Truyện ngắn
Cái vé
Cuộc sống bế tắc này làm cho anh thấy khổ sở. Anh khỏe mạnh, đã tốt nghiệp đại học, thế mà không làm sao kiếm được công việc ra hồn. Mãi mới xin được chỗ làm như ý ở một Công ty xây dựng, nhưng được hai năm, cái công ty đó bị giải thể vì thua lỗ, anh thất nghiệp.
Vợ anh làm ở nhà máy may, lương ba cọc ba đồng, đã thế ít việc, ngày làm ngày nghỉ, chắc là thời buổi khó khăn, người ta cũng ít xây nhà, ít mua sắm quần áo.
Căn nhà trọ chật chội mà hai vợ chồng anh thuê trong con ngõ nhỏ trên đường Tân Mai, lúc nào cũng tối um, vợ anh muốn tiết kiệm tiền điện. Chỉ có cái quạt bàn duy nhất trong nhà là chạy liên tục, như không chỉ thổi mát trong những ngày hè nóng nực kinh khủng này, mà còn để thổi bớt đi cái không khí ngột ngạt, bức bối trong nhà.
Gần đây anh không muốn ở nhà, không phải vì ở nhà nóng bức hay tối tăm, anh không muốn về vì không muốn chứng kiến cảnh vợ anh, với khuôn mặt xanh xao vì suốt ngày ngồi trong xưởng may, buổi tối lại cặm cụi gấp giấy ăn thuê cho một gia đình cùng ngõ, chuyên làm giấy ăn giao cho các nhà hàng. Anh không muốn nhìn cái dáng người mảnh khảnh, ngồi thẳng lưng vì cái bụng mang bầu 5 tháng, không muốn nhìn đôi vai gày, nhô lên tụt xuống theo nhịp tay gấp giấy, bên dưới làn áo hoa trước đây vốn màu hồng, màu mà vợ anh rất thích, nay đã bạc phếch. Anh thấy ngại khi nhìn vào khuôn mặt vốn trước đây thanh tú, giờ tiều tụy, hốc hác của vợ.
Anh chán, không chán sao được khi mà không nơi nào nhận anh, một kỹ sư xây dựng được đào tạo bài bản, tốt nghiệp loại giỏi vào làm việc. Ước mơ của anh là có một công việc đàng hoàng, thu nhập cao, chuyên môn của anh là xây dựng những công trình vĩ đại, những ngôi nhà to lớn, chứ không phải là cái công việc làm bảo vệ cơ quan hay đi giao lạc rang như bạn anh vừa giới thiệu. Vợ anh hiểu anh, chiều anh, tôn trọng mơ ước của anh, cô làm mọi việc để anh có thời gian, sức khỏe đi tìm công việc mơ ước. Vậy mà anh đã đi gõ cửa khắp nơi, mãi vẫn không xin được việc.
Trời nóng, trong người còn 300.000 đồng tiền tiêu dọc đường cho công cuộc tìm việc làm, bằng một tuần tiền công vợ anh ngồi gấp giấy ăn buổi tối, anh muốn uống một trận bia cho thỏa thích, cho hết tiền thì thôi, cho bõ những lần đi qua hàng bia gần nhà, chứng kiến cảnh những thanh niên trạc tuổi anh phởn phơ ngồi nhậu, trong khi anh thì đầu tắt mặt tối kiếm việc.
Uống đã, rồi ngày mai, muốn ra sao thì ra.
Đang ở quán nước đối diện hàng bia để mua bao thuốc lá, anh chợt nghe thấy hai người bàn luận về một anh tên là Ních gì đó, người Úc, không chân không tay, nghị lực phi thường, vượt lên số phận, sẽ có buổi nói chuyện vào tối nay ở sân vận động Mỹ Đình. Anh bỗng muốn được vào đó, được chứng kiến, được nghe, để tìm ra động lực cho bản thân khi cuộc sống dường như không có lối thoát. Rồi thấy họ nói thừa ra 1 vé vào cửa, anh mạnh dạn hỏi mua. Thật may là anh chưa uống bia nên đủ tiền để mua vé.
Về nhà, kể với vợ việc chi hết tiền để mua vé đến nghe cái ông không chân không tay kia diễn thuyết, vợ anh không hề trách, cô rất mừng, cô còn dặn, nếu có thể, anh chọn chỗ gần nhất mà ngồi. Cô hiểu, điều cần thiết nhất với anh bây giờ là niềm tin, biết đâu, sau khi nghe diễn thuyết, chồng cô sẽ lấy lại được niềm tin vào bản thân, niềm tin vào cuộc sống.
Đến sân Mỹ Đình. Còn quá sớm, anh ngồi chờ ở hàng nước gần sân. Đối diện với anh là một người trung niên, nước da sạm nắng, đôi chân teo tóp, ngồi trên xe lăn. Trên đùi là cái hộp vé số, tay ông cầm một cái váy trẻ con màu hồng được bọc trong cái túi nilon. Ông kể ông rất muốn được nhìn, được nghe anh Ních bằng xương bằng thịt đó nói chuyện, muốn xem bằng cách nào một người không chân tay lại có thể vươn lên như thế?, chả gì, ông cũng còn hơn anh ấy hai cánh tay. Nhưng trên đường đến đây mua vé, thấy có cái váy đẹp, ông đã dùng tiền lẽ ra để mua vé, mua cho con cái váy, để ngày khai giảng nó mặc cho bằng bạn bằng bè, ánh mắt ông ánh lên vẻ hạnh phúc.
Bên kia đường, chỗ cái cổng soát vé, mọi người ăn mặc đẹp đẽ, cười nói vui vẻ, nườm nượp vào xem.
Anh về đến nhà, vợ anh dừng tay gấp giấy, ngẩng lên hỏi:
– Sao anh về sớm thế?, em thấy TV vẫn đang phát trực tiếp ông Ních diễn thuyết cơ mà.
Ôm chặt lấy đôi vai gầy của cô, anh nói khi vục đầu vào mái tóc mềm mại. Rằng anh đã đưa cái vé đó cho người cần nó hơn, anh đã học được rồi, anh không cần phải nghe ông Ních đó nói, anh sẽ cố, vì em, vì con, anh sẽ làm mọi việc, anh sẽ làm tất cả, anh tin rồi chúng ta sẽ hạnh phúc.
Ôm anh, cô mỉm cười, cặp môi vốn nhợt nhạt trở nên hồng hào, tươi tắn như bông hoa mới nở, đón hai giọt nước mắt long lanh như sương buổi sớm đang trôi xuống.
24/5/2013
Phạm Trần Oánh