Những điểm tương đồng giữa khoa học thần kinh và đạo Phật

Bài viết của tác giả Trịnh Nguyên Phước

Xét ra thì có rất nhiều điểm tương đồng giữa khoa học thần kinh và đạo Phật. Đó là:

1) Sự hiếm có của thân phận làm người

Trong đạo Phật có câu: “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn” (Thân người khó được, Phật pháp khó nghe). Trong Kinh Pháp Hoa, đức Phật dùng ẩn dụ con rùa mù và bọng cây để so sánh sự khó khăn, hi hữu khi được làm người: “Như một bọng cây ở giữa có một lỗ hổng nhỏ, nổi trên mặt biển, trôi dạt khắp nơi. Có một con rùa mù nằm dưới đáy biển, một trăm năm mới trồi lên một lần. Như vậy thì chừng nào con rùa mới chui đầu được vào lỗ hổng của bọng cây?” Sanh ra làm người cũng khó khăn, hi hữu như vậy, và chỉ có con người mới có khả năng trí huệ (pađđa), đưa tới giác ngộ (bodhi).

Khoa học cũng quan niệm rằng mỗi sự sống là một điều vô cùng hi hữu: từ sự kết hợp của một tinh trùng (trên hàng chục triệu tinh trùng) và một noãn, trở thành trứng rồi phát triển qua những giai đoạn phôi-thai, đến khi sinh ra thành một con người, đã trải qua bao nhiêu là thử thách. Đó cũng là kết quả của hàng tỉ năm tiến hóa, qua bao nhiêu thế hệ truyền thừa và thay đổi gen.

Trong các loài vật, con người may mắn được sinh ra với cơ quan tinh vi nhất của sự sống là não bộ loài người, một mạng lưới khổng lồ gồm 100 tỉ nơ-ron, hơn 1 triệu tỉ xinap, không ngừng hoạt động, với tính chất mềm dẻo và khả năng gần như vô hạn…

2) Tất cả đều liên đới với nhau

Điểm nổi bật lên trong vũ trụ quan của đạo Phật là lý “duyên khởi”, hay “vòng nhân duyên” (paticca-samuppada). “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt, v.v.”. Đó cũng là sự tương quan, tương tác, tương hữu (“inter-être”) của mọi sự vật. Không có gì không có liên hệ, hay biệt lập với những cái khác.

Trong khoa học dù là vật lý hay thần kinh cũng vậy, tất cả đều liên đới, liên kết với nhau (“interconnecté”). Hệ thần kinh được tổ chức dưới hình thức những mạng lưới, với các tế bào, nhân, bó sợi, chất truyền, cơ quan nhận, ảnh hưởng lẫn nhau, đưa những thông tin ngang cũng như dọc đan díu vào nhau.

Như vậy, đạo Phật và khoa học chia sẻ với nhau một cái nhìn tổng thể (holistique) về thế giới.

3) Tất cả chúng sanh đều thân thiết với nhau

Đạo Phật chủ trương đem lòng từ bi (metta, karuna) rải tới mọi chúng sanh, như lời đức Phật dạy trong Kinh Từ Bi: “Như mẹ hiền thương yêu con một, Dám hy sinh bảo vệ cho con, Với muôn loài ân cần không khác, Lòng ái từ như bể như non”, và Kinh Kim Cương: “Có bao nhiêu chúng sinh trong vũ trụ, dù chúng sinh ra từ trứng, từ thai, từ nơi ẩm thấp, hay hóa sinh, dù chúng thuộc loài hữu sắc hay vô sắc, dù chúng thuộc loài có tri giác hay không có tri giác, tất cả đều phải được ta dẫn vào Niết Bàn”. Lòng từ bi phát xuất từ trực giác là loài người cũng như các loài vật đều là những chúng sinh hữu tình, thân thiết với nhau.

Khoa học đã chứng minh rằng trong sự tiến hóa trên trái đất, từ lúc xuất hiện tế bào đầu tiên thủy tổ của sự sống (khoảng 3 tỷ năm), các bộ gen biến đổi dần, đưa tới sự hình thành của các loài vật và cuối cùng là loài người.

Nhìn kỹ, thì chúng ta thấy sự khác biệt gen giữa các loài vật và loài người thật ra không nhiều: về số lượng, thì các loài có vú, trong đó có loài người, đều có khoảng 30000 gen. Về sự khác biệt gen, thì loài người chia sẻ với nhiều loài vật đa số các gen (hơn 98 %). Thí dụ như người và chuột chỉ khác nhau 300 gen; người và các loài khỉ lớn (như tinh tinh, khỉ đột) giống nhau 99 % gen.

Như vậy, có thể nói rằng loài người với các loài vật là bà con, họ hàng với nhau.

Và chính vì loài người có nhiều nơ-ron hơn, có trí thông minh hơn, có khả năng ảnh hưởng đến thiên nhiên hơn, cho nên chúng ta phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với các loài khác, và đối với trái đất.

4) Tâm-não là điều quan trọng nhất

Đối với đạo Phật, tất cả ở tại tâm, cũng như những câu :

“Tâm (mano) dẫn đầu tất cả, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả” (Pháp Cú, 1).

“Dĩ tâm vi tông, dĩ vô môn vi pháp môn” (Lấy tâm làm chủ, lấy cửa không làm cửa Pháp)(Kinh Lăng Già).

“Tâm địa là bản nguyên của vạn pháp” (Kinh Lăng Nghiêm).

Theo khoa học thần kinh, sự liên hệ giữa các động vật có hệ thần kinh (trong đó có con người) và thế giới, sự sinh tồn của chúng, đều cần đến sự hoạt động của não. Sự chết được định nghĩa là sự ngưng hoạt động vĩnh viễn của não, do sự hủy diệt của toàn bộ nơ ron.

5) Tất cả chuyển đổi không ngừng

Đối với đạo Phật, mọi hiện tượng đều vô thường (anicca), nghĩa là không có gì không thay đổi từng sát na (phần nhỏ của giây) một.

Khoa học thần kinh cũng cho biết rằng hoạt động của não không bao giờ ngưng nghỉ (ngay cả trong giấc ngủ), do những xinap luôn luôn đổi thay. Và chính nhờ những đổi thay không ngừng đó, tâm-não mới có được tính chất mềm dẻo (plasticité), linh động. Ngay cả các biểu hiện của gen cũng có thể đổi thay, từ thế hệ này qua thế hệ khác.

6) Không có cái ta, chỉ có cảm tưởng có cái ta

Đối với đạo Phật, tất cả đều vô ngã (anatta), không có tự tính biệt lập. Cái “ta” chỉ là một cảm tưởng, một sự tụ họp tạm thời của 5 uẩn (khanda, agrégats), là sắc (rupa, forme), thọ (vedana, sensations), tưởng (sađđa, perception), hành (sankhara, volitions), và thức (viđđana, conscience).

Theo khoa học thần kinh, các cảm giác (sensations), tri giác (perception), ý muốn (volitions), cảm xúc (émotions), ngôn ngữ (langage), ký ức (mémoire),v.v. đều nảy sinh từ sự kích hoạt của các vùng não khác nhau, ngay cả trạng thái tỉnh thức cũng do sự kích hoạt của tổ chức hình lưới (formation réticulaire) trong thân não. Nhưng tuyệt nhiên không có vùng nào có thể gọi là cái “ta” (ego, self), không có một trung tâm nào trong não có thể gọi là trung tâm của cái “ta”.

7) Cảm nhận của con người về sự thật dễ sai lầm

Theo đạo Phật, con người hay bị ảo tưởng, vọng tưởng, tà kiến, do vô minh (avijja) làm vẩn đục cái tự tánh trong sáng sẵn có. Do đó, con người phải luôn luôn tự nhắc nhở mình rằng tất cả mọi hiện tượng là hư vọng, là mộng huyễn, không có thực thể hay cố định.

“Sắc tức thị không […] thọ tưởng hành thức diệc phục như thị” (Bát Nhã Tâm Kinh)

“Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” […] “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán” (Kinh Kim Cương).

Theo khoa học thần kinh, sự tri giác của con người về thế giới luôn luôn là ảo giác, vì mọi thông tin phải truyền qua các mạng lưới thần kinh, và phụ thuộc vào hoạt động của chúng.

Ngay cả ký ức cũng bị đổi thay, bóp méo, ảnh hưởng bởi cảm xúc.

Ngoài những ảo ảnh (illusions optiques) vẫn thường xuyên xẩy ra, thì các cảm giác luôn luôn được biểu tượng (interprété) bởi não.

Về thời gian, từ hình ảnh trên võng mạc đi tới vỏ não nhìn, rồi tới khi nhận thức ra hình ảnh là gì, thì đã có mấy trăm ms trôi qua. Ý thức về sự vật không còn là sự vật. Héraclite đã từng nói: “ Người ta không bao giờ tắm hai lần ở một dòng sông ”. Thật ra, một lần người ta cũng không bao giờ tắm, bởi vì vừa mới mặc đồ tắm xong, thì dòng sông đã là dòng sông khác rồi; và cũng không bao giờ tắm cùng một dòng sông, vì mỗi làn nước trôi trên da đã là một làn nước khác, và chính mình cũng đã đổi thay…

Như vậy, không thể nào “nhìn được sự thật như là sự thật”. Chỉ có một sự thật trực tiếp cảm nhận được bởi tâm-não, chính là sự hoạt động của nó.

8) Tầm quan trọng của cảm xúc (émotions) trong đời sống nội tâm

Đối với đạo Phật, cảm xúc chính yếu thúc đẩy con người đi tìm con đường giải thoát là khổ đau (dukkha). Người ta khổ vì những phiền não, lậu hoặc (kilesa), mang lại bởi những cảm xúc không tốt (akusala), tiêu cực, trong đó có ba cái rễ (mula) là tham (lobha), sân (dosa), và si (moha).

Đối với khoa học thần kinh, cảm xúc vô cùng quan trọng vì là động cơ thúc đẩy hành động, và gây ảnh hưởng không nhỏ lên trí thức (intelligence émotionnelle).

9) Điều quan trọng là ý muốn (volitions)

Theo đạo Phật, ý muốn hành động tạo nghiệp (kamma-cetana) mới là quan trọng, chứ không phải là hành động. Điều này khác hẳn Ấn Độ giáo, vì theo tôn giáo này, một hành động dù không cố ý, vẫn tạo nghiệp.

Theo khoa học thần kinh, hành động là một hoạt động phức tạp của não, cần sự phối hợp của nhiều vùng não: cảm giác, vận động, kế hoạch, điều phối… Do hiện tượng “nơ ron gương”, tri giác hành động đã là có ý muốn hành động, và tri giác cảm xúc đã tự nó gây nên cảm xúc.

10) Khả năng thay đổi tâm-não của con người

Theo lời dạy của đức Phật, người nào cũng có thể tự giải thoát, cũng có khả năng giác ngộ, dù là khởi đầu với một tâm địa đầy rẫy tham, sân, si. “Tu là chuyển nghiệp” là tựa đề của một cuốn sách viết bởi HT Thanh Từ. Nó có nghĩa là sự tu tập của con người có khả năng chuyển đổi được nghiệp của chính mình. “Chuyển hóa” cũng là một từ hay được dùng bởi Thiền sư Nhất Hạnh.

Khoa học thần kinh ngày nay cũng nhấn mạnh vào một đặc điểm của não, là sự mềm dẻo do sự thay đổi các xinap nhờ sự luyện tập. Ngay cả người lớn tuổi vẫn còn có thể nhân tăng nơ-ron, và trau dồi tâm não.

11) Năng lượng có mặt trong vật chất

Bài kệ của thiền sư Khuông Việt nói rõ lên điều này: “Mộc trung nguyên hữu hỏa, Hữu hỏa, hỏa hoàn sanh. Nhược vị mộc vô hỏa, Toản toại hà do manh?”(Trong cây vốn có lửa, Có lửa, lửa mới bừng, Nếu bảo cây không lửa, Cọ xát do đâu bừng?). Đạo Phật không phân biệt vật chất và năng lượng, cũng như trong câu nổi tiếng của Bát Nhã Tâm Kinh “Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc”.

Trong khoa học cũng vậy. Vật lý học cho thấy rõ rằng năng lượng có sẵn trong vật chất, dù là trong than, dầu lửa, hơi, nước, trọng lượng, động năng (E = mc²) hay dưới khía cạnh vi mô, các lực hấp dẫn, điện từ, hạt nhân mạnh và yếu. Khoa học thần kinh cũng chứng minh rằng điện lực, là năng lượng đưa tới sự vận hành của não, phát xuất từ chính các nơ ron, qua những phản ứng lý hóa phân tử.

12) Tâm (mental) với não (cerveau) là hai hay là một?

Như đã nói trên, đạo Phật quan niệm có một cái “ta” tạm thời, do sự tụ họp của năm uẩn. Người ta vẫn quen phân chia con người ra làm hai phần: tinh thần và vật chất, và cho rằng uẩn đầu (sắc) thuộc về vật chất, và bốn uẩn sau (thọ, tưởng, hành, thức) thuộc về tinh thần. Như vậy thì tâm thuộc vào tinh thần và não thuộc về vật chất, hai cái đó dường như hoàn toàn khác nhau.

Nhưng thật ra, nếu đi sâu vào cốt tuỷ của giáo lý đạo Phật, một khi hiểu được hai khía cạnh của sự thật, sự thật tương đối (tục đế) và sự thật tuyệt đối (chân đế), thì chúng ta thấy rõ rằng sự phân chia thành năm uẩn, tinh thần và vật chất, chỉ là một giả lập, một phương tiện trình bày tiện lợi. Lý “vô ngã”, “duyên khởi” của đạo Phật chỉ có thể đưa tới một cái nhìn tổng thể, vượt khỏi nhị biên. Như vậy, tâm hay não chỉ là hai cách gọi, hai khía cạnh của một sự thực thể. Và thực thể đó cũng có thể gọi là tâm-não.

Trong khoa học thần kinh, đã nẩy lên một sự đồng thuận rõ rệt hơn. Ngay từ 1802, nhà bác sĩ và sinh lý học Pháp Cabanis đã tuyên bố: “Não tiết ra tư tưởng cũng như gan tiết ra mật”. Ngày nay, ngoại trừ Sir John Eccles (Giải Nobel Y học 1963), hầu hết tất cả các nhà khoa học thần kinh đều cho rằng tâm là sự vận hành của não, và không trú ngụ ở một vùng đặc biệt nào. Nói một cách ngắn gọn như Derek Denton (ĐH Melbourne), “Tâm là cái gì não làm” (The mind is what the brain does).

Đối với đạo Phật cũng như đối với khoa học, sự sống là một thực thể đồng nhất, không thể phân chia được, mặc dù nó đa dạng và luôn luôn biến đổi.

Tuy nhiên, khi câu hỏi này được đặt ra cho quần chúng, dù là Phật tử hay không là Phật tử, thì đa số vẫn nghĩ rằng tâm và não khác nhau, hoặc là tâm không chỉ nằm trong não, không thể “đơn giản hóa” là não, mặc dù cả hai liên quan chặt chẽ với nhau.

Có người cho rằng đó là một câu hỏi không thể nào trả lời được, hoặc là không cần thiết. Và có người còn dùng cách phủ định của ngài Long Thụ (Nagarjuna): “bất nhất, bất dị”, tức là tâm và não không phải là một, mà cũng không khác nhau; hay của ngài Na Tiên (Nagasena): “na ca so, na ca añño” (không như vậy, không khác vậy).

Có thể quan niệm theo “trung đạo” này phù hợp với đạo Phật hơn cả. Dù sao, đó chỉ là những quan điểm, không có gì là quan trọng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *