1. Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)
Ngày 27/11/.2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Theo Bộ Y tế, với những điểm mới tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ giải quyết được vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, góp phần từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, Luật BHYT (sửa đổi) sẽ xóa bỏ “địa giới hành chính” theo tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT, chi trả 100% mức hưởng bảo hiểm cho người bệnh tại các cơ sở y tế thay vì phân cấp như trước, cho phép điều chuyển thuốc BHYT giữa các bệnh viện, thanh toán lại chi phí bệnh nhân mua thuốc ngoài bệnh viện khi thiếu thuốc…
Luật mới cũng giải quyết tình trạng giấy chuyển viện đối với bệnh hiểm nghèo, phân cấp BHYT theo hạng tồn tại nhiều năm, gây thiệt thòi và phiền phức cho bệnh nhân.
2. Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Ngày 21/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, 1 số quy định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Với nhiều điểm mới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dược, giúp ngành dược tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cũng như công tác đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả hợp lý.
Đồng thời, Luật có nhiều quy định siết và minh bạch giá thuốc, hỗ trợ dược nội địa phát triển, chống đầu cơ đội giá qua các tầng trung gian, cấm bán online thuốc kê đơn.
3. Quốc hội thông qua việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025 để bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Đây là lần đầu tiên vấn đề cấm thuốc lá điện tử được đặt ra tại nghị trường và đạt được sự thống nhất cao từ các đại biểu Quốc hội.
Theo báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, năm 2023 có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hai năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho hơn 130 trường hợp nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó, xét nghiệm nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy. Chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy từ cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
4. Kỷ lục người hiến tạng là người cho chết não
Năm 2024, số ca được chẩn đoán chết não (tính đến ngày 13/12) là 189 ca, gấp gần 6 lần so với 34 ca được chẩn đoán chết não trong năm 2023; số bệnh nhân hiến tạng sau chết năm 2024 là 38 ca. Đây được coi là số ca hiến tạng từ người cho chết não cao kỷ lục của Việt Nam tính đến nay. Tuy nhiên, tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não còn khiêm tốn so với nhu cầu người đăng ký nhận tạng.
Việt Nam là nước duy nhất Đông Nam Á trong danh sách quốc gia thực hiện hơn 1.000 ca hiến ghép tạng mỗi năm kể từ 2022. Số ca ghép tăng cao chứng tỏ trình độ khoa học kỹ thuật có bước tiến vượt bậc, làm chủ nhiều kỹ thuật khó và hơn nhiều nước trong khu vực.
Trong hơn 1.000 ca ghép mỗi năm, Việt Nam thực hiện khoảng 100 ca ghép gan, 90 ca ghép tim, 13 ca ghép phổi, ghép tụy và ghép ruột non đều tiến hành hai ca. Số bệnh viện được Bộ Y tế cấp phép đủ điều kiện ghép tạng tăng dần, lên 28 cơ sở.
Ngày 19/5, tại Bệnh viện Việt Đức, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ phát động phong trào “Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi”. Thủ tướng cũng đã đăng ký hiến mô tạng.
5. Thực hiện thành công ca ghép đồng thời tim – gan lần đầu tiên tại Việt Nam
Ca ghép đồng thời ghép tim-gan được Bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công vào tháng 9/2024. Người được ghép tim- gan là bệnh nhân 41 tuổi. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tình trạng đông máu rối loạn nghiêm trọng, sự sống của được tính theo ngày, duy trì bằng máy tim phổi nhân tạo thay chức năng tim, lọc gan thay chức năng gan. Cách duy nhất có thể cứu sống người bệnh là thay thế đồng thời tim và gan.
Người cho chết não là một người bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Các tạng đã được chuyển từ Nghệ An ra và khẩn trương ghép cho bệnh nhân.
Chỉ sau 8 tiếng phẫu thuật, trái tim ghép đã bắt đầu được đập trở lại. Sau đó, tim gan của bệnh nhân dần hồi phục, chức năng gan đã trở về bình thường, được rút nội khí quản, tỉnh táo.
Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ca ghép tim gan đồng thời trên một bệnh nhân đặc biệt ở giai đoạn nặng. Đây là kỳ tích mới trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam.
6. Lần đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á thông tim can thiệp cho thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh từ trong bụng mẹ.
Năm 2024, lần đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, kỹ thuật thông tim can thiệp cho thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh được triển khai thành công ngay trong bụng mẹ, do các y, bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) phối hợp thực hiện. Có 5 trường hợp đã được can thiệp thành công.
Theo các chuyên gia, trước đây, những ca mắc tim bẩm sinh đều phải chờ đến khi em bé ra đời, nuôi đến lúc nặng vài kg mới can thiệp được. Không ít trẻ đã tử vong trong bụng mẹ hoặc khi chào đời, tim đã hỏng nặng, dù can thiệp nhiều lần cũng khó trở lại bình thường.