Sau khi mẹ kế dọn vào, tôi đã giấu một cái kéo
Mẹ kế ngẩng đầu nhìn tôi, lòng tôi chợt thấy nặng trĩu, cả một tiếng sau đó tôi cứ mãi suy nghĩ, bà ấy nhìn tôi là có ý gì. Cảm thấy như có âm mưu gì đó tôi bèn giấu một chiếc kéo dưới cái gối đầu.
Mâu thuẫn giữa tôi và mẹ kế đã được gieo mầm ngay từ lần gặp đầu tiên. Lúc đó, biết bà ấy đến nhà chơi, tôi bèn bốc một nắm muối, đợi bà ấy ngồi ở phòng khách rồi nhân lúc mọi người không chú ý, tôi đổ nắm muối ấy vào cốc của bà. Trước đó bà ngoại nói với tôi rằng: “ Mẹ kế là một người đàn bà xấu xa”, tôi khắc ghi trong lòng, rồi quyết định ra tay báo thù trước vì bà ta đã phá hủy lãnh thổ của tôi.
Ba mẹ tôi li hôn là do mẹ tôi ngoại tình, nên tôi đó giờ sống cùng ba. Về vật chất, ông ấy chưa từng nợ tôi, trong lớp, tôi cũng thuộc nhóm đầu tiên có điện thoại Iphone để dùng, nhưng có điện thoại rồi thì cũng chỉ vào dịp Tết tôi mới liên lạc được với người mẹ đang ở nơi khác. Ngày đó, mẹ tôi cũng có một cửa hàng quần áo, nhìn bà cũng trẻ trung xinh đẹp, quần áo đẹp tôi mặc không bao giờ hết, hãnh diện nhất là lúc họp phụ huynh, lúc nào cũng có người ghen tị hỏi : “ Mẹ mày bao nhiêu tuổi rồi?” Mãi cho đến khi mẹ kế dọn vào nhà tôi, thì câu hỏi này đã trở thành chủ đề nhạy cảm.
Tôi không muốn chia sẻ ba tôi với bà ấy, tôi đắm chìm trong sự hưng phấn muốn hại người. Tôi đã bỏ cát vào đồ ăn của bà, giấu chìa khóa, lấy trộm đồ trang sức, vẽ bậy lên túi bà. Bà ấy ra vẻ người lớn, tìm tôi nói chuyện riêng: “ Ba mẹ con ly hôn không liên quan gì đến cô. Con có mẹ ruột của con nên không cần gọi cô là mẹ”. Sau đó, bà ấy thấy tôi không thay đổi nên đã chẳng đoái hoài gì tới tôi.
Một vở kịch độc diễn thật sự rất nhàm chán, chưa kể ba tôi thường hay nghiêm khắc phê bình tôi nhiều lần, tôi không biểu hiện sự ác ý ra ngoài mặt nữa, mà cố gắng kéo dài chiến tranh với bà ấy.
Nhưng chẳng bao lâu, bà ấy có thai và trở thành người cục vàng cục bạc trong gia đình. Ba tôi vừa lo lắng vừa thương yêu, sắc mặt tôi với bà ngày càng kém, thường ghét bỏ mấy bộ quần áo cũ kĩ của bà, chê đồ ăn không ngon, tôi cố trở mình chống đỡ, nhưng bụng bà vẫn dần dần to lên.
Khi đi học về, đứng dưới lầu tôi cũng ngửi thấy mùi canh cá diếc tỏa ra từ khe cửa. Ngày nào ba cũng nấu canh cho bà, mùi thơm vươn lâu đến béo ngậy, làm tôi buồn nôn, nhưng bà uống một cách thích thú như thể không ngửi thấy gì. Tôi tìm ba tôi và nói ông đừng nấu nữa, không ngờ ba lại mắng: “Đồ bất hiếu! Con có biết tôn ti trật tự không? Con quá ích kỷ.” Tôi dùng nước mắt để pha loãng những lời nói tổn thương này, lần đầu tiên trong đời tôi thấy bất lực và cô độc trong căn nhà.
Tôi sợ ba ghét bỏ mình nên không còn bày trò với mẹ kế nữa. Bẵng đi một thời gian thì đứa bé chào đời, là con gái. Ba vui mừng nói rằng đứa bé giống ba, chẳng như tôi giống mẹ ruột như tượng tạc.
Câu nói của ba như đâm chọc vào tôi, cứ nghĩ đến việc mẹ ngoại tình đã để lại bóng ma trong lòng ba, tôi bắt đầu mất ngủ cả đêm, việc học hành xuống dốc. Cứ mỗi sớm thức dậy, tôi lại bắt đầu lo lắng không biết hôm nay mình có bị đuổi ra ngoài không, mọi hành động của mẹ kế đều khiến tôi cảm thấy như có ý đồ, cây kéo dưới gối vẫn chưa từng rút ra.
Sau vài năm sống trong sợ hãi, tôi nhận ra rằng mẹ kế không quan tâm đến tôi và không ức hiếp gì tôi cả. Nhìn bề ngoài thì cuộc sống rất yên bình, và chúng tôi giống như những người thuê chung nhà vậy.
Sau này, khi tôi rời nhà để đi học và bước chân vào xã hội, tôi dần nhận ra rằng sự thù địch định kiến đã bóp méo sự thật trong mắt tôi, tôi cảm thấy có lỗi với mẹ kế của mình. Tết năm nay, tôi đã dùng số tiền lương tiết kiệm được để chuẩn bị rất nhiều quà cho họ. Để tạo bất ngờ cho đứa em gái chín tuổi, tôi đã nhờ các bạn cùng lớp mang một bộ quần áo hàng hiệu và sản phẩm chăm sóc da trẻ em từ Hàn Quốc về.
Tôi đưa qua cho họ, mẹ kế dắt em gái vào phòng thử đò, còn tôi và ba ngồi ở phòng khách nói chuyện, khi ba vào nhà tắm, tôi định vào xem em gái mặc áo quần có vừa không, bước chân tiến gần phía phòng thì tôi nghe thấy lời dặn dò của mẹ kế: “Quần áo chị ấy mua con có thể mặc, mấy đồ” thơm tho” để dưỡng da, đồ ăn cho vào miệng thì không được dùng. Khi trong nhà không có người, cũng không được đi chơi với chị ấy một mình.”
Nghe bà ấy nói như vậy lòng tôi chua xót lắm và không khỏi nghĩ, nếu ngay từ đầu tôi có thể chấp nhận bà ấy thì bây giờ gia đình chúng tôi có phải đã thành một mái ấm xinh đẹp rồi không? Tôi muốn xin lỗi bà ấy lắm nhưng tôi không còn mặt mũi nào để cầu xin bà ấy tha thứ cả, là do tôi cứng đầu, tự mài kim đâm chọc vào chính mình.
____________________________
#2
Bố mẹ tái hôn, đến năm 10 tuổi tôi đã thay đổi 5 chỗ ở.
Khi có giấy báo đại học, ông ấy giúp tôi mua đồ đạc trong phòng, dọn đẹp vệ sinh, bận rộn từ trên xuống dưới lầu, giặt giũ quần áo cho tôi đến mướt mồ hôi. Mấy người bạn cùng phòng cứ nghĩ rằng ông ấy là bố tôi cho đến khi tôi gọi ông một tiếng “chú”.
Ông ấy là cha dượng của tôi. Năm tôi 12 tuổi, mẹ tôi tái hôn và đưa tôi đi ăn tối với ông ấy lần đầu tiên. Bố dượng là người Đông Bắc, lúc mới gặp, tôi phải ngẩng đầu vươn cổ lên mới nhìn rõ mặt thầm nghĩ chắc ông cũng cao những hai mét.
Sau khi lên món, tôi căng thẳng cắm đầu vào chén lùa cơm. Mẹ tôi rất coi trọng cách cư xử trên bàn ăn, nhắc nhở tôi cứ ăn cơm như bình thường, bưng chén lên mà ăn. Tôi xấu hổ cúi gằm mặt xuống, thì nghe thấy bố dượng cười nói: “ Con có muốn bưng cả bàn lên luôn hông?” Mẹ bị chọc cười, còn tôi thì cũng thấy nhẹ nhõm, xem ra lần này tôi không cần phải chuyển chỗ ở nữa rồi.
Kể từ khi bố mẹ ly hôn, năm 3 tuổi tôi đã bắt đầu sống ăn nhờ ở đậu người khác, lúc đầu thì sống ở nhà bà ngoại hai năm, rồi lại chuyển tới sống cùng chú. Lúc đó, tôi và anh họ ngủ chung một phòng. Ban đêm, tôi sợ bóng tối nên chẳng ngủ được, nhưng lại sợ ảnh hưởng tới giấc ngủ của anh họ, nên không dám bật đèn. Hai năm đó, tôi thường hay mất ngủ, mãi cho đến khi bố ruột tôi tái hôn, ông ấy bèn dẫn tôi về nhà mới. Năm 2009, nhà bố ruột tôi có thêm một đứa bé, thì tôi như một trái bóng bị đá ngược về lại chỗ mẹ mình.
Chúng tôi dọn đến sống với bố dượng. Có lần, tôi và mẹ đang đi du lịch thì chuyến bay về bị hoãn, nên lúc đến nơi thì đã bốn giờ sáng, chúng tôi đẩy hành lý và đi bộ ra bãi đậu xe. Bố dượng mệt mỏi dựa người vào xe, nhìn thấy chúng tôi ông hăng hái phấn khởi hẳn lên, ôm lấy đống hành lí nặng nề bỏ vào cốp xe. Tôi chẳng nói chẳng rằng nhưng trong lòng vô cùng xúc động, cuối cùng, tôi cũng thực sự có được một mái ấm cho riêng mình.
Không chỉ vậy, bố dượng còn đối xử với tôi rất tốt, tôi gội đầu xong, ông ấy còn nhanh chóng giúp tôi lau khô tóc. Một hôm, bố dượng đề nghị cứ mỗi cuối tuần sẽ sắp xếp “ Đêm phim ảnh” một lần, vậy là tôi đã có “ family time” trong truyền thuyết rồi, xem phim xong, ba người chúng tôi tiếp tục bàn luận về nội dung bộ phim, từ đó cứ mỗi Thứ năm, tôi bắt đầu mong chờ về đêm này.
Năm 2018, khi kỳ thi tuyển sinh đại học của tôi kết thúc, bố dượng bỏ công sức ra, nghiêm túc còn hơn cả lúc ông làm việc giúp tôi tra cứu tài liệu và nghiên cứu các trường đại học. Sau khi kiểm tra xem xét 40 đến 50 trường đại học, ông đã liệt kê ra danh sách đề cử phù hợp với tôi nhất.
Dù tôi gọi bố dượng là chú, nhưng trong lòng tôi, người đàn ông biến “ căn nhà” thành “ gia đình” đã trở thành bố tôi từ rất lâu rồi.
Sau này mẹ tôi kể lại rằng, vào mấy năm đầu tiên mới dọn về, có mấy lần tôi vào nhà mà quên chào hỏi bố dượng, ông ấy đều kéo mẹ tôi vào phòng trong, rồi nhẹ nhàng hỏi có phải là do tôi không thích ông ấy hay không.
Bố dượng và mẹ tôi từ đó đến giờ vẫn chưa có một đứa con nào khác, tôi hỏi ông ấy lí do tại sao, ông ấy chỉ cười tươi, rồi đáp: ‘ Có con là đủ rồi.”
Năm ngoái, tấm thiệp sinh nhật mà tôi viết tặng cho ông, hóa ra đến bây giờ ông ấy vẫn đặt ở cạnh giường.