NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐÁNG THƯƠNG

“Sống chung một nhà sao mà đứa thương đứa ghét
Sống chung một nhà sao mà máu chảy không đau
Phải chăng số phận gieo nhầm đời em con ghẻ…”
Những câu từ đầy chua xót ấy cứ văng vẳng trong đầu Linh, mỗi khi nghe lại giai điệu này, mình luôn có rất nhiều cảm xúc. Đắng cay thay cho số phận những đứa trẻ tuổi mới lên 4 lên 5 đã phải sống trong cảnh “mẹ ghẻ – con chồng”, tuổi thơ chẳng được hạnh phúc như bao bạn bè đồng trang lứa. Tương lai của các em, hoặc là trở thành những đứa trẻ nổi loạn, là nổi lo của xã hội, hoặc sẽ trở nên trầm cảm, sẽ không thoát khỏi ám ảnh tâm lí và ngày càng yếu đuối hơn, tự cô lập mình… Rồi khi trưởng thành, niềm tin của các em về một mái ấm gia đình có còn nữa không? Trong mắt các em ấy, người cha người mẹ có còn là những danh từ ấm áp yêu thương nữa không, hay chỉ là một nỗi sợ trong tâm trí? Linh đã từng tự hỏi lòng mình: liệu rằng trên đời này, các em ấy có phải là những đứa trẻ đáng thương nhất không? Có lẽ là không, nhưng nếu câu trả lời là không, vậy thì đứa trẻ nào mới là đáng thương nhất?

Để tự tìm cho bản thân một câu trả lời, Linh đã có những ngày ghé thăm các cô nhi viện, mái ấm tình thương. Những đứa trẻ ở đây mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc tội nghiệp hơn, các em bị chính những người sinh ra mình bỏ rơi. Chúng được lớn lên trong tình yêu thương của các cô chú ở mái ấm, viện cô nhi; xung quanh các em là những anh chị đồng cảnh ngộ, chúng biết yêu thương nhau như người thân ruột thịt dẫu chẳng chảy chung một dòng máu, chẳng có quan hệ họ hàng. Tôi nhìn nụ cười hồn nhiên của mấy đứa trẻ, chúng thật may mắn vì vẫn còn một điểm tựa, có một nơi để trở về. Nhưng bạn biết không, sâu thẳm trong trái tim những bạn nhỏ ấy luôn âm ỉ cháy một ngọn lửa ước mơ, các em mơ ước một gia đình chẳng cần giàu sang, nhà cao cửa rộng, chỉ cần ở đó có bố có mẹ, mọi người yêu thương nhau và sống với nhau hạnh phúc, vậy là đủ rồi…

Linh mang theo không ít cảm xúc cùng những trăn trở bước từng bước chân nặng nề rời khỏi trại trẻ mồ côi rồi vô thức nhìn về phía chân trời. Hiện lên trong mắt mình là những đứa trẻ quần áo rách rưới, tay chân bẩn thỉu, dáng người gầy guộc. Thật xót xa cho những mảnh đời từ sáng đến tối lang thang trên đường phố, chín bữa đói mới có một bữa no, ghế đá công viên là giường ngủ, một cái chăn ấm là ước mơ, trường học lại là thứ xa xỉ với các em… Trong một khung hình, ta có thể nhìn thấy một gia đình hạnh phúc đang mỉm cười, nhưng cách đó không xa, trong một góc tường hay đằng sau cái cây to, có đứa trẻ đường phố nào đó đang lặng lẽ nhìn họ với ánh mắt ngưỡng mộ và một chút chạnh lòng. Em ấy cũng muốn có gia đình, muốn được một lần nghe những lời yêu thương của bố mẹ. Nhưng giấc mơ đó mãi mãi chẳng thể thành hiện thực, bởi làm sao biết được, ngày mai em có còn sống không?

Cũng trong hành trình ấy, Linh đã có một lần ghé thăm bệnh viện nhi thành phố, ở đây có những bạn nhỏ đáng thương đến đau lòng. Các em ấy mang trong mình căn bệnh nan y từ khi vừa chào đời, ước mơ của chúng chỉ đơn giản là một mái tóc thật đẹp. Có những đứa trẻ chỉ mới 2 – 3 tuổi đã phải ngày ngày nằm trên giường bệnh, không thể tự hô hấp, không được nô đùa cùng các bạn. Có những đứa trẻ vừa chào đời đã không thể nhìn thấy mặt trời, những gì em nhìn thấy chỉ là một mảng màu tối tăm. Có những đứa trẻ mãi mãi chẳng thể nghe, các em không có cơ hội để cảm nhận thứ thanh âm đầy yêu thương của bố mẹ, tiếng chim hót của buổi sớm mai cũng như bao nhiêu âm thanh tuyệt vời khác. Còn nữa, còn rất nhiều nữa những đứa trẻ tội nghiệp được điều trị tại đây, mỗi bạn nhỏ đều mang trong mình một hoặc nhiều căn bệnh khó điều trị. Nhưng mà, các em ấy lạc quan lắm, dù cho căn bệnh quái ác khiến cơ thể các em quằn quại trong từng cơn đau, trên môi chúng vẫn luôn mỉm cười. “Em muốn sống, em muốn chăm sóc bố mẹ. Em nhất định sẽ khỏi bệnh, sẽ không để mẹ phải khóc vì em nữa!”. Đó là niềm tin, là khát khao sống của một cô bé bốn tuổi đang mang trong mình căn bệnh ung thư máu, em muốn sống vì em còn có mẹ. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có thể lạc quan, chúng ý thức được tình trạng sức khỏe của bản thân và cam tâm chấp nhận. Một bác sĩ kì cựu đã nói với mình rằng trong suốt mười mấy năm làm việc ở bệnh viện, ngày nào bà cũng nhận được câu hỏi “Bác sĩ ơi, con có thể sống đến ngày mai không?”

Không hỏi thì thôi, khi đã hỏi rồi mình mới thấy, trên đời này có nhiều đứa trẻ đáng thương quá. Nhưng bạn biết không, có một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả, có đủ cha mẹ, cơ thể em ấy hoàn toàn lành lặn và cũng chẳng mắc bệnh nan y… nhưng em lại là một đứa trẻ bất hạnh. Cuộc đời em là những ngày dài cô đơn, buồn chán, tất cả tâm sự chỉ có thể gửi vào trang nhật kí. Linh cầm trên tay quyển nhật kí đã bị bụi thời gian làm phai màu. Nét mực đã nhoè đi rất nhiều, nó trở nên nhạt nhòa và rất khó đọc nhưng những gì em đã trải qua, những vết thương rỉ máu nơi trái tim nhỏ bé ấy sẽ mãi mãi không mờ nhạt. Linh sẽ cho các bạn xem trang nhật kí cuối cùng của em ấy, và bạn sẽ tự hiểu, đứa trẻ này đáng thương như thế nào…

“Mẹ ơi, chín tháng mười ngày mẹ mang nặng đẻ đau để sinh ra con, chắc là vất vả và đau đớn lắm. Giá như ngày đó mẹ đừng sinh con ra, mẹ sẽ không phải đau và con cũng không cần phải khóc nhiều như vậy! Con nhớ những ngày còn nhỏ, ba mẹ đi làm cả ngày, con ở nhà với bà nội, vì là con gái nên con không được bà yêu thương, bà cứ đánh mắng con suốt dù con chưa bao giờ dậy muộn hay làm việc nhà chậm, bà cũng không cho con đi chơi cùng các bạn. Năm con chín tuổi, mẹ biết con thích vẽ, mẹ nói con chẳng làm được gì, suốt ngày chỉ vẽ vời vô ích. Năm con mười tuổi, mẹ cấm con không được vẽ nữa. Kể từ lúc đó, cuộc sống của con là những chuỗi ngày chỉ có đi học và làm việc nhà, cũng vì thế mà con chẳng muốn nói chuyện với ai, và rồi không ai muốn chơi với con. Con thèm cảm giác được vui chơi như các bạn bè đồng trang lứa, con muốn được vẽ những gì mình thấy, mình nghĩ. Con không muốn bị các bạn xa lánh, cô lập, bắt nạt. Năm mười bốn tuổi con bắt đầu viết lách, con đem tâm sự gửi vào con chữ. Rồi bà lại phát hiện những bài viết của con, bà nhẫn tâm xé bỏ chúng. Lần đó con khóc rất nhiều, nhưng ba mẹ không hề hay biết. Mà cũng phải, mẹ chỉ cần thấy con còn sống là được rồi, còn con sống thế nào mẹ chưa từng nghĩ đến. Còn ba, trong mắt ba người đúng luôn là nội, con mãi mãi chỉ là đứa trẻ sai mà không biết nhận lỗi. Mười mấy năm qua chưa một lần ba nói với con những lời nhẹ nhàng, chưa bao giờ hỏi sao hôm nay con buồn vậy? Ba mẹ không quan tâm đến cảm xúc mà chỉ nghĩ đến thành tích học tập của con. Chỉ cần một điểm tám xuất hiện, con sẽ bị mắng chửi nhiều ngày liền. Mẹ ơi, con không muốn như vậy. Con sợ lắm, nên ngày nào con cũng học bài đến khuya. Rồi năm mười lăm tuổi, con muốn học lớp chuyên Văn, mẹ lại buộc con phải thi vào lớp chuyên Anh. Đó cũng là lúc con tự hỏi, liệu rằng ước mơ trở thành Bác sĩ tâm lý, chữa lành vết thương tâm hồn cho những bạn trẻ không may rơi vào trầm cảm (như con) có được ba mẹ chấp thuận? Có lẽ là không! Đúng như con nghĩ, nếu con không thi đậu ngành Quản trị kinh doanh, mẹ sẽ không cho con tiếp tục đi học. Câu nói đó của mẹ đã lấy đi tất cả niềm tin và lẽ sống của con. Con đã suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng thì mẹ sinh con ra để làm gì? Từ những ngày con biết nhận thức, chẳng có lúc nào con thật sự thấy vui. Áp lực học tập, những lời mắng chửi của bà, sự vô tâm của ba mẹ, và cả bạo lực học đường,… Chúng làm con mệt mỏi quá. Lựa chọn kết thúc cuộc đời này, con chính là một đứa trẻ ngu ngốc. Nhưng mẹ ơi, con chưa bao giờ được sống, đó chỉ là tồn tại, con khát khao một lần được sống cho mình, nhưng con không thể, vì con là một con rối phải chịu sự điều khiển của mẹ, là đứa con bất hiếu, ngỗ nghịch trong mắt ba, là đứa cháu không được bà thừa nhận… Tạm biệt ba mẹ, từ hôm nay con sẽ không làm ba mẹ buồn lòng nữa. Tạm biệt tuổi mười bảy còn lắm những hoài bão, tạm biệt ước mơ mà tôi mãi không bao giờ thực hiện được, tạm biệt tất cả…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *