NỖI LO MẤT MÁT VÀ HIỆU ỨNG SỞ HỮU

Daniel Kahneman và Amos Tversky nổi tiếng với công trình nghiên cứu về nỗi lo mất mát, một thiên kiến nhận thức khiến con người thường muốn tránh thua thiệt hơn là đạt được kết quả. Nói cách khác, chúng ta sợ thua nhiều hơn là muốn chiến thắng. Các nghiên cứu chuyên sâu về thiên kiến này cho thấy nỗi đau mà chúng ta phải chịu đựng khi thua lớn gấp đôi niềm vui mà chúng ta trải qua khi thắng.

Trong một nghiên cứu của Kahneman và Tversky, họ chia người tham gia thành hai nhóm: một nhóm có những cây bút có gắn bảng giá 3,98 đô-la và nhóm còn lại không có bút. Sau đó, họ hỏi nhóm không có bút xem những người này sẽ trả bao nhiêu tiền để mua một cây bút, và hỏi nhóm có bút xem sẽ bản cây bút với giá bao nhiêu. Nhóm không có bút định giá cây bút thấp hơn nhiều so với nhóm có bút. Tại sao như vậy? Câu trả lời rất đơn giản: nhóm có bút không muốn cảm thấy như thể họ bị thua lỗ khi bán nó với giá dưới 3,98 đô-la, còn nhóm không có bút thì không muốn cảm thấy mình bị lỗ khi phải trả nhiều hơn 3,98 đô-la.

Gần đây bạn có đến cửa hàng trang sức nào không? Những người bán hàng luôn đề nghị đeo món trang sức vào tay bạn hoặc hỏi bạn có muốn đeo thử không. Họ đang cố gắng sử dụng nỗi lo mất mát để thuyết phục bạn mua sản phẩm của họ. Trong nỗi lo mất mát được thể hiện theo dạng này – còn được gọi là hiệu ứng sở hữu hay hiệu ứng hiện trạng – một khi bạn có một cây bút, một món đồ trang sức hoặc bất kỳ đồ vật nào khác trong tay, bạn sẽ có cảm giác như nó là của mình và bạn không muốn mất nó.

Có lẽ nỗi lo mất mát gây thiệt hại cho các nhà đầu tư nhiều hơn bất kỳ hiệu ứng nào khác. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư giữ tiền, mặc dù biết rõ rằng đồng tiền của họ đang bị mất sức mua. Lợi tức thị trường tiền tệ trung bình thấp hơn rất nhiều so với lạm phát trong nhiều thập niên, nhưng các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng chịu mất một ít tiền mỗi ngày để tránh những khoản lỗ lớn hơn được cho là có thể xảy ra với các khoản đầu tư thật sự. Với một kế hoạch như vậy, sức mua đồng tiền của bạn có thể bị giảm đến một nửa chỉ trong hai mươi bốn năm!

Nỗi lo mất mát là lý do khiến bạn không cho đi những chiếc quần jean không còn mặc vừa từ năm 1994, chiếc áo len bạn chưa từng mặc từ năm 2003 và tất cả những thứ chỉ để đó trong nhà kho chứ không được sử dụng. Nỗi lo mất mát là lý do khiến bạn bám vào một cổ phiếu rất lâu sau khi cổ phiếu đó giảm giá. Bạn không muốn thừa nhận sự mất mát, điều này có nghĩa là phải thừa nhận mình đã mắc sai lầm. Tốt hơn là đợi cho đến khi nó (có thể) phục hồi, phải không? Khi tôi nói chuyện với những khách hàng có một khoản đầu tư mà họ sẽ không bán cho đến khi nó phục hồi, tôi hỏi họ một câu đơn giản: “Nếu bạn có tiền mặt thay vì cổ phiếu này và biết mình đang cố gắng đạt được điều gì, bạn có mua cổ phiếu đó hay không?”. Câu trả lời hầu như luôn là không và khi đó, chúng ta biết rằng nhà đầu tư đang cố bám víu chỉ vì nỗi lo mất mát. Hiểu được tác động của tâm lý sợ mất mát đối với việc đưa ra quyết định có thể giúp chúng ta trở thành những nhà đầu tư giỏi hơn.

Bài viết được trích lược từ cuốn Đường đến tự do của tác giả Peter Mallouk và Anthony Robbins do First News phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc ngay tại: https://shorten.asia/hvKwUkcy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *