NHỮNG CHUYỆN KỂ VỀ ALEXANDER ĐẠI ĐẾ

Alexander Đại đế mất ngày 10, 11 hay 13 tháng 6 có lẽ không quan trọng bằng những chiến tích lẫy lừng và con người hào hiệp của ông. Vì vậy xin được góp nhặt và chia sẽ những câu chuyện về vị vua trẻ bạc mệnh này ạ.

—————-

1️⃣ Alexander Đại đế được cho là mất vào ngày 10 hay 11 tháng 6 Dương lịch đến nay vẫn còn chưa rõ, tuy vậy, tài năng và sức ảnh hưởng của ông thì luôn vĩ đại đến mức thời gian cũng không thể làm lu mờ được. Đến nay, cái chết của ông năm 33 tuổi được cho là một trong những mất mát lớn nhất của thế giới cổ đại.

2️⃣ Alexander Đại đế là cái tên để đời của vị vua Alexandros III, con trai của vua Philip II xứ Macedonia. Vua Philip của Macedonia có lẽ đã trở thành cái tên nổi tiếng nhất thời bấy giờ với những kế hoạch tài tình nhằm thâu tóm Hy Lạp, NẾU NHƯ, con trai Alexander của ông không vượt trội đến mức vượt xa thành tựu Hy Lạp đó, chiếm Ai Cập, đánh bại đế chế Ba Tư của Châu Á (khi đó vẫn đang đè đầu cưỡi cổ cả Ai Cập và đe dọa các thành bang Hy Lạp), mở rộng bờ cõi tới tận Ấn Độ…

Chuyện kể rằng khi còn nhỏ, mỗi khi vua Philip xâm chiếm một thành phố Hy Lạp mới, Alexander lại bật khóc và nói: “Cha không để lại gì cho con chinh phục khi con lên ngôi!” Có lẽ từ lúc nhỏ, Alexander đã phải trù tính cho tương lai không-còn-gì-để-chinh-phục của mình.

3️⃣ Sau khi vua Philip bị ám sát, cả đất nước Hy Lạp và lãnh thổ Macedonia đều về tay anh chàng điển trai với mái tóc xoăn điển hình Alexander III. Khi đó ông chưa đầy 20 tuổi, người Hy Lạp tự tin rằng tự do sẽ về tay họ, bởi nhà vua ngoại bang kia chỉ là một thiếu niên. Nhưng hình như họ đã quên mất vị thiếu niên nào đó chính là con trai cưng của vua Philip và là học trò xuất sắc của Aristotle – nhà triết học và bác học lỗi lạc của Hy Lạp cổ đại. Và chứng minh cho điều đó, Alexander dẹp loạn ở Hy Lạp còn nhanh chóng hơn cha mình nữa.

4️⃣ Chuyện kể rằng khi Alexander xuất hiện trước các lãnh đạo Hy Lạp tại thành Corinth, họ đón chào nồng nhiệt và phủ lên vị vua những lời khen ngợi hào nhoáng – tất cả mọi người – ngoại trừ một người, đó là triết gia kỳ quặc Diogenes. Vì vậy Alexander đến thăm Diogenes – lúc này đang nằm khỏa thân trong một cái thùng gỗ để phơi nắng. Alexander nói với Diogenes: “Ta thích ông. Hãy nói ra mong ước của ông rồi ta sẽ ban cho.” Diogenes đáp: “Vậy làm ơn dịch cái bóng của ngài ra, đừng xen vào giữa tôi và mặt trời.” Và Alexander dịch ra thật, và dành cho ông sự tôn trọng đến mức: “Nếu ta không phải Alexander, ta muốn được như Diogenes.”

5️⃣ Sau khi bình định Hy Lạp, Alexander chuẩn bị lên đường cho cuộc viễn chinh tới châu Á. Ông đem tặng tất cả của cải cho bạn bè, khiến họ hoảng hốt hỏi: “Nhưng ngài có giữ lại gì cho mình hay không?” “Hy vọng” – đó là câu trả lời của nhà vua và sau này trở thành bất khả chiến bại. Xét về khía cạnh của một câu chuyện buồn, thì quả thật Alexander đã không bao giờ trở về quê nhà nữa sau cuộc viễn chinh vang dội, “hy vọng”, có lẽ chính là điều sáng suốt nhất mà Alexander đã lựa chọn mang theo bên mình.

6️⃣ Các sử gia đánh giá Alexander là vị tướng tài ba và liều lĩnh nhất trong các danh tướng thế giới. Số lần ông bị thương trên chiến trường nhiều vô kể. Thậm chí trong một lần công thành khá khó khăn, Alexander nhận được lời tiên tri rằng ông sẽ bị thương, và sau đó sẽ chiếm được thành này. Ban đầu ông bỏ ngoài tai, cho đến khi bị một vết đâm xuyên qua cả áo giáp, ông mới mừng như điên bởi vì phân nửa lời tiên tri đã ứng nghiệm. Sau đó đúng là ông thắng được thành này, còn vết thương có khả năng đã lấy mạng ông thì ông chẳng để tâm.

7️⃣ Khi các binh sĩ b.iểu t.ình muốn kết thúc cuộc chinh phạt mệt mỏi đã kéo dài 12 năm, Alexander trả lời họ: “Có lẽ các ngươi có thể nói rằng, ta – với vai trò là thống lính của các ngươi – đã chẳng phải mệt mỏi và đau khổ, điều mà các ngươi đã phải chịu đựng để giành cho ta mọi điều ta đang có. Nhưng liệu có bất cứ ai trong số các ngươi thấy rằng y đã phải chịu nhiều gian khổ vì ta hơn ta đã chịu vất vả vì y? Hãy bước lên – nếu các ngươi từng bị thương, hãy cho ta xem vết thương của các ngươi, và ta cũng sẽ cho các ngươi thấy vết thương của ta. Không có phần thân thể nào của ta ngoại trừ lưng lại không mang sẹo; dấu vết thương tích của các loại vũ khí ta đều mang trên người.”

Tại sao lại ngoại trừ lưng? Có thể hiểu rằng một vết sẹo trên lưng của người chiến binh chính là nỗi nhục họ đã từng quay lưng bỏ chạy trước kẻ thù. Alexander chưa một lần bỏ chạy.

8️⃣ Chinh phục từ Tây sang Đông, nhưng một đặc điểm chứng minh cho tinh thần hiệp sĩ của Alexander chính là ông không bao giờ sỉ nhục hay có tư thù với những đối thủ của mình. Ngược lại, ông sẵn sàng tôn trọng những đối thủ của mình nếu thấy họ vừa ý mình..

Ví dụ, sau khi đặt chân đến Ấn Độ và bị Porus phục đánh, đây là một trong những trận chiến lớn nhất mà Alexander thậm chí đã xém mất mạng. Cuối cùng vua Porus vẫn bại trận và bị dẫn đến trước Alexander trong xiềng xích, Alexander hỏi ông: “Ngài muốn điều gì từ phía ta?” “Chỉ cần ngài đối xử với ta xứng đáng với địa vị của của một quốc vương, không gì thêm nữa” – vua Porus trả lời. Alexander đã ấn tượng đến độ trả lại vương quốc cho ông ta.

Ngược lại, đối với Darius – vị hoàng đế của đế chế Ba Tư cổ đại, người từng là kình địch lớn nhất của Alexander, ông viết thư cho cho Darius (lúc này đã bỏ trốn) cho biết vợ con và quân đội của ông ta đều được đối xử tốt, và rằng “mặt khác, nếu ông muốn nói đến ngai vàng của mình, hãy đứng đó và chiến đấu thay vì bỏ chạy.”

9️⃣ Tuy có tài quân sự, học vấn uyên bác và tính tình hào hiệp, Alexander vẫn bị nhiều sử gia Hy Lạp ghét vì nghiện rượu (nghiện nặng cỡ nào thì không ai biết) và có những buổi truy hoan quá mức. Người xưa ở Hy Lạp còn có những chuyện kể rằng, ở bên kia châu lục, trong chuyến viễn chinh của mình Alexander đã giết binh lính một cách độc đoán. Những chuyện này có nhiều dị bản. Bên cạnh đó, ta biết rằng có ít nhất hai lần, khi binh lính chán nản với cuộc viễn chinh và muốn quay về, Alexander đã phải ra sức thuyết phục, và kết quả thường là ônggiận dỗi đóng cửa không chịu gặp ai. Sau khi trả lại Ấn Độ cho quốc vương Porus, Alexander cũng chịu quay về nhưng bảo các binh lính phải đi con đường khác vì ông muốn xem nhiều vùng đất khác.

? Câu chuyện cuối cùng là về cái chết của Alexander. Khi ông mắc một căn bệnh năm 33 tuổi và biết mình sẽ chết, chuyện kể rằng Alexander tuyệt vọng đến mức muốn nhảy sông để người khác tưởng ông đã biến mất như một vị thần. Nàng Roxana đã kịp ngăn ông nhảy sông nhưng không thể ngăn được cái chết của vị hoàng đế trẻ tuổi đầy tham vọng này.

Nguồn: Chuyện Đọc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *