Thứ ba, ngày 15/04/2025 19:00 GMT+7
Nữ giáo viên về hưu bỏ tiền túi, dựng cột cờ “giữ” bãi tắm Nàng Tiên di tích Chử Đồng Tử – Tiên Dung
Gia Khiêm Thứ ba, ngày 15/04/2025 19:00 GMT+7
Là hiệu trưởng trường cấp 2 đã về hưu, nặng vỏn vẹn chưa đầy 40kg nhưng bà Nguyễn Thị Cánh (71 tuổi) ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội, luôn miệt mài không quản nắng mưa, thậm chí bỏ tiền túi ra dựng cột cờ “giữ” bãi tắm di tích Chử Đồng Tử – Tiên Dung với mong muốn gìn giữ di sản quê hương.
Chuyện ít biết về nữ giáo viên về hưu bỏ tiền túi, dựng cột cờ “giữ” bãi tắm di tích Chử Đồng Tử – Tiên Dung
Đều đặn mỗi tuần, bà Nguyễn Thị Cánh (71 tuổi, ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội) lại cùng một số người cao tuổi trong làng mang theo dụng cụ lao động ra khu vực bãi tắm Nàng Tiên dọn dẹp sạch sẽ xung quanh. Mọi người chuẩn bị mâm đồ lễ dâng tại khu vực cột cờ.
Ít ai biết rằng, đây là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi chứng kiến mối lương duyên trời định giữa “Tứ bất tử” Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung. Mọi người hay gọi đây là bãi tắm Tự Nhiên hay bãi tắm Nàng Tiên.

Trước đó, đầu tháng 12/2024, bà Nguyễn Thị Cánh cùng một số người dân xã Tự Nhiên đã dùng “tiền túi” để xây dựng cột cờ trên bãi cát nhằm phục vụ lễ hội của xã. Nơi đây, hiện có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là: đình Hạ – đình Thượng và khu Giá ngự. Đây chính là quần thể di tích thờ Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung và Hồng Vân công chúa.
Truyền thuyết kể về thiên tình sử giữa Chử Đồng Tử – Tiên Dung kỳ lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Một nàng công chúa lá ngọc cành vàng, xinh đẹp, quyền quý, con vua Hùng Vương thứ 18, sau một lần tình cờ gặp nhau trên bãi cát làng Tự Nhiên, đã bất chấp mọi lễ giáo phong kiến, ngôi vị thứ bậc trong xã hội, đã yêu, kết duyên với người con trai mồ côi, nhà nghèo nhưng rất mực hiếu thảo.

Truyền thuyết này không chỉ dừng lại ở một mối tình mà còn ca ngợi sự cống hiến lớn lao của hai vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung trong việc cứu giúp người đời khỏi bệnh tật, tai ương.
Đi đến đâu, họ cũng dang rộng vòng tay để cứu giúp người khó, người khổ, chỉ đường dẫn lối cho họ sống tốt hơn. Chính vì thế, người đời tôn Chử Đồng Tử là một trong “Tứ bất tử” với sự thành kính, thờ phụng.

Theo đó, 4 năm một lần vào ngày 1/4 Âm lịch, tại xã Tự Nhiên, chính quyền và nhân dân lại tổ chức lễ hội Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung Công chúa. Lễ hội được tổ chức trang trọng với những nghi thức mang đặc sắc văn hóa vùng Châu thổ sông Hồng là rước nước, rước kiệu từ đình làng ra bãi cát điểm được coi là nơi kết duyên giữa Chử Đồng Từ và Tiên Dung.
Rước nước là một nghi lễ trang trọng được giao cho những người cao tuổi có uy tín được những chiếc thuyền đi ra giữa sông Hồng rồi lấy nước vào chum sau đó được chuyền về lễ Thánh ở Đình làng. Việc rước nước không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc mà còn thể hiện nét tín ngưỡng sâu sắc, nhằm tưởng nhớ về thánh Chử Đồng Tử với nghề đánh cá xuôi ngược trên sông.
Rước kiệu được cử hành long trọng đúng với nghi lễ cổ truyền một nghi lễ trọng thể đầy đủ các tự khí với trống chiêng rộn ràng, cùng đó là những bản nhạc của phường bát âm.
Vào ngày lễ chính, từ sáng sớm, nhân dân trong và ngoài xã nô nức cùng đoàn rước từ Đình làng ra tận bờ sông Hồng. Đám rước đến tại bến sông, sẽ lấy nước rửa kiệu nhằm diễn lại tích huyền thoại “Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung” trên bãi tắm nàng tiên và cùng huyền thoại rồng du thuyền trên sông.
Nặng chưa đầy 40kg nhưng việc gì cũng làm
Dáng người bà Cánh nhỏ thó, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 40kg nhưng bà Cánh vô cùng nhanh nhẹn, hoạt bát. Hằng ngày bà vẫn thường xuyên đạp xe rong ruổi ngược xuôi. Bên ngoài vẻ mặt chai sạn gió sương, mộc mạc khắc khổ ít ai nghĩ bà vốn là hiệu trưởng trường cấp 2 đã về hưu. Nhiều năm qua, bà luôn tất bật lo công việc làng xã khiến nhiều người không khỏi nể phục.

Bà Cánh thừa nhận giống tính của cha, thích lo chuyện bao đồng, ai gặp hoạn nạn, cơ nhỡ luôn sẵn sàng giúp đỡ. Chính vì vậy, là người con sinh ra và lớn lên ở vùng quê này, chứng kiến con đường từ đình làng ra bãi cát, điểm được coi là nơi kết duyên giữa Chử Đồng Từ và Tiên Dung có lúc nhiều cỏ cây um tùm bà lại tất bật dọn dẹp. Thậm chí, mới đây, bà cùng một số người dân trong xã bỏ tiền túi ra chung nhau dựng lại cột cờ, đổ bê tông đoạn đường với mong muốn gìn giữ di tích, người dân đi lại được sạch sẽ.
“Số tiền túi chúng tôi không có nhiều, cùng gom góp với hy vọng xây dựng quê hương, bảo tồn những giá trị di sản. Nhiều cháu trong làng chuyên chở bê tông, thấy tôi làm cũng góp sức nếu thừa mang về công ích làm lại đoạn đường cho sạch sẽ. Chính vì vậy, có hôm hơn 22h đêm nhận được điện thoại của các cháu tôi liền đạp xe ra san gạt với hy vọng góp chút công sức nhỏ bé của mình”, bà Cánh tâm sự.

Nhiều người dân trong xã ban đầu thấy bà Cánh làm còn nghĩ “dở hơi, lo chuyện bao đồng”. Sau thời gian dài họ dần hiểu đã cùng chung tay làm cùng. Có người công việc bận thì quyên góp ủng hộ, tất cả bà đều ghi chép rõ ràng, cẩn thận. Những lúc như vậy bà Cánh thấy mọi mệt mỏi như được xua tan hết. Mọi người cùng làm, cùng trò chuyện về lịch sử vùng đất này.
“Dọc bờ sông Hồng, sử sách ghi có tới 72 di tích thờ thánh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, nhưng đây là nơi chứng kiến mối lương duyên trời định của hai người và chỉ duy nhất tại chỗ cột cờ này. Nếu di tích chúng ta không chung tay bảo vệ sẽ dần mai một.
Tôi mong muốn lan toả người dân Tự Nhiên biết gìn giữ di sản, giữ văn hoá. Làm thế này tôi vui lắm, không thấy mệt mỏi gì. Tôi Cứ nghĩ mình làm việc này cho dân, làng, thánh phù hộ, con cháu noi gương sau này”, bà Cánh trải lòng.

Sau khi dựng cột cờ, dọn dẹp sạch sẽ, bà Cánh và người dân chung tay nhận được sự cảm mến của nhiều người. Ai nấy đều phấn khởi. Làm xong mọi người mong giữ gìn khu vực này sạch sẽ, lan toả những giá trị tốt đẹp. Bà Cánh muốn ai cũng biết nơi đây là lịch sử, có ý nghĩa quan trọng thế nào với nhân dân xã Tự Nhiên và mảnh đất linh thiêng này.
Bà Đặng Thị Nê (74 tuổi) cho biết, tham gia công việc này cùng với bà Cánh từ khi tiến hành dựng cột cờ. Trước đây, đoạn đường này mỗi khi trời mưa lầy lội, cỏ mọc um tùm.
“Tôi thấy đây là di tích quốc gia, bãi tắm nơi gieo duyên thánh Chử Đồng Tử – Tiên Dũng chỉ có 1, thậm chí đi vào lịch sử sử sách. Chúng tôi sinh ra lớn lên nơi đây, từng tham gia rước hội mỗi dịp đầu tháng 4 âm lịch hằng năm nên muốn góp chút sức mình, bỏ tiền túi ra làm để giữ lại cho thế hệ sau”, bà Nê kể.

Ông Nguyễn Văn Hoá, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Tự Nhiên cho biết, việc làm của bà Cánh nhận được sự ủng hộ của người dân trong xã. Bản thân ông Hoá, khi rảnh rỗi cũng tích cực tham gia các phong trào, hoạt động này để cùng gìn giữ văn hoá quê hương.
“Bà cánh làm việc này một phần là do ngôi đền Giá Ngự trước đây bố bà – ông Nguyễn Văn Khôi xây dựng từ thuở sơ khai. Ông Khôi góp công góp của để xã Tự Nhiên có được ngôi đền khang trang. Vì vậy, bà Cánh là người tiếp nối truyền thống vì quê hương của cha mình. Bất kể trời rét hay nắng nóng nếu vì công việc chung bà không quản ngại”, ông Hoá chia sẻ.