LTS. Ngày 27/6 mới đây, UBND quận 1 (TP.HCM) đã tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp để kêu gọi quan tâm đầu tư một số dự án chỉnh trang đô thị, đặc biệt trong đó có khu “Chợ Gà, Chợ Gạo”,… nằm trong vùng lõi 930ha ngay trung tâm quận 1. Đây là khu vực mà trước đó tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 31 (mở rộng), Bí thư Quận ủy quận 1 Dương Anh Đức cho biết người dân vẫn phải sống trong nhiều căn nhà nhỏ, chật hẹp, có nơi nhỏ đến nỗi người dân phải “chia ca ra ngủ”. Dưới đây là những ghi nhận thực tế tại khu vực này của phóng viên Dân Việt.
Sau khi ghi nhận tại khu “chợ Gạo, chợ Gà” (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1), phóng viên Dân Việt đến khu Mả Lạng nằm lọt thỏm giữa các tuyến đường gồm Nguyễn Trãi – Trần Đình Xu – Nguyễn Cư Trinh – Cống Quỳnh thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 (TP.HCM).
Khu tứ giác này đã có chủ trương giải toả để làm dự án chỉnh trang đô thị từ hơn 20 năm trước.
Đường vào khu Mả Lạng như một mê trận với hàng loạt con hẻm nhỏ chạy loằng ngoằng chỉ đủ để một chiếc xe máy đi qua. Nhìn bên ngoài, ít ai biết đằng sau những tuyến đường buôn bán sầm uất là hàng trăm căn nhà diện tích chỉ vài mét vuông, lụp xụp, rách nát. Trong đó có không ít nhà nhiều chục năm nay không nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Cháy khó mà thoát thân
Khu Mả Lạng có hàng trăm căn nhà lụp xụp, diện tích dưới 20m2. Thậm chí có căn chỉ rộng khoảng 3 – 4m2. Các hộ dân sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp và thiếu ánh sáng. Suốt dãy nhà ngoằn ngoèo, hiếm thấy sự xuất hiện của bảng tiêu lệnh, nội quy PCCC hay bình chữa cháy mini.
“Sống chui rúc, chật chội, chỉ thở thôi cũng thấy mệt rồi, tôi chưa dám nghĩ tới chuyện khi có cháy không biết phải thoát thân kiểu gì… Nhưng riết rồi cũng thành quen. Mà không quen thì cũng phải quen”, ông Tuấn Kiệt (61 tuổi, ngụ phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) thở dài nói.
Gia đình ông Kiệt có 8 người cùng sống trong căn nhà khoảng 7m2 với một gác lửng ở trên. Ông kể, cuộc sống của người dân ở đây ai nấy cũng chật vật. Riêng bản thân ông Kiệt bị thất nghiệp, vợ bệnh u não nằm một chỗ giờ sống dựa vào con.
Gắn bó gần như cả đời tại khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, ông Kiệt là một trong số những cư dân mong mỏi ngày giải tỏa nhất.
“Sau khi nhận được tiền đền bù, tôi sẽ chuyển đi nơi khác ngay. Ở đây chật chội vô cùng, chưa kể có xảy ra hỏa hoạn cũng chẳng biết phải xoay xở thế nào”, ông Kiệt chia sẻ.
Ở tuổi 67, ông Hùng vẫn là trụ cột kinh tế trong gia đình. Ông cùng vợ nương tựa vào số tiền ít ỏi từ vài ba cuốc xe ôm ông chạy mỗi ngày. Cặm cụi làm việc hàng chục năm vẫn không có khoản dư nào, ông và vợ chưa dám nghĩ đến việc chuyển đến nơi ở khác an toàn hơn. Đôi vợ chồng già chỉ biết ngậm ngùi với cuộc sống tạm bợ.
Ông Hùng là một trong số hàng ngàn người lao động nghèo đang thấp thỏm sống qua ngày tại đây. Không ít căn nhà tại khu “tứ giác vàng” được dựng tạm bằng ván gỗ, trước nhà còn treo đầy túi nilon, miếng bạc, vải vụn – vốn là các vật liệu tiềm ẩn rủi ro cháy nổ.
Khi được hỏi nếu xảy ra cháy sẽ làm gì, có người ngán ngẩm trả lời: “Cháy thì cũng chẳng biết chạy đi đâu”.
Gia đình 4 người của chị Nguyễn Thị Liên sống trong căn nhà rộng 10m2, không có cửa sổ, cửa nhà được thiết kế chỉ vừa đủ cho một người trưởng thành ra vào. Sau khi nghe báo đài đưa tin về các vụ cháy, chị Liên mua sẵn một bình chữa cháy mini đặt trong nhà để phòng. Tuy vậy, nỗi lo lắng về nguy cơ cháy nổ vẫn thường trực trong chị.
Chị Liên kể vào khoảng năm 2017, ở khu này từng có vụ cháy. Do nhà san sát nhau nên lửa lan nhanh. Chưa kể con hẻm nhỏ khiến lực lượng PCCC tiếp cận gặp không ít khó khăn. “May lần đó không có thiệt hại về người nhưng vẫn khiến tôi rất bất an”, chị Liên nói.
Khu Mã Lạng đang được quận 1 “khởi động” trở lại
Cuối tháng 3 năm ngoái, liên quan đến dự án Đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng – Trung tâm thương mại giải trí – Căn hộ và chỉnh trang đô thị Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh đã ký quyết định thu hồi, huỷ bỏ thông báo thu hồi đất tại dự án.
Cụ thể, quyết định thu hồi, huỷ bỏ 1.424 thông báo thu hồi đất được ban hành ngày 20/6/2017 đối với 1.391 hộ gia đình, cá nhân và 33 tổ chức có quyền sử dụng đất thuộc dự án.
Lý do thu hồi, huỷ bỏ 1.424 thông báo thu hồi đất nói trên là do không có cơ sở xem xét đề nghị tiếp tục thực hiện dự án của Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco theo các căn cứ pháp luật dự án trước đây và quy định xử lý chuyển tiếp tại Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020.
Và mới đây nhất, tại Hội nghị kiểm tra kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2024 vào ngày 2/3, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết đang phối hợp các Sở, ngành để sớm gọi đấu thầu, đầu tư dự án, chỉnh trang khu vực tứ giác Nguyễn Cư Trinh (Mã Lạng).
Theo bà Mai, dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh khá phức tạp, nhiều nội dung vướng mắc và trải qua nhiều thời kỳ. Dự án này đã được thu hồi và hiện tại, thành phố đang triển khai các khâu để làm thủ tục đấu thầu mới.
Năm 2000, UBND TP.HCM đã có chủ trương giải tỏa khu vực này để xây dựng khu phức hợp gồm nhiều công trình như văn phòng, thương mại, dịch vụ, bệnh viện, trường học, căn hộ… Đến năm 2006, Công ty Sản xuất kinh doanh – Xuất nhập khẩu Bình Minh (nay là Tập đoàn Bitexco) được chấp thuận làm chủ đầu tư. Tuy nhiên từ đó đến nay, khu vực triển khai dự án vẫn gần như bất động.
Năm 2021, UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành rà soát pháp lí, tham mưu việc thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Đến năm 2022, UBND Quận 1 đã kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị sớm thực hiện các thủ tục thu hồi chủ trương đối với dự án này…