Thực sự có kiếp người không?

Thực sự có kiếp người không?

Một cô bé người Anh đã làm mọi người kinh ngạc vì bắt đầu nói bằng thứ ngôn ngữ khác lạ vào một buổi sáng sau khi thức giấc. Cô không còn hiểu được tiếng Anh, không nhận ra cha mẹ và luôn tỏ ra sợ sệt…

Các chuyên gia vào cuộc và xác định, cô bé hoàn toàn khỏe mạnh và thứ ngôn ngữ lạ mà cô sử dụng chính là tiếng Tây Ban Nha chuẩn. Bằng thứ tiếng này, cô cũng khẳng định mình là người Tây Ban Nha, rằng tại thành phố Toledo, trong một ngôi nhà trên đường phố, người hàng xóm vì ghen tị đã dùng dao đâm cô.

Cảnh sát Tây Ban Nha đã kiểm tra lại câu chuyện này; tất cả đều trùng hợp. Đúng là có một cô gái 22 tuổi từng sống ở Toledo, chính trong ngôi nhà và đường phố mà cô bé ở Anh đã nói đến. Một hôm, người ta tìm thấy cô bị giết chết. Cha mẹ cô đã già và tới nay vẫn còn than khóc vì thương nhớ con. Khi hỏi đến người hàng xóm nay cũng đã già, người này thú nhận tội ác của mình.Báo chí thế giới đăng tải câu chuyện trên khiến nhiều người kinh ngạc. Nhưng các nhà khoa học thì không ngạc nhiên vì đối với họ, hiện tượng đó không phải là mới.

Vào những năm 1970, Elena Markard – cô gái Đức 20 tuổi ở Tây Berlin – bị thương nặng. Khi tỉnh lại, cô bắt đầu nói tiếng Italy rất chuẩn – thứ tiếng mà trước đó một chữ cắn đôi cô cũng không hề biết. Cô khẳng định tên mình là Rozetta Liani, sinh ở Italy năm 1887 và đã… chết ở đó năm 1917. Khi được đưa tới địa chỉ “quê cũ” tại Italy, Elena gặp một bà già, vốn là con gái của người phụ nữ có tên Rozetta đã quá cố. Không do dự, cô gái 20 tuổi Elena chỉ vào bà già và nói: “Đây là con gái tôi – Fransa”.

Tạp chí Tiếng vọng hành tinh của Nga cũng đã có lần kể về cậu bé Titu người Ấn Độ: Cậu bỗng nhiên nói rằng tên mình là Sures Varma, chủ một cửa hiệu ở Agra, có vợ là Uma và hai đứa con. Cha mẹ cậu hoảng sợ liền đi Agra tìm hiểu và được biết: Đúng là có một thương gia tên Varma từng sống ở đó và đã chết vì bị bắn vào đầu. Khi gặp góa phụ và hai đứa con, Titu nhận ra cả ba người. Một điều thú vị là trên đầu Titu có dấu vết bẩm sinh đúng vào chỗ vết thương của ông Varma trước đây.

Trong lịch sử từng có hàng nghìn trường hợp quay trở về cuộc sống dĩ vãng. Một lý thuyết được gọi là “trí nhớ gene” đã được đề xướng để giải thích các hiện tượng này. Theo nhà nghiên cứu Hidtoring Tan, trí nhớ gene là trí nhớ đã được di truyền từ các thế hệ trước. Ngay từ khi con người mới sinh ra, trong bộ não đã tồn tại vùng lưu giữ ký ức của mọi việc từng xảy ra từ đời bố mẹ, ông bà, cụ kỵ… Trí nhớ gene được lưu trong những phân tử protein của tế bào não. Khi có một năng lực nào đó làm khởi động các phân tử ấy thì ký ức về đời trước sẽ được phục hồi, con người bỗng nhiên nhớ lại những gì từng xảy ra với tổ tiên xa xôi, y như là đã xảy ra với chính mình.

Các nhà nghiên cứu sinh linh lại cho rằng hiện tượng này là do “phách” của một người đã chết nào đó nhập vào một người sống. Phách là cái nằm bên trong thể xác, thể xác có thể chết đi nhưng phách thì không bao giờ bị tiêu tan, nó tồn tại mãi từ kiếp này sang kiếp khác theo vòng luân hồi. Nếu người đang sống mà yếu về năng lực tinh thần và thể xác thì sẽ bị phách mới nhập khống chế, điều trước tiên là kích động việc nhớ lại cuộc đời của người đã chết. Lý thuyết này được khá nhiều người ủng hộ vì trong một số trường hợp, người quay trở về kiếp trước được xác định là hoàn toàn không có quan hệ họ hàng gì với người mà họ đã hóa thân.

Ai là người sở hữu trí nhớ gene?

Liệu có phải ngay từ khi sinh ra, mỗi người đều tích trữ trong bộ não mình dữ liệu về những đời trước? Các nhà khoa học nhận thấy rằng cả cuộc đời một con người, dù có sống đến 100 tuổi thì cũng mới chỉ tiêu thụ có 1/10 năng lực của bộ não. Có thể 9 phần còn lại đã tích chứa những ký ức, hình ảnh, sự kiện của nhiều đời nhiều kiếp khác nữa mà trí nhớ gene là cái khóa cần được mở mới biết được.

Theo ông Edgar Cayce, người được coi là có khả năng khơi dậy những hình ảnh trong tiền kiếp của người khác: Đôi khi những hình ảnh trong trí nhớ gene được hiện ra qua những tác nhân như giấc mộng khi đang ngủ, một hình ảnh nào đó khi đang thức, hay mạnh mẽ hơn và rõ ràng hơn khi được kích động bằng phương pháp thôi miên.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Delhi (Ấn Độ) và Đại học Virginia (Mỹ) đã đưa ra một thống kê cho thấy, trẻ nhỏ có khả năng phát lộ trí nhớ gene mạnh hơn người lớn. Chúng thường sống lại “quá khứ xa xăm” của mình mà ngay bản thân và bố mẹ không hề biết. Chẳng hạn, nhiều đứa trẻ có những thái độ, cử chỉ, lời nói hay sự lo lắng rất đặc biệt, sự kiện này được xác định là có liên quan đến một người ở tiền kiếp. Nếu người ấy đã chết vì tai nạn sông nước hay những gì liên quan đến nước thì đứa trẻ này rất sợ nước. Nếu người ấy bị bắn chết thì đứa trẻ rất sợ tiếng nổ, hay trông thấy súng là hoảng sợ…

Theo sự phân tích tỉ mỉ của bác sĩ Stevenson trong nhóm nghiên cứu, có nhiều bé gái nhớ lại tiền kiếp của mình là trai và ngược lại, nhiều bé trai nhớ lại tiền kiếp của mình là gái. Chính vì thế mà chúng có sở thích ăn mặc cũng như cử chỉ, dáng điệu phù hợp với giới tính của mình trước đó, tuy ngược hẳn với giới tính hiện tại.

Theo nhà siêu tâm lý Banglopp, những người bị chết bất đắc kỳ tử thường nhớ rõ về thời gian và những gì đã xảy ra ở kiếp trước khi họ bước vào một cuộc đời mới. Có lẽ cái chết bất ngờ của tiền kiếp, chết không theo đúng quy luật của tự nhiên (sinh, lão, bệnh, tử) đã khiến linh hồn thoát khỏi thể xác một cách bất ngờ, khi vào thân xác mới vẫn giữ được sự liên quan mật thiết với những gì của thời quá vãng.

Còn một hiện tượng khác ít gây chú ý cho công chúng nhưng lại khiến các nhà nghiên cứu quan tâm, đó là thần đồng. Nó củng cố giả thuyết về “cuộc sống kiếp trước”. Có những thi sĩ, nhạc sĩ mới 10 tuổi, những sinh viên ở tuổi thiếu niên… Làm sao họ có ngay được nguồn vốn kiến thức và trí tuệ phức tạp đến như vậy? Câu trả lời của một số nhà khoa học là: Phần “phách” của nhiều thần đồng từng là của các nhạc sĩ, thi sĩ… Vào một thể xác mới, phần “phách” ấy nhớ lại niềm say mê cũ và làm cho thể xác mới có được những kỹ năng, kiến thức đã tích lũy từ kiếp trước.

Cho đến nay, các hiện tượng trên vẫn đang là câu hỏi lớn đối với giới khoa học. Sự nhớ lại kia là trí nhớ gene hay là sự “chuyển chỗ” của phách? Có giả thiết cho rằng, ký ức kiếp trước là một tập hợp thông tin được lưu giữ theo cách nào đó trong vũ trụ mà chỉ một số người có khả năng thu nhận.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *