ninh-binh-tai-hien-cuoc-song-nguoi-viet-co-nghin-nam-truoc

Ninh Bình tái hiện cuộc sống người Việt cổ nghìn năm trước

Dấu tích người Việt cổ tại Ninh Bình

Những phát hiện về đồ gốm cổ, bếp lửa, xương động vật, vỏ ốc, vỏ sò… trong vài năm qua là một trong những bằng chứng giúp các nhà khoa học đi đến kết luận, người tiền sử đã sinh sống ở Tràng An (tỉnh Ninh Bình).

Ninh Bình tái hiện cuộc sống người Việt cổ nghìn năm trước- Ảnh 1.

Không gian của người Việt cổ được phục dựng tại đảo Khê Cốc (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Ảnh: BM

Theo nghiên cứu, biển thoái ở vùng Tràng An có thể bắt đầu từ cách đây khoảng 5.500 năm. Lúc này, con người rời hang cao xuống hang thấp.

Bên cạnh đó, một bộ phận vẫn cư trú trong hang, một bộ phận khác chuyển ra khai phá, khai thác các bãi bồi thung lũng, ven khe suối ở khu vực trung tâm Tràng An, ở đó có khu Khê Cốc.

Ninh Bình tái hiện cuộc sống người Việt cổ nghìn năm trước- Ảnh 2.

Toàn cảnh khu vực đảo Khê Cốc nơi tái hiện cuộc sống người Việt cổ. Ảnh: BM

Trong sự biến cải khắc nghiệt và dữ dội của cảnh quan, người tiền sử nơi đây vẫn thích ứng, phát triển, hun đúc, bồi đắp và tạo nên các giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu.

Cư dân cổ đã chuyển từ khai thác tự nhiên sang sản xuất. Các hoạt động như: Trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá, cùng với chế tác công cụ lao động, làm đồ gốm, sinh hoạt cộng đồng,…là những biểu hiện văn hóa vật thể và phi vật thể sinh động của cư dân cổ trong giai đoạn này.

Ninh Bình tái hiện cuộc sống người Việt cổ nghìn năm trước- Ảnh 3.

Những ngôi nhà người Việt cổ được dựng từ thân, cành, lá cây. Ảnh: BM

Được biết, từ kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia của Vương quốc Anh, Viện khảo cổ học Việt Nam, Viện khoa học địa chất và khoáng sản đã khẳng định.

Tràng An là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn về sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xôi. Bên cạnh đó, còn lưu giữ một truyền thống cư trú của con người tiền sử, một truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm.

Tự hào về cội nguồn lịch sử

Ninh Bình tái hiện cuộc sống người Việt cổ nghìn năm trước- Ảnh 4.

Các bạn nhỏ trải nghiệm “không gian văn hóa Khê Cốc”. Ảnh: BM

Việc tái hiện lại nơi sinh sống của người Việt cổ hàng nghìn năm trước nhằm gìn giữ và trao truyền di sản cho các thế hệ mai sau, lan tỏa sự tự hào về cội nguồn lịch sử.

Các căn nhà tộc trưởng, nhà ở của người dân, công cụ lao động, sinh hoạt cộng đồng… được phục dựng gần giống với nguyên bản, dựa theo nghiên cứu khảo cổ của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới.

Ninh Bình tái hiện cuộc sống người Việt cổ nghìn năm trước- Ảnh 5.

Trang phục của người Việt Cổ. Ảnh: BM

Đến Khê Cốc người dân hòa được mình vào không gian sinh sống của cư dân cổ đại. Qua đó, hiểu rõ hơn về cách săn bắn, hái lượm, sử dụng lửa để nấu chín thức ăn…

Đồng thời, được nghe những câu chuyện lịch sử thú vị về vùng đất Tràng An cổ. Đó là từ khi xuất hiện con người, sống trên những hang cao xuống hang thấp, đến lúc rời hang dựng nhà lá để sinh tồn.

Ninh Bình tái hiện cuộc sống người Việt cổ nghìn năm trước- Ảnh 6.

Du khách nước ngoài chụp ảnh cùng tượng người Việt cổ. Ảnh: BM

Tại không gian văn hóa đảo Khê Cốc, bên trong các chòi Tộc trưởng có những hiện vật gắn với đời sống của cư dân cổ được phục dựng. Ngoài ra tại hàng chục chiếc chòi là nơi sinh sống của các cư dân cổ cũng trưng bày các vật dụng sinh hoạt phục vụ đời sống hàng ngày của họ.

Không chỉ ngắm các hiện vật, người dân cũng được tận mắt chứng kiến các diễn viên đóng cư dân cổ, biểu diễn các nhạc cụ truyền thống có từ thời xa xưa với các điệu nhảy, múa đậm đà bản sắc dân tộc.

Ninh Bình tái hiện cuộc sống người Việt cổ nghìn năm trước- Ảnh 7.

Nhà người Việt cổ nhìn từ trên cao xuống tại đảo Khê Cốc. Ảnh: BM

Ông Bùi Văn Mạnh- Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: “Việc tái hiện không gian văn hóa đảo Khê Cốc là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là “di sản kép”. Nơi đây cũng là địa điểm để quảng bá hình ảnh, các giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan, địa chất, địa mạo và văn hóa của di sản “có một không hai” ở Việt Nam và Đông Nam Á”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *