nhung-phan-doi-nghiet-nga-o-xom-chay-than-giua-“chao-lua”-thanh-vinh

Những phận đời nghiệt ngã ở xóm chạy thận giữa “chảo lửa” thành Vinh

Vừa chạy thận vừa chạy xe ôm

Gần 11 giờ trưa, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, nắng nóng bỏng rát vào giờ cao điểm. Ở dãy nhà cũ tại phường Quán Bàu, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, nơi được biết đến với cái tên Xóm chạy thận, nắng nóng biến những căn phòng nhỏ chật hẹp thành những chiếc “lò hơi”. Phía trong đó, là những phận đời nghiệt ngã đang chống chọi lại với căn bệnh nan y để duy trì sự sống.

Cư dân xóm chạy thận quay cuồng trong nắng nóng như chảo lửa thành Vinh. Thực hiện: Thắng Tình

Trung bình mỗi người tại đây, một tuần phải chạy thận 2 lần với thời gian kéo dài. Vì vậy, các bệnh nhân thuê phòng ở lại gần bệnh viện để tiện cho việc điều trị. Có những căn phòng, 3 – 4 người thuê chung, người thân cũng không có điều kiện vào chăm sóc nên họ phải tự lo cho chính mình.

Những phận đời nghiệt ngã quay cuồng trong nắng nóng đỉnh điểm ở xóm chạy thận giữa chảo lửa thành Vinh - Ảnh 2.

Những ngày thành phố Vinh nắng nóng đỉnh điểm, cuộc sống của người dân ở xóm chạy thận tại phường Quán Bàu cũng bị đảo lộn. Bị bệnh tật hành hạ, giờ đây họ lại càng kiệt sức trong cái nắng nóng bỏng rát. Ảnh: Thắng Tình

Ngồi trên chiếc xe máy ngay tại đầu cổng vào của xóm chạy thận, anh Thái Doãn Linh (SN 1985, trú tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đang cố gắng kiếm thêm cuốc xe ôm để có tiền. 

Hơn 6 năm nay, anh Linh chạy thận tại cơ sở 2 của Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh. Gia đình khó khăn, chi phí điều trị hàng tháng cũng tốn kém. Vì thế, để có tiền trang trải cuộc sống và duy trì điều trị bệnh tật cho mình, anh Linh vừa chạy thận, vừa chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập.

Những phận đời nghiệt ngã quay cuồng trong nắng nóng đỉnh điểm ở xóm chạy thận giữa chảo lửa thành Vinh - Ảnh 3.

Vì hoàn cảnh gia đình, anh Thái Doãn Linh vừa chạy thận lại tranh thủ chạy xe ôm để kiếm tiền. Ảnh: Thắng Tình

“Ở nhà cũng không có tiền gửi xuống, nên tôi tranh thủ lúc khỏe thì chạy xe ôm. Từ sáng đến giờ mới kiếm được 45.000 đồng. Nắng nóng thế này chạy xe ôm ngoài đường vất vả lắm, mà khách cũng ít vì giờ chủ yếu họ đi taxi”, anh Linh chia sẻ. 

Anh Linh ngồi nhẩm tính, số tiền ít ỏi kiếm được hàng ngày cũng chỉ đủ trả tiền thuê nhà và ăn uống.

Những phận đời nghiệt ngã quay cuồng trong nắng nóng đỉnh điểm ở xóm chạy thận giữa chảo lửa thành Vinh - Ảnh 4.

Cư dân tại xóm chạy thận dùng thêm quạt cầm tay để xua đi cái nóng. Ảnh: Thắng Tình

Nắng nóng đỉnh điểm 40 – 41 độ C cộng thêm gió phơn tây nam thổi mạnh, độ ẩm không khí thấp khiến thành Vinh như một “chảo lửa”. Tại xóm chạy thận, nắng nóng khiến những căn phòng trở nên ngột ngạt. Những chiếc quạt điện thông thường hoạt động hết công suất nhưng chỉ thổi vào không khí vốn đã nóng bức. Ở đó, những phận đời vốn đã khốn khổ vì bệnh tật hành hạ lại càng thêm kiệt quệ.

Xóm chạy thận vật vã trong cái nắng nóng khủng khiếp

Suốt hơn 15 năm chạy thận, đó cũng là quãng thời gian ông Nguyễn Tiến Lập (SN 1969, trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) ở trong căn phòng tại xóm chạy thận này. Ông Lập cho biết, đây là năm nắng nóng nhất mà ông từng chứng kiến. Ngoại trừ thời gian phải ra ngoài đi mua thức ăn, đến bệnh viện để chạy thận, lọc máu ông Lập đều ở trong phòng để trốn nắng.

Những phận đời nghiệt ngã quay cuồng trong nắng nóng đỉnh điểm ở xóm chạy thận giữa chảo lửa thành Vinh - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Tiến Lập có 15 năm chạy thận ở đây. Theo ông, đây là năm nắng nóng nhất. Ảnh: Thắng Tình

Trên tay ông Lập là những vết chai sần do những lần cắm kim chuyền để lọc máu, chạy thận. Có những vết chai sần u sùi lên. Cơ thể ông cũng gầy yếu hẳn đi.

Ông Nguyễn Tiến Lập thuê chung phòng với 3 bệnh nhân khác, mỗi người một hoàn cảnh. Họ cùng nương tựa vào nhau, chăm sóc cho nhau trong những lúc mệt mỏi. Hôm nào chạy thận xong, ai mệt quá không đi mua được nước, thức ăn thì nhờ người cùng phòng giúp đỡ.

Những phận đời nghiệt ngã quay cuồng trong nắng nóng đỉnh điểm ở xóm chạy thận giữa chảo lửa thành Vinh - Ảnh 6.

Mặc dù đã có 2 chiếc quạt chạy hết công suất nhưng với những cư dân xóm chạy thận, ăn cơm trưa cũng rất vất vả. Ảnh: Thắng Tình

Cố nuốt từng hạt cơm

Bữa cơm trưa đối với những bệnh nhân xóm chạy thận cũng trở nên nhọc nhằn hơn vì cái nắng. “Nắng nóng khiến những miếng cơm cũng khó nuốt hơn. Không ăn thì không có sức mà điều trị bệnh, phải cố thôi”, ông Trịnh Xuân Thành (SN 1952, trú tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An” tâm sự. Mặc dù đã cởi áo, nhưng mồ hôi vẫn ướt tâm lưng già của ông Thành. Ông cố ăn miếng cơm để lấy sức chiến đấu với bệnh tật.

Những phận đời nghiệt ngã quay cuồng trong nắng nóng đỉnh điểm ở xóm chạy thận giữa chảo lửa thành Vinh - Ảnh 7.

Mặc dù nắng nóng, chẳng ai muốn ăn nhưng vì để có sức chiến đấu lại với bệnh tật họ đành cố gắng ăn thêm chút thức ăn. Ảnh: Thắng Tình

Ngoài trời, gió phơn tây nam bỏng rát vẫn thổi liên hồi, bà Nguyễn Thị Hướng (SN 1954) lấy thêm chiếc quạt cầm tay để quạt cho bớt nóng. Bà Hướng ăn cơm sớm hơn, khi nhiệt độ chưa vào lúc đỉnh điểm nên giờ đây bà ngồi nghỉ ngơi. Nhưng thời tiết nắng nóng quá, bà cũng không thể nằm, dù rất mệt mỏi.

Những phận đời nghiệt ngã quay cuồng trong nắng nóng đỉnh điểm ở xóm chạy thận giữa chảo lửa thành Vinh - Ảnh 8.

Nắng nóng cũng khiến bà Nguyễn Thị Hướng không thể nghỉ trưa. Ảnh: Thắng Tình

Có hơn 10 năm làm quản lý tại xóm chạy thận này, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (SN 1981) cho biết, đây vốn là một khu nhà của công nhân. Nhưng hiện tại không có nhu cầu sử dụng vì vậy để các bệnh nhân chạy thận thuê ở lại. Khu nhà ở ngay đối diện cổng bệnh viện nên được nhiều bệnh nhân chạy thận thuê ở để tiện cho việc điều trị bệnh.

Cũng theo chị Tâm, tại đây có nhiều trường hợp rất khó khăn. Vì thế chị Tâm cũng cho các bệnh nhân thuê phòng theo giá “mềm” hơn. Tùy theo phòng, số lượng người ở, trung bình mỗi bệnh nhân khoảng 400–500 nghìn đồng/tháng, bao gồm cả tiền điện, nước. Bệnh tật hành hạ suốt nhiều năm trời nên cư dân của xóm chạy thận ai cũng gầy gò, hốc hác, ánh mắt tiều tụy… họ chỉ mong đợt nắng nóng này sớm chấm dứt để có bớt mệt nhọc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *