Những vị hoàng đế nước Việt có chính sách Kị Mi với vùng Tây Bắc, nơi họ xem là “Man Di”. Biểu hiện của chính sách này rõ nhất là vào thời nhà Lý khi các vị công chúa làm dâu xứ cổng mặt trời. Nhờ có các chàng rể mà các vua Lý ở kinh đô yên lòng trị vì đất nước khỏi lo giặc nhòm ngó biên ải. Các phò mã được gọi một cái tên thân mật là “phò mã lang”.
Đại Việt sử ký toàn thư đã chép lại khá nhiều dòng về việc các vua Đại Việt gả con gái cho tù trưởng nơi biên ải. Năm Thiên Thành thứ hai (1029), vua Lý Thái Tông đã gả công chúa Bình Dương cho châu mục châu Lạng (nay là đất Lạng Sơn, Bắc Giang) là Thân Thiệu Thái. Năm Thông Thụy thứ ba (1036), nhà vua lại gả công chúa Kim Thành cho châu mục châu Phong là Lê Tông Thuận vào tháng 3. Đến tháng 8, nhà vua lại gả công chúa Trường Ninh cho châu mục châu Thương Oai là Hà Thiên Lãm.
Như vậy, chỉ riêng đời vua Lý Thái Tông, có 4 vị công chúa làm dâu nơi biên viễn.
Năm Quý Tỵ (1113), phu nhân của châu mục Chân Đăng họ Lê (vùng Thanh Thủy, Tam Nông của Phú Thọ) là công chúa Ngọc Kiều mất. Bà là con gái Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung, vốn công chúa được Lý Thánh Tông gả cho châu mục này. Khi chồng chết, bà đã nguyện đi tu làm sư nữ, thọ 72 tuổi. Sau này, Lý Thần Tông tôn làm sư nữ.
Đến đời vua Lý Nhân Tông, năm Nhâm Tuất (1082), công chúa Khâm Thánh lại được gả cho châu mục châu Vị Long (vùng Chiêm Hóa, Tuyên Quang) là Hà Di Khánh. Năm Đinh Mùi (1127), nhà vua lại gả công chúa Diên Bình cho thủ lĩnh phủ Phú Lương (vùng Thái Nguyên, Bắc Giang) là Dương Tự Minh.
Vào đời vua Lý Anh Tông, năm Giáp Tý (1144), nhà vua lại gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh và phong cho ông làm phò mã lang. Như vậy, hai triều vua Lý đều có công chúa gả cho Dương Tự Minh chứng tỏ vai trò của Dương Tự Minh vô cùng quan trọng. Vua Lý xuống chiếu rằng: Giao cho viên phò mã lang này cai quản các động dọc theo biên giới về đường bộ. Cũng có nghĩa là Dương Tự Minh gìn giữ phên giậu quan trọng bậc nhất bấy giờ là biên giới phía Bắc.
Khi đó, người nước Tống là Đàm Hữu Lượng đến cướp châu Quảng Nguyên (nay thuộc Cao Bằng) của nước ta, vị phò mã lang này được vua sai đi đánh, đã có công đánh cho quân giặc không còn mảnh giáp.
Lý Thần Tông vốn định gả công chúa Thụy Minh cho Hà Hữu Bàn, động trưởng động Ma Sa (Đà Bắc, Hòa Bình). Việc hôn nhân chưa xong thì ông này đã phản, đích thân vua đánh trận này. Sau, công chúa Thụy Minh cùng 1 số cung nữ lập 1 làng tại mé hồ Tây để dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa.
Ngôi làng ấy chính là làng Nghi Tàm – quê hương nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh và là nơi xảy ra vụ án chim sâm cầm nổi tiếng. Công chúa được tôn làm Bà Chúa Tằm, bà cũng là người duy nhất không thực hiện được sứ mệnh này.
Các công chúa nhà Lý khi về nhà chồng đều gắn bó với nhà chồng, các phò mã lang cũng rất yêu vợ, vì thế mà tận tâm giữ gìn biên ải cho giang sơn Đại Việt. Bên cạnh đó, khi vua Lý gả công chúa cho các thủ lĩnh biên viễn, thì cũng rất chăm lo cho cuộc sống của con gái mình và chàng rể.
Vào năm Đinh Mão (1147), vua Lý Anh Tông đã sai thợ làm nhà cho công chúa Thụy Thiên ở châu Lạng.
Năm Nhâm Ngọ (1222), vua đã chia nước Đại Việt làm 24 lộ, trong đó có nhiều lộ được chia cho các công chúa ở và cai quản. Năm 1224, vua Lý Huệ Tông trị vì, ông “không có con trai để nối nghiệp lớn, các công chúa đều được chia các lộ làm ấp thang mộc” làm của ăn của để.
Chính sách “Ki mi” ràng buộc các bộ tộc người miền núi vùng biên giúp cho nhà nước Đại Việt thêm phần hùng mạnh. Đó là nhờ có các chàng rể người dân tộc thiểu số góp công đánh giặc và giữ gìn cương giới từ xa. Các phò mã lang này có được người vợ dòng dõi, thủy chung, xinh đẹp là một sự ràng buộc với triều đình Đại Việt một cách chắc chắn. Chính đó là “quyền lực mềm” của nhà nước Đại Việt mà công lao không nhỏ thuộc về các cô công chúa.
Thời Lý mạt, có một chuyện liên quan đến công chúa nhà Lý là Thiên Cực. Bà là phu nhân quan Nội Hầu Vương Thượng, lần lượt tư thông với 2 quyền thần là Phạm Du và Tô Trung Từ thì hai ông này đều bị Thái Tử Sảm và chồng bà chém chết. Vì thời Lý có luật, phò mã được quyền giết gian phu mà không bị xử tội.
Chính vì thế, khi Trần thay Lý, một bộ phận tông thất đã chạy lên Việt Bắc nương nhờ Tai tộc (Tày Nùng). Hiện nay, hậu duệ nhà Lý là một dòng họ lớn của dân tộc này.
Công lao các công chúa họ Lý và phu quân vẫn không thể nào chối bỏ được. Sử Việt, không chỉ có những Huyền Trân; An Tư; Ngọc Khoa; Ngọc Vạn mà thôi.
Cre: Diệp Dụ Phong / on pic