Những cuốn sách viết về chiến tranh khiến bạn không thể kìm được nước mắtNgười ta vẫ…

Những cuốn sách viết về chiến tranh khiến bạn không thể kìm được nước mắt

Những cuốn sách viết về chiến tranh khiến bạn không thể kìm được nước mắt
Người ta vẫn quen với những hào quang chói lóa sau khi kết thúc mỗi cuộc chiến. Nhưng có bao giờ người ta tự hỏi, để đánh đổi lấy chiến thắng ngày hôm nay, người trong cuộc, bất kể phe địch hay ta, đã phải trả giá như thế nào hay chưa? Hoặc số phận của thường dân, những người chẳng hề liên quan đến sự giành giật trên chiến trường ra sao?
Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ – Svetlana Alexiavich: Tác giả từng đoạt giải Nobel Văn học 2015 vì những trang viết đầy tính nhân văn kể về những người phụ nữ đã từng tham chiến trong Thế chiến thứ nhất. Trở về từ chiến trường xưa, họ không còn được đối xử như phụ nữ nữa.
Vẻ ngoài già đi hơn nhiều so với những năm từng trải ở tiền tuyến, dáng điệu mạnh mẽ bị xem là thô kệch, nhiều vết tích chiến tranh hằn sâu thành nỗi ám ảnh xấu xí, cái danh đi lính từng như một niềm tự hào nay trở thành trở ngại cho việc làm dâu…
Chính qua lời kể của những con người không được công nhận này, chiến tranh hiện lên đủ đầy tất cả những điều khủng khiếp mà vĩ đại của nó. Cuốn sách nằm trong bộ Những giọng nói không tưởng, gồm Những nhân chứng cuối cùng, Lời nguyện cầu từ Chernobyl và Thời sencond hand. Các bạn có thể tìm đọc nhé, được phát hành gần hết ở Việt Nam rồi đó.
Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh: Kiên – người kể chuyện, trong mười năm chiến tranh và mười năm hoà bình với gia đình lạc loài không hoàn hảo, với tình yêu mãnh liệt, điên cuồng, với hiện thực chẳng thanh cao mà chỉ nhuốm đầy ti tiện của con người. Trong thế giới ấy, Kiên sống mà như đang mộng, mộng trên chiến trường đầy máu, mộng trong cuộc đời liều lĩnh và theo đuổi sự tự do vĩnh cửu.
Nỗi buồn chiến tranh day dứt nhiều hơn buồn. Người đọc lạc vào những trang sách như đang cất bước trong mê cung tâm tưởng với đủ loại người, đủ loại tính cách, đủ loại quan điểm sống mà ít nhiều đều mang tính huỷ diệt. Nhận diện chiến tranh dưới góc nhìn bi quan và tiêu cực, tác phẩm khắc hoạ cái định nghĩa bi thảm về chiến tranh, rằng “Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người.” Trong cái cõi ấy, có hàng ngàn thanh niên, như Kiên, dù đã tự hỏi mình nhưng vẫn nhiệt tình cống hiến, để rồi khi nó qua đi, cả cuộc đời đã không còn lại gì nữa.
Người đến từ Mariupol – Natascha Wodin: Tác giả sinh năm 1945 tại CHLB Đức, trong một gia đình người Ukraine (thuộc Liên bang Xô viết trước đây) bị Đức quốc xã bắt sang Đức làm công nhân lao động cưỡng bức với danh xưng công nhân lao động miền đông. Bà lớn lên trong các trại dành cho người di cư trước khi chuyển vào ở nội trú tại một trường nữ sinh trực thuộc Giáo hội Thiên chúa giáo cho đến khi trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp trường chuyên ngữ, bà chuyển sang viết văn và biên dịch.
Chiến tranh chưa kết thúc được bao lâu thì mẹ bà qua đời mà mọi nguồn tin về cội nguồn gia đình đều là con số không tròn trĩnh. Phải hơn năm chục năm sau, Natascha Wodin mới bắt tay lần tìm lại tông tích mẹ mình tại Ukraine thuộc Liên Xô xưa kia. Kết quả của cuộc truy nguyên ấy là câu chuyện trong tác phẩm Bà đến từ Mariupol, câu chuyện vén lên bức màn bí ẩn về số phận bi thảm và cảm động của một gia đình tiêu biểu cho số phận hàng triệu gia đình khác ở một giai đoạn lịch sử mà các chấn động của nó cho đến tận giờ vẫn chưa hết dữ dội đau thương.
Muôn dặm sầu giăng & Về từ hành tinh kí ức – Võ Diệu Thanh: Hai cuốn này mình gộp làm một về đều nói về chiến tranh biên giới Tây Nam giữa Pol Pot và Việt Nam. Năm 1978, quân Khmer Đỏ tràn vào ba Chúc, Tri Tôn, An Giang và thảm sát hết sức dã man hơn 3.000 người dân, chứng tích rõ rệt nhất còn để lại chính là vết máu không thể nào bôi xóa được trên một bức tường trong chùa Phi Lai, nơi không biết bao nhiêu gia đình đã chạy vào ẩn náu.
Theo lời kể của cô Tư Chỉnh, ở Ba Chúc, H.Tri Tôn, Tỉnh An Giang – nạn nhân của cuộc diệt chủng Ba Chúc. Vết thương ở đầu, ở trán tôi bắt đầu hành. Lúc về nhà, Tư Long lấy xà bông bột quậy cho lên bọt gội đầu, rửa chỗ máu khô dính đầy tóc tôi. Máu khô bầm bầm trộn trong bọt xà bông… Rửa vết thương bể sọ bằng xà bông bột, nhớ tới tôi thấy sợ, chớ không hiểu sao vẫn sống được.
Phía Tây không có gì lạ & Đường về – Erich Maria Remarque: hai cuốn này đọc khá giống style của Nỗi buồn chiến tranh, tuy nhiên giọng điệu không hề phê phán hay chê trách ai cả. Ngay từ đầu tác giả đã chia sẻ nó không phải là một bản cáo trạng, hay lời thú tội, nó chỉ đơn giản đang kể lại một thế hệ đã bị chiến tranh tận diệt. Cuốn sách mỏng nhưng mang sức nặng, khiến người đọc thấy chiến tranh tàn bạo, mà chẳng ngôn từ nào có thể diễn tả. Tác giả còn có một số tác phẩm nữa cũng khá hay, như là Lửa yêu thương, lửa ngục tù, Khải hoàn môn, Bia mộ đen, Bản du ca cuối cùng, Ba người bạn..vv..vv.
Giã từ vũ khí – Ernest Hemmingway: Cuốn sách là một tiểu thuyết bán tự truyện của nhà văn Ernest Hemingway viết vào năm 1929. Câu chuyện được dẫn dắt qua lời kể của Trung úy Frederic Henry, từ một chàng trai người Mỹ với nhiều hoài bão trong cuộc sống muốn tìm cảm giác mạnh nên đã đầu quân vào quân đội Ý. Khi nếm đủ mùi cay đắng từ cuộc chiến khốc liệt, Henry nhận ra tình yêu của mình không thể thắng được số mệnh và không có giá trị trường tồn. Henry cho rằng con người khi được ban cho các ân huệ từ cuộc sống, thì cũng phải trả giá. Trong thời kỳ biến động đấy, người ta không những phải học cách sống sao cho tốt đẹp mà còn phải học cả cách chết, và tình yêu là chất keo – kết nối con người lại với nhau.
Những thứ họ mang – Tim O’Brien: Cuốn này khá giống Nỗi buồn chiến tranh, có điều là qua giọng kể của những người lính Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam. Họ cũng là con người, cũng có thời trẻ nông nổi, có những mơ ước tương lai. Họ mang đến Việt Nam không chỉ có súng đạn, kỉ vật của người thân mà còn gánh nặng kí ức, nỗi sợ hãi ám ảnh hàng đêm mà người đọc sẽ thấy những thứ họ mang nặng nề và đau khổ đến nhường nào.
Ánh sáng vô hình – Anthony Doerr: “Marie Laure sống cùng cha tại Paris, gần bảo tàng Lịch sử tự nhiên, nơi cha cô làm thợ khóa chính. Khi lên 6 tuổi, Marie Laure bị mù. Cha cô đã dựng một mô hình thu nhỏ hoàn chỉnh về khu phố hai cha con đang sống để cô có thể ghi nhớ bằng cách chạm và lần tìm đường về nhà. Năm Marie Laure 12 tuổi, Đức Quốc xã chiếm giữ Paris, cô cùng cha chạy trốn đến thành phố nằm trong tường thành, Saint-Malo, nơi ông chú thích ẩn dật của cha cô sống trong một ngôi nhà cao ven biển. Hai cha con họ đã mang theo một viên đá quý giá trị nhất và cũng nguy hiểm nhất viện bảo tàng.
Cậu bé mồ côi Werner lớn lên cùng em gái trong một khu mỏ than ở Đức. Cậu bị một chiếc điện đài thô sơ mà hai anh em tìm được thu hút, sau này Werner trở thành chuyên gia lắp ráp và sửa chữa những thiết bị thông tin. Tài năng ấy đem lại cho cậu một vị trí trong học viện tàn bạo của Đoàn Thanh niên Hitler, sau đó là nhiệm vụ đặc biệt theo dấu quân kháng chiến. Ngày càng nhận thức được cái giá sinh mệnh con người phải trả cho trí tuệ của mình, Werner đi qua trung tâm cuộc chiến, cuối cùng, đến Saint-Malo, nơi cậu gặp gỡ Marie-Laure.”
“Cảm nhận tinh tế về từng chi tiết vật chất và những phép ẩn dụ tài tình” của Doerr (theo báo San Francisco Chronicle) thật tuyệt vời. Khéo léo đan cài cuộc đời của Marie-Laure và Werner, ông đã làm sáng tỏ cái cách con người cố gắng đối tốt với nhau bất chấp bao khó khăn chồng chất. Mất đến 10 năm sáng tác, ” Ánh sáng vô hình” thực sự là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời và vô cùng xúc động của Anthony Doerr – nhà văn của ” những câu chữ không bao giờ mất đi sức lay động” (theo thời báo Los Angeles Times).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *