Những sự kiện lịch sử trong phim “Narcos''.
Phim Narcos nổi tiếng với việc sử dụng tư liệu thật của các sự kiện lịch sử. Xin liệt kê một số sự kiện đình đám trong lịch sử Mỹ Latinh được miêu tả trong phim.
1/ Vụ bao vây ''Tòa nhà Tư pháp'' Colombia.
Trong phim, sự kiện được mô tả là trùm ma túy Escobar sau khi tàn sát các thành viên nhóm du kích cánh tả M-19, đã ép nhóm này làm một việc cho mình. Hắn bắt các du kích tổ chức một cuộc tấn công vào Tòa nhà tư pháp Colombia để giết các thẩm phán và thiêu hủy các tài liệu buộc tội hắn.
Thực tế: vụ tấn công Tòa nhà tư pháp Colombia diễn ra ngày 6/11/1985, với 35 du kích M-19 tham gia tấn công. Cuộc bao vây của quân đội diễn ra trong 1 ngày, sau 1 ngày họ phát động tấn công tiêu diệt thay vì đàm phán. Cuối cùng, toàn bộ 35 du kích bị giết, nhưng họ cũng kịp sát hại 11 trong tổng số 25 thẩm phán tối cao của Colombia. Hơn 100 dân thường cũng bị chết trong cuộc bao vây. Phần lớn dân thường chết do đạn lạc, vì vậy sau này người ta cáo buộc: du kích chịu trách nhiệm tấn công, nhưng vụ thảm sát là trách nhiệm của quân đội Colombia.
Đây được coi là cuộc tấn công lớn và gây tiếng vang nhất trong suốt lịch sử gây ra bởi các nhóm du kích cánh tả ở Colombia, thậm chí trên cả Mỹ Latinh. Từ trước đến tận nay, không có cuộc tấn công nào của du kích cánh tả đạt đến tầm đánh vào đầu não chính phủ Colombia như vậy. Còn trên Mỹ Latinh, nó sánh ngang với vụ bắt giữ con tin chấn động thế giới ở Sứ quán Nhật Bản tại Peru năm 1997.
Trong phim Narcos, nó được đánh giá cao về dùng tư liệu chân thật, nhưng không được đánh giá cao về độ chính xác. Cụ thể, phim đã lồng ghép vụ tấn công vào Escobar. Thực tế, không có bằng chứng cho thấy Escobar liên quan đến sự việc này.
Ngoài ra, một nhân chứng quan trọng nắm giữ nhiều thông tin về cuộc bao vây là nữ phóng viên Virginia Vallejo – cũng là người tình của Escobar. Những điều tra của Virginia đã khiến cô bị chính quyền Colombia truy đuổi, phải sang Mỹ tị nạn. Điều này đã trở thành rắc rối hóc búa trong quan hệ giữa Mỹ và Colombia. Hiện nay bà Virginia Vallejo vẫn đang sống ở Mỹ, và để tránh rắc rối không cần thiết, trong phim Narcos người ta đã đổi tên nhân vật của bà Virginia Vallejo thành Valeria Velez và để cho nhân vật bị giết ở cuối phim.
2/ Vụ đánh bom Avianca Flight 203.
Trong phim Narcos, đây là phần được đánh giá rất cao về tính ''thảm bi kịch''. Theo đó, để giết hại ứng viên Tổng thống Gaviria sắp ứng cử, Escobar đã cho một thanh niên nghèo cầm một vali lên máy bay mà không hề biết nó là bom. Hai đặc vụ Mỹ là Murphy và Pena cảm thấy bất thường nên đã ngăn tổng thống lên máy bay. Nhưng quả bom đã nổ, giết toàn bộ máy bay.
Chưa dừng lại, để bịt đầu mối, Escobar đã cho tay chân đi giết cô vợ của thanh niên bị lừa kia, giết luôn cả bạn cô. Khi định giết đứa con mới sinh của họ, các tay chân của Escobar ngần ngại, đúng lúc các đặc vụ Mỹ đến, cứu được đứa trẻ. Hai đặc vụ Mỹ đuổi theo, nhưng thậm chí đã suýt bị giết chết.
Thực tế: vụ đánh bom Chuyến bay Avianca 203 diễn ra ngày 27/11/1989, giết chết 110 người trên đường từ thủ đô Bogota đi thành phố Cali. Vụ nổ diễn ra chỉ 5 phút sau khi máy bay cất cánh, khiến ban đầu người ta nghĩ là sự cố kỹ thuật do nổ bình xăng. Nhưng sau này, điều tra đã cáo buộc do bom nổ.
Đây được coi là một trong những tội ác lớn nhất với dân thường trong lịch sử chiến tranh Colombia, giết hại hơn 100 dân thường. Trách nhiệm được quy cho trùm ma túy Escobar và băng Medelin.
Đúng là vụ ám sát nhằm vào tổng thống Gaviria, và tổng thống đã may mắn thoát chết. Nhưng điều bộ phim là không đúng thực tế, là thực ra sát thủ của Escobar không chết. Trên thực tế, kẻ thực hiện vụ đánh bom này là một trong những nhân vật chính trong bộ sậu của Escobar – Dandeny Muñoz Mosquera – nổi tiếng trong phim với biệt danh ''La Quica. Sau này, hắn bị Hoa Kỳ bắt vì rất nhiều tội khác nhau, bao gồm hộ chiếu giả, bắt cóc và cả việc đánh bom máy bay Avianca 203 làm chết 2 công dân Mỹ. Hắn bị kết đến 10 án chung thân và đang thụ án tại nhà tù.
Còn trong phim, La Quica một trong những tay chân trung thành cuối cùng của Escobar. Hắn bị bắt ngay trước khi Escobar bị tiêu diệt cùng cận vệ cuối cùng, biệt danh ''Limon''.
3/ ''Los Pepes'' và anh em nhà Castano.
Trong phim, anh em nhà Castano và ''Los Pepes'' được miêu tả xuất hiện khá muộn, nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiêu diệt Escobar. Cụ thể, khi cuộc chiến với Escobar đang căng thẳng và bế tắc, thì một số tay chân bị Escobar bạc đãi đã liên hệ với đặc vụ Mỹ – Javie Pena, nhờ đến anh em nhà Castano khét tiếng tàn bạo. Đây là nhóm dân quân cánh hữu nổi tiếng khát máu ở Colombia, được cho là sau khi cha của họ bị một nhóm du kích cánh tả bắt cóc và sát hại.
Sự xuất hiện của anh em Castano, sau đó lập ra ''Los Pepes'' (hội những người bị Escobar bức hại) đã làm thay đổi cán cân. Với cách thức tàn bạo, hạ sát không ghê tay, nhóm Los Pepes đã lần lượt triệt hạ rất nhiều tay chân và người thân trong gia đình Escobar, đẩy trùm ma túy đến đường cùng và bị quân đội Colombia ''hốt gọn mẻ cuối''. Sau cái chết của Escobar, trong phần 3 anh em nhà Castano được miêu tả là vẫn duy trì hợp tác với tình báo CIA của Mỹ.
Thực tế: anh em nhà Cartano đã đóng vai trò quan trọng từ lâu trong lịch sử Colombia. Chi tiết lịch sử chính xác trong phim, là cha của họ – một chủ đất giàu có – bị du kích cánh tả giết ngày 18 tháng 9 năm 1981. Để trả thù, 3 anh em nhà Castano là Carlos, Vicente và Fidel đã lập ra một nhóm dân quân tự vệ cực hữu, đi khắp nơi lùng sục các du kích cánh tả và sát hại họ cũng như bất cứ ai ủng hộ. Nhóm dân quân này thực tế đã phần là nông dân, được cung cấp súng để chống lại du kích cánh tả quấy phá.
Hoạt động chủ yếu ở Tây bắc Colombia, từ khi thành lập năm 1981 nhóm dân quân của anh em Cartano đã có vai trò to lớn trong việc chống lại du kích cánh tả ở đây, khiến các nhóm du kích này gặp rất nhiều khó khăn và tổn thất. Tuy nhiên, nhóm dân quân của Castano cũng được coi là thực thi ''ngoài vòng pháp luật'', thường xuyên bất hợp tác với chính quyền Colombia và hành xử tàn bạo với thường dân. Vì thế, dù cùng chống du kích cánh tả, dân quân của Castano cũng bị coi là mối đe dọa với chính quyền Colombia.
Thực sự, anh em nhà Cartano cũng có vai trò lớn trong việc hạ gục trùm ma túy Escobar, do cho rằng Escobar hợp tác với du kích cánh tả. Tuy vậy, sau khi tiêu diệt Escobar, do lo sợ ảnh hưởng tăng lên của nhóm cực hữu này có thể gây hậu quả tiêu cực, chính quyền Colombia đã chĩa súng chống lại anh em nhà Castano. Từ năm 1994, quân đội và cảnh sát Colombia đã tấn công các nhóm cực hữu. Để xoa dịu tình hình, anh em nhà Castano chịu quy hàng chính phủ, lập ra một nhóm dân quân lấy tên là ''Lực lượng Phòng vệ Thống nhất Colombia'' (AUC). AUC chính là hợp nhất của các nhóm cánh hữu trong cuộc chiến ở Colombia, là một trong những phe chính tham gia cuộc chiến. 2 phe còn lại là quân đội Colombia và các nhóm du kích cánh tả.
Nhưng cũng sau năm 1994, các lãnh đạo hàng đầu của nhóm dân quân cực hữu này đã chết hoặc biến mất bí ẩn. Carlos Castano chết năm 2004, không rõ ai giết. Vicente Castano và Fidel Castano đều mất tích bí ẩn. Người ta cho rằng chính quyền Mỹ và Colombia đã âm thầm thủ tiêu các lãnh đạo dân quân cực hữu của Colombia để trừ họa về sau. Theo các công bố, chính phủ Mỹ cáo buộc dân quân của anh em nhà Castano phạm nhiều tội ác với dân thường, bắt cóc công dân Mỹ cũng như buôn ma túy vào Mỹ, và đã đưa anh em nhà Castano vào danh sách truy lùng. Cho đến nay, các thủ lĩnh dân quân cực hữu vẫn là mục tiêu truy lùng của chính quyền Colombia và Mỹ.
(còn hứng sẽ viết tiếp)