ĐÂY LÀ NHỮNG LỖI “THẺ ĐỎ” KHI ĐI PHỎNG VẤN?
LÀM SAO ĐỂ BIẾT MÌNH ĐÃ “CỐ GẮNG HẾT SỨC”?
ĐI PHỎNG VẤN SỚM 30 PHÚT, TẠI SAO KHÔNG?
Với trải nghiệm đi phỏng vấn nhiều công ty lớn như Facebook, Google và cũng đã thành công đây đó vào được những công ty lớn như Microsoft, Nielsen, BCG, mình sẽ chia sẻ những bài học mình rút ra để có một buổi phỏng vấn thành công.
Bài viết dưới đây là TOÀN BỘ NỘI DUNG được trích trong video trên trang Youtube cá nhân của mình, bạn nào thích xem dạng video format thì có thể vào link sau nhé
https://www.youtube.com/watch?v=7cnIdcJ3w24
7 CÂU HỎI PHỎNG VẤN PHỐ BIẾN | CHIẾN LƯỢC PHỎNG VẤN THÀNH CÔNG
Là ứng viên, được mời đi phỏng vấn là một cảm giác rất hạnh phúc. Dù sự chuẩn bị nội dung phỏng vấn là rất quan trọng, sự thành công, đôi khi nằm trong những chi tiết nhỏ nhất: đi sớm, áo quần chỉn chu hay một nụ cười!
Một ứng viên sẽ tối đa cơ hội thành công, khi chuẩn bị chỉn chu nhất cả về HÌNH THỨC lẫn NỘI DUNG, trong một buổi phỏng vấn. Dưới đây là những “chẩn bệnh” của mình về những lỗi “thẻ đỏ” thường gặp, và cách khắc phục những căn bệnh đó một cách hiệu quả nhất!
VỀ MẶT HÌNH THỨC
CHẨN BỆNH
Hồi đi làm BCG, mình cũng có phỏng vấn một vài bạn vào thực tập trong công ty. Có một điểm gì mà mình ghét nhất ở ứng viên, đó là đi trễ. Thường bạn nào đi trễ, dù phỏng vấn có tốt đến đâu mình cũng ấn tượng rằng bạn này không nghiêm túc, vậy nên mình không bao giờ chọn bạn ấy cả. Lạ thiệt, đi phỏng vấn, nhưng quyết định tuyển hay không tuyển lại chẳng liên quan đến những gì bạn nói cả.
Đi trễ, ăn mặc xuề xoà, phỏng vấn thiếu năng lượng đều là những lỗi LOẠI TRỰC TIẾP – THẺ ĐỎ trong quá trình phỏng vấn. Vậy nên trước khi quá lo lắng về nội dung, hay đảm bảo hình thức khi đi phỏng vấn của chúng ta phải thật tốt.
CHỮA BỆNH
Hãy đi sớm đúng 30 phút. Có 10,000 lí do có thể khiến bạn đi trễ: Đồ chưa ủi, không tìm ra giày, mất chìa khoá, kẹt xe, đụng xe, không tìm ra được địa chỉ công ty, không tìm ra chỗ gửi xe. Nếu bạn đi sớm 30p, bạn sẽ có đủ thời gian giải quyết mọi sự bất ngờ nói trên. Trong lúc chờ đợi, bạn luôn có thể uống li cafe, đọc sách, hoặc xem 3-4 video Youtube thế này. Không ai phiền khi bạn đi sớm 30 phút, nhưng họ sẽ rất khó chịu nếu bạn đến trễ 1 phút đấy.
Hãy ăn mặc chuyên nghiệp. Áo sơ mi và quần tây hoặc váy juyp công sở không bao giờ lỗi thời. Đây là tiêu chuẩn không bao giờ được vi phạm, thậm chí đối với những công ty nổi tiếng ăn mặc tự do. Bạn đang là ứng viên, chứ chưa phải là nhân viên của công ty. Ngoài ra cũng nhớ ủi quần áo cho thật phẳng phiu, đi giày tây hoặc giày cao gót nhé.
Cuối cùng, trong buổi phỏng vấn, hãy thể hiện một tác phong vui vẻ và tự tin. Hãy cố gắng cười nhiều hơn lúc bạn nói chuyện bình thường. Và đặc biệt chú ý PHẢI CƯỜI ở 2 thời điểm: Giới thiệu bản thân, và lời cảm ơn sau khi kết thúc buổi phỏng vấn. họ có thể sẽ không nhớ những gì bạn nói, nhưng chắc chắn sẽ nhớ cảm xúc bạn mang đến buổi phỏng vấn đó.
VỀ MẶT NỘI DUNG
CHẨN BỆNH
Trong khi hình thức có 3 nguyên nhân thất bại thì nội dung có đến 10 nguyên nhân thất bại lận. Các bạn chuẩn bị sẵn sàng giấy bút để ghi các nguyên nhân thất bại mà mình sẽ tóm tắt sau đây nha
1. Thiếu chuẩn bị
2. Thiếu chuẩn bị
3. Thiếu chuẩn bị
4. Thiếu chuẩn bị
5. Thiếu chuẩn bị
6. Thiếu chuẩn bị
7. Thiếu chuẩn bị
8. Thiếu chuẩn bị
9. Thiếu chuẩn bị
10. Thiếu chuẩn bị
Got-cha! Thực ra là chỉ có 1 nguyên nhân thất bại là THIẾU CHUẨN BỊ mà thôi.
Nhà tuyển dụng mời bạn đến phỏng vấn là có lí do của họ. Họ đã tin tưởng vào những gì bạn viết trong CV, rằng bạn có thể làm được việc. Phỏng vấn chủ yếu là để xác nhận lại những điều đó, và khám phá thêm về bạn ở ngoài đời thực. Nếu không chuẩn bị, bạn sẽ nói chuyện không tự tin, trả lời không rõ ràng rành mạch, thiếu đi nhiệt huyết với công ty và công việc. Kết quả đương nhiên là rớt rồi.
Nhiều bạn nghĩ, lỡ đâu tôi chưa đủ khả năng thật, chứ không phải do thiếu chuẩn bị. Mình thì thấy khả năng của mình đến đâu, không bao giờ mình biết được. Chỉ khi mình cố gắng hết sức mà vẫn rớt, thì lúc đó mình mới đạt được đến giới hạn của mình. Khi đó nếu rớt chúng ta cũng buồn, nhưng sẽ không có gì để tiếc nuối.
Giống như trong tình yêu đó các bạn. Mình yêu người nào thì mình phải đưa nhau đi chơi hết chỗ này đến chỗ kia, đi ăn sập hết thành phố, nói chuyện nhắn tin ít cũng phải một hai tháng thì mới biết hợp hay không. Chứ cưa cẩm ai mà cũng chỉ nói chuyện 1 hai buổi rồi nói là “không hợp”, hết người này đến người khác, thì chắc ế cả đời đó các bạn!
CHỮA BỆNH
BƯỚC 1: TÌM CÁC CÂU HỎI
Cần chuẩn bị bao nhiêu câu hỏi? Một cuộc phỏng vấn dài trung bình 30 – 60 phút, nếu mỗi câu hỏi và trả lời mất 3 phút, chúng ta có 10-20 câu hỏi trong một buổi phỏng vấn. Nhiều công ty có cả một ngân hàng hàng trăm câu hỏi để tuyển chọn ứng viên. Chúng ta không thể nào biết hết, nếu biết thì cũng không đủ thời gian chuẩn bị, nếu đã chuẩn bị cũng không thể nào nhớ khi đi phỏng vấn! Căng thẳng chưa.
Vậy nên thôi mình trước hết cần chuẩn bị những câu hỏi phổ biến nhất khi đi phỏng vấn nha. Sau đây là danh sách 7 câu hỏi phỏng vấn, mà theo mình là phổ biến nhất :
1. Hãy giới thiệu bản thân?
2. Tại sao bạn apply vào công ty và vị trí này?
3. Điểm mạnh của bạn?
4. Điểm yếu của bạn?
5. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong 5 năm tới?
6. Tại sao bạn rời công việc trước?
7. Bạn có câu hỏi gì không?
Ngoài các câu hỏi trên, các bạn nên google thêm các câu hỏi phổ biến khác để chuẩn bị thêm kỹ lưỡng. Ngoài ra với từng công ty, từng công việc sẽ có những câu hỏi chuyên môn hoặc hình thức phỏng vấn riêng biệt cần đầu tư thời gian rất nhiều nữa đó.
BƯỚC 2: VIẾT CÂU TRẢ LỜI
Ở bước này, hãy viết câu trả lời của riêng bạn cho từng câu hỏi nêu trên. Viết ở đâu không quan trọng, trên giấy hoặc trên máy đều được. Cách chuẩn bị đó là viết ý chính. Ví dụ như sau
“Hãy giới thiệu bản thân bạn?”
– Tên Lê Minh Đạo, 28 tuổi
– Kinh nghiệm làm việc phù hợp
– Nielsen – 3 năm – Senior Executive. Chi tiết…
– BCG – 2 năm – Associate. Chi tiết…
– Yêu thích công ty và công việc, cụ thể là…
– Tôi là người phù hợp với vị trí này vì…
Mình thích cách làm này vì nó có cấu trúc rõ ràng, dễ triển khai ý, dễ chuẩn bị nhiều câu hỏi, và QUAN TRỌNG NHẤT, mình có thể nhớ được và nói lại trong buổi phỏng vấn.
Các bạn KHÔNG NÊN viết câu trả lời chi tiết từng lời một. Ví dụ
“Hãy giới thiệu bản thân bạn?”
A: Dạ em tên là Minh Đạo. Em 28 tuổi. Em có kinh nghiệm làm việc 5 năm. 3 năm đầu tiên em làm việc tại Nielsen, với vị trí Senior Executive. Chi tiết là em làm việc… Sau đó từ đầu 2019 đến nay, em làm việc tại BCG với vị trí Associate, ở đây em làm các công việc… Em biết đến công ty qua… Theo em được biết, vị trí này đòi hỏi một người…
Vấn đề của cách chuẩn bị câu hỏi này là rất tốt thời gian. Quan trọng hơn, khi phỏng vấn thực tế, bạn sẽ không nhớ được từng lời từng từ để trả lời. Và nếu có nhớ câu trả lời các bạn sẽ rất máy móc. Trả lời phỏng vấn phải vừa rõ ràng, đủ ý nhưng cũng phải tự nhiên các bạn nha. Vậy nên hãy chi ghi ý chính mà thôi
BƯỚC 3: TẬP NÓI VÀ PHỎNG VẤN THỬ
Rồi bước cuối cùng rồi. Hãy tập nói trước gương các câu hỏi này thật nhiều lần các bạn nhé. Mỗi câu như vậy phải chuẩn bị ít nhất 3 lần.
Để dễ dàng, mình cứ đặt ra tiêu chuẩn là cần ít nhất 2 tiếng đồng hồ để chuẩn bị một buổi phỏng vấn chỉn chu. Nếu chuẩn bị trên 2 tiếng thì coi như mình đã làm hết sức, có rớt cũng không quá tiếc các bạn nha.
Tiếp theo, mình cũng phải chuẩn bị ít nhất MỘT buổi phỏng vấn thử với một người bạn hoặc một người anh chị đã có kinh nghiệm đi làm. Trả lời có đủ ý, tự tin, tự nhiên hay không thì phải có người khác đánh giá mới được. Những feedback của họ sẽ rất quý giá để giúp bạn cải thiện.
LỜI KẾT
Đừng quên COMMENT câu hỏi bạn thấy hóc búa nhất, hoặc những cách các bạn đang chuẩn bị cho phỏng vấn. Sắp tới mình sẽ còn hướng dẫn trả lời TẤT CẢ CÁC CÂU HỎI PHỎNG VẤN phổ biến nha!