Nhiều người có bệnh nền gặp nguy hiểm khi mắc cúm A
Ngày 13/2, ThS.BS Phạm Hồng Quảng, phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm nhập viện sau kỳ nghỉ Tết 2025. Trong đó, không ít trường hợp mắc cúm A nặng, đặc biệt là người cao tuổi có nhiều bệnh lý nền phức tạp, khiến việc điều trị khó khăn.
Nhiều bệnh nhân mắc cúm A có diễn biến nặng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: BVCC
Đơn cử, cụ bà 88 tuổi, nhập viện trong tình trạng ho khan, sốt cao 38-39 độ C kéo dài, ý thức chậm. Trước đó, bệnh nhân tự điều trị tại nhà bằng kháng sinh và thuốc long đờm nhưng không hiệu quả. Tại bệnh viện, bà được chẩn đoán mắc cúm A, suy hô hấp, viêm phổi, suy thận mạn, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, suy tim và bệnh thận mạn giai đoạn 3. Ngoài ra, bà còn có tiền sử cắt cụt 1/3 cẳng chân trái do bệnh động mạch ngoại biên.
Theo bác sĩ Quảng, đây là một ca bệnh nặng với nhiều bệnh nền phức tạp đồng nhiễm cúm A. Ê kíp xây dựng phác đồ điều trị chi tiết, bao gồm thuốc kháng virus, kháng sinh, oxy liệu pháp, kiểm soát đái tháo đường và tăng huyết áp, kết hợp nâng cao thể trạng, phục hồi chức năng. Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, cai được oxy và cải thiện chức năng tim, thận.
Bệnh nhân được can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Gia Khiêm
Tương tự, TS.BS Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thời gian gần đây, các bác sĩ đã tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân cúm A nặng, trong đó đa số là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền kết hợp, và một số trường hợp là phụ nữ mang thai.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân nam, 83 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. Bệnh nhân nhập viện ngày thứ 3 của bệnh với biểu hiện sốt cao đột ngột liên tục 39-39,5 độ C kèm theo mệt mỏi, ho khạc đờm, đau ngực và khó thở. Qua thăm khám và xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh cúm A.
Mặc dù đã được điều trị thuốc kháng virus, kháng sinh chống bội nhiễm và kiểm soát bệnh lý nền, tuy nhiên tình trạng người bệnh tiến triển nặng dần, viêm phổi và suy hô hấp tiến triển phải hỗ trợ thở oxy tăng dần. Sau đó được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển khoa Hồi sức truyền nhiễm điều trị hồi sức tích cực.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện bệnh viện đang điều trị cho hơn 10 bệnh nhân cúm A nặng. Trong đó, có trường hợp bệnh nhân đã phải vào bệnh viện tỉnh vì diễn biến nặng. Tại đây, ông có kết quả dương tính với cúm A.
Ban đầu bệnh nhân được hỗ trợ thở oxy kính nhưng sau đó tình trạng khó thở tăng dần, các bác sĩ bắt buộc phải mở nội khí quản và can thiệp thở máy. Qua quá trình điều trị, tình trạng phổi của bệnh nhân vẫn xấu đi. Do đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngay trong đêm. Thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân đã rất nặng, chức năng phổi cực kỳ kém và có tình trạng đi vào sốc.
“Bệnh nhân được can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) ngay trong đêm. Ngoài tổn thương phổi do cúm, bệnh nhân còn bị tổn thương do nhiễm nấm. Cùng với đó, người này có bệnh nền phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và tăng huyết áp. Sau một tuần điều trị, hiện bệnh nhân vẫn rất nặng, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO”, bác sĩ Phúc thông tin.
Nếu nghi ngờ mắc cúm A nên làm gì?
Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Giám Đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh cúm đặc biệt nguy hiểm với bệnh nhân có bệnh nền liên quan đến đường hô hấp và hệ tim mạch. Đây là hai cơ quan dễ bị tổn thương về cúm. Đối với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay viêm phế quản khi bị nhiễm cúm sẽ làm gia tăng đợt cấp của họ và mỗi lần tiến triển đợt cấp đều rất nguy hiểm cho tính mạng.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Giám Đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Gia Khiêm
Theo bác sĩ Khiêm, nhiều trường hợp nhiễm cúm nhưng không sử dụng thuốc kháng virus đến lúc nặng mới đi viện sẽ phải hỗ trợ các biện pháp thở oxy, thở máy, các biện pháp khác. Đến giai đoạn đó trở nặng, điều trị rất tốn kém và khó khăn hơn rất nhiều.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh, khi người xác định bị cúm A có dấu hiệu chớm sốt 1, 2 ngày, đau rát họng cần đi khám. Tại cơ sở y tế, bác sĩ đánh giá bệnh nhân có nguy cơ cao sẽ cho thuốc kháng virus sớm thì có thể ngăn chặn bệnh, điều trị nhàn hơn rất nhiều. Trong trường hợp test cúm âm tính cũng vẫn nên đến cơ sở có trình độ để xác định có chính xác bị cúm hay không.
“Nếu xác định cúm và điều trị sớm chỉ mất khoảng 5 ngày sẽ khỏi, còn nếu bị nặng chi phí nằm viện điều trị tốn kém. Có người tốn vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng. Có bệnh nhân nguy kịch phải đặt ECMO sẽ rất khó khăn, chi phí ban đầu đặt hệ thống mất 100 triệu, sau đó vận hành hệ thống. Nếu đã can thiệp tim phổi nhân tạo chi phí rất tốn kém, thậm chí mất vài trăm triệu, cơ hội cứu không cao, có đến 50% số bệnh nhân nguy cơ không qua khỏi”, bác sĩ Khiêm cảnh báo.