Người Trung Hoa đã đóng góp rất nhiều phát minh quan trọng vào sự phát triển của binh chủng kỵ binh: cách thắng ngựa hữu hiệu bằng ức (breast-strap harnessing system), bàn đạp chân (stirrup) và vòng cổ (collar). Với chúng ta xem ra những sáng kiến này không có gì đặc biệt nhưng trên thực tế những thay đổi đó đã làm cho kỹ thuật chiến tranh đi vào một giai đoạn mới, có ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh lịch sử của thế giới.
Thắng ngựa
Cách thắng ngựa của người Trung Hoa đã giúp cho con ngựa không bị nghẹt thở, làm giảm năng lực của con vật và những xe kéo đã vượt xa những xe ngựa của phương Tây. Phải mất hơn một nghìn năm người Âu Châu mới học được cách đóng cương một con ngựa của người Tàu.
Một trong những phát minh đáng kể nhất của người Trung Hoa là cách thắng ngựa bằng ức (breast-strap harnessing system), khởi nguyên vào khoảng thế kỷ thứ tư trước TL.
Trên khắp thế giới, người ta biết thắng bò trước khi thắng ngựa. Tuy nhiên vì ngựa chạy nhanh hơn nên người ta lập tức tìm cách thắng ngựa sau khi đã thuần hóa và ngay từ đầu, con người thắng ngựa cùng một phương pháp thắng bò. Hai con bò được buộc song song với một trục gỗ bằng một cái ách để giữa cổ và xương gồ ở trên lưng.
Tuy nhiên hai giống vật có hình thể khác nhau, việc áp dụng máy móc đó đã đem lại những bất lợi và chính vì ngựa không có cục bướu ở trên lưng như bò, người ta phải buộc đai xuống bụng thêm một đai vòng qua cổ để giữ cho cái ách khỏi thụt lùi về sau. Kiểu buộc đó đã khiến cho con ngựa bị nghẹt thở.
Vào đầu thế kỷ 20, Lefebvre des Noettes, một sĩ quan kỵ binh người Pháp đã nghiên cứu về cách thắng cương của các dân tộc trên thế giới trong nhiều thời đại và tái tạo những phương thức mà người xưa đã dùng để buộc ngựa, ông đã viết về cách giàng cương bằng ức tạm dịch đại lược như sau:
… Lối thắng cương cổ điển (mà chúng ta tạm gọi là thắng bằng cổ và bụng) chỉ dùng được một phần nhỏ động lực của con vật, không tạo được năng suất tổng hợp và vì thế hiệu năng rất kém … Cách thắng cương này được dùng mãi cho tới thời Trung Cổ ở châu Âu, và dường như được dùng khắp mọi nơi, khắp mọi nền văn hóa và đều thiếu hiệu quả như nhau cả. Chỉ có một nền văn minh cổ đã thoát ra khỏi được phương pháp này và tìm ra một cách thắng cương hữu hiệu, đó là Trung Hoa.
Thí nghiệm của Lefebvre des Noettes cho thấy hai con ngựa nếu thắng bằng lối quàng qua cổ (throat-and-girth) chỉ kéo được khoảng nửa tấn trong khi một con ngựa thắng theo lối mới có thể kéo được 1 tấn rưỡi nghĩa là hiêu năng tăng gấp sáu lần.
Người Tàu thay đổi lối thắng ngựa từ bao giờ cho đến nay chưa ai dám xác quyết nhưng ngay từ thế kỷ thứ tư trước TL có thể cũng đã có và người ta cho rằng lối này phải xuất hiện từ thời Chiến Quốc. Một trong những giả thuyết là người Trung Hoa vẫn thường dùng sức phu phen để kéo thuyền đi ngược dòng xông và có thể chính từ đó họ cảm nhận được rằng nếu choàng sợi đai qua cổ con vật thì nó sẽ bị ngộp thở và sức kéo giảm đi nhiều và từ đó đưa đến việc cải thiện phương pháp thắng ngựa.
Từ phương pháp thắng ngựa bằng ức, người Tàu cũng chuyển qua một vòng đai vòng qua cổ và sử dụng thay thế cho một cái xương gồ trên lưng như trâu bò để máng chiếc ách. Đây là cách tương tự như phương thức hiện nay người ta dùng và được coi là phương pháp hiệu quả hơn cả.
Kỵ thuật
Người ta phỏng chừng người Trung Hoa biết cưỡi ngựa vào khoảng thế kỷ thứ bảy trước TL và tới đời Hán kỵ binh đã trở thành một trong những sức mạnh chính của quân đội. Sự tương đồng về hình dáng của yên cương tìm thấy tại Siberia ở thế kỷ thứ 5 trước TL với những hình ngựa đào được trong mộ của Tần Thủy Hoàng cho ta biết rằng người Trung Hoa đã vay mượn từ miền bắc.
Tuy nhiên người Trung Hoa cũng như người Việt chúng ta là giống dân nông nghiệp sống định cư, không chuyên về cưỡi ngựa. Ngựa cũng không phải là gia súc thường thấy tại nông thôn mà người dân thường nuôi trâu bò để canh tác chứ không dùng ngựa. Một điểm quan trọng nữa là ngựa không dễ nuôi như trâu bò và tốn phí hơn. Chính vì thế nhiều thời đại triều đình Trung Hoa không đủ ngựa cho kỵ binh. Trong khi đó những dân tộc du mục ở vùng thảo nguyên biết cưỡi ngựa từ khi còn tấm bé. Nhìn vào lối phục sức diêm dúa, quần chùng áo dài của người Tàu ở thời Đường, thời Tống chúng ta thấy ngay đó không phải là những y phục thuận tiện cho việc cưỡi ngựa.
Khi nghiên cứu về binh pháp, cách dùng binh bao giờ cũng phản ảnh sự tiến triển của võ khí, điều kiện kinh tế và quyền lực chính trị của thời đại. Thời xưa, khi thần quyền còn mạnh, binh bị tập trung vào khả năng của giới vương hầu còn thường dân chỉ là những nô lệ hay nói đúng ra, là một trong những sở hữu của giai cấp thống trị. Ngay từ thời Chiến Quốc, người Trung Hoa đã dùng đến kỵ binh và nhiều chư hầu đã học hỏi phương pháp chiến đấu của người Hung Nô. Một trong những điểm nổi bật của thời kỳ này là khi nhà Chu lật đổ nhà Thương, họ đã dùng chiến xa như một vũ khí chiến lược và nhờ đó họ có ưu thắng về quân sự. Chiến xa không những nhanh hơn mà còn có thể sử dụng trong việc chuyển quân, chuyển lương thực vũ khí. Chính vì thế họ đã sử dụng nhiều chiến lược chiến thuật mới và đã đánh bại được đối phương mặc dầu lực lượng ít hơn. Nhiều học giả cũng đưa ra giả thuyết rằng chính vì sử dụng chiến xa mà thanh kiếm đã được cải thiện và loại hai lưỡi (double-edged) đã được thay thế bằng những loại chủy thủ ngắn hơn, tương tự như dao găm, và dùng dáo dài là vũ khí chính yếu. Mặc dù ngay trong Tôn Tử binh pháp đã có nhắc đến việc sử dụng chiến xa nhưng phải đến Tôn Tẫn binh pháp đã nhắc đến một cách khá chi tiết (chương 7, 18) và nhấn mạnh vào sự quan trọng của nó đối với vấn đề quân sự.
Một cách tổng quát, ngay từ thời Chiến Quốc, kỵ binh đã được sử dụng như một vũ khí chiến lược vì có nhiều ưu điểm “ … kỵ binh có thể tản ra rồi hợp lại, phân tán rồi tập trung. Kỵ binh cũng có thể gom lại một điểm hẹn trước cách xa hàng trăm, có khi hàng nghìn dặm …”
Bàn đạp
Cái bàn đạp (stirrup) cũng quan trọng không kém, nếu không có bàn đạp này, kỵ sĩ chỉ dùng ngựa để di chuyển chứ không đủ ổn định để chiến đấu. Ở vào thời nay chúng ta không thể nào hình dung được một phát minh nhỏ bé như thế có ảnh hưởng thế nào với lịch sử nhưng từ khi người ta chỉ biết dùng ngựa để kéo xe, đến khi có thể cưỡi trên lưng con vật, rồi đến khi huấn luyện, trang bị và tập cho nó quen được với chiến đấu là một tiến trình dài của nhân loại. Có tác giả đã cho rằng phát minh ra cách thắng ngựa bằng vòng ức (breast-strap harnessing system), hay bàn đạp chân cũng quan trọng không kém gì việc làm được giấy và tìm ra thuốc súng. Đó là bốn phát minh quan trọng nhất của người Trung Hoa có ảnh hưởng đến lịch sử thế giới.
Dùng ngựa để cưỡi tuy có thể giúp người ta di chuyển nhanh hơn nhưng vẫn không thể chiến đấu được nếu không ổn định. Chính vì thế việc phát minh ra cái bàn đạp được coi là một khám phá quan trọng vào bậc nhất cho thuật kỵ mã. Có điều sao lại mất một thời gian lâu đến thế trước khi nghĩ ra phụ tùng giản dị này thì vẫn còn là một điều khó hiểu đối với các nhà nghiên cứu.
Trước khi có cái bàn đạp, cách duy nhất của người kị sĩ có thể làm là kẹp chặt hai chân và giơ tay giữ ghịt bờm con vật khi chạy nhanh. Người Roma (La Mã) thì nghĩ ra cái chỗ vịn để cầm ở yên ngựa.
Cái bàn đạp nguyên thủy có lẽ chỉ vì người ta muốn lên xuống ngựa cho an toàn, nhất là khi có mang theo binh khí. Năm 552 trước TL, vua xứ Persia (Ba Tư) là Cambyses khi lên ngựa đã rủi ro bị ngã và chết vì chính binh khí của mình. Những kỵ sĩ tài ba thì có thể nắm bờm rồi nhảy lên, hoặc có khi người ta dùng ngay ngọn giáo của mình để làm sào chống. Cũng có khi bên hông ngọn giáo có một cái cán đâm ngang (như trong hình mũi giáo của Phù Sai) dùng để làm điểm tựa nhảy lên ngựa.
Cho đến nay khi nghiên cứu về sự phát triển của chiếc bàn đạp, các học giả đồng ý rằng lúc đầu phụ tùng này chỉ dùng để giúp người ta lên yên, do đó chỉ gắn vào một bên của yên ngựa. Bàn đạp hai bên xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ tư sau TL và từ đó lan rộng ra nhiều nơi khác kể cả các nước ngoài như Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam ta.
Chính nhờ những cải tiến quan trọng về trang bị và chiến thuật này mà dần dần, kỵ binh mới trở thành binh chủng hùng mạnh nhất chiến tranh trung đại. Gián tiếp kiến tạo nên đế chế Mông Cổ chinh phục gần hết mảng lục địa Á-Âu sau này.
Ở Trung Hoa, các triều đại Hán, Đường, Minh có nền quân sự hùng mạnh đều do nguồn cung ngựa chiến dồi dào. Ngược lại, thời Tống do mất đi Yên Vân Thập Lục Châu nơi cung cấp chính về chiến mã, cộng thêm việc trọng văn khinh võ mà triều đại này tuy có những thành tựu kinh tế, văn hóa, khoa học và nghệ thuật rực rỡ nhưng cũng là triều đại hèn kém nhất lịch sử Trung Hoa. Khi bị hết Liêu, Kim, Mông Cổ, Tây Hạ,… o ép đủ điều.
Nguyễn Duy Chính – Nghiên Cứu Lịch Sử