Bạn có deadline và biết mình phải bắt tay vào việc. Nhưng thay vì tập trung vào những việc gấp và quan trọng, bạn dành thời gian và sự chú ý cho những thứ khác. Dù thâm tâm bảo bạn nên bắt đầu ngay, bạn vẫn trì hoãn.
Khi nói về trì hoãn, các nhà thần kinh học thường bàn về sự xong đột giữa hệ Limbic và thuỳ trán nhưng đằng sau sự xung đột của các thần kinh ấy còn có một số cảm xúc dẫn đến sự trì hoãn.
– Hệ Limbic (Limbic system): Là phần não nguyên thuỷ chịu trách nhiệm cho các hành vi vô ý thức
– Thuỳ trán (Prefrontal cortex): Là phần não mới hơn, phát triển hơn liên quan đến nhận thức và tư duy bậc cao.
___________________________________________________
Mô hình DUST về sự trì hoãn.
Graham Allcott, nhà sáng lập Think Productive và tác giả của cuốn “A Practical Guide to Productivity”, cho biết DUST là phương pháp đơn giản để gọi tên được lý do bạn đang trì hoãn.
– DIFFICULT (KHÓ KHĂN):
Bạn trì hoãn khi thấy việc quá khó, có thể vì bạn thiếu tự tin, thiếu kỹ năng hoặc cả hai. Giải pháp là dời lùi điểm xuất phát lùi. Ví dụ nếu bạn muốn xây dựng một ứng dụng nhưng thấy quá nhiều thử thách thì bạn có thể học một khoá online nói về các loại ứng dụng tương tự. Nhưng điều quan trọng là không lấy việc ấy làm lý do để trì hoãn thêm. Hãy xác định rõ ràng bước đầu tiên để hoàn thành nhiệm vụ là gì, hãy quyết tâm giải quyết từng bước một.
– UNCLEAR (MƠ HỒ):
Lắm lúc chúng ta trì hoãn vì việc phải làm chưa được xác định rõ ràng. Việc ghi những cụm từ mơ hồ trong danh sách to-do không giúp ích cho ta. Để đạt được năng suất, những việc cần làm phải ghi ra rõ ràng.
Giải pháp là ghi rõ việc cần làm và tách nhỏ thành những việc nhỏ, đơn giản, dễ thực hiện hơn. Ví dụ, thay vì ghi “chuẩn bị thuyết trình” thì bạn có thể thay bằng “luyện tập thuyết trình trước thứ Ba để có thể nhận phản hồi từ quản lý vào thứ Tư”
– SCARY (SỢ SỆT):
Nỗi sợ thất bại là trở ngại trong công việc. Những thay đổi lớn hoặc những dự án thú vị đồng thời cũng là những thử thách và khó khăn lớn. Não được thiết lập để bảo vệ chúng ta. An toàn là tốt, rủi ro không tốt. Trì hoãn cũng là cách để bản thân được ở trong vùng an toàn.
Giải pháp có vẻ hơi phản trực giác nhưng bạn có thể tạo một nỗi sợ khác to lớn hơn nỗi sợ cũ. Ví dụ, thông báo deadline của dự án cho bạn bè có thể sinh ra nỗi sợ bị đánh giá và giúp bạn vượt qua được sự trì hoãn để không làm bạn bè thất vọng. Tuy nhiên, xét về mặt lâu dài, sẽ tốt hơn nếu bạn biết sử dụng nỗi sợ làm động lực. Suy cho cùng, sự sợ hãi là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên khi ta biết mình đang xây dựng một thứ gì đó có ý nghĩa.
– TEDIOUS (TẺ NHẠT):
Một vài công việc nói thẳng ra là nhàm chán và lặp đi lặp lại. Bạn cần phải copy hàng tá số má vào bảng tính? Viết tay cả đống thiệp mời? Việc thay đổi bản chất của những việc như vậy là không thể, nhưng thứ bạn có thể thay đổi là môi trường xung quanh. Ví dụ, bạn có thể nghe podcast khi viết thiệp mời, hoặc nghe nhạc khi copy số liệu vào máy tính,… Hoặc thậm chí bạn có thể tự nghĩ ra một “phần thưởng” cho mình khi làm xong việc.
Mô hình DUST giúp bạn gọi tên được cảm xúc, lý do vì sao bạn đang trì hoãn. Nó có thể là khó khăn, chưa rõ trong việc cần làm, sợ hãi thất bại, công việc nhàm chán hoặc nó có thể là tổng hợp của các cảm xúc ấy. Bất cứ nó là gì đi nữa bạn hãy thử quan sát và áp dụng một trong những giải pháp trên xem sao.
Sự trì hoãn hoàn toàn tự nhiên, đôi lúc hãy thả lỏng và tiếp nhận nó. Nó cũng có thể là dấu hiệu chúng ta cần để cơ thể là tâm trí nghỉ ngơi. Nhưng khi sự trì hoãn diễn ra liên tục và ngăn cản bạn đạt được mục tiêu thì đã đến lúc tự soi lại mình và sử dụng một số gợi ý trên để giải quyết.
___________________________________________________
Dịch: Minh Duy
Nguồn: Thư Viện Ngành