4. Sợ mất cơ hội
Cái sai lầm này thì mình mắc rất nhiều lần, mà anh em hay gọi là FOMO với đu đỉnh. Lần đầu tiên mình học bài học này là với cổ phiếu SAM, sau đó là Bông Bạch Tuyết. Tuổi nhỏ dại khờ. Chỉ có đu đỉnh không sai là Vinamilk thần thánh.
Nói chung là khi mình nhỏ, mới ra trường, thấy cổ phiếu tăng ầm ầm thì mình nghĩ đơn giản kiểu giờ cổ phiếu ra ầm ầm, IPO mà không ráng liều thì mai mốt làm sao có cơ hội. Cuối cùng thì mình cũng may là mấy đợt IPO bank như Exim, Sacom với mấy đợt lên của FPT cũng kiếm được tiền, nhưng mà cúng lại cho SAM với Bông Bạch Tuyết cũng không ít.
Cũng may là 2007 mình bán cổ phiếu trước khi đi học thạc sĩ, với lại vẽ vẽ thấy cái hình cũng ghê ghê nên không làm cổ đông dài hạn khi cổ phiếu về đáy lịch sử.
Sau này những đợt kiếm tiền từ 2010 dạy cho mình là bình quân cứ 3 năm là có 1 năm kiếm ngon lành, ngoại trừ 2021 và từ tháng 6/2020 là cực kỳ ngon lành. Vì vậy bạn không bao giờ cần FOMO. Cơ hội luôn luôn có.
Người đã từng đi qua nhiều cơ hội và từng kiếm được tiền ở một vài cơ hội sẽ bớt FOMO. Nhưng phải đã từng đu đỉnh FOMO mới biết sợ. Mình tuổi nhỏ cũng như ai thôi, không có khôn hơn ai cả. Rồi thời của từng người sẽ tới, đừng sợ lỡ tàu.
Bỏ lỡ Microsoft, Apple thì còn Tesla. Sau Tesla là gì thì mình không biết. Short chị Wood chăng (kidding)
———–
5. Đi cãi nhau với người không cùng quan điểm với mình về đầu tư
Nó không giúp được cái gì cả, vì cả 2 quan điểm khác nhau có thể không bao giờ có thể gặp được nhau. Cái này nghiên cứu tâm lý học và kinh tế học đã có thực nghiệm.
Và Daron Acemoglu, ứng viên hàng đầu trong danh sách chờ đoạt giải Nobel Kinh tế và tác giả của sách Why Nations Fail, có một mô hình toán chứng minh bằng toán học là khi định kiến ban đầu thỏa mãn một điều kiện nào đó, 2 người sẽ không bao giờ có thể đồng ý với nhau.
Vì vậy không nên “cãi nhau”. Nó chỉ làm bạn mất thời gian, năng lượng, tâm trí.
Chúng ta chỉ nên thừa nhận rằng chúng ta khác quan điểm (agree to disagree). Có điều chúng ta 20 tuổi chúng ta thường thích được thừa nhận mình đúng và rất khó nhận mình sai. Trẻ trâu mờ.
Giờ mình ít khi nào đi cãi nhau. Rảnh đi ngủ sướng hơn.
———
6. Nghĩ mình biết rất nhiều thứ.
Khi mình 20 tuổi, mình đọc gần hết sách trong cái thư viện nhỏ trên lầu 2 của Đại học Kinh tế TP.HCM Nguyễn Tri Phương, và xin qua được bên chương trình Fulbright để đọc ké sách tiếng Anh. Mình nghĩ là mình rất giỏi.
Khi mình 23 tuổi, vừa đi dạy ở đại học, vừa đi làm bán thời gian ở CTCK, vừa tự quản lý quỹ riêng cho một nhóm bạn, và kiếm được kha khá tiền, mình nghĩ mình hiểu về thị trường.
Đến khi mình đi Úc học thạc sĩ và đi làm thêm ở một quỹ đầu tư ở Úc trong một thời gian ngắn, mình phát hiện mình không biết cái gì cả. Đứa cũng đi làm chung dạng intern với mình lúc đó là thằng CIO cái quỹ ở Úc hiện tại đang mướn mình ngồi chém gió.
Khi mình sang Anh học tiến sĩ, mình nghĩ là mình biết một chút gì đó từ những gì mình học được ở Úc từ trường đại học và cái fund kia. Mình gặp một bạn người Pakistan làm ở NHTW Pakistan và làm 1 năm risk management ở London, đi học chung PhD. Mình lại hiểu được là mình không biết cái gì cả.
———-
7. Mình kiếm được tiền, đầu tư trúng là do mình giỏi, hiểu biết.
Như mình nói ở trên, hóa ra trong gần 10 năm, những gì cho là mình biết là do mình tự nghĩ mình biết thôi, chứ thật ra là mình biết sai rất nhiều thứ. Đọc vài cuốn sách, làm vài công việc rồi tự nghĩ là mình đã biết rồi.
Ở đáy giếng thì tự thấy bầu trời bé tí ấy mà.
Nhưng thời điểm đó mình lại kiếm được tiền (tất nhiên cũng có mất, nhưng average là kiếm được). Có thể là do may mắn, hoặc có lẽ là do mình đầu tư vào đúng trend mà nhiều người không biết như mình cũng quăng tiền vào đó. Và cũng có quí nhân chỉ đường cho đi nữa.
Vì vậy đừng lấy performance đầu tư ra để làm tiêu chuẩn cho rằng mình biết cái gì đó. Cái thú vị là trong đời chúng ta đôi khi chúng ta không biết là mình không biết. Có rất nhiều thứ như vậy (Tây gọi là unknown unknowns).
Cũng may trong những lúc thiếu hiểu biết đó mình không gây ra hậu quả gì nghiêm trọng.
Theo: Ho Quoc Tuan