Hiện Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý báu của quân và dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân Việt Nam nói chung, quân và dân Thanh Hóa nói riêng. Trong đó, đặc biệt là những hiện vật, tư liệu của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đầu tháng 11/1953, dân công Thanh Hóa cùng ngành giao thông đã mở thông đường 41, con đường huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí lên Điện Biên.
Đoàn xe đạp thồ của Thanh Hóa bắt đầu tiến quân từ Ngã Ba Voi, thuộc địa phận TP Thanh Hóa ngày nay, đến tập kết tại Hồi Xuân, huyện Quan Hóa để biên chế và chỉnh đốn đội ngũ, phân công người khỏe và xe tốt tham gia hỏa tuyến, người trung bình tham gia trung tuyến, phụ nữ và người cao tuổi thì tham gia hậu tuyến.
Từ Hồi Xuân đoàn xe thồ đi qua các địa danh suối Rút – Hòa Bình – Mộc Châu – Yên Châu – Sơn La – vượt đèo Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo. Trên chặng đường vận chuyển từ trạm H1 (Tuần Giáo) đến Điện Biên Phủ dài gần 80km, đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa được bố trí tới 3.000 xe
Từ cuối năm 1953 đến tháng 3/1954, dân công Thanh Hóa đã kế tiếp nhau vận chuyển hai lần lên chiến dịch với khối lượng 2.352 tấn lương thực và 265 tấn thực phẩm. Đây là nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ của Nhà nước trong kháng chiến.
Đến ngày 15/4/1954, Trung ương Đảng và Bộ chỉ huy chiến dịch giao cho Thanh Hóa cung cấp, vận chuyển tiếp tế gần 2.000 tấn gạo và 282 tấn thực phẩm lên chiến dịch vào thời hạn cuối là ngày 31/5/1954.
Theo thống kê, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến, với tổng số gần 179.000 lượt người, 27 triệu ngày công.
Đặc biệt, trong 56 ngày đêm, Thanh Hóa đã huy động hơn 10.000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền nan, thuyền ván; 47 xe ngựa thồ, 31 ô tô, 180 xe trâu vận chuyển lương thực tiếp tế cho tiền tuyến. Thanh Hóa đã cung cấp 4.361 tấn gạo, vượt mức Trung ương giao 9 tấn; 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 250.000 quả trứng…
Với những đóng góp vô cùng to lớn của quân và dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói chung và cuộc kháng chiến chống Pháp nói riêng. Trong dịp về thăm Thanh Hóa vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”…
Năm 1954, ông Bầm sử dụng chiếc xe này để vận chuyển lương thực từ kho Lược, huyện Thọ Xuân lên Trạm Luồng huyện Ngọc Lặc. Trong gần 4 tháng, cứ 3 ngày một chuyến, mỗi chuyến vận chuyển khoảng 280kg, ông Bầm đã vận chuyển được gần 12.000kg lương thực, được Hội đồng Cung cấp Liên khu 4 tặng bằng khen, được tuyên dương toàn tỉnh Thanh Hóa.