1/ Trưng Trắc – Trưng Nhị
Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi và là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh thuộc dòng dõi Hùng Vương. Cặp chị em anh hùng này đã làm vang danh sử Việt với cuộc khởi nghĩa chống lại sự đô hộ tàn bạo của giặc phương Bắc, lập lại hòa bình vào mùa xuân năm 40.
Khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc lên ngôi vua, nhà Hán sai Mã Viện cầm đầu đạo quân tái xâm lược. Hai bà vẫn dũng cảm đương đầu với giặc và hy sinh anh dũng tại dòng Sông Hát vào năm 43. Tên tuổi của hai bà sẽ mãi được lưu danh muôn đời cho hậu thế về sau với những chiến công hiển hách…
2/ Công chúa Thuận Thiên – Công chúa Chiêu Thánh
Hai người phụ nữ đã quá nổi tiếng trong sử Việt bởi chính số phận bi kịch và éo le của họ. Tháng 11/1225, dưới sự dàn xếp công phu của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh, chấm dứt sự tồn tại 216 năm của nhà Lý.
Những tưởng cuộc hôn nhân với Trần Cảnh sẽ hạnh phúc mãi mãi, Lý Chiêu Hoàng bị truất ngôi Hoàng hậu chỉ vì không sinh được con nối dõi cho nhà Trần. Cùng lúc đó, chị gái bà là Thuận Thiên Công chúa đang mang thai 3 tháng với anh trai Trần Cảnh lại được phong làm Hoàng hậu. Em gái phải rời xa chồng, chị gái vốn đang có một cuộc hôn nhân hạnh phúc lại bị ép lấy em trai của chồng mình. Thật cay đắng và nghiệt ngã làm sao!
3/ Công nữ Ngọc Vạn – Công nữ Ngọc Khoa
Hai nàng đều là con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên – vị chúa thứ hai của chính quyền Đàng Trong vào khoảng thế kỉ thứ 17. Đặc biệt, cả hai chị em đều được gả đi làm dâu ở xứ người.
Người chị Ngọc Vạn có một cuộc hôn nhân chính trị với vua Chân Lạp Chey Chetta II nhằm mở rộng mối quan hệ giao bang của hai nước. Nhờ đó, bản đồ Việt Nam ngày càng được mở rộng xuống phía Nam. Khác với chị của mình, Ngọc Khoa ít được sử sách Việt ghi lại mà thường được nhắc đến qua những câu chuyện của người Champa. Tương truyền, vua Chiêm Thành Po Rome vừa gặp đã mê mẩn nhan sắc diễm lệ của bà. Năm 1631, Ngọc Khoa chính thức được hôn phối cho ngài, nhờ đó mà mối quan hệ giao hảo giữa hai nước được hình thành và củng cố. Sau đó, Po Rome tử trận trong cuộc nghênh chiến với Đại Việt, Ngọc Khoa hay tin cũng tự sát theo chồng.
Dù kết cục có như thế nào đi chăng nữa, không thể phủ nhận rằng sự hi sinh lớn lao của hai nàng công nữ đã giúp cho mưu đồ chính trị của chúa Nguyễn thành công, cũng như bờ cõi nước Việt ngày càng mở rộng và phát triển.
4/ Lê Ngọc Hân – Lê Ngọc Bình
Người ta thường nhắc đến công chúa Lê Ngọc Hân mà vô tình lãng quên số phận và cuộc đời của em gái bà – công chúa Lê Ngọc Bình. Hai người đều là con gái của vua Lê Hiển Tông và là chị em cùng cha khác mẹ. Năm 1789, Ngọc Hân được chồng là Hoàng đế Quang Trung phong làm Bắc cung Hoàng hậu.
Sau khi chồng mất, bà đã làm mối em gái mình cho Quang Toản – hoàng đế nối ngôi khi chỉ mới 10 tuổi của triều đại Tây Sơn. Sự việc này đã làm nảy sinh ra mối quan hệ rối ren giữa Ngọc Hân và Ngọc Bình khi hai người vừa là chị em vừa là mẹ chồng nàng dâu. Sau này, Ngọc Hân mất, Nguyễn Ánh đem quân chiếm đánh Phú Xuân và nhìn trúng Lê Ngọc Bình. Bà được nạp làm phi và sinh cho Nguyễn Ánh bốn người con.
Theo: Chuyện Hậu Cung