Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Phạm Thị Thanh Huyền, 43 tuổi, hiện làm Điều dưỡng tại một bệnh viện ở Hà Nội cho biết, vừa nhận được một bài học nhỏ trong hành trình làm mẹ. Đây cũng là điều mà nhiều phụ huynh khác mắc phải.
Câu chuyện bắt đầu khi mới đây, con trai 12 tuổi của chị đi học về với một tâm trạng vui vẻ và tự hào khoe: “Mẹ ơi, con kiểm tra được 7 điểm”. Thay vì khen ngợi con, chị Huyền lỡ miệng nói: “Ôi, có 7 thôi à?”. Con trai chị bẽn lẽn giải thích: “Nhưng con đứng thứ 3 của lớp đó mẹ”. Vậy mà chị Huyền lại tiếp tục: “Lớp con kém thế à? Điểm này thì sao đạt được học sinh giỏi?”.
Ngay hôm sau, chị Huyền đọc được dòng tâm sự của con với nội dung phải làm thế nào để mẹ hiểu con đã cố gắng hết sức. Mặc dù điểm 7 nhưng con đứng thứ 3 trong lớp cũng là thành tích đáng khen. Đọc từng câu chữ, tim chị như nghẹn lại và ân hận. Hóa ra, lời nói tưởng như vô thưởng vô phạt của chị đã vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của con.
Từ câu chuyện trên, chị Huyền cho rằng: “Làm mẹ là một hành trình dài, đầy thử thách và sai lầm. Đôi khi, trong mong muốn con tiến bộ mà quên mất rằng những lời nói của mình cũng cần được “điều chỉnh” để không trở thành áp lực.
Làm cha mẹ, ai cũng mong con đạt thành tích tốt. Nhưng thay vì đặt kỳ vọng cao, mình học cách trân trọng nỗ lực nhỏ của con. Mỗi điểm số, mỗi thành công dù nhỏ cũng là một bước tiến. Khi con tự hào chia sẻ niềm vui, điều con cần là sự đồng cảm, không phải sự so sánh hay chỉ trích. Cha mẹ hãy học cách lắng nghe con giúp mình thấu hiểu cảm xúc và suy nghĩ của con nhiều hơn.
Thay vì nói: “Con phải cố gắng hơn nữa”, chúng ta bắt đầu tập nói: “Mẹ thấy con đã rất cố gắng rồi, nếu cần mẹ sẽ luôn ở bên hỗ trợ con”. Nhiều lúc mình nghĩ mình nói nhẹ nhàng nhưng sự thật là lời nói vẫn có “sát thương”. Đôi khi, chỉ một câu nói thiếu suy nghĩ cũng đủ để làm tổn thương con. Từ đây, mình học cách chọn từ ngữ thật cẩn thận”.
Hành trình hoàn thiện bản thân làm mẹ
Theo chia sẻ của chị Huyền, chị có 2 con năm nay 18 và 12 tuổi. Con gái lớn của chị là một cô bé biết chăm sóc và giúp đỡ mọi người trong gia đình, là 1 người mạnh mẽ, yêu ghét rõ ràng, có tính hướng ngoại, có mục tiêu và biết mình muốn gì, làm gì để đạt được điều đó. Con cá tính và độc lập dễ thích nghi với hoàn cảnh. Còn con trai là một cậu bé ấm áp, biết quan tâm và yêu thương mọi người.
Chị Huyền nêu quan điểm dạy con: “Mỗi bạn có một tính cách riêng nên mình luôn học hỏi để biết cách đồng hành cùng con. Có thể cách của mình hơi đi ngược 1 số bà mẹ thế hệ 8X. Với mình, nguyên tắc dạy con rất đơn giản: Tự do là tự lo.
Khi con còn nhỏ, mình đã để các con học cách chịu trách nhiệm và làm những việc phù hợp với khả năng như làm việc nhà, nấu ăn. Mình tin rằng, khi con biết chăm sóc bản thân, con sẽ biết cách quan tâm và chăm sóc những người khác.
Dạy con là hành trình đồng hành, không áp đặt. Là một người mẹ, mình luôn học hỏi để tìm cách đồng hành với con, không kiểm soát hay cấm đoán. Mình không ngăn con khám phá thế giới mà chỉ hướng dẫn con làm thế nào để tốt hơn. Mình luôn nói với con rằng: “Mẹ yêu con và tin con”.
Nếu có chuyện gì xảy ra mà không cháy nhà, không nguy hiểm đến tính mạng thì đều là chuyện nhỏ, có thể giải quyết được. Quan trọng nhất là sau mỗi chuyện, con học được bài học gì và lần sau sẽ làm thế nào để không lặp lại sai lầm đó.
Yêu thương nhưng không bao bọc quá mức. Cuộc đời là của con, hành động con gây ra thì chính con là người chịu trách nhiệm.
Ví dụ, khi các bà mẹ khác cấm con yêu, mình thì không. Thay vì cấm đoán, mình hướng dẫn con về quan hệ an toàn, yêu thương và trân trọng bản thân. Mình nói với con: “Thất tình không phải là dấu chấm hết. Chỉ là người ấy chưa xứng đáng với con mà thôi. Rồi sẽ có một người tốt hơn chờ con phía trước. Nếu con muốn gặp hoàng tử hay công chúa của đời mình, con cũng phải cố gắng để trở thành phiên bản tốt nhất. Vì gió tầng nào gặp mây tầng đó”.
Mình dạy con rằng: May mắn chỉ chiếm một phần nhỏ trong thành công. Quan trọng là sự nỗ lực và kiên trì của bản thân. Mình không phải người mẹ hoàn hảo nên mình không mong cầu con hoàn hảo. Điều mình mong muốn duy nhất là con biết yêu thương, quan tâm và giúp đỡ những người xung quanh.
Xuyên suốt hành trình làm mẹ, câu nói này luôn là kim chỉ nam của mình: “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Mỗi lần con có điều gì đó chưa đúng, mình không trách con trước mà tự nhìn lại mình”.