NỘI TÌNH XYZ VÀ CHIẾN TRANH NỬA MÙA VỚI PHÁP, 1798–1800

Nội Tình XYZ là một sự cố ngoại giao giữa Pháp và Liên Bang Hoa Kỳ dẫn tới một cuộc xung đột không báo trước nhưng có giới hạn, thường được gọi là Chiến Tranh Nửa Mùa. Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ lẫn Pháp nỗ lực lập lại hòa bình với bản Công Ước 1800, còn được biết tới với tên gọi Hiệp Định Mortefontaine.
Cuối những năm 1700, chánh quyền Cách Mạng Pháp, Đốc Chánh Phủ, đang gặp các vấn đề khó khăn về tài chánh vì các cuộc chiến khắp Châu Âu. Nhiều nhà lãnh đạo rất tức giận vì Hoa Kỳ dám ký kết Hiệp Định Jay với Đại Anh vào năm 1794. Kết quả là, vào năm 1796, các nhà lãnh đạo Pháp quyết định ban hành lệnh bao vây bắt giữ các thương hạm của Hoa Kỳ, một cách bất ngờ. Tổng thống John Adams cử 3 đặc phái viên Hoa Kỳ nhằm mục đích khôi phục lại mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Pháp — đó là Elbridge Gerry, Charles Cotesworth Pinckney và John Marshall.
Các đặc phái viên này, cũng như những người khác trong chánh phủ của Adams, coi Pháp là trung tâm của suy đồi, mưu mô, và bè phái tràn lan, khiến người Mỹ khó hoàn thành sứ mệnh của họ. Khi tới Pháp, Gerry, Pinckney và Marshall thấy rằng họ không thể chánh thức gặp được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Hầu tước de Talleyrand. Thay vào đó, các đặc phái viên Hoa Kỳ được cho tiếp cận một số kẻ trung gian, là Nicholas Hubbard (mật danh là W,) Jean Hotdleser (X), Pierre Bellamy (Y). và Lucien Hauteval (Z.) Cùng tham gia vào các cuộc đàm phán này là biên kịch Pierre Beaumarchais, người đã từng ủng hộ và tham gia vào việc Pháp viện trợ cho Hoa Kỳ trong cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ. Những kẻ trung gian này tuyên bố rằng Talleyrand sẽ sẵn sàng gặp gỡ với người Mỹ và đi tới một thỏa thuận nếu thỏa mãn một số điều kiện. Người Pháp yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp một khoản vay lãi suất thấp, bãi bỏ và thanh toán các yêu sách của thương gia Hoa Kỳ chống lại người Pháp, và cuối cùng là trả một khoản hối lộ đáng kể cho Talleyrand. Các đặc phái viên Hoa Kỳ đã bị sốc và cũng nghi ngờ rằng bất kỳ nhượng bộ nào cũng sẽ mang lại thay đổi đáng kể trong chánh sách của Pháp.
Chiến lược của Talleyrand chủ yếu là tiếp tục trì hoãn. Ông dự định chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào tuyến vận chuyển của thương hạm Hoa Kỳ, nhưng trước hết là vẫn muốn gia tăng khối tài sản cá nhân, củng cố vị thế chánh trị của mình trong Đốc Chánh Phủ và đảm bảo rằng ông chỉ giao dịch với Elbridge Gerry, người có vẻ là thân Pháp hơn trong số các đặc phái viên. Những kẻ trung gian của Talleyrand cũng quan tâm tới việc gìn giữ hòa bình với Hoa Kỳ vì nhiều người trong số họ đầu tư rất nhiều vào các doanh nghiệp của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi liên tục dành được chiến thắng quân sự ở khắp Châu Âu làm gia tăng sức mạnh của Pháp, người Pháp liền thay đổi các điều khoản cho vay và đe dọa sẽ xâm lược Hoa Kỳ nếu các đặc phái viên Hoa Kỳ không nhượng bộ. Khi các đặc phái viên Hoa Kỳ không muốn tuân theo các yêu cầu này, Talleyrand cuối cùng đành đáp ứng và từ bỏ hầu hết các yêu cầu của mình, nhưng không đồng ý việc chấm dứt bao vây bắt giữ các thương hạm Hoa Kỳ. Pinckney và Marshall chuẩn bị rời Pháp, trong khi Gerry dự định ở lại với hy vọng ngăn chặn chiến tranh.
Trong khi chờ đợi, các phái viên khác đã về tới Hoa Kỳ. Tổng thống Adams chuẩn bị cho chiến tranh, và những kẻ chủ chiến trong Đảng Liên Bang thúc đẩy Quốc Hội ủng hộ ông. Các nhà lãnh đạo của Đảng Dân Chủ-Cộng Hòa nghi ngờ động cơ của Adams và yêu cầu ông công bố công khai bức điện tín ngoại giao mô tả các cuộc đàm phán ở Pháp. Adams, tuy biết nội dung của nó, vẫn phải bắt buộc minh bạch thư từ, nhưng thay thế tên của những kẻ trung gian Pháp bằng các mật danh W, X, Y và Z.
Sau đó, Adams tiếp tục chuẩn bị cho chiến tranh, nhưng không dám mạo hiểm công khai tuyên chiến. Talleyrand, nhận ra sai lầm của mình, cố gắng khôi phục quan hệ và Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một ủy ban đàm phán một thỏa thuận với chánh phủ Pháp. Trong khi đó, Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu gây chiến với người Pháp ở vùng Biển Caribbean, đồng thời hỗ trợ Tướng Toussaint L’Ouverture ở Haiti. Năm 1799, Quốc Hội cũng thông qua Đạo luật Logan để đáp lại chuyến thăm của George Logan, một người theo chủ nghĩa hòa bình, người đã tiến hành đàm phán với Talleyrand với tư cách là một công dân và trở về Hoa Kỳ thông báo ý muốn hòa bình của Talleyrand. Đạo luật Logan sau này cho phép hình sự hóa các cuộc đàm phán ngoại giao trái phép.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán hòa bình đang được tiến hành ở Pháp. Lúc này, Napoleon đã lên nắm quyền và đang tìm cách dành lại Louisiana từ Tây Ban Nha. Do đó, Talleyrand, người vẫn giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, muốn cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ. Về phần mình, người Anh vui mừng trước tình hình chống Pháp ngày càng tăng ở Hoa Kỳ và chuyển sang hỗ trợ người Mỹ chống lại kẻ thù chung là Pháp. Tuy nhiên, Tổng thống Adams, mục đích muốn tránh một cuộc chiến lớn, tin rằng nếu Pháp muốn chiến tranh thì nước Pháp sẽ đáp trả các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào các tàu của Pháp. Talleyrand lo sợ rằng những hành động thù địch với Hoa Kỳ có thể leo thang thành một cuộc chiến toàn diện và cho biết rằng ông sẽ chấp nhận gặp gỡ một đại diện ngoại giao mới từ phía Hoa Kỳ. Adams đề cử một đại diện mới đi Pháp, mặc dù công chúng và Đảng Liên Bang tỏ ra thất vọng vì sẽ không có chiến tranh, nhưng Tổng thống chấp nhận yêu cầu của Đảng Liên Bang, mở rộng đề cử một người duy nhứt thành một ủy ban gồm 3 người.
Các nhà đàm phán đã chọn hủy bỏ Hiệp Định Liên Minh 1778, và thay vào đó đàm phán một thỏa thuận mới dựa trên Hiệp Định 1776 — điều này dẫn tới Công Ước 1800. Vì thỏa thuận mới không đưa ra điều khoản bồi thường cho việc bắt giữ các thương hạm của Hoa Kỳ, Thượng Viện quyết định không phê chuẩn hiệp định này cho tới ngày 18 tháng 12 năm 1801. Công Ước 1800 cũng chấm dứt việc Hoa Kỳ tham gia vào một liên minh nào đó. Phải gần 1 thế kỷ rưỡi sau đó thì Hoa Kỳ mới tham gia vào một liên minh chánh thức khác.

Jason Ho

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *