Khối ngành dịch vụ dẫn đầu xu hướng tuyển dụng cận Tết
Qua ghi nhận của PV Báo Dân Việt tại một số phiên giao dịch việc làm ở phía Bắc gần đây, khá nhiều doanh nghiệp tăng nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất lao động tự do phục vụ cho đơn hàng hay đáp ứng việc bán hàng dịp cuối năm.
2/3 tổng số doanh nghiệp tuyển dụng tại Phiên giao dịch việc làm 6 tỉnh thành phố phía Bắc đầu tháng 11 vừa qua đều là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, chăm sóc sắc đẹp, hoặc trung tâm thương mại.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội, những tháng cuối năm, một số ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao so với tháng trước như: Bán buôn, bán lẻ tăng 3,2%; hoạt động chuyên môn về khoa học công nghệ tăng khoảng 2,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 4%.
Bên cạnh đó, các nhóm ngành: Du lịch, lưu trú ăn uống, nghệ thuật, giải trí… cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Tuy nhiên, một số nhóm ngành lại giảm nhu cầu tuyển dụng lao động so với tháng trước như: Hoạt động kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hành chính, dịch vụ hỗ trợ.
Ông Vũ Quang Thành – Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định: “Thời điểm cuối năm vẫn là cơ hội của nhóm ngành dịch vụ, sản xuất bán buôn bán lẻ, các ngành dịch vụ ăn uống, làm đẹp; khối ngành may mặc; sản xuất… nhằm cung ứng hàng hóa cho Tết. Vì thế, các doanh nghiệp khối này vẫn sẽ tăng tuyển dụng”.
Dự báo, từ nay đến cuối năm, nhóm ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin… có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Bà Hoàng Thị Lan – Trưởng phòng tuyển dụng của tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản cho biết, cuối năm các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại của đơn vị tại Hà Nội cần tuyển khoảng 400 lao động ở rất nhiều vị trí. Nhiều nhất là nhân viên bán hàng; thu ngân, kế toán, nhân viên chăm sóc khách hàng, bảo vệ… Mức tiền lương cơ bản dao động trong khoảng 6-8 triệu đồng, chưa kể tăng ca. Với các vị trí đòi hỏi lao động có kinh nghiệm, tay nghề thu nhập có thể lên tới 10-13 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ 1 bữa ăn ca, chế độ thưởng đạt doanh số, thưởng ngày lễ Tết, áp dụng chế độ làm việc theo đúng Bộ Luật lao động năm 2019.
Tăng lương thưởng, phúc lợi nhưng vẫn không thể “hút” lao động
Không chỉ ở miền Bắc, tại miền Nam cũng ghi nhận những thông tin tương tự. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, nhu cầu nhân lực 3 tháng cuối năm 2024 của thành phố vào khoảng 83.000 người, tập trung tuyển dụng ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu.
Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp trọng điểm cần tuyển thêm 12.000 – 13.000 lao động, chiếm hơn 15% tổng nhu cầu nhân lực. Nhóm ngành dịch vụ chủ yếu cần tuyển thêm khoảng 47.000 – 50.000 nhân sự, chiếm gần 61% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 25,24% tổng nhu cầu nhân lực.
Tại Bình Dương – “thủ phủ công nghiệp” ở phía Nam cũng vậy. Sở LĐTBXH tỉnh này cho biết các lĩnh vực như may mặc, điện tử, gỗ và ép nhựa đều tích cực tuyển dụng lao động phổ thông, tạo ra làn sóng việc làm mới trong quý IV/2024. Dự báo từ nay đến cuối năm, tỉnh cần khoảng 20.000 – 25.000 lao động, chủ yếu lao động có tay nghề.
Tại Đồng Nai, Sở LĐTBXH tỉnh này cũng dự báo trong những tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động toàn tỉnh vào khoảng 40.000 người. Trong đó, lao động phổ thông chiếm trên 40%, lao động có trình độ đại học, cao đẳng khoảng 10%, còn lại có chứng chỉ nghề, sơ cấp và trung cấp chuyên nghiệp.
Các lĩnh vực, ngành nghề mà Đồng Nai tuyển lao động nhiều là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất dệt may, giày da, thiết bị công nghiệp, các sản phẩm từ gỗ. Vị trí được tuyển dụng nhiều như: Thợ may, thợ chế biến thực phẩm, thợ vận hành máy, thợ cơ khí, lắp ráp thiết bị điện tử… Ngoài lao động phổ thông, các DN tìm kiếm lao động kỹ thuật, có tay nghề, nhất là ngành cơ khí chế tạo.
Mức lương được doanh nghiệp trả cho người lao động thời điểm này cũng cao hơn các thời điểm trước. Dao động trong khoảng từ 7-12 triệu đồng/tháng cho lao động phổ thông, tùy tay nghề và kinh nghiệm, chưa kể tăng ca. So với mức lương hồi đầu năm, mức lương này tăng nhẹ thêm từ 1-2 triệu đồng.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê quý III/2024 cũng cho thấy thu nhập bình quân/ tháng của lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng là 9,1 triệu đồng, tăng 5,8% so với quý trước. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động tại một số tỉnh trong vùng có tốc độ tăng cao: Hà Nội là 10,7 triệu đồng, tăng 6,6% so với quý trước; Nam Định là 7,6 triệu đồng, tăng 5,7%.
Như vậy, càng về những tháng cuối năm tiền lương, thưởng chế độ phúc lợi của lao động nhất là lao động trong các ngành có nhu cầu cao càng được cải thiện. Tuy vậy, qua ghi nhận, nhiều đơn vị cho biết họ vẫn khá khó khăn trong việc tuyển dụng lao động do nhu cầu lao động bỏ phố về quê vì các chi phí ở thành phố quá đắt đỏ, lương tăng nhẹ vẫn không đủ đáp ứng cho cuộc sống hiện tại.