Còng lưng gánh hàng, leo ngàn bậc đá lên chùa Bà
Hòa cùng dòng người hành hương lên chùa Bà, những người phu khuôn vác cũng còng lưng địu những thùng hàng nặng trĩu từ chân núi lên đỉnh chùa cao gần 1.000m. Họ cúi mặt xuống nhìn từng bậc đá, chậm rãi bước đi thật vững chãi để tránh bị trượt chân.
Leo được gần nửa đoạn đường, ông Nguyễn Thành Long (52 tuổi) dừng chân nghỉ lấy sức khi mồ hôi đã ướt đẫm áo. Mỗi ngày ông sẽ vác 2-3 chuyến hàng từ chân núi lên chùa Bà theo yêu cầu của khách, mỗi chuyến ông được trả 50.000-100.000 đồng.
“Tôi làm nghề này hơn 20 năm rồi, cực lắm, ai làm không quen thì một chuyến là bỏ nghề ngay. Mỗi ngày đi làm về là chân tay tôi tê cứng, người mệt lả nhưng cuộc sống mình khó khăn nên phải vậy. Tôi già rồi, có được cái nghề này kiếm chút tiền để sống cũng vui. Làm nghề này lâu ai cũng bị bệnh xương khớp “, ông Long tâm sự.
Cũng theo ông Long, khó khăn nhất là vác đá lạnh, mặt hàng chính của các chủ hàng trên núi. Những cây đá to, nặng khoảng 50kg phải được giao nhanh nếu không đá sẽ tan hết. Tháng Giêng là thời điểm ông kiếm được nhiều tiền nhất vì khách tham quan chùa Bà rất đông.
Ông Tân (người có thâm niên hơn 20 năm làm nghề) lau vội những giọt mồ hôi trên mặt, rồi nói: “Nghề này nguy hiểm lắm, tôi làm nghề 10 năm, té ngã ngửa, trật khớp, gãy tay, gãy chân, nếm đủ cả rồi. Nếu cuộc sống mà ổn định thì đâu ai chọn cái nghề này làm gì, sơ suất một chút thì hậu quả cũng khó lường lắm”.
Ông Tân chia sẻ thêm, lúc mới làm nghề, đi một chuyến về ông phải nghỉ 4,5 hôm vì tay chân tê cứng, không còn sức lực.
“Vác được một thời gian thì xương khớp nó đau nhức, khổ lắm, nhưng cũng vui vì tôi còn cơ hội để đi làm nuôi sống gia đình”, ông Tân bộc bạch.
Những người “cùng khổ” mưu sinh qua ngày ở chùa Bà
Theo ông Tân, hiện có hơn 20 người làm nghề bốc vác tại núi Bà Đen, đa phần đều trên 50 tuổi, đầu 2 màu tóc. Họ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn nên bất chấp nguy hiểm để leo núi mỗi ngày.
Trong số những người khuân vác ở đây, chỉ khoảng vài người có thân hình cao to, còn lại đa số họ đều có thân hình gầy gò. Tuy vậy, họ đều có điểm chung là khuôn mặt rám nắng, cháy sạm, minh chứng cho những khắc nghiệt mà họ đã phải trải qua khi chọn nghề gian khổ, hiểm nguy này.
Đoạn đường từ chân lên đỉnh núi chùa Bà vô cùng dốc, khó đi, chỉ cần một sơ suất nhỏ, người khuân vác có thể bị trượt chân té ngã và ảnh hưởng đến tính mạng.
Có những ngày khách đi đông, họ phải mất thêm nhiều thời gian và sức lực để tránh dẫm chân hoặc tránh không để đụng trúng du khách.
Chị Nguyễn Thị Hương (32 tuổi), du khách trên núi Bà Đen chia sẻ: “Tôi đi bộ, không xách gì theo, mới leo chưa được 100 bậc thang là chân run lẩy bẩy, chứ đừng nói vác 50kg. Thấy những người mưu sinh ở đây họ leo cả ngàn bậc đá cheo leo với mấy chục ký hàng trên lưng thật sự quá vất vả”.
Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam Bộ. Vị thần thờ chính trên núi là Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu. Bà được thờ ở Điện Bà nằm khoảng lưng chừng núi.
Mỗi ngày, nơi đây đều có nhiều khách hành hương tới viếng, đông nhất là vào dịp lễ, Tết.