Charlemagne, vua của người Frank (768 – 814) đã dành phần lớn thời gian trị vì của mình để chinh phục quân sự, củng cố quyền lực của mình và của nhà thờ. Các chiến dịch của ông chống lại người dân Saxony đặc biệt tàn bạo và được tiêu biểu bằng cuộc thảm sát ở Verden năm 782 khi ông ra lệnh hành quyết 4.200 người Saxon.
Trong các cuộc chiến tranh đó, người Saxon đã yêu cầu sự trợ giúp từ vua Đan Mạch Sigfried, người đã đồng ý cho phép những người tị nạn Saxon chạy trốn quân đội của Charlemagne vào vương quốc của mình. Charlemagne đã chấm dứt việc này vào năm 798 nhưng khi Sachsen bị chinh phục vào năm 804, vua Đan Mạch là Godfred đã tấn công và chiếm Frisia từ người Frank. Khi Godfred qua đời, người kế nhiệm của ông nhanh chóng chọn giải pháp hòa bình và rút lui khỏi Frisia.
Việc Godfred khuất phục được Frisia một cách dễ dàng, sức hấp dẫn từ sự giàu có của người Frank, và có thể là nhu cầu trả thù cho những người bị giết trong các cuộc Chiến tranh Saxon, đã khuyến khích các nhà lãnh đạo Scandinavia khác thử sức mình trong việc xâm lược Francia.
Khi Charlemagne còn sống, người Viking có rất ít hy vọng thành công nhưng sau khi ông qua đời, không có thách thức thực sự nào đối với các cuộc xâm lăng của họ. Trong cuộc đột kích đầu tiên (năm 820) 13 con tàu của người Viking ngược dòng sông Seine và tấp vào bờ. Tuy nhiên, họ nhanh chóng bị đánh bại bởi lực lượng phòng thủ. Những người sống sót rút lui.
Hầu như trong suốt thế kỷ thứ 9, các cuộc tấn công của người Viking vào vùng Francia (gần như ngày nay thuộc Pháp) đã gia tăng, gây mất ổn định và làm dân chúng kinh hoàng. Đáng lưu ý nhất là hai cuộc tập kích vào Paris vào các năm 845 và 885-886.
Cuộc đột kích Paris năm 845
Vào cuối tháng 3 năm 845, Reginherus đến với một hạm đội 120 tàu vào cuối tháng 3 năm 845 và đi ngược dòng sông Seine về hướng Paris. Vua Charles Đầu hói nhanh chóng tập hợp một đội quân và huy động họ bố trí hai bên bờ sông để bảo vệ thành phố.
Reginherus cho tàu của mình tấn công phía bờ sông có ít quân hơn, đánh bại họ và treo cổ 111 người sống sót. Vì không có cầu bắc qua sông Seine vào thời điểm này, phần còn lại của quân đội Charles không thể làm gì để ngăn chặn Reginherus và ông ta tiến đến Paris vào Chủ nhật Phục sinh. Điều này dường như đã theo đúng kế hoạch vì người Viking hiểu rằng chiến lợi phẩm có giá trị nhất – và các công dân – sẽ ở trong nhà thờ và dễ dàng bị cướp.
Charles Đầu hói chỉ đạo quân đội của mình cứu Tu viện Thánh Denis, để Paris tự lo liệu. Tuy nhiên, dân chúng đã biết tin người Viking đến thành phố, do vậy khi Reginherus đến, hầu hết dân chúng đã bỏ trốn cùng với những vật có giá trị của họ. Học giả Lars Brownworth viết:
Người Viking tỏ ra khó chịu. Phần lớn kho báu họ mong đợi đã bị những cư dân sợ hãi mang đến vùng nông thôn xung quanh. Người Viking có thể cử các nhóm đột kích để tìm kiếm báu vật nhưng điều đó khiến họ có khả năng bị phục kích hoặc bị quân đội của Charles tấn công. Trên thực tế, mỗi giây phút Reginherus ở Paris, tình hình của ông ấy càng trở nên tồi tệ. Vị vua Frank đã huy động quân tiếp viện, và lúc đó đứng đầu một đội quân đáng kể ở vị trí ngăn chặn cuộc tháo chạy của người Viking. Đáng lo ngại hơn nữa là người Viking bắt đầu bị bệnh kiết lỵ, điều này càng làm giảm khả năng chiến đấu của họ.
Reginherus cử sứ giả đến chỗ Charles Đầu hói, cho biết ông sẵn sàng đàm phán. Thay vì từ chối yêu cầu này và khai thác lợi thế rõ ràng của mình, Charles đồng ý trả cho thủ lĩnh người Viking khoảng 2.570kg vàng và bạc để họ rời khỏi thành phố, đồng thời cho phép Reginherus và người của mình giữ bất cứ thứ gì họ đã lấy từ Paris.
Phải mất hai tháng Charles mới quyên góp được đủ vàng và bạc, trong thời gian đó quân Viking đóng bên trong và xung quanh Paris bị bệnh kiết lỵ. Người Paris cho rằng đây là quả báo được giáng xuống bởi Thánh Germain de Paris (khoảng năm 496-576), cựu giám mục của thành phố, người có thánh tích được đặt trong tu viện của Saint-Germain-des-Pres mà Reginherus đã tấn công. Nhiều người Viking chết vì bệnh kiết lỵ trong cuộc đột kích vào Paris hơn bất kỳ hình thức chiến đấu nào.
Khi Reginherus đã nhận đủ vàng và bạc, ông ta vừa xuôi dòng sông Seine vừa cướp bóc một số địa điểm, bao gồm cả Tu viện Saint Bertin, trước khi ra đi.
Cuộc bao vây năm 845 chắc chắn đã làm giàu cho Reginherus và những người đi theo ông. Thỏa thuận của Charles với Reginherus đánh dấu “hình mẫu” đầu tiên được ghi lại về việc thanh toán bằng danegeld (thuế Đan Mạch), một chiến thuật kiếm tiền bằng cách hù dọa mà người Viking sau này áp dụng rất thành công ở Anh. Số tiền lớn trả cho Reginherus đã khuyến khích những người khác tấn công vào các vùng của Francia.
Tình hình sau cuộc đột kích năm 845
Người Viking đã trở lại vùng này vào năm 851-852 dưới sự chỉ huy của Asgeir, họ tha hồ cướp phá từ một căn cứ được thiết lập tại Rouen. Vua Charles Đầu Hóilần lượt chiến đấu hoặc cố gắng thương lượng với bọn cướp nhưng không mấy thành công. Trong năm 858, con trai của Ragnar Lothbrok và tù trưởng Hastein của người Viking (còn được gọi là Hasting) đã đốt Tu viện Fontenelle và chiếm các tu viện ở Paris cho đến khi được Charles trả tiền chuộc. Năm 860 , Charles ký hợp đồng với Thủ lĩnh Viking là Veland. Thủ lĩnh này chấp nhận chiến đấu cho Charles, chống lại các băng nhóm Viking khác để đổi lấy vàng và bạc. Veland đã làm việc, với ít nhiều thành công, để bảo vệ vùng hạ lưu sông Seine.
Tuy nhiên, những kẻ cướp Viking vẫn tiếp tục đến và vào năm 876 , một đội tàu gồm 100 chiếc đi ngược dòng sông Seine, đốt phá và cướp bóc khu vực xung quanh Rouen. Charles một lần nữa bất lực trong việc ngăn chặn người Viking cướp đoạt đất đai và bắt người để bán hoặc đòi tiền chuộc. Cơn thịnh nộ của người Viking chỉ kết thúc khi Charles trả cho họ một khối lượng bạc đáng kể để họ ra đi.
Từ đó, vương quốc Tây Francia dưới thời Charles Đầu Hói trở thành một nguồn thu nhập dễ dàng cho người Viking. Trong các cuộc đột kích năm 851-852, họ cướp bóc khắp nơi cho đến khi nhà vua trả tiền mới chịu rời đi. Học giả Robert Ferguson nhận xét:
Có vẻ như bây giờ đã rõ rằng các chính sách xoa dịu và liên minh với các nhà lãnh đạo Viking riêng lẻ chỉ khuyến khích họ lấn tới mạnh mẽ hơn. Các chiến thuật được sử dụng bởi Louis Mộ Đạo, Lothar, Charles Đầu hói và Charles Béo đã thiết lập tiền lệ rõ ràng cho việc ban tặng những vùng đất xung quanh Rouen và hạ lưu sông Seine…Tuy nhiên, khó mà thông cảm với những người đó, nhất là với hai vua Charles, những người đã tích cực nhất trong việc áp dụng chiến thuật này, cũng không thấy họ có cách nào khác.
Cuộc vây hãm Paris, năm 885-886
Sau cái chết của Charles Đầu Hói vào năm 877, ngai vàng do những người kế vị của ông nắm giữ cho đến khi người cuối cùng qua đời vào năm 884 mà không có người thừa kế và các quý tộc của Tây Francia đã mời Charles Béo (con trai út của Louis Người Đức) lên trị vì. Charles Béo đã tham gia vào các công việc riêng của mình ở Đông Francia và không có khuynh hướng tham gia vào các cuộc giao tranh quân sự.
Năm 885, người Viking quay trở lại Paris. Khi người Viking tiến ngược dòng sông Seine, việc bảo vệ thành phố nằm trong tay của Odo, Bá tước Paris.
Tu sĩ Abbo của Tu Viện Saint-Germain-des-Pres (thế kỷ thứ 9) mô tả sự xuất hiện của hạm đội Viking được nhìn thấy từ các bức tường thành của thành phố:
Những người phương Bắc đến Paris với 700 chiếc thuyền buồm, không kể những chiếc có kích thước nhỏ hơn thường được gọi là barque.
Chỉ huy của Viking, Sigfried, gặp gỡ theo thỏa thuận đình chiến với giám mục Gauzelin của thành phố, và Bá tước Odo để đưa ra các điều khoản cho họ nhưng những điều khoản này bị từ chối. Sáng hôm sau, cuộc tấn công vào Paris bắt đầu khi người Viking tấn công tháp và cầu bắc qua sông Seine, vốn được xây dựng để chống lại các cuộc đột kích sau cuộc vây hãm của Reginherus vào năm 845. Tháp được bảo vệ bởi quân đội Frank do Odo và em trai ông là Robert chỉ huy và trấn giữ; người Viking đã bị đuổi trở lại tàu của họ. Người Frank đã dành cả đêm để sửa chữa những các bức thành và tháp bị hư hại và vào buổi sáng, người Viking lại tấn công và một lần nữa bị đẩy lùi.
Không thể chiếm được tháp hay chọc thủng tường thành, người Viking đã thực hiện một cuộc bao vây kéo dài.
Trong khi đó, Paris không chỉ phải chịu đựng bởi giặc bên ngoài mà còn vì bệnh dịch bên trong đã mang đến cái chết cho nhiều người quý tộc. Trong các bức thành không có đất để chôn người chết. Bá tước Odo đã cầu xin Charles Béo, hoàng đế của người Frank, giúp đỡ cho thành phố đang gặp khó khăn.
Charles đến thành phố vào năm 886 , nhưng thay vì tham gia vào trận chiến, ông đã trả tiền để người Viking rời đi và đề nghị họ đến tàn phá Burgundy thay vì Tây Francia. Người Viking đã nhận tiền và làm theo lời ông ta đề nghị nhưng người dân Paris không ưa gì chiến thuật của Charles Béo. Sau khi ông mất, Odo được tôn làm vua.
Rollo và Hiệp ước
Sau Cuộc vây hãm Paris 885-886 , Rollo vẫn ở Tây Francia, xuôi ngược sông Seine để đánh phá. Các chỉ huy dưới quyền của Charles Trung thực đã đạt được một số thành tựu trong năm 897-898 trong việc đánh bại người Viking nhưng họ không thể đánh bật chúng hoặc ngăn chặn các cuộc đột kích.
Nhận ra rằng không có hy vọng đánh bại Viking, Charles đề xuất một thỏa thuận với Rollo: tù trưởng Viking sẽ nhận đất và cưới con gái của nhà vua, Gisla, đồng thời cải đạo sang Cơ đốc giáo và trở thành chư hầu và người bảo vệ trung thành cho vương quốc của Charles.
Rollo đồng ý với đề xuất này và Hiệp ước Saint Clair sur Epte được ký kết vào năm 911. Đúng như lời của mình, Rollo trở thành chiến sĩ của nhà vua và cuộc tấn công của người Viking đã kết thúc. Rollo đã xây dựng lại các cộng đồng bị phá hủy trong các cuộc đột kích trước đó, thiết lập luật lệ hiệu quả hơn và sau đó tham gia cùng Charles trong chiến dịch khôi phục trật tự ở các vùng khác, giúp nhà vua giữ ngai vàng khi bị Robert I đe dọa. Lần đầu tiên kể từ các triều đại của Charlemagne và Louis Mộ Đạo, Tây Francia sống trong hòa bình và phát triển ổn định.
Nguồn:
Viking Raids on Paris, Joshua J. Mark
The Vikings: A History, Ferguson R.
