Xưa nay, thi cử nhiều khuôn phép và có nhiều trường hợp đã bị trượt vì vi phạm. Tuy nhiên, thi trượt vì đề bài lắt léo thì thật là khó đỡ.
Người thích đánh trượt thí sinh đến nỗi bị tế sống là Hoàng Giáp Nguyễn Lại triều Lê Kính Tông. Nguyễn Lại (1581 – 1661), đỗ nhất kỳ thi Hội năm 1619 và điều tiếng trong rừng Nho thì không mấy tốt đẹp. Khoa thi khiến ông bị tế sống là khoa thi Hương ở Sơn Nam. Ở trường thi thứ 2 trong khoa thi này, ông ra đề bài phú như sau:
“Dân an nghiệp sĩ an mưu phú”
Hầu hết các thí sinh đọc xong đề đều hiểu rằng: “Kẻ sĩ mưu tính việc trị an thì dân an ổn làm ăn”. Ai cũng xoa tay, phen này đậu nhị trường. Nhưng, đa số đều bị điểm liệt! Hóa ra, quan chủ khảo Nguyễn Lại lấy câu văn trong Tống Sử: “Hà Bắc chi dân an nghiệp, Tất Sĩ An chi mưu giả”. Nghĩa là: Dân Hà Bắc an nghiệp là nhờ kế sách của Tất Sĩ An”. “Sĩ An” là tên người, do chữ Hán không viết hoa nên đa số sĩ tử đều lầm.
Sang đệ tam trường, đề bài cũng éo le không kém:
“Hán ký, Thái Tổ Cao Hoàng Đế, tính Lưu, húy Bang, tự Quý. Bái nhân dạ, dị bố ý khởi binh, phá Tần diệt Sở, ngũ tại nhi thành đế nghiệp, hà nhân dư?”
Dịch:
“Sử chép: Thái Tổ Cao Hoàng Đế, họ Lưu, tên Bang, tên chữ là Quý. Người đất Bái, áo vải khởi binh, phá Tần diệt Sở, năm năm làm đế. Là người nào?”
Khi đọc đề, ai nấy đều trả lời là Hán Cao Tổ. Tuy nhiên, đề bài đã nhắc đến Lưu Bang rồi nếu dễ thế thì cần gì thi thố nữa. Kết quả, đa số đều trượt.
Thì ra, đầu đề là “Hán Ký”, tức “Sử Hán chép”. Câu cuối hỏi “ai chép”, tức là ai chép đoạn sử này. Đáp án tất nhiên là Tư Mã Thiên, người biên soạn Sử Ký đời Tây Hán. Và vì việc này, ông chủ khảo người Thanh Hóa bị thí sinh làm văn tế sống.
Nguồn:
Chuyện lạ về thi cử của Việt Nam thời phong kiến, Quốc Chấn. NXB GD, 2010