Những năm tháng tuổi 20 hạnh phúc nửa vời

 Độ tuổi đôi mươi là khoảng thời gian, mà đối với những người phương Đông, là dồn hết tâm trí vào việc nuôi nấng trẻ con, sống tằn tiện tích cóp, với người phương Tây, là làm việc 60 giờ mỗi tuần ở phố Wall. Họ được khích lệ bằng những giấc mơ về hạnh phúc của người trưởng thành, nhưng hình thù của những giấc mơ đó lại chỉ như những gợn sóng trên cồn cát.

Có một lần, cách đây đã lâu lắm rồi, tôi đã dành một tháng trời ở vùng Iceland, hầu như không có xu nào trong người, và cũng chẳng có gì ngăn nổi thời gian một ngày vốn đã đang trôi qua quá nhanh. Lúc đó là hồi tháng 9, và cứ mỗi buổi sáng và chiều muộn sẽ có một cơn gió thổi qua Reykjavík làm sạch bầu không khí, đưa đẩy và định hình lại những đám mây. Vào lúc tám giờ, mặt trời bắt đầu lặn, và nắng cũng chẳng còn lởn vởn bên những khúc quanh của ngọn đồi nữa. Tôi dùng nhiều thời gian trong tháng để tản bộ qua những khu vực xa lạ, cố gắng để tưởng tượng mọi thứ sẽ ra sao nếu như bắt đầu gây dựng cuộc sống ở mỗi nơi đó. Đây hoàn toàn không phải là một sự đeo đuổi bất thường, bởi vào lúc đó tôi giống như kẻ xa lạ đối với cuộc sống trưởng thành ở mọi nơi mà tôi đặt chân đến.


Sau ba tháng không thể tự chu cấp cho cuộc sống của mình ở New York, tôi đã có mặt ở Iceland nhờ vào một khoản trợ cấp nghiên cứu nhỏ. Mùa thu đó tại Reykjavík, mọi thứ đều đắt đỏ, tôi sống trong một nhà khách cũ và đâm đầu vào một kiểu kế hoạch điên loạn mà chỉ có duy nhất những người thất nghiệp mới có thể nghĩ ra. Mỗi buổi sáng, tôi đi bộ tới quán cà phê đã trở thành văn phòng của mình. Rồi các buổi tối, tôi lang thang dọc các bờ sông hoặc là ngồi đọc sách bên một cái hồ lớn trong trung tâm thành phố. Những tối cuối tuần thì lại khác, bởi đó mới là những khi thành phố bừng sức sống:


Hỏi: Cuối tuần trước tôi ra ngoài chơi và khi tôi thức dậy vào buổi sáng ngày hôm sau, tôi phát hiện ra giày của mình dính đầy bùn đất. Tôi nhớ là mình không hề ghé qua bất cứ cái trang trại nào cả. Có ai giải thích cho tôi điều gì đã xảy ra được không?


Đáp: Đó vẫn còn là một bí ẩn với những người sống ở vùng Reykjavík này. Họ đều gặp vấn đề tương tự sau mỗi lần lui tới các quán bar trong thành phố. Chúng tôi thực sự là không thể giải thích được điều này nhưng cũng hiểu rằng các quán bar đều chật cứng người, có lẽ vì thế mà mọi người sẽ giẫm phải chân nhau.


Tôi đã thấy đoạn trích này trên tờ Reykjavík Mag, một ấn phẩm tiếng Anh được đặt trong văn phòng khách du lịch, và chúng rõ là khiến tôi thất vọng sâu sắc, vì mấy đêm rồi khi tôi về nhà giày dép vẫn sạch sẽ lắm. Cuối cùng, tôi trở về nhà khách vào tối thứ 7 và phát hiện ra rằng phòng của mình đã bị chiếm dụng bởi ba gã người Thụy Điển. Sàn nhà thì bừa bộn những hộp Carlsberg nửa lít đã rỗng; và khi họ mời tôi thứ đó, tôi đã tự hỏi điều gì mang họ tới với Iceland.


“Bọn tôi chuyên giết mổ cừu ngoài bờ biển,” một người trong số họ lên tiếng.


Họ đều mặc đồ jean và có mái tóc vàng cắt cụt ngủn. Một gã có khuôn mặt dài với bộ răng lởm chởm tiếp lời: “Bọn tôi giết hai nghìn con cừu mỗi ngày, tám nghìn con mỗi mùa. Gã kia cắt bỏ những cái dạ dày, và rồi bọn này đặt xác cừu vào kho lạnh. Mọi việc đều y như một dây chuyền rắp láp vậy.”


“Trông cậu có vẻ như đang cần một chiếc iPod,” gã thứ ba nói.


Những gã Thụy Điển kể rằng họ đang học ngành khoa học máy tính ở đại học, rồi thì chắc ai cũng biết: từ chuyện này lại dẫn sang chuyện kia, và không bao lâu thì bạn nhận ra rằng chính mình đang mổ bụng những con cừu trong một nhà máy thịt hun khói chỉ để đổi lấy những đồng tiền ít ỏi. Ở Thụy Điển để kiếm được một công việc là chuyện chẳng hề dễ dàng, thế nhưng xứ Iceland này lại khác. Các công ty chuyên giết mổ có các phòng ở miễn phí và 6 bữa ăn một ngày. Cứ cho là có quá nhiều cá trong thực đơn đi chăng nữa, thì thế vẫn còn tốt chán so với chỗ thức ăn thừa ở các khu lò xử lí. Tại sao lại như thế? Tôi hỏi điều này bằng thái độ gợi chuyện, nhưng những gã tôi mới quen kia lại nhìn tôi chằm chằm.


“Cậu có để ý thấy rằng chẳng có nhiều cây ở vùng Iceland này chứ?”, Cuối cùng thì cũng có một người chịu lên tiếng.


“Đúng vậy,” tôi đáp.


“Hừm, thế cậu nghĩ người ta tạo ra khói hun thịt bằng cái gì? Nó là một hỗn hợp 50-50 của…. tôi chẳng biết từ đó là gì trong tiếng anh nữa. Cậu đào nó lên….”


“Than bùn ư?”


“Ồ đúng rồi, than bùn,” hắn ta thốt lên. “Thứ đó và những thứ tạp chất khác nữa.”


“Chuẩn rồi. Tạp chất”, gã mặt dài chen vào, giọng hắt đầy vẻ căm phẫn. “Và nghe này, tôi là người Thụy Điển. Tôi không ăn thịt hun bằng những thứ cặn bã đó.”


Có rất nhiều cái gật đầu tán thành; rồi sau đó cả bốn chúng tôi rơi vào yên lặng. Ở một khía cạnh nào đó, chuyện này đã được quyết định, bằng những ngầm định hùng hồn của những gã trai trẻ tuổi đôi mươi, rằng chúng tôi sẽ đi chơi cùng nhau, và điều đó sẽ khiến chúng tôi, trong một khoảng thời gian chóng vánh, trở thành bạn bè. Cuộc đời tôi lúc đó chẳng thiếu gì những mối quan hệ qua đường: những người tôi biết được vài ngày, hay thậm chí là vài giờ, và những người lướt qua tôi giống như những bức ảnh chỉ vừa mới phơi đủ sáng để đọng lại trong kí ức. Trong sảnh lớn của nhà khách, chúng tôi đã bắt chuyện với hai người phụ nữ Thụy Điển – cũng có thể là những mụ chuyên giết mổ – và tán phét bên ngoài. Lúc đó đã là nửa đêm. Ngoài đường toàn là đám trẻ tuổi, hoặc trông có vẻ trẻ tuổi, đang kéo thành bầy trên những quảng trường thành phố. Chúng tôi uống rượu ở Sólon, một không gian có cửa sổ rộng giống như thứ gì đó ngoài góc phố SoHo, và rồi vài người trong chúng tôi bắt đầu khiêu vũ.


“Cậu quá cứng nhắc rồi đấy. Hãy phiêu theo nhạc đi.”


Sau buổi sáng ngày hôm đó tôi chẳng còn gặp lại những gã Thụy Điển đó nữa, thế nhưng cái thế giới điên loạn và lầy lội đã từng kéo tôi vào đó giờ đã nhanh chóng trở thành thế giới của tôi. Một tuần sau, tôi đã tự mình đến một club khác. Khi đó là lúc 4 giờ sáng. Tôi đang định rời đi thì một người phụ nữ tiến đến rồi mời tôi nhảy cùng. Cô ấy mang đầy vẻ yểu điệu trong bộ váy hai dây màu đen, đôi tất dài và đôi giày đen. Cô ấy có mái tóc sẫm màu và đôi mắt xanh hút hồn, với đôi gò má cao. Lúc bấy giờ là mùa thu và tất cả các club khắp châu Âu đều mở những giai điệu như “Crazy” của Gnarls Barkley, “SexyBack” của Justin Timberlake, “Don’t Cha” của Pussycat Doll, hay là “Love Generation” của Bob Sinclar theo một vòng lặp dường như kéo dài bất tận. Bạn không thể nào mà nói chuyện với nhau trong tiếng nhạc bass rộn ràng, vì thế mà chúng tôi đã phải thì thầm sát bên tai nhau. California, New York, tôi nói, to đến mức mà cổ họng muốn bỏng rát. Cô ấy cười gượng gạo và nói bằng thứ giọng xứ Iceland đặc sệt và chậm rãi. Có một khoảnh khắc, tóc cô ấy rũ xuống và che khuất tai; tôi đã vén sợi tóc ấy lên để nói thêm đôi lời, và rồi cô ấy hôn vào cổ tôi. Đó là khởi đầu cho sự im lặng ngầm định giữa chúng tôi trong không gian ồn ã này. Bờ vai cô ấy thơm mùi sáp nến cuối tháng Mười.


Đêm đó trời rất lạnh. Cái lạnh ngoài trời có thể được cảm nhận rõ qua những ngón tay và đôi tai lạnh buốt. Áo khoác lông sẫm màu của cô ấy làm tôi ấn tượng mạnh, bởi có lẽ đó là thứ đẹp đẽ và tinh nghịch nhất mà tôi từng nhìn thấy. Cảm nhận về thế giới trong tôi đã thay đổi đêm hôm đó, và tôi vẫn mang theo cho đến tận bây giờ giống như cái cách mà mọi người mang theo bùa hộ mệnh hoặc là những hòn đá kiềm chế sự lo lắng: một lời nhắc nhở rằng luôn có một vùng đất mang tên Iceland để trở về, một thành phố mộc mạc, một nơi mà những kẻ xa lạ đang khiêu vũ và còn những việc kì lạ tưởng chừng như không thể. Tôi lúc đó đã ở cái tuổi 22, nhưng tôi nghĩ đó mới là khi tuổi 20 của tôi thực sự bắt đầu.


Gần đây, đã có không ít những cuốn sách viết về tình trạng của những người trong độ tuổi đôi mươi, và trong đó, dù là tường minh hay ẩn ý, thường được đặt ra một câu hỏi là: tuổi đôi mươi của ai mới được? Vài thập kỉ trải nghiệm đã bao quát những điều thú vị ngỡ ngàng (những năm tháng tuổi teen thường được viết lên từ thái độ kiểm soát các tổn thương; trong khi văn học của giai đoạn tuổi năm mươi lại là sự đan xen giữa những cuộc gặp mặt điều độ và ngoại tình lén lút), thế nhưng lại có rất ít những kiểu đời đa dạng như vậy.


Độ tuổi đôi mươi là khoảng thời gian, mà đối với những người phương Đông, là dồn hết tâm trí vào việc nuôi nấng trẻ con, sống tằn tiện tích cóp, với người phương Tây, là làm việc 60 giờ mỗi tuần ở phố Wall. Họ được khích lệ bằng những giấc mơ về hạnh phúc của người trưởng thành, nhưng hình thù của những giấc mơ đó lại chỉ như những gợn sóng trên cồn cát. Có lẽ quyết tâm của cuộc đời bạn được đặt ở cái nơi mang tên gọi đại học. Hoặc có lẽ nhà máy Wisconsin mới là nơi đường đời hình thành. Hay có lẽ là ý nghĩ về tuổi trưởng thành chỉ có thể khoác lên mình vẻ bóng bẩy của nó trong một chuyến đi đơn lẻ tới vùng đất Iceland. Điểm xuất phát của bạn – bất kể giàu hay nghèo, quê mùa hay sang chảnh – sẽ chẳng quyết định được điểm dừng của bạn, có lẽ là vậy, nhưng nó sẽ quyết định bạn đến đích bằng cách nào. Tuổi 20 là khi chúng ta xoay chuyển cái mà Frank O’Hara gọi là “những bước ngoặt góc cạnh.”


Chúng ta, bằng cách cho phép một cái khung tham chiếu chọn lọc và hạn hẹp, đã tự khiến cho những gì ta biết được về tuổi đôi mươi chỉ gói gọn trong cái khung tham chiếu chọn lọc và hạn hẹp đó. Những người Mỹ trung lưu khỏe mạnh trong độ tuổi đôi mươi – chủ thể chân thực trong “Cuốn theo chiều gió” – vô cùng nhạy cảm; họ cũng dễ thay đổi nữa. Những niềm hân hoan bối rối. Dành khoảng thời gian quan trọng này để tạo dựng một cuộc sống ổn định là một điều sáng suốt và khôn ngoan: một công việc đầy hứa hẹn, một bạn đời đáng tin cậy, và một bộ đồ dụng cụ làm bếp đáng ngưỡng mộ nữa chăng? Hay đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để ăn chơi trác táng? Mọi người thậm chí có thể ăn chơi trác táng trong khi vẫn cầm điện thoại hay không? Một buổi sáng, bạn mở tờ báo ra đọc và thấy rằng giới trẻ ngày này là một bậc thầy trong cuộc đua về độ siêng năng và am hiểu về web – những người cố gắng cướp đi công việc và đẩy giá cổ phiếu nhà đất của bạn lên. Ngày hôm sau, người ta thông báo rằng họ đang sống trong tầng hầm nhà bạn, ăn toàn bộ những mảnh bánh mì vụn của bạn, và thất bại trong việc tìm kiếm việc làm, ngay cả ở cửa hàng Wendy. Đối với những người trẻ là “tỉ phú” về thời gian và sự lựa chọn, những thứ mơ hồ này sẽ làm gia tăng một nỗi sợ hãi đặc biệt.

“F*ck! I’m in My Twenties” (Chronicle) của Emma Koenig là một cuốn nhật ký về những năm tháng đầy cáu kỉnh được minh họa trong những bức vẽ cỡ bưu thiếp. Được trích ra từ một blog cùng tên (trừ dấu hoa thị), cuốn sách này mang đến một loạt những nỗi bận tâm lo lắng của thế kỉ 21 được thể hiện dưới dạng những minh họa bằng tay, biểu đồ, và các slogan – các áp phích phản đối của thế hệ tự chủ mới. Những phàn nàn chung về cuộc đời của Koenig (“có bất kì ai khác hạnh phúc hơn tôi không? Hay là họ chỉ giỏi hơn trong khoản giả vờ tỏ ra như thế?”) và tình yêu (“lẽ ra nên có vài kiểu giải thưởng vinh danh sự trung thành dành cho việc bị tổn thương hết lần này đến lần khác”) và những thứ ranh giới giữa cuộc đời và tình cảm (“tại sao mối quan hệ của chúng ta phức tạp đến vậy????? chúng ta thậm chí còn chưa từng ngủ với nhau!”) có thể khiến độc giả cảm nhận như những câu chuyện tầm phào. Nhưng có một vẻ khéo léo nổi bật lên từ những chi tiết được quan sát một cách tinh vi của nữ nhà văn. Trong một trang, bà ấy đã chỉ ra cả việc có những người bị ám ảnh mạng xã hội đến mức phải kiểm tra liên tục “rằng tôi đang gõ tên bạn trong thanh tìm kiếm nhưng sẽ không biến nó thành status của mình.” Ở một trang khác, bà ấy thú nhận rằng với bà, thời trưởng thành chỉ toàn “những ly rượu lớn đầy kinh tởm.” Độc giả sử dụng Facebook hoặc những ai trưởng thành trong giai đoạn hoàng kim của Riedel chắc hẳn sẽ nhận ra được những kiểu áp lực này.


Những người khác sẽ thấy những báo cáo giống như của Koenig mang nặng tính cục bộ và đôi khi còn khó hiểu. Độ tuổi 20 là đối tượng của hiệu ứng thị sai; sự khác biệt trong cách nhìn về tuổi 20 sẽ khác nhau khi độ tuổi nhìn nhận ở những thời điểm khác nhau. Sự khác biệt trong tiềm thức (bạn muốn những thứ mà những người nhiều tuổi hơn đang có, và ngược lại) chính là những phản ứng của thần kinh, và chắc chắn có thể chịu trách nhiệm với nhiều công việc đầy hứa hẹn, những cuộc hôn nhân bi đát, và những thăng trầm cuộc sống nói chung. Thế là những cuốn sách gần như loại self-help ra đời. Trong cuốn “The Defining Decade: Why Your Twenties Matter – And How to Make the Most of Them Now” (Tên sách tiếng Việt: Tuổi 20 – Những năm tháng quyết định cuộc đời bạn), Meg Jay đã đi vào phân tích những lời phàn nàn phổ biến thường có của độ tuổi 20. Jay là nhà tâm lý học lâm sàng, và bố mẹ của bà ấy đã giúp ích rất lớn trong việc định hướng những nỗi khổ tâm trong độ tuổi ấy. “Mỗi ngày, tôi làm việc với những bạn trẻ tuổi đôi mươi, những người luôn cảm thấy bị lừa dối kinh khủng bởi ý kiến rằng những năm tháng tuổi 20 sẽ là những năm tháng tốt đẹp nhất trong cuộc đời mình,” bà viết. “Mọi người hay nghĩ rằng tiến hành điều trị cho các bạn trẻ tuổi này là phải ngồi nghe những cuộc phiêu lưu và những nỗi bất hạnh của những kẻ bất cần, và đúng là có một vài trường hợp như thế. Thế nhưng đằng sau những cánh cửa còn đóng chặt, những “khách hàng” của tôi đều có những nỗi bận tâm cần được chia sẻ.”


Một mối bận tâm mà Jay được những người tìm đến mình chia sẻ là cuộc sống của họ không phải là những gì mà họ đã kỳ vọng. Những tác phẩm họ nghiền ngẫm ở đại học chẳng giúp gì cho họ trong việc kiếm tìm một công việc thỏa mãn. Sự tự tin của họ rơi vào lúc bí bách nhất. Họ có quá nhiều những vấn đề giới tính, hoặc không được thỏa mãn, hoặc là nhầm giới tính. Và sẽ ra sao nếu như họ không bao giờ kết hôn? Trong một cuốn hướng dẫn trước đó, “20 Something Manifesto: Quarter-Lifers Speak Out About Who They Are, What They Want, and How to Get It,” (Tuyên ngôn tuổi 20: Những người đã trải qua một phần tư đời người trải lòng về họ là ai, họ muốn gì, và làm thế nào để đạt được điều đó), Christine Hassler đã đề cập đến cảm xúc này, gọi là hội chứng Expectation Hangover™ (hội chứng gây ra khi không đáp ứng được sự kì vọng hoặc không đúng như những gì mình mong đợi).


Trên thực tế, Jay cơ bản đã đưa ra lời khuyên rằng: Đừng chậm lại! Những năm tháng lầm lạc, với một vài công việc vớ vẩn, bâng quơ sẽ ám ảnh bạn về sau: “Những bông hoa nở muộn sẽ chẳng bao giờ lấp đầy được khoảng cách giữa chúng và những bông hoa nở trước.” Thùy não trước trải qua giai đoạn đi từ những năm tháng thiếu niên lên độ tuổi trưởng thành, càng kích động vào việc phải có những hoạt động mang tính gắn bó và hiệu quả: “Chúng ta không thể trở thành những gì ta không tiếp xúc và không thực hiện mỗi ngày. Trong ngành khoa học thần kinh, thứ này được biết đến như là “sự sinh tồn của những kẻ bận rộn nhất.” “Nói cách khác, ngồi ngẫm nghĩ những vấn đề rối rắm ngay tại bàn làm việc còn tốt hơn là làm những điều vô bổ trên bãi biền. Jay không giúp chế ngự những nỗi lo lắng của giới trẻ đang chơi vơi giữa tuổi đôi mươi; thay vào đó cô điều hướng cho những nỗi lo ấy.


Tư duy tương tự có thể được bắt gặp ở nhiều nghiên cứu chuyên sâu khác, chẳng hạn như cuốn “What I Wish I Knew When I Was 20: A Crash Course on Making Your Place in the World” (tạm dịch: “Nếu tôi biết được khi còn 20: Khóa học cấp tốc để tạo dựng chỗ đứng riêng của mình”) (HarperOne) của Tina Seelig, một cuốn sách chủ yếu dành cho những bạn trẻ đôi mươi đang sống dưới cái bóng của thung lũng Silicon. Seelig là giám đốc điều hành của Chương Trình Công Nghệ Stanford, và lời khuyên của bà như một lời hô ứng với sự kêu gọi của Jay về việc người trẻ phải chủ động, và sẵn sàng chịu đối mặt với rủi ro hơn. Tina thúc giục bạn trẻ suy nghĩ vĩ mô và sáng tạo; suy xét những luật lệ; vươn tới những vị trí dẫn đầu; đừng e ngại việc phải từ bỏ để bứt phá. Theo những gì bà quan sát, “toàn bộ ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm đều nên đầu tư vào cả những thất bại.” Bà gợi ý rằng giới trẻ nên coi đây như là một động lực để tiếp tục động não điên cuồng, và biết bỏ qua những thứ không thể phát triển được.


Có lẽ là dễ nhất nếu như bạn đang làm việc trong một ngành công nghiệp được trợ cấp hoang phí với những người có khả năng kết nối tốt, lúc nào cũng tìm kiếm những dự án ngớ ngẩn mới nhất: lời khuyên về việc làm thế nào để sống qua những thử thách tuỏi 20 thường hé lộ nhiều điều về người đưa ra lời khuyên hơn là về độ tuổi. Tuy nhiên thì không phải ai cũng có chung quan niệm về những sự thất bại to lớn. Nền kinh tế thì khó khăn; thậm chí một tấm bằng đại học hạng cao, thứ dường như là chỗ dựa an toàn nhất cho những người không ưa mạo hiểm, giờ cũng không thể đảm bảo cho họ có một công việc. Và trung bình những khoản nợ học phí, sau khi đã cân đối theo tỉ giá lạm phát, thì đã tăng gấp ba lần kể từ cuối những năm 1980. (Và đến giờ vẫn đang tiếp tục tăng). Đối diện với những vấn đề này và những biến động khác, tiếng nói của những người đi trước dường như bỗng trở nên đáng ngờ. Chúng ta không biết rõ liệu người lớn có hiểu rõ những gì đang diễn ra hay không.


Những lo ngại này hoàn toàn được xóa bỏ qua những chỉ dẫn đầy đủ nhất trong lĩnh vực này. Trong cuốn “Twentysomething: Why Do Young Adults Seem Stuck?” (Tuổi 20: Tại sao giới trẻ thường bế tắc?) (Hudson Street), Robin Marantz Henig và Samantha Henig đã đưa ra một bản báo cáo được nghiên cứu kĩ lưỡng về tình trạng của giới trẻ thuộc tầng lớp trung lưu ngày nay, rút ra từ một số nguồn dữ liệu và chắt lọc qua những lăng kính tương quan. Robin Marantz Henig là người của thế hệ “Baby-boomer”, sinh ra vào những năm sau thế chiến thứ hai và là một phóng viên kì cựu của tạp chí khoa học. Samantha Henig, con gái của bà, sắp qua tuổi đôi mươi,cũng là đồng nghiệp của bà nhưng sinh ra trong thế kỉ 21. (Cô ấy làm công việc biên tập và viết web cho một vài ấn phẩm, bao gồm cả tạp chí này, và hiện tại đang là biên tập online của tờ tạp chí New York Times.) Cùng nhau, qua việc so sánh các bài viết, họ đã đánh giá những yếu tố cốt lõi trong cuộc sống của giới trẻ giữa hai thế hệ của họ – ví dụ như trường học, sự nghiệp, yêu đương hẹn hò, xây dựng gia đình, và những thứ tương tự khác – và cố gắng để nhận thức được mọi thứ trên thực tế đã thay đổi nhiều như thế nào. Họ không quan tâm đến những tuýp người như Mark Zukerberg, mà để ý hơn đến những đối tượng chỉ ru rú ăn bám gia đình; họ tin rằng những người trong độ tuổi đôi mươi đang bị gắn với nhiều điều tiêu cực và họ muốn xem xem những điều đó có căn cứ hay không.


Câu trả lời của họ, không có gì đáng ngạc nhiên, là: cái này còn tùy.


“Twentysomething” (Tuổi đôi mươi) bắt nguồn từ một bài báo được thảo luận nhiều trên tạp chí Times mà Robin Marantz Henig đã xuất bản, vào năm 2010, có tên gọi là “What Is It About 20-Somethings?” (Tuổi 20 ra sao?) Bài báo đó tuy ngắn gọn nhưng khơi gợi nhiều điều – nhà tâm lý học Jeffrey Jensen Arnett đã đưa ra quan điểm rằng tuổi 20 tạo nên một giai đoạn khác biệt trong cuộc đời, một kiểu thời niên thiếu thứ hai – mà trong cuốn sách đã tiếp tục đào sâu hơn cả về chủ đề và phong cách. Với Samantha Henig, chúng ta có được những bài viết cá nhân có phần suồng sã như những cuộc tán gẫu gần gũi, và thường được cắt tỉa gọn ghẽ với những chi tiết đầy chủ đích. (“Chúng tôi sơn, trang trí, và mua một chiếc đi văng có thể tách rời từng phần tại Craigslist, mỗi phần đủ nhẹ để chúng tôi có thể tự mình vận chuyển chúng trên chiếc Honda CRV của Katie. Katie gọi nó là No-Boyfriend Couch (Chiếc ghế cho người độc thân). Chúng tôi là những quý cô trưởng thành còn độc thân, có thể tự mình làm mọi việc.”). Còn với mẹ của Samantha – Robin, chúng ta lại có những bản kiểm tra thực tế giữa các thế hệ, điều này giúp chúng ta cân nhắc mỗi chủ đề theo hai tiêu chuẩn: “Thực tại luôn mới mẻ” và “Giống như nó đã từng.”


Một trong những lỗi lầm mà độ tuổi 20 hay mắc phải nhất là cứ trú mình trong những trường học (hoặc ở những nơi xa xôi khác, chẳng hạn như Iceland), từ đó cản trở cuộc sống trưởng thành, hoặc bấp bênh trong thị trường việc làm mỗi khi cố gắng bước chân vào đó. Tuy nhiên hai người phụ nữ nhà Henig gạt bỏ quan điểm cho rằng học phí đắt đỏ và những cơ hội của đối thủ cạnh tranh là nguyên nhân khiến giáo dục trở thành sự đầu tư tồi tệ – nếu không tính đến những cái khác thì mức lương sẽ tăng dần theo trình độ bằng cấp. Và họ tự hỏi liệu rằng có phải Wanderjahr thực tâm khuyến khích khuynh hướng thoát ly hay không. “Những cánh cửa cơ hội cuối cùng cũng sẽ đóng lại – đôi khi là do những việc bạn gây ra, khi lại là do những thứ mà bạn không làm,” Robin Marantz Henig viết.


Về việc thay đổi nghề nghiệp: có vẻ như có cả những mặt tốt và xấu. Mặt xấu là khi bạn thay đổi công việc sang hướng khác hoàn toàn nhiều lần – tư vấn tài chính, thiết kế đồ họa, người dắt chó đi dạo, và viện sĩ. Hai phần ba mức tăng lương (và tương tự, cả mức tăng về trách nhiệm) thường chỉ xảy ra trong mười năm đầu tiên, do đó việc sửa soạn những bước đệm quá nhiều lần sẽ khiến bạn tụt lại phía sau một cách chẳng dễ chịu gì. Còn về mặt tốt, theo Henig, là phụ thuộc vào việc bạn sử dụng chu kì 10 năm đó như thế nào. Cách đây 50 năm, người ta có lẽ đã lên kế hoạch để xin vào một công ty lớn và ổn định ở độ tuổi 23 và phấn đấu leo cao lên các bậc thứ hạng cho đến khi về già. Tuy nhiên, nếu làm điều đó bây giờ, và có nguy cơ là bạn sẽ tụt lùi phía sau so với những người nỗ lực nhiều hơn bạn, những người liên tục nhảy vọt cả về mức lương và địa vị – một phong cách tư duy khởi nghiệp mà Thung lũng Silicon là một ví dụ tiêu biểu. Dám thay đổi chính là một kiểu kiêu ngạo mới.


Và những cân nhắc như thế này cũng làm thay đổi bộ mặt của tình yêu thời hiện đại. Hôn nhân hiện nay có thể hủy bỏ dễ dàng hơn bởi hôn nhân đã không còn đóng vai trò như một chức năng nền tảng như trước đây (phụ nữ giờ đã được cho là phải biết tự chu cấp cho bản thân; đàn ông có thể tự giặt đồ). Samantha Henig chỉ ra rằng Ally McBeal, chuẩn mực về chủ nghĩa độc thân trên sóng truyền hình cuối thế kỉ 19, được cho là đang ở tuổi 27 khi chương trình bắt đầu – mức tuổi độc thân mà đối với một người thành đạt ở thành phố thì thực sự đáng bất ngờ. (Phiên bản hiện nay của nhân vật đó, Liz Lemon trong “30 Rock,” già hơn cả chục tuổi.) Hiện nay thì việc một người ở độ tuổi đôi mươi không có kế hoạch gì về gia đình chẳng còn gì đáng xấu hổ cả, và thậm chí còn khiến cho họ phát triển xa hơn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức lương của một phụ nữ ở tầm tuổi này sẽ tăng lên theo một % nhất định theo từng năm nếu họ vẫn tiếp tục không có con. Một nhà nghiên cứu báo cáo rằng, trung bình, thu nhập một phụ nữ trẻ sẽ tăng gấp đôi nếu cô trì hoãn được việc có con trong vòng 10 năm.


Tất nhiên là một cuộc hôn nhân thành công yêu cầu nhiều biến số hơn một bảng cân đối tài khoản thông thường; Jay gửi đến những độc giả của mình lời nhắc nhở đầy thiện chí rằng sự thất bại trong hôn nhân “không dễ dàng bị gạt bỏ khỏi hồ sơ của bạn như một công việc thất bại”. Cả bà và Samantha Henig đều thích thú với những nghiên cứu chỉ ra rằng những cuộc hôn nhân phát triển từ việc sống thử có tỉ lệ thất bại cao hơn so với những cuộc hôn nhân thông thường. Không thể xác định rõ tại sao lại như vậy – hoặc thậm chí là liệu rằng có phải là như vậy hay không: bởi những kết luận vẫn còn đang được tranh cãi – thế nhưng Henig đưa ra một giả thuyết. Trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ, ta thường cân nhắc rất thận trọng mỗi khi đưa ra quyết định. (Dừng lại? Hay tiếp tục? Nên gọi hôm nay? Hay gọi ngày mai?). Tuy nhiên, rất nhanh chóng, những thứ này đi vào quỹ đạo, và “sự chây lì này sẽ khiến cho các bạn sống chung được với nhau. Sau đó, sự lựa chọn thực sự, đòi hỏi phải có sự suy tính và hành động, là chia tay”. Đó chính là thứ mà Henig gọi là “sự sảy chân”:


Các bạn đã dành nhiều đêm bên nhau, đủ để bây giờ khi bạn nghĩ về điều đó thì chẳng phải quá ngớ ngẩn khi phải trả hai khoản tiền nhà, và khi cần đôi giày này thì phát hiện nó đang ở căn hộ bên kia sao?


Sống chung có những nỗi vất vả riêng của nó, nhưng đó cũng là một kiểu niềm vui, giống như là trò chơi vậy. Bạn được trải nghiệm việc như om món sườn non và cãi vặt về việc ném gối, đúng như cách mà bạn luôn mường tượng ngày nào đó mình cũng như vậy. Những thứ khiến bạn để tâm về mối quan hệ vẫn còn đó, tuy nhiên bất kể việc chia tay là khó khăn đến cỡ nào trước đây, thì giờ đến chiếc ghế chia sẻ với nhau cũng được đem ra để cân nhắc, và thực tế là bạn có thể chẳng bao giờ có đủ tiền để tự mình sở hữu một phòng khách lớn đến như vậy nữa. (Và đúng vậy, “bạn” trong trường hợp này áp dụng với cả “tôi”, con người kì cựu với hai mối quan hệ yêu đương nam nữ đều kết thúc bằng việc chia tay và những trận cãi cọ.) Đằng nào thì cũng chẳng mấy mà hai bạn bắt đầu giống như một cặp vợ chồng, vì thế mà có lẽ việc hợp thức hóa việc sống chung bằng một đám cưới là điều dễ hiểu. Rồi bất chợt bạn thấy một trang web về đám cưới và bạn tạo trên đó một cuộc thăm dò ý kiến về việc nên dành tuần trăng mật ở châu Âu hay ở Jamaica, mà chẳng bao giờ đối diện đầy đủ với câu hỏi rất thực tế rằng liệu bạn có thực sự muốn dành nửa đời còn lại của mình để gắn bó với người này hay không.


Sảy chân trong hôn nhân đã không còn là một hiện tượng mới mẻ gì nữa, và tuy nhiên thì chính nó lại mang những ngụ ý khác nhau về một độ tuổi khi mà lựa chọn thay thế cũng là một cơ hội tự do. Giống như giữa trì hoãn hoặc nhảy việc, nó cũng là cuộc đấu giữa việc ở hay rũ bỏ gánh nặng phải gắn kết – và, theo như hai mẹ con nhà Henigs, cái bẫy lựa chọn này là một sự khác biệt đáng kể so với quá khứ. Chắc chắn, bạn cũng phải đưa ra những quyết định khó khăn nếu như bạn đang ở tuổi 25 vào những năm 1976, nhưng không có nhiều, và cũng không có cánh cửa nào mở rộng. (Mạng Internet, tuy rằng có thể giúp ta nắm bắt được mọi thứ ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào, trong trường hợp này lại chẳng giúp ích được gì.) Như Henig đặt ra cho nó, “Quá tải lựa chọn….làm cho con người lo sợ về sự hối tiếc sau này với quyết định họ ra (nếu như có 12 thứ tôi có thể làm trong tối nay, bất kì cái nào trong số chúng có thể trở nên vui hơn so với cái mà tôi lựa chọn); đặt chúng dưới những kì vọng lớn lao (nếu tôi chọn bữa tiệc này mà không phải là 12 thứ kia, tốt nhất là nó nên thực sự thú vị đi); khiến họ nghĩ về con đường mà họ không lựa chọn (mọi bữa tiệc mà tôi không tham dự đều có thể có mặt của một người nào đó mà tôi ước được gặp); và dẫn tới việc đổ lỗi cho chính mình nếu như kết quả tồi tệ.” Gắn những chuỗi lo lắng này vào thế hệ 20 tuổi hiện tại, được giáo dục tốt hơn nhưng cũng cạnh tranh hơn, và bạn sẽ thấy “F*ck! I’m in My Twenties” đề cập đến những gì.


Vậy đâu mới là những lựa chọn thay thế? Sẽ không có ai yêu cầu những người trẻ phải giới hạn những khung tiêu chuẩn của họ. Một nền kinh tế ngày càng tăng trưởng sẽ giúp đảm bảo cho tầng lớp trung lưu, nhưng điều đó không giúp giải quyết được vấn đề về sự lựa chọn. Một đặc điểm đáng kinh ngạc trong cuốn sách của Jay và Henig chính là những mối lo ngại căn bản mà họ mô tả hoàn toàn giống với trong các hướng dẫn thời kì trước suy thoái giống như của Hassler. Cuộc khủng hoảng tài chính có thể siết chặt lại sợi dây, nhưng ngay từ đầu chúng không hề trói buộc chúng ta.


Phát hiện thực sự trong nghiên cứu của Robin Marantz Henig và Samantha Henig, trên thực tế, có thể là thứ họ không hề đề cập một cách rõ ràng: ngay cả khi đời sống giới trẻ đương thời có những nét dường như “mới toanh” xét trên phương diện văn hóa, thì những nguyên nhân của nó lại không hề mới chút nào. Đúng vậy, đàn ông và phụ nữ đang đầu tư nhiều hơn vào sự nghiệp đầu đời và trì hoãn việc sinh con. Nhưng đó là hệ quả của những thay đổi đã được hình dung tới và bắt đầu được áp dụng từ trước đó cả thế kỷ. Học cao học có thể đắt hơn, và những tấm bằng cao học ít có giá trị hơn. Nhưng điều đó chỉ đến từ những điều chỉnh đã kéo dài hàng chục năm của trường học để phù hợp với mục tiêu và chức năng xã hội. Tính đến cuối giai đoạn đôi mươi, người ta sẽ nhận ra rằng giới trẻ bây giờ thực ra chẳng phải đang sống một cuộc sống mới khác biệt gì cả – mà chỉ là đang gánh những ảnh hưởng từ quan điểm nảy sinh nhiều năm trước.


Chính trong đó đã là một sự chênh lệch so với quá khứ. Hầu như mỗi thế hệ tuổi đôi mươi của ít nhất là nửa thế kỉ qua đều xây dựng lên một kiểu mẫu cảm hứng chung. Những thế hệ tuổi 20 sau chiến tranh tự hiểu rằng họ phải gây dựng cho vùng ngoại ô. Những thế hệ tuổi 20 của những năm 60 lại thích giải phóng tâm trí, cơ thể và sự quen thuộc. Thế hệ hậu boomers lại cố gạt bỏ nền văn minh tài sản của thế hệ những năm 80. Thế hệ X thì đã tái đô thị hóa, trưởng giả hóa nước Mỹ, đồng thời lần đầu tiên khởi phát các ý niệm về khởi nghiệp/start-up. Thế hệ tuổi 20 ngày nay đã làm được gì để xây dựng lại kiểu sống mà chúng ta luôn mơ ước? Chắc chắn là họ đã đóng góp phần lớn vào nền văn minh ảo; hai phần ba những người trưởng thành được điều tra trong một cuộc nghiên cứu năm 2011 cho rằng họ muốn có kết nối Internet với xe ô tô, đưa ra gợi ý về một trật tự xã hội mới. Nhưng suy cho cùng thì Twitter chỉ là một bộ công cụ kết nối và một tập san tin tức, chứ không phải là một phong cách sống lý tưởng mà người ta nhắm đến trong những tầm nhìn về công việc, tài chính và tình cảm. Rời khỏi thế giới ảo, những giấc mơ của thế hệ trẻ dường như chẳng còn là của họ nữa.


Viễn cảnh về di sản giấc mơ này lại có thể giúp giải thích tại sao thế hệ trẻ hiện nay cảm thấy mông lung trong nhận thức, và phải sống một cuộc sống không giống như những gì họ hình dung. Điều này giải thích được cả những hoài nghi ám ảnh rằng có vẻ như những lời phàn nàn của chúng ta đã trở nên “xưa như trải đất” mất rồi. Trong thập kỉ này, bước tiến bộ lớn nhất của tuổi đôi mươi có lẽ là về nghề nghiệp. Song, ngay cả những động thái về nghề nghiệp đó, thì cũng tồn tại được cả nửa thế kỷ rồi. Ngay cả trong những khoảnh khắc tuyệt vọng của chúng ta, chúng ta vẫn hướng về những hình thái cũ; hay nói cách khác, đó chính là bảo thủ. Ta đôi khi vẫn thắc mắc về tương lai mà thế hệ này rồi sẽ đặt chân đến sẽ thế nào, khi sự lý tưởng hóa bản thân như thời của những người trẻ thập niên 60s rồi một ngày sẽ phai nhạt.


Tất cả những điều này chỉ càng củng cố một nghi ngờ rằng giới trẻ ngày nay chẳng phải được tôi nặn bởi thứ gì đặc biệt, mà đơn thuần chỉ là một phiên bản tái tạo lại hình dạng từ những chất liệu cũ. Những bài viết về độ tuổi này thực ra cũng vậy. Trong những năm tháng trung niên của cuộc đời, chỉ riêng độ tuổi đôi mươi này là thường được tưởng niệm đến trong giả tưởng và kí ức, và chúng thường có khuynh hướng chung một phong cách: là riêng tư, chi tiết, suồng sã, dồn dập, thường và khó để thổ lộ ra – tiếng nói của những ngày đầu tuổi trưởng thành không hề áp lực, cứ dần dần khám phá ra bản thân mà từng khám phá lại là một điều độc đáo thú vị. “Twentysomething Essays by Twentysomething Writers” (Những bài luận tuổi hai mươi của các tác giả tuổi hai mươi) (2006), một bản tóm tắt các bài báo cáo chuyên ngành được biên tập bởi Matt Kellogg và Jillian Quint, đã cho ta lắng nghe một lát cắt của những tiếng nói ấy (“khả năng yên lặng của tôi đôi khi khiến tôi thật nực cười”; “cuộc sống hằng ngày là một tập phim truyền hình dài kỳ khoác lên mình đầy vẻ sợ hãi và hoài nghi”). Thế nhưng ngay cả hình thức này cũng bắt mạch cảm xúc từ những thứ tiền nhiệm. “Howl” (Tiếng hú), “Slaves of New York” (Nô lệ New York) và “A Heartbreaking Work of Staggering Genius” (Tác phẩm thương tâm của thiên tài) tất cả đều lột tả niềm vui thích, nỗi đau, hay những khao khát điên cuồng trong những năm tháng đôi mươi của cuộc đời; mỗi cái lại mang đặc điểm thời đại của nó và thỉnh thoảng lại kèm cả những cảm xúc thiếu kiểm soát, bờm xờm lên mặt giấy. (“Vì lòng kính chúa, đừng xuất bản bất cứ thứ gì trước tuổi ba mươi,” Virginia Woolf, lo ngại về việc có thể dập tắt những cảm xúc mãnh liệt quá sớm, đã từng khuyên một nhà thơ trẻ như vậy.) Tuy nhiên các bài báo cáo giống như thế này có rất nhiều điều hấp dẫn, và một phần trong đó xuất phát từ cảm giác được công nhận. “Bạn biết điều tôi đang nói tới rồi đấy!” những cuốn sách đó viết vậy. Có lẽ là bạn biết.


Gần đây, phong cách tự thổ lộ này thậm chí đã không chỉ dừng lại trên các trang giấy viết. “Girls”, series nổi tiếng trên đài HBO của Lena Dunham, được cho là một loại hài kịch truyền hình kiểu mới. Sự đổi mới lớn nhất của chương trình là ở chỗ mang phong cách và chủ đề cũ trong những bài thơ về tuổi đôi mươi và đưa nó lên sóng truyền hình. Thông qua việc chấp nhận những khác biệt trong thời đại và nhận thức, người ta thấy có nhiều điểm kế thừa từ quá khứ hơn so với mong đợi. Ví dụ như là giữa “This Side of Paradise” (Phía bên kia địa đàng) (1920):


“Em không hiểu đâu”
“Có chứ, tôi hiểu”, cô ngắt lời. “Tôi có hiểu, bởi trước đây anh luôn nói về bản thân mình và tôi từng thích điều đó, nhưng giờ thì không đời nào.”
“Tối nay anh có vậy đâu?”
“Chính là chuyện đó đó », Isabelle quả quyết. “Anh đã bực bội suốt cả tối nay rồi đấy. Anh chỉ ngồi và nhìn tôi. Ngoài ra, lúc nào tôi cũng phải suy nghĩ về thời gian tôi nói chuyện với anh – anh quá là khó chiều.”


Với “Girls” (Con gái) (2012):


“Đây là trò chơi chắc? Anh theo đuổi tôi như thể tôi là ban nhạc Beatles trong 6 tháng, và rồi ngay khi tôi bắt đầu quen với chuyện đó thì anh lại nhún vai cho qua như thể chẳng có gì ư ? Anh bị làm sao vậy?”
“Tôi sợ. Thế đã được chưa? Lúc nào tôi cũng lo sợ. Tôi, gần như lúc nào cũng lo sợ.”
“Ừ thì cứ cho mình vào cái hội người chết tiệt đó đi.”
“Không. Tôi còn sợ hơn tất cả những người nói rằng họ sợ hãi. Tôi giống như kẻ hèn nhát nhất còn sống.”
“Hừ. Anh chẳng có cái quyền ấy đâu.”


Mọi chuyện không phải lúc nào cũng theo chiều hướng người nào có nhiều hơn thì người đó dễ đánh mất hơn, và điều đó có thể áp dụng trong bản thân các độ tuổi. Những tác phẩm về tuổi hai mươi tỏa sáng từ những điều thô sơ nhất, lấp lánh, gần gũi với hệ tư tưởng thời đại, nhưng bản chất của sự gần gũi đó đã thay đổi ít hơn so với những gì người ta vẫn nghĩ. Văn hóa của giới trẻ luôn nhận được sự tò mò ở bất kỳ đâu, “tiếng nói của một thế hệ” có thể tồn tại mãi mãi qua thời gian. Đó là một phần tại sao “The Sun Also Rises” (Mặt trời rồi cũng mọc) vẫn có thể đầy khơi gợi và gần gũi với những người trẻ chưa từng biết gì về Paris và Pamplona 90 năm trước. Và đó là lí do tại sao “Breathless” (Khó thở) của Jean – Luc Godard, hay là “As Tears Go By” (Khi nước mắt rơi) (1988) của Vương Gia Vệ vẫn được coi là điểm sáng khi đã gắn kết những tư tưởng trẻ vượt lên những rào cản về không gian và thời gian. Một mặt, văn hóa tuổi đôi mươi gần gũi và độc đáo, mặt khác thứ văn hóa ấy là bất diệt. Chúng ta cứ tò mò nhìn về lại thời kỳ này, trong khi ta hờ hững với chính độ tuổi trung niên, cho dù bây giờ ta đang ở chính độ tuổi đó. Đôi khi hai ảo giác về tuổi tác đó giao nhau tại một điểm: điều tra của Nielsen chỉ ra rằng những khán giả nhiệt thành nhất của “Girls” lại là cánh đàn ông trung niên.


Cú sốc tuổi hai mươi chính là chuyện thực sự cánh cửa trải nghiệm không rộng mở như ta tưởng, và điều đó là hoàn toàn không thể tránh khỏi. Vào lúc nào đó, lúc trời đã muộn, rất muộn, và bạn đang đứng trên lối đi bộ bên ngoài một khoảng không gian nào đó rất ồn ào. Một cơn gió đang thổi. Đó cũng chính một cơn gió mát lành đã không ngừng nghỉ thổi trên những đám cỏ từ những năm 1920, lướt qua những con phố của người trẻ thập niên 60, và bất cứ nơi đâu mà giới trẻ vẫn tụ tập. Gần đó, có kẻ chẳng biết đến khói thuốc lại đang phì phèo điếu thuốc. Một kẻ lạ mặt quyến rũ với nụ cười tỏa nắng đang tổ lái rất điệu nghệ với một người bạn, nháy mắt trước khi mất hút vào dòng xe. Bạn đang ở cách xa nhà. Mọi thứ thật tĩnh lặng. Rồi bất chợt, bạn ý thức về cái gọi là thực tại, bằng tất cả những khả năng của một kẻ lang thang trong đêm với mọi loại người chưa từng gặp mặt. Rồi rất lâu sau đó, bạn nghĩ bạn sẽ không bao giờ buông tay khỏi cuộc sống này, khỏi những giấc mơ này. Nhưng đó, như lời người ta thường nói, thì là chuyện rất lâu về sau.

Trạm Đọc (Read Station)

Theo The New Yorker

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *