noi-nho-nghe-cua-bs-nguyen-quang-tuan

Nỗi nhớ nghề của BS Nguyễn Quang Tuấn

Tin tức sáng qua đã đem lại cho tôi một cảm giác rất vui khi nhiều trang báo đồng loạt đưa thông tin về việc ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã mãn hạn tù và trở lại với nghề y. Theo đó, ông Tuấn đã bắt đầu thực hành khám chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội từ ngày 1/7.

Trước đó, ông Tuấn bị tước chứng chỉ hành nghề sau vụ án, nhưng không bị cấm hành nghề sau khi chấp hành bản án. Theo quy định của Luật Khám chữa bệnh mới, khi một bác sĩ không hành nghề trong 2 năm liên tục sẽ không có giấy phép hành nghề, muốn được cấp lại phải thực hành 12 tháng tại một cơ sở khám chữa bệnh.

Trong thời gian này, bác sĩ đó không được phép ký vào bệnh án hay trực tiếp cầm dao mổ, nhưng vẫn có thể cùng các đồng nghiệp hội chẩn những ca khó, đi buồng thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân theo những kinh nghiệm của cá nhân.

Đó quả là một tin tốt lành đối với xã hội, đặc biệt với những người đã và sẽ là bệnh nhân của ông Tuấn.

Còn nhớ, biệt danh Tuấn “Tim” đã có từ rất lâu, có lẽ từ trước khi ông Tuấn được bổ nhiệm làm Giám đốc Viện tim Hà Nội năm 2012. Cái tên Tuấn “Tim” mà ai đó đã đặt cho ông rồi được lan truyền …, với ông Tuấn, đó là sự ghi nhận của đồng nghiệp, của xã hội về năng lực, hay chính xác hơn là về tài năng của ông

Điều đó không có gì phải bàn cãi vì ông đã từng là Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội, thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp Châu Á – Thái Bình Dương, thành viên Hội Tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ.

Từ trước đó, vào năm 2010, ông Tuấn và nhóm cộng sự đã được trao giải nhất Giải thưởng “Nhân tài đất Việt” trong lĩnh vực y tế cho đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông”…

Nỗi nhớ nghề của GS BS Nguyễn Quang Tuấn- Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn khi còn đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Gia Khiêm

Nói đến năng lực, cái tài của Tuấn “Tim”, tôi lại nhớ tới câu thơ của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiểu – “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Ngẫm mới thấy cụ Nguyễn Du giỏi thật. Tuấn “Tim” gặp “tai” trong thời gian làm Giám đốc Viện tim Hà Nội. Cái “tai” đó cụ thể là vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” năm 2021 mà Tuấn là một trong 12 người bị cáo buộc là phạm tội.

Đâu đó đã từng có ý kiến rất đúng rằng, bác sỹ là một nghề, và quản lý cũng là một nghề. Một bác sỹ giỏi chuyên môn nhưng chưa chắc giỏi về công tác quản lý…

Ở đời, khó ai có thể biết họa gì sẽ rơi xuống đầu mình, vào lúc nào, nhưng quả thật là “biết mình, biết người trăm trận trăm thắng” (Tôn Tử), giá như Tuần “Tim” đo được mình, chỉ tập trung vào chuyên môn với đôi bàn tay vàng thì ông ấy đã không bị sập vào cái “bẫy” cơ chế, dù là vô tình hay hữu ý.

Đọc đoạn tường thuật trên bài báo, khi biết GS.BS Nguyễn Quang Tuấn quay trở lại Bệnh viện Hữu Nghị để thực hành trong thời gian 12 tháng, nhiều bệnh nhân đã đến tìm gặp. Người thì đến thăm khám, người đến chỉ đơn giản để chào hỏi động viên khi biết ông trở lại.

Đáng chú ý, cụ Nguyễn Thị Hồng Vân (86 tuổi, trú quận Đống Đa, Hà Nội) – một trong những bệnh nhân đầu tiên giáo sư Tuấn thăm khám khi trở lại bệnh viện – không giấu được xúc động khi gặp lại vị bác sĩ đã đặt stent tim cho cụ hơn 20 năm trước. Cụ Vân nói hơn 20 năm trước từng cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội và được bác sĩ Tuấn lúc bấy giờ đặt stent tim, cứu sống bà lúc nguy kịch.

Yêu và thương bệnh nhân và được bệnh nhân yêu quý tôn trọng như thế, giá như Tuấn “Tim” chỉ chăm chú vào việc chữa bệnh cho họ, chỉ nhiệt tình truyền bá lại tri thức và kinh nghiệm cho các bác sĩ trẻ và bác sĩ tương lai thì sẽ chẳng bao giờ có một bác sĩ Tuấn “Tim” phải chịu những tháng ngày đằng đẵng trong trại giam với bao đêm mất ngủ trong dằn vặt.

Dù sao thì ba năm “thiên thu” ấy đã kết thúc, Tuấn “Tim” đã trở về, và may mắn là được trở về trong vòng tay đón nhận đầy bao dung của đồng nghiệp và xã hội.

Nỗi nhớ nghề của GS BS Nguyễn Quang Tuấn- Ảnh 3.

Tác giả bài viết, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV InvestPro. Ảnh: DV

Tôi thực sự xúc động và cũng rất cảm thông trước những trải lòng của Tuấn “Tim”. Ông không bao biện cho những khuyết điểm, sai phạm của mình trong thời gian làm công tác quản lý – “Tôi trải qua như một người đáng bị như vậy và tôi đã hoàn thành để trở về. Tất cả là lỗi sai của mình, tôi đã trả giá, bây giờ trở lại một công dân bình thường…”, và “Tôi nhớ nghề khủng khiếp, nhớ trong từng giấc mơ …”.

Vâng, tôi hoàn toàn có thể hiểu được cảm giác “nhớ nghề khủng khiếp, nhớ trong từng giấc mơ” của một con người đã gần như cả đời gắn bó với nghề và nhận được cả vui buồn, thăng trầm do nghề đem lại như BS Nguyễn Quang Tuấn.

Quyết định của BS Nguyễn Quang Tuấn trở lại với nghề y, mặc dù phải tuân thủ quy định thời gian thực hành 12 tháng như một bác sỹ mới vào nghề là sự lựa chọn thể hiện bản chất của con người ông, luôn đau đáu được làm nghề. 

Với tất cả sự tôn trọng và cảm thông dành cho ông, tôi thực lòng mong biệt danh Tuấn “Tim” sẽ trở lại với ông đúng nghĩa, ông sẽ lại nhận được sự yêu mến và kính trọng của đồng nghiệp và xã hội như trước đây.

Giải quyết việc làm cho người đã chấp hành xong án phạt tù, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, tiếp tục cống hiến bằng chính năng lực của mình, trở thành một công dân có ích cho xã hội đã được quy định tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định chi tiết việc thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Mong rằng với chủ chương nhân văn này của Đảng, Nhà nước, cùng với quyết tâm cháy bỏng và “nỗi nhớ nghề khủng khiếp”, Tuấn Tim sẽ có một cuộc “trở về” trọn vẹn.

Chúc ông chân cứng đá mềm, để lại phía sau những nỗi buồn, ân hận, sai lầm và tiếp tục gặt hái được những thành tựu, niềm vui mới trong nghề nghiệp cũng như cuộc sống.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *