ thế hệ trước, những hệ lụy của tư tưởng Nho giáo đã thấm nhuần và đặc biệt không phải phụ nữ Việt Nam nào cũng đang “ăn mặc đẹp” mà núp dưới bóng của từ “Tân tiến”.

Quay trở lại câu chuyện rằng, thời điểm hiện tại phụ nữ mặc những blazer/quần trouser – những thứ gắn liền với hình ảnh của nam giới (Mà mình sẽ gọi đó là menswear – những gì đàn ông mặc) thoải mái nhưng câu chuyện không dễ dàng như thế. Mới chỉ cách đây khoảng 2 thế kỉ thôi ( khoảng 200 năm đổ lại – nghe dài nhưng mà nhanh lắm, khoảng 3 thế hệ ông bà – cha mẹ – con cái) thì những tiêu chuẩn về ăn mặc của người phụ nữ còn phải gắn liền với váy, áo lót và corset nịt ngực rất nghiêm ngặt. Đừng hòng mà phụ nữ mặc đồ của đàn ông, thế là đi ngược với hình ảnh của họ được xây dựng rất lâu trong xã hội.

Mọi thứ đều có quy trình – đều phải đấu tranh trong một khoảng thời gian rất là dài. Ngay cả ở đất Âu và đất Mỹ – nơi mà những luồng cách mạng văn hóa nổ ra thì tới tận 1850, nhà hoạt động xã hội Amelia Bloomer mới bắt đầu làn sóng về “Women’s right” (Quyền của phụ nữ) bằng cách tạo ra 1 làn sóng từ bỏ những chiếc corset chật ních hằn lên cơ thể của người phụ nữ, những chiếc váy dày cộp đầy bất tiện. Phụ nữ cũng có quyền mặc những thứ thoải mái, những chiếc quần ống rộng như đàn ông với cảm hứng đầu tiên lấy từ trang phục của Thổ Nhĩ Kì với loose pants (Mà mình hay gọi là quần Harem giống ngày xưa í). Nó nổi tiếng tới mức chiếc quần này được đặt tên theo người phụ nữ khơi dậy làn sóng là “Bloomer” và là mồi lửa đầu tiên cho cuộc đấu tranh lâu dài sau này.

Năm 1920 – các cụ Việt Nam có câu “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” là không sai. Thế chiến I nổ ra, kéo theo màu đen tang tóc của chiến tranh bao khắp cả thế giới và lúc này phụ nữ cũng được tham gia vào trong quân đội (Đa phần là Hậu Phương). Mà tất nhiên trong chiến tranh thì không thể nào mặc corset hay váy mà đi ra mặt trận được, thế là những chiếc military jacket, những chiếc quần quân đội với kích cỡ được may cho phụ nữ ra đời. Với những đóng góp lớn của phụ nữ trong Thế Chiến, họ được quyền bầu cử công bằng như nam giới và từng bước thể hiện rõ sức mạnh của mình trong xã hội. Tất nhiên, những người được bầu cử đều mang trong mình một tư tưởng vô cùng tân tiến về quyền cũng như hình ảnh của người phụ nữ. Họ yêu cầu tính ứng dụng/thực tế trong trang phục – ít gò bó hơn, giản dị hơn, không lòe loẹt, tính ứng dụng cao. Cho dù những thứ như váy, đầm vẫn được phụ nữ yêu thích sử dụng nhưng chúng đã được “cách tân” để trở nên nam tính hơn, thể thao hơn.

Và đây là khoảng thời gian mà một huyền thoại ra đời và tiếp tục ảnh hưởng tới thời điểm hiện tại. Gabrielle Bonheur “Coco” Chanel, người phụ nữ Pháp này đã thay đổi nguyên một cách ăn mặc của phụ nữ – từ thượng lưu, trung lưu đến đại chúng của thế kỉ 20. Bà đã rũ bỏ khái niệm “Nữ Tính Truyền thống” để xây dựng một kiểu ăn mặc “Androgynous Style” (Dịch ra để hiểu dễ nhất là De-gender, không có khái niệm về giới tính). Coco Chanel đã thúc đẩy phong trào đang phát triển hướng tới việc mang tới nhiều tiếng nói cũng như địa vị của phụ nữ trong xã hội bằng cách thiết kế những quần áo dành cho nữ nhân lấy cảm hứng trực tiếp từ đồ của nam giới. Những bộ vest, tweed blazers hay các trang phục đơn giản mặc hàng ngày cho phụ nữ – và những thứ đó, vẫn còn 1 sức hút lớn với phụ nữ hiện đại. Minh chứng cho sự thay đổi vượt thời gian của bà: Grabielle “Coco” Chanel. Và tất nhiên, một cây chẳng làm nên non – ba cây chụm lại lên hòn núi cao. Bên cạnh Coco Chanel thì cần những hình bóng của những người thể hiện nó ra công chúng. Và đó là lí do chúng ta có những “Nàng thơ của thế kỉ” như Audrey Hepburn – Marlene Dietrich – Katharine Hepburn với các trang phục của nữ giới khỏe mạnh hơn, truyền tải được thông điệp.

Tuy nhiên, đó là điểm sáng và mang tính thiết kế thời trang nhưng một điều oái ăm là “Thời trang nam” dành cho phụ nữ lại đến từ việc Phụ nữ phải giải quyết hậu quả do mấy ông gây ra. Đó là chiến tranh! Đa phần các cuộc chiến tranh lớn trên thế giới đều đến từ những chính trị gia là đàn ông. Đàn ông ra tiền tuyến, phụ nữ ở hậu phương. Xã hội chấp nhận việc phụ nữ mặc đồ nam giới vì đó là việc sống còn của nguyên một đất nước và nó kéo dài một khoảng thời gian dài khiến cho người ta chấp nhận việc đó. Phụ nữ trong khoảng thời kì đen tối đó phải làm những việc của đàn ông như nhà máy, đồng áng. Với các công việc đòi hỏi thể chất và cường độ hoạt động như trên thì rõ ràng phụ nữ phải mặc đồ phù hợp – họ không có sẵn nên họ đã lục tủ đồ quần áo của chồng, của con trai và may lại cho vừa vặn. Boom! Phụ nữ mặc đồ của nam giới.

Phụ nữ có sự tinh tế của họ, tất nhiên các bà/các mẹ/các dì đâu có thể mặc một chiếc áo hay chiếc quần của chồng, của em trai/con trai thùng thình được. Họ biến chúng thành một kiểu của riêng mình với kĩ năng may vá, thêu thùa thượng thặng để biến các kiểu quần áo đó thành 1 kích cỡ không thể nào vừa vặn hơn. Chúng được cắt may, chỉnh sửa chỉnh chu – đặc biệt là phần eo và mông, những thứ thể hiện sự “Nam tính” và giảm bớt các chi tiết quá Nam giới như phần túi quá to, ống quần rộng hay đường chỉ thô. Những chuyên gia thời trang lúc đó đã dành hẳn một sự tôn vinh cho phụ nữ và miêu tả rằng “Phụ nữ có thể mặc bất cứ thứ gì họ muốn miễn là họ vẫn trông như 1 người phụ nữ đảm việc nhà, xinh đẹp với chồng. Sau khi chiến tranh kiến thúc thì phụ nữ lại quay trở lại vai trò ban đầu của họ , với những kiểu ăn mặc thường ngày nhưng đâu đó thì đồ của đàn ông cũng đã bước 1 chân trong trang phục ăn mặc hàng ngày. Nhưng phải tới tận những năm 60-70s thì việc này mới trở thành 1 thứ bình thường chứ không phải tuyên ngôn của sự nổi loạn nữa.

Đến đây, các bạn nào còn đọc tới dòng này thì hiểu rằng “Tuyên ngôn của sự nổi loạn” không phải là một từ hay và nên được sử dụng nhiều. Nó chứng minh vấn đề đó vẫn đang xảy ra, vẫn đang phải đấu tranh và chưa được giải quyết. Nếu nó trở thành bình thường thì mới là điều đáng mừng, không phải lúc nào “Nổi loạn” cũng là điều tốt cả. Các bạn phải biết là tới việc đội cái cap (mũ lưỡi trai) thôi cũng là một điều gì đó “hiếm thấy” với phụ nữ ở cả giai đoạn này.Nghe thật buồn cười tại thời điểm hiện tại nhỉ? Nhưng thực tế là ngày xưa thế hệ phụ nữ trước đã khó khăn như thế, cũng gần tương tự với hình ảnh nam giới sử dụng váy, đồ bó sát như bây giờ.
Một điểm nhấn trong làng thời trang và xây dựng hình ảnh cho 1 thương hiệu được nhiều người biết là YSL. Giai đoạn thập niên 1960s và 1970s là khoảng thời gian của sự thức tỉnh và nổi loạn của “S.e.x”/Tình dục. Con người ta bây giờ nhận thấy tình dục là 1 nhu cầu căn bản của con người và không có gì phải xấu hổ về nó, đặc biệt là cán cân giữa nam và nữ – khi mà nhiều người cho rằng phái yếu nếu có nhu cầu mạnh mẽ về tình dục sẽ được mỉa mai là lăng loàn, là slut, là hoe. Trong khi đều là con người như nhau và nhu cầu là như nhau – thì thời điểm đó, YSL đã bắn “Viên đạn bạc” đầu tiên về cuộc cách mạng thay đổi này.

Được đánh giá là một trong những hình tượng tiêu biểu nhất trong giai đoạn đưa “S.e.x” vào thời trang – chiến dịch Le Smoking của Yves Saint Laurent dưới bàn tay đại tài của Helmut Newton đã gây 1 cú shock cho toàn bộ dư luận thời điểm đó. Được công bố trên tạp chí Vogue France vào năm 1975 – campaign nổi bật lên hai hình ảnh so sánh, 1 người phụ nữ trần truồng đang hôn 1 người đàn ông – và song song là 1 người phụ nữ mặc bộ đồ tuxedo được coi là đại diện cho đàn ông, với đường tà khoét sâu ở giữa ngực. Thông qua bộ ảnh này – Yves Saint Laurent muốn gửi gắm thông điệp của mình về sự thống trị trong tình dục của nam giới bên cạnh sự thụ động của 1 người phụ nữ khỏa thân. Đàn ông mới có quyền mưu cầu sinh lý trong khi phụ nữ cũng ngang hàng. Đây là 1 bản tuyên ngôn tự do cho phụ nữ – bằng cách thể hiện bằng cho 1 model nữ mặc bộ tuxedo của YSL – ông muốn thể hiện về hình ảnh người phụ nữ mới trong đối trọng tình dục giữa 2 giới tính tại thời điểm đó cũng như mở ra một chương mới trong việc nữ giới sử dụng đồ của nam.

Le Smoking đã gây sốc cho toàn bộ dư luận tại thời điểm đó, vấp phải những ý kiến phản đối cực mạnh – nhưng ngay sau đó, làn sóng ủng hộ từ những người phụ nữ trẻ đã dẫn đến sự mở lòng của xã hội và tất nhiên – khiến campaign này của YSL “lưu danh sử sách” trong việc đưa hình ảnh nhạy cảm vào thời trang. Sử dụng tone trắng đen đặc trưng của YSL – hình ảnh của người phụ nữ khỏa thân được Newton khéo léo khai thác không quá phô – động tác thể hiện sự phục tùng với người đàn ông. Cùng các động tác âu yếm, mơn trớn cơ thể giữa hai giới tính đã thể hiện ngoài sự quyến rũ còn cho người xem sự tương tác phụ thuộc và lệch lạc trong tình dục giữa nam và nữ tại thời điểm đó.

Và Yves Saint Laurent đã nói một câu có thể là niềm cảm hứng cho rất nhiều bạn tại thời điểm hiện tại:

“For women, the tuxedo is an indispensable outfit, which they feel comfortable with, so they can be who they are. This is style, not fashion. Fads come and go, style is forever.”

“Với phụ nữ, tuxedo là trang phục không thể thiếu. Họ cảm thấy thoải mái và là con người họ nhất. Đây là phong cách, không phải thời trang. Xu hướng có thể đến rồi đi nhưng phong cách là mãi mãi”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *