Đi du lịch Lai Châu hết bao nhiêu tiền: Sì Thâu Chải, điểm đến bình yên
Lai Châu là điểm đến của cung đường Tây Bắc, nằm ở phía tây bắc, giáp Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Lai Châu, cách Hà Nội khoảng 420 km.
Từ Hà Nội đến Lai Châu di chuyển theo cao tốc Hà Nội – Lào Cai (CT05), sau đó vào QL4D từ thành phố Lào Cai. Tổng thời gian di chuyển khoảng 8 tiếng.
Lai Châu mang đặc trưng của khí hậu và văn hóa Tây Bắc nên thời điểm thích hợp để du lịch Lai Châu là tháng 9-10 khi các cánh đồng lúa chín vàng, sau đó là mùa xuân, tháng 1-3, với đủ loại hoa như đào, ban nở rực rỡ và mùa đổ nước tháng 4-5.
Lai Châu cũng là tỉnh có nhiều đỉnh núi, thu hút du khách mê trekking có thể kể đến đỉnh Pusilung 3.083m (cao thứ hai Việt Nam sau Fansipan), Pu Ta Leng cao 3.049m, Bạch Mộc Lương Tử (3.046m), Tả Liên Sơn (2.996m), Phàn Liên San (3.012m), Pờ Ma Lung (2.967m).
Bên cạnh đó, Lai Châu được biết đến với nhiều địa điểm tham quan, check in nổi tiếng như: Đèo Ô Quy Hồ; Bản du lịch Sin Suối Hồ; Đồi chè Tân Uyên; Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Tè; Cánh đồng Mường Than; Suối nước nóng Vàng Pó, thác Tác Tình… trong đó có bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, nơi được ví như bản làng trong mây.
Bản Sì Thâu Chải thuộc xã địa phận xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường và nằm dưới chân đỉnh núi Pu Ta leng, bản cách thành phố Lai Châu gần 30km. Bản Sì Thâu Chải nằm ở độ cao trên 1400m so với mực nước biển, nơi đây có trên 60 hộ dân với trên 300 nhân khẩu, trong đó 100% là người đồng bào dân tộc Dao đầu bằng sinh sống.
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, không gian thoáng đãng, khí hậu trong lành mát mẻ cùng với những phong tục tập quán độc đáo của người dân nơi đây, Bản Sì Thâu Chải rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái cùng tìm hiểu nét văn hóa dân tộc và khám phá chinh phục thiên nhiên.
Bản Sì Thâu Chải cũng là một trong những điểm đến được nhiều bạn trẻ yêu thích và lựa chọn cho chuyến đi phượt của mình. Mới đây trên trang cá nhân của mình, bạn Phạm Hà Anh đã chia sẻ về chuyến đi 2N2Đ với nhiều khám phá, trải nghiệm thú vị.
Theo nữ du khách Phạm Hà Anh, cô và nhóm bạn chọn Sì Thâu Chải để được trải nghiệm cảm giác “chữa lành” là như thế nào.
Theo đó, nhóm bạn Phạm Hà Anh bắt xe giường nằm với giá 350.000 đồng/1 chiều, dừng chân tại huyện Tam Đường. Sau đó thuê xe máy tại nơi mình lưu trú với giá 200.000 đồng/1 ngày, xăng đổ đầy bình. Tuy nhiên cần lưu ý, nếu có ý định thuê xe máy cần phải liên hệ trước vì nếu lên đến nơi mới thuê, giá thuê sẽ đắt hơn.
Đi du lịch Lai Châu hết bao nhiêu tiền: Sì Thâu Chải, điểm đến săn mây không kém gì Tà Xùa
Dù chỉ ở có 2 ngày, 2 đêm, lại gặp mưa và sương mù nhưng nhóm bạn của Phạm Kiều Anh đã khám phá được khá nhiều địa điểm, vui chơi như đồi chè Tân Uyên; Guồng nước Nà Khương – Bản Bo; Thác Tác Tình…
“Vì thời tiết nắng mưa nên chúng tôi chỉ có 1 ngày để đi chơi ở các điểm khác còn lại là ở home nhưng cũng đã khám phá các điểm quanh Sì Thâu Chải bán kính 30km. Khi chúng tôi đến đồi chè Tân Uyên thì chè đã thu hoạch hết nên nhìn không còn chồi non xanh biếc nhưng bù lại cho tôi cảm giác view rộng, đồi chè mênh mông, không gian thật bao lạ.
Cùng tuyến với đồi chè, quanh bản trồng nhiều lúa kiểu ruộng bậc thang mini trông cũng cute. Điểm Thác Tác Tình nằm ngay giữa lưng bản cũng là một trong những địa điểm check in mà các bạn trẻ không nên bỏ qua, bởi vẻ đẹp vừa hoang sơ, nhưng cũng thật hùng vỹ, hữu tình, dòng thác cao đổ xuống tung bọt trắng xóa, bên dưới là hồ nước xanh biêng biếc, hai bên là rêu và cây xanh, thực sự sẽ là background đẹp, có một không hai cho những bức ảnh của bạn”, Phạm Hà Anh cho biết.
Chia sẻ về chỗ ở, Phạm Hà Anh cho biết, cô và nhóm bạn chọn ở homestay A Giàng, nơi này được viral mặt tiền view triệu đô, đây cũng là homestay cuối bản nên chỉ duy nhất home này có thể ngắm cảnh trọn vẹn.
“Chúng tôi đi team 5 người ở phòng cộng đồng giá chỉ 110k/người/đêm, nhà vệ sinh chung và rất sạch sẽ.
Anh chị chủ homestay rất thân thiện, hiền lành, đặc biệt khi chúng tôi quá giờ check in, check out theo quy định nhưng giá tiền ở mỗi người vẫn vậy, điều này khiến chúng tôi rất bất ngờ”, Phạm Hà Anh cho hay.
Bản Sì Thâu Chải không chỉ thu hút khách bởi là đường lát đá, hàng rào đá, những nếp nhà truyền thống, giữ bản sắc văn hóa bản địa, địa điểm tập kết nhảy dù lượn, mà Sì Thâu Chải còn hấp dẫn khách bởi ẩm thực, những món ăn được bà con dân tộc ở đây nuôi, trồng, chế biến món ăn văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào nhưng cùng sáng tạo để phù hợp với khẩu vị của du khách thập phương.
Phạm Hà Anh cho hay: “Ăn uống của cả nhóm được đặt tại homestay, tưởng rằng không ngon mà ngon đến ngỡ ngàng.
Từ món ăn sáng chỉ đơn giản là mì tôm, rau, trứng gà những đều là đồ sạch, tươi, đảm bảo đến bữa tối với các món ăn đủ mỹ vị cơm, canh, cá, thịt đầy đủ, đến bữa lẩu với gà “chạy bộ” nuôi thả tự nhiên ăn kèm các loại rau rừng, rau trồng tự nhiên tại vườn.
Tổng chuyến đi của chúng tôi hết 1.500.000 đồng/1 người. Quá rẻ và mãn nhãn về mặt tinh thần lẫn cảm xúc. Bản Sì Thâu Chải dù nhỏ xinh, các nhà dân xung quanh trồng khóm hoa đủ sắc màu nhìn thấy thật đẹp và cho tôi cảm giác bình yên. Người dân thì thân thiện, cởi mở. Sì Thâu Chải ở trên cao vào mùa mây cũng là điểm “săn” mây xịn sò không kém gì ở Tà Xùa. Homestay A Giàng cũng là nơi khiến chuyến đi của tôi được “chữa lành””, Phạm Hà Anh chia sẻ.