1. Công ty cấp máy tính cho nhân sự – đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về!
Đối với nhiều người, đặc biệt là sinh viên mới đi làm, không phải ai cũng có laptop cá nhân hoặc sẵn sàng mang máy tính “đi đi lại lại” giữa nhà và công ty. Việc công ty cung cấp máy tính cho mỗi nhân sự có vẻ là một ưu đãi khá tốt bên cạnh lương, thưởng mà người lao động nhận được. Tuy vậy, cần chú ý:
– Nhớ cài mật khẩu máy tính, và sign out tất cả các tài khoản làm việc mỗi khi rời văn phòng.
– Tất cả các công ty đều có phần mềm tracking trong các máy tính cung cấp cho nhân sự. Đây không phải phần mềm để ăn cắp thông tin cá nhân, mật khẩu mà nhằm mục đích bảo mật và kiểm soát kỉ luật làm việc của mỗi nhân viên (Ví dụ: bạn có copy tài liệu mật của công ty ra ngoài hay upload lên đám mây không…, bạn có làm việc riêng như xem phim, chơi game trong giờ làm việc không…) Bởi vậy, TUYỆT ĐỐI không đăng nhập các tài khoản cá nhân như mail, facebook, Instagram, web ngân hàng… bằng máy tính do công ty cung cấp. Cùng với đó, hãy nâng cao kỉ luật làm việc của mình, đừng nghĩ đến việc tranh thủ xem phim, chơi chứng khoán, lướt facebook… hay “xen canh gối vụ” làm job riêng trong giờ làm việc. Ban quản lý nhân sự biết hết các hoạt động của bạn đó!
– Tất nhiên, không ai chặt chẽ, nghiêm khắc đến mức “cấm cửa” bạn giải trí 2-3 phút. Nhưng nhớ rằng, hãy dùng điện thoại, laptop cá nhân để vào facebook, mail cá nhân nhé.
– Một tips nhỏ nữa: tai nghe nơi công sở rất có thể đã “qua tai” hàng chục người, hoặc bỏ kho nhiều tháng. Để an toàn nhất cho tai và bộ não của mình, hãy dùng tai nghe riêng!!!
2. Công cụ trao đổi công việc
– Nếu công ty trao đổi công việc qua facebook, zalo, hãy sẵn sàng và tự tin nói “KHÔNG” vì đó là một môi trường thiếu chuyên nghiệp. Nếu vẫn muốn trải nghiệm môi trường làm việc tại đây, đừng ngại lập nick clone, và dùng nick chính block tất cả đồng nghiệp và sếp :)))
– Các công cụ chat đang thịnh hành hiện nay như telegram, discord… đều có tính năng xóa, sửa tin nhắn (cả của chính mình và của người đang nói chuyện cùng). Bởi vậy, nếu có thể, hãy hình thành thói quen chụp ảnh màn hình giao việc-confirm, hoặc cài phần mềm record màn hình (nếu sợ app tracking có sẵn trong máy tính của công ty, bạn có thể đặt máy quay nhỏ ngay trước màn hình làm việc), ghi âm tất cả các cuộc họp nội bộ, họp toàn công ty, họp giao ban và giữ lại tất cả trên một đám mây. Chốn công sở đầy rẫy thị phi và drama, bạn sẽ không ngờ được chuyện gì sẽ xảy ra trong ngày mai, tuần sau hoặc 3 tháng nữa đâu!
– Truyền thống và an toàn nhất vẫn là công cụ mail! Hãy tạo lập thói quen trao đổi-giao-nhận công việc qua mail, và nhớ gửi mail confirm công việc ngay sau mỗi buổi họp.
3. Nhân sinh muôn vẻ về cái sự viết mail
– Gửi email thì nhớ cc quản lý của bạn vào.
– Gửi email tới bộ phận khác, phải ghi đủ thông tin cơ bản như chào hỏi, thưa gửi,… Kể cả mình có “to” hơn người nhận thì cũng hãy viết email ở vị trí “chiếu dưới”. Có mấy bạn nhỏ nhỏ đi làm, gửi email cho các bạn “to to” (vị trí cao hơn) mà đọc vào không hiểu ai mới cao, ai mới thấp.
– “Dạ”, “ạ” mang phong cách văn nói, không hợp với văn viết. Bên cạnh đó, dùng nhiều từ “ạ” sẽ khiến văn phong nặng nề, bản thân chúng ta bị hạ thấp, và cũng có thể bị coi là lặp từ, không cần thiết khiến email dài dòng, lê thê.
Hãy nắm vững điều này để luôn khiến mình trở thành một nhân viên chuyên nghiệp, tinh tế và an toàn suốt 8 tiếng văn phòng, bạn ạ.