Cuối năm 1946, dù đã ký hiệp ước Sơ bộ và Tạm ước với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quân Pháp vẫn gây xung đột khắp cả nước: nã pháo vào Hải Phòng làm hàng nghìn người chết, tàn sát hàng chục người trên phố Hàng Bún (Hà Nội). Ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí của bộ đội và tự vệ Việt Nam, nắm quyền kiểm soát thủ đô Hà Nội.
Tình thế nguy cấp, ngày 18-19/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) quyết định phát động toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Hưởng ứng lời kêu gọi, quân dân Hà Nội đứng lên chống Pháp, dù lực lượng vũ trang thủ đô chỉ có 5 tiểu đoàn vệ quốc quân, 2.000 cây súng. Mỗi tiểu đoàn có 2-3 khẩu trung liên, 2-3 khẩu tiểu liên và carbin, còn lại là súng trường. Trong khi đó Pháp huy động khoảng 6.500 quân, 40 xe tăng, 19 máy bay và hàng trăm xe quân sự. Sát cánh cùng 5 tiểu đoàn vệ quốc quân chiến đấu bảo vệ Hà Nội là đội vệ út gần 200 thiếu niên, thành viên nhỏ nhất mới 9 tuổi, lớn nhất 15 tuổi.
Ông Nguyễn Văn Phúc, khi ấy mới 11 tuổi, một trong những Vệ út đầu tiên làm liên lạc cho Đại đội 1, Tiểu đoàn 101 (Trung đoàn Thủ đô), kể: Những đêm đầu không có chăn chiếu, những đứa trẻ bãi Phúc Tân nằm co ro rét mướt ở hiên nhà do quân Pháp đã đốt cháy những căn nhà lá ven sông để chặn đường tiếp tế từ bên ngoài vào Thủ đô. Nhưng đêm sau, có một anh đem đến cho mấy đứa một chiếc chiếu đắp đỡ rét. Rồi một ngày, anh đó đưa cho những đứa trẻ một bức thư trong có những ký hiệu lạ: đầu tiên là hình tháp rùa, phía sau là mũi tên và hình chiếc tàu điện, tiếp theo là hình chiếc cầu có ghi thêm một từ giấy, cuối cùng là hình một ngôi đền phía trước có thêm hình con voi. Suy luận mãi chúng tôi mới hiểu ý: lên bờ hồ đi tàu điện đến Cầu Giấy để đến đền Voi Phục. Ngay tối hôm ấy, 3 đứa được kết nạp vào Đội thiếu niên Hoàng Văn Thụ mới biết người nói chuyện với mình hằng đêm là anh Phong Nhã, phụ trách Đội thiếu nhi kháng chiến Hà Nội lúc bấy giờ. Sau đó, tôi được vào hàng ngũ Vệ quốc quân làm liên lạc cho Tiểu đoàn 101 chiến đấu bảo vệ Bắc bộ phủ. Tham gia đội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đeo khăn quàng đỏ và huy hiệu tháp rùa trên vai, những Vệ út xác định sẽ sống chết ở Thủ đô. Ngày đầu tiên trong đội quân cảm tử, tôi được các anh chị dành cho một chiếc áo sơmi màu cỏ úa. Chiếc áo ngắn của các anh mình mặc dài đến gối nhưng ấm áp vô cùng. Chiếc áo đánh dấu bước ngoặt của một cậu bé lang thang thành một người em út trong đội Vệ quốc quân quyết tử.
Ông Đặng Văn Tích, một vệ út năm xưa, kể: Chúng tôi là những em út còn quá nhỏ. Gọi là thiếu sinh quân thì không đúng nên mọi người gọi là vệ út – những đứa em út của các anh vệ quốc đoàn. Mồ côi mẹ từ năm 9 tuổi, nhà có cửa hiệu buôn bán trên phố Hàng Vôi, cậu bé Đặng Văn Tích khi ấy rất ghét quân Pháp. Năm 10 tuổi, cậu giấu bố tham gia đội tự vệ khu phố. Tối 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, dòng người Hà Nội hối hả tản cư ra vùng hậu chiến, Tích trốn bố ở lại làm liên lạc trên chiến trường Liên khu I (gồm khu Đồng Xuân, Đông Thành, Đông Kinh Nghĩa Thục). Ông nhớ lại: Đội vệ út coi anh chị trong vệ quốc đoàn như ruột thịt. Sau những buổi tối chiến đấu ở phố Hàng Bạc, khi tiếng súng tạm ngưng, anh chị lại rửa chân, cõng tôi lên gác ngủ. Vì còn nhỏ, chúng tôi thường được ưu tiên món chè sen rất ngon. Đến giờ, ông Tích vẫn day dứt bởi cuộc chia tay tản cư là lần cuối cùng ông gặp bố. Chín năm sau, ông cùng đồng đội về tiếp quản thủ đô thì được tin bố mất, nhà đã bán, anh em ly tán.
Cũng tham gia đội vệ út, cậu bé Phùng Đệ (sống tại phố Phan Đình Phùng, Hà Nội). Chiều 19/12/1946, cậu bé Đệ ngược dòng người tản cư vào nội thành tìm vệ quốc đoàn. Vì sợ nhỏ tuổi không được nhận ở lại nên thấy các chiến sĩ đào hào trên phố Cầu Gỗ, ngăn xe tăng Pháp tiến vào Hàng Bạc, Đệ chạy xuống làm cùng. Sau đó, cậu được cử làm liên lạc trinh sát đại đội 15, tiểu đoàn 103, Liên khu I. Giải thích việc không tản cư, ông Đệ bảo xuất phát từ lòng căm thù quân Pháp. Đến giờ, ông vẫn ám ảnh bởi cuộc tàn sát trên phố Hàng Bún của quân Pháp hai ngày trước toàn quốc kháng chiến. Ông không quên được cảnh tượng hai mẹ con ôm nhau chết trong hố tránh bom vì bị lưỡi lê xuyên qua người. Ở một hố tránh bom khác, 5 cùng người bị bắn chết.
Đúng 20h ngày 19/12/1946, cả Hà Nội tắt điện, tiếng súng từ pháo đài Láng phát ra báo hiệu cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Nhiệm vụ của các vệ út là giữ liên lạc từ khu phố này sang phố khác khắp Hà Nội. Vì còn nhỏ nên các vệ út dễ luồn dọc bao cát trên phố hoặc chui qua các lỗ tường nhà dân đã đục sẵn. Các em không chỉ truyền mệnh lệnh khắp chiến trường mà còn đi xem xét tình hình chiến sự các nơi để báo cáo chỉ huy tiếp tế đạn dược, quân số. Đêm đến, vệ út cùng các anh chị lấy nồi niêu, xoong chảo làm trận địa mìn giả và dựng chướng ngại vật trên phố ngăn quân Pháp. Nhiều đêm, Tích cùng các bạn vượt đê ra ngoài bãi Phúc Xá dẫn du kích đưa lương thực, thực phẩm, công văn, báo chí vào Liên khu I. Trung tá Phùng Đệ ví von: mỗi vệ út ngày ấy như chiếc điện thoại sống di động khắp Hà Nội truyền tin giữa các mặt trận. Vệ út không chỉ thuộc mọi ngóc ngách trên phố và hệ thống đường xuyên tường giữa các nhà mà còn phải ghi nhớ khẩu lệnh của từng đêm. Đề phòng Việt gian, mỗi tối các đơn vị từ tiểu đoàn đến đại đội, trung đội, tiểu đội đều có khẩu lệnh. Có đêm là hòa bình, chiến đấu, độc lập. Người lạ đến, tôi nói hòa thì người kia phải đáp lại bình. Nếu không trả lời đúng thì tôi báo chỉ huy bắt giữ.
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm – nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống quyết tử Liên khu 1 cho biết: 175 Vệ út hầu hết đều xuất thân nghèo khó. Người là con công nhân, người mồ côi cả cha lẫn mẹ, người bán báo, bán bánh mì, đánh giày, thậm chí lang thang, không nhà cửa. Trận đói lịch sử năm 1945 đã đẩy những đứa trẻ phiêu bạt về hội tụ cùng một nơi: Xóm lao động nghèo bãi Phúc Tân ven sông Hồng. Những vệ út: Tống Bá Hiển, Phùng Đệ, Vũ Thị Nhâm, Đặng Văn Tích đều lớn lên từ bãi Phúc Tân. Trong đó, Phùng Đệ mồ côi cha từ năm 4 tuổi. Nạn đói năm 1945 lại cướp đi người mẹ, ông phải ra bãi Phúc Tân ở nhờ người cô, ông phải đi học nghề khâu giày đi khắp nơi kiếm sống. Tống Bá Hiển – thiếu niên quê Nam Định, cũng cư ngụ cùng xóm với Phùng Đệ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ khi Hiển 16 tuổi. Với tinh thần xung phong, dũng cảm, Hiển được chọn là 1 trong 3 người tự vệ Phúc Tân ghi tên vào đội cảm tử, dự lễ tuyên thệ Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Những thiếu niên Phúc Tân ở lại phục vụ chiến đấu còn có cô bé Vũ Thị Nhâm (về sau là bác sĩ Quân y viện 108, sau năm 1975 bà chuyển công tác sang Vụ Chăm sóc sức khỏe (Bộ Y tế) đến khi về hưu, sống tại khu tập thể Quân đội ở phố Tôn Thất Thiệp, Hà Nội). Nhà Nhâm nghèo lắm, năm 10 tuổi, cô bé đã tự lao động kiếm sống. Khi kháng chiến nổ ra, Nhâm 13 tuổi, là vệ út của Tiểu đoàn 103, làm liên lạc và cứu thương. Những cô bé, cậu bé nghèo hằng ngày phải lam lũ kiếm sống, mưu sinh. Thế nhưng, khi Pháp nổ súng cướp Hà Nội, họ không về quê hay đi tản cư mà xin ở lại cùng các chiến sĩ quyết tử quân bảo vệ thủ đô.
Theo bà Nhâm, mỗi đại đội của Trung đoàn Thủ đô có hơn 10 vệ út. Những lúc tạm ngưng tiếng súng, vệ út lại cất tiếng hát, múa trên chiến hào, trong lũy cát với các vệ quốc quân. Một trong những chiến công mà bà Nhâm nhớ nhất là trận đánh vào sáng 7/2/1947 ở chốt Trường Ke (trường Trần Nhật Duật), ngay đầu Ô Quan Chưởng, khu Đông Kinh Nghĩa Thục. Bà Nhâm cho biết, mọi ngày đứng từ chốt nhìn lên cầu Long Biên thấy bình thường nhưng hôm đó, lính Pháp tập trung rất đông. Các vệ út vừa kịp băng qua giao thông hào cấp báo thì quân Pháp đã bao vây 3 mặt để đánh úp chiến lũy Trường Ke, súng bắn như vãi đạn. Bà Nhâm nhớ lại: Lúc này, chúng tôi chỉ có 15 chiến sĩ do Trung đội trưởng Cáp Văn Soan chỉ huy và mấy khẩu tiểu liên. Sau nhiều giờ chiến đấu đã đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của Pháp. Chúng tôiphải xin cứu viện vì nếu để mất Trường Ke thì Pháp sẽ chặn đường rút khỏi Hà Nội của lực lượng vũ trang thủ đô. Ban chỉ huy tiểu đoàn chỉ ở bên kia phố nhưng phải đi xuyên qua làn lửa đạn của địch mới tới. Trận phòng thủ vị trí chiến lược Trường Ke diễn ra trước khi ta rút quân rời thủ đô 10 ngày. Đây là trận chiến quyết tử bởi nếu để mất Trường Ke và địch án ngữ tại điểm chốt cửa ngõ này thì việc lui quân của ta sẽ vô cùng khó khăn. Trong giờ phút nguy nan đó, không hề nao núng, vệ út 12 tuổi Trần Ngọc Lai đã xung phong xin trung đội trưởng đi cầu viện. Chưa dứt lời, Lai đã thoăn thoắt bám vào đường máng dẫn nước tụt nhanh xuống vượt qua làn đạn, chạy nhanh về phía ban chỉ huy tiểu đoàn. Khoảng 10 phút sau, Lai trở về cùng đoàn quân cứu viện. Chúng tôi leo lên gác, ném lựu đạn xuống. Lính Pháp thất bại với kế hoạch đánh úp Trường Ke, trong khi ta không có thương vong nào lớn. Sau đợt tiến công này, Pháp biết có một thiếu niên làm nhiệm vụ giao liên đã dũng cảm, nhanh nhẹn cắt làn đạn đi xin cứu viện. Chỉ huy của Pháp ra lệnh cho binh lính phải bao vây bắt sống cậu.
Nói đến đây, bà Nhâm rơi lệ: Trong một lần khác, vệ út Trần Ngọc Lai lọt vào vòng vây của lính Pháp và quyết bắt sống cậu nên tràn tới. Lai không nao núng, tháo ngay ngòi nổi quả lựu đạn và ném về phía quân Pháp. Nhiều lính Pháp chết nhưng Lai cũng bị thương nặng. Không để bị bắt sống, Lai leo lên máng nước của tòa nhà rồi từ từ gục xuống. Lai hy sinh trên tay các anh trong trung đội. Tấm gương hy sinh của Lai đã nhanh chóng được truyền đi khắp tất cả các mặt trận. Khắp chiến hào Liên khu 1 những ngày sau đó, tấm gương anh dũng hy sinh của Vệ út Trần Ngọc Lai hóa thành sức mạnh trong mỗi chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, thúc giục mọi người xông lên.
Ông Hoàng Giáp, Đội trưởng tự vệ khu chợ Hôm, Liên khu II, rất nhớ cậu bé Trần Kim Luyện băng mình qua lửa đạn cướp vũ khí của Pháp. Ông kể, ngày 21/12/1946, Pháp tấn công nhà máy rượu (được bao quanh bởi bốn phố Lò Đúc, Hòa Mã, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ). Khi giao tranh đang diễn ra dữ dội, bỗng Luyện lao ra đường, chạy đến chỗ mấy xác lính Pháp. Một loạt đạn quét về phía Luyện vừa lúc em đổ sập xuống. Các anh chị vệ quốc đoàn la lớn Luyện bị rồi. Nhưng một lúc sau, Luyện bật dậy chạy về, một tay cầm khẩu carbin, một tay kéo theo mấy túi đạn.
Đại tá Vũ Trọng Hàm, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô kể, đầu năm 1947, sau những ngày chiến đấu gian khổ, lực lượng vũ trang thủ đô cầm chân lính Pháp ở nhiều nơi trong thành phố. Nhưng tình hình ngày càng khó khăn, lương thực, đạn dược vơi dần, trong khi ta cần bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài. Vì vậy, ngày 14/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh lệnh Trung đoàn Thủ đô chỉ để lại 500 người chiến đấu trong nội thành. Quân số còn lại rút về hậu phương. Các vệ út cũng buộc phải rút ra. Ông Hàm xúc động kể: Vậy mà khi tôi kiểm đếm quân số ở lại còn đến 1.200, trong đó có 175 vệ út. Nhiều vệ út không tuân lệnh cấp trên, trốn trong tủ, dưới gầm giường, trên nóc nhà, ở lại quyết giữ thủ đô. Đây là hành động vi phạm kỷ luật, nhưng vì tinh thần yêu nước. Những cô bé, cậu bé còn rất nhỏ nhưng quyết chiến đấu bảo vệ thủ đô đến cùng. Cậu bé Trang Công Lũy khi đó mới 9 tuổi có tên trong danh sách phải rút ra ngoại thành. Nhưng trên đường đi, Lũy trốn chạy ngược vào nội thành. Trong trận đánh giữ điểm chốt ở nhà họa sĩ Đào Sĩ Chu trên phố Hàng Trống, em ném lựu đạn diệt được ba lính Pháp. Những vệ út trốn lệnh ở lại trở thành người dẫn đường đưa các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội an toàn tháng 2/1947. Ngày 17/2/1947, cùng với các chiến sĩ Vệ quốc quân, các vệ út của Trung đoàn Thủ đô lặng lẽ rút khỏi Hà Nội.
Trong lá thư gửi các vệ út sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: Gần hai trăm thiếu nhiên không chịu đi tản cư, trốn ở lại Hà Nội làm liên lạc, dẫn đường, truyền tin, truyền lệnh, sát cánh chiến đấu cùng Trung đoàn Thủ đô ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược. Các em là những vệ út, những thiếu niên yêu nước rất xứng đáng với truyền thống tuổi nhỏ chí lớn, với lời thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh trong cuộc chiến đấu kiên cường 60 ngày đêm bảo vệ thủ đô Hà Nội, mở đầu cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp. Noi gương Vệ út Thủ đô, trên cả nước đã xuất hiện các đội thiếu niên như đội thiếu niên Sài Gòn, Biên Hòa, Đồng Tháp Mười… hưởng ứng toàn quốc kháng chiến.
Đầu năm 1948, Trung đoàn Thủ đô quyết định, những Vệ út trên 15 tuổi được trở thành những người lính thực thụ, được biên chế vào những đơn vị chiến đấu, còn lại 30 chiến sĩ nhỏ tuổi dưới 14 tuổi được giữ lại để thành lập đội tuyên truyền, sau là Đội tuyên văn của Trung đoàn Thủ đô. Đến năm 1950, Đội tuyên văn giải tán, các Vệ út mỗi người một nơi: người vào quân ngũ tham gia những trận đánh, người thành anh lính làm phim có mặt trên khắp trận địa, người trở thành nghệ sĩ nhân dân đầu ngành của một môn nghệ thuật… Nhiều Vệ út tiếp tục chiến đấu trong lực lượng của Trung đoàn Thủ đô cho đến ngày Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Những Vệ út năm ấy bặt tin nhau đến 50 năm. Mãi đến năm 1996, Vệ út Đặng Văn Tích mới có cơ hội gặp mặt một số Vệ út để viết cuốn tư liệu tại Lai Xá, Hoài Đức (Hà Tây cũ).