Những điều dễ thương từ cuốn “Quyền tách khỏi đám đông” – Jung Heejae

Mới đọc tên sách, nhiều bạn sẽ cho rằng đây là một cuốn sách thuộc thể loại self help có phần cứng nhắc, khô khan. Nhưng ngược lại, đây thật sự là một cuốn sách vô cùng đáng yêu đấy!
Sự thật thú vị về tên sách
Điều đầu tiên làm nên “độ dễ thương” của cuốn sách này đối với mình chính là lối văn gần gũi, chân thật của tác giả. Hơn nữa, tác giả Jung Heejae cũng là người linh hoạt, không cứng nhắc gò bò hay rập khuôn theo một phong cách nào cả. Chẳng hạn khi nghe cô chia sẻ ban đầu định đặt tên sách là “Quyền không nhụt chí dù nghèo khổ” nhưng lại thôi vì cô cho rằng “sự thật nếu bạn nghèo, bạn sẽ nhụt chí. Khuyên những người nghèo khổ đừng nhụt chí chỉ là lời an ủi tốt đẹp bề ngoài. Thà rằng thành thật thừa nhận[…], hẳn trong lòng sẽ thoải mái hơn.” Và đám đông sẽ cho rằng cái nghèo là do ông trời không công bằng khi sinh ra họ đã thế, còn kẻ dám tách khỏi đám đông sẽ tự hoạch định cho mình một chiến lược riêng để thoát khỏi tình trạng “rỗng túi và thoái chí”. Phải chăng cái tên “Quyền tách khỏi đám đông” được ra đời từ suy nghĩ này?
Quyền không làm gì
Nghe qua thì có vẻ vô lí vì không làm gì thì sao có thể sống tốt được kia chứ? Xin thưa, “Quyền không làm gì”, theo định nghĩa của Jung Heejae, không chỉ giới hạn ở lối sống thong dong, nhiều thư giãn, ít áp lực và tham vọng. Mà chính xác hơn, là không làm gì trái ý muốn chỉ để đuổi theo những tiêu chuẩn chung của xã hội: Phải thành công theo định nghĩa của đa số, phải bận rộn, phải có chỗ đứng, phải trở thành một ai đó…
Trong xã hội hiện đại, khi bầu không khí về hiệu quả, năng suất và thành công áp đảo tất cả, một đoạn đời tuổi trẻ sống thư thả, an nhiên dần trở thành điều xa xỉ. Chúng ta đều bị mắc bẫy bởi câu nói: “Hãy nỗ lực hơn nữa”. Đó là lý do vì sao không bao giờ chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Điều này giống như một người cực đoan luôn giữ vững tâm lý lạc quan, tẩy xóa những nỗi buồn và thương tổn khi nó xuất hiện
“Nhàn cư vi bất thiện”
Mình xin được mượn câu nói trên của cổ nhân để làm rõ ý của tác giả trong một phần khác mà mình cảm thấy khá hay, Đó là phần hững nhân vật (có thật) chọn rời khỏi “bóng mát công sở” để dấn thân vào cuộc du hành tới miền đất lạ, những nghệ sĩ chọn ở nhà sáng tác toàn thời gian thay vì đi làm công ty, những cá nhân đổ thời gian và sức lực vào những công việc bị số đông chê cười là… vô nghĩa. Chẳng hạn như một Vincent van Gogh vì sợ bản thân sẽ sinh thói chỉ mưu cầu những thứ tốt, nên ông chỉ ăn bánh mì trắng không phết thêm bất cứ thứ gì.
Đôi khi không phải một mình bạn nghĩ khác với đám đông là sai – Đám đông vẫn có thể sai và chỉ riêng bạn mới thấu hiểu điều gì là đúng theo trực giác lương tri của bạn. Hãy tự khám phá thế giới này theo cách của bạn. Bạn hãy là chính mình chứ đừng bao giờ biến mình thành cái bóng của người khác. Hạnh phúc thực sự đến từ sự tự khám phá, trải nghiệm và cảm nhận riêng của chính mình – không bao giờ đến từ sự tán dương ngợi ca của người khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *