NHỮNG BÀI HỌC TỪ NGHỀ BÁN HÀNG Ở CỬA HÀNG TIỆN LỢI

Mình có một khoảng thời gian từng làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng tiện lợi Vinmart+. Đó là một thời gian vô cùng mệt mỏi với những ngày làm việc 8h và hơn 8h mỗi ngày không được ngồi vào chiếc ghế một cách tử tế. Tại sao mình gọi là “ngồi tử tế”? Vì cả cửa hàng chỉ có duy nhất một cái ghế, chiếc ghế này để dành cho cửa hàng trưởng ngồi. Đó không phải là chiếc ghế cho một nhân viên bình thường.

Nhân viên phải đứng suốt thời gian làm việc, thời gian được ngồi thực sự là lúc đi vệ sinh. Nghe có vẻ buồn cười nhưng đó là sự thật. Và hầu như nhân viên bán hàng trong các siêu thị, chuỗi cửa hàng nào cũng vậy. Sẽ chẳng có một khách hàng nào đánh giá cao cửa hàng, siêu thị khi bước vào họ nhìn thấy nhân viên ngồi bệt dưới sàn nhà.

Những ngày đầu mới làm mình chưa quen nên bị nhức chân và rất đau lưng, tất cả sức nặng cơ thể dồn qua đốt sống lưng dần dần tới chân. Đôi chân ấy lẳng lặng chống đỡ mấy chục cân thịt mà chẳng dám kêu ca.

Làm việc lúc nào cũng mong tới giờ về, khi được ngồi lên xe đi về nhà mình mới có cảm giác đang được sống lại. Còn nhớ thời gian đó, mỗi khi về đến nhà việc đầu tiên mình làm là cởi dày và nằm dài trên giường chẳng muốn nhúc nhích đi đâu. Ám ảnh hơn cả đó là những ngày phải làm liền ca, ngày hôm nay làm ca chiều, ngày mai làm ca sáng.

Làm hai ca liền nhau như vậy đối với mình là một cơn ác mộng. Ca làm việc tối kết thúc lúc 22h, chưa kịp hồi sức đã đến 6h sáng ngày hôm sau lại phải tiếp tục đứng, tiếp tục làm việc. Chuông báo thức reo lên mọi sự mệt mỏi ùa về, cái lưng ấy không muốn rời xa giường. Lăn qua lăn lại mấy vòng mới đủ tỉnh táo để ngồi dậy rồi đứng dậy chuẩn bị tiếp tục một ngày làm việc mệt nhọc. 

Đó là thời gian thử thách khả năng chịu đựng của mình. Dù làm toàn bộ là những công việc chân tay, tưởng rằng nó không có gì giúp ích cho sự phát triển của mình. Nhưng cho tới nay khi đã nghỉ việc rồi mình mới nhận ra thời gian làm việc tại cửa hàng tiện lợi cho mình rất nhiều bài học làm thay đổi con người mình.

Sau đây là 6 điều mình học được từ thời gian làm việc tại cửa hàng Vinmart+:

1. Nói xin chào và cảm ơn mỗi ngày

Nghe có vẻ dễ nhưng để tạo thành một thói quen thì không phải là chuyện đơn giản. Trước khi làm tại Vinmart+ câu nói “cảm ơn” mình vẫn thường dùng khi nhận được sự giúp đỡ từ ai đó, dù việc người khác giúp đỡ là rất nhỏ chỉ như đưa cho mình một cây bút chì. Tuy nhiên lời nói “xin chào” mình thường ít khi sử dụng.

Mình chỉ mở lời chào khi gặp người lớn tuổi hoặc người có vai vế lớn hơn. Mình dường như bỏ qua lời chào khi gặp người ít tuổi hơn hoặc để họ chào trước rồi mình mới chào lại vì mình cho rằng người ta nên chào mình trước mới đúng.

Vào làm tại Vinmart+ mình được đào tạo bắt buộc phải nói câu “Vinmart+ xin chào” mỗi khi có khách mở cửa bước vào cửa hàng cho dù họ có mua hàng hay không. Nói câu “Cảm ơn” khi khách ra khỏi cửa hàng hoặc đã thanh toán xong. Mình nhận thấy rõ đây là cách thể hiện sự tôn trọng dành cho khách hàng, để lại ấn tượng cho những lần mua hàng tiếp theo.

Nếu đặt vị trí mình là một người mua hàng mình sẽ không thích những cửa hàng họ không niềm nở chào hỏi, và không có lấy một lời cảm ơn khi mình đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua hàng cho họ.

Câu nói xin chào và cảm ơn mình sử dụng hàng ngày và nó trở thành một thói quen. Mình sẽ “xin chào” khi mình về đến phòng để chào mọi người dù mình là thành viên lớn tuổi nhất phòng, nói câu “cảm ơn” mỗi khi các em giúp đỡ mình.

Mặc dù đây là câu nói rất ngắn gọn nhưng nó đã giúp mình trở thành một người biết phép lịch sự, hòa đồng với mọi người hơn.

2. Không chỉ tay bằng một ngón

Dùng một ngón tay để chỉ về phía nào đó, bất kể là người hay đồ vật,… đây có lẽ là tật xấu lớn nhất của mình. Có lần đi uống nước, bạn của mình từng dặn mình chỉ cần đưa mắt nhìn về ai đó mà mình đang nói tới khi họ có mặt ở quán nước là nó biết mình đang nói về người đó, không cần phải dùng tay để chỉ vào người ta.

Dùng một ngón tay để chỉ hàng cho khách là điều cấm kỵ không chỉ ở Vinmart+ mà ở bất cứ cửa hàng nào cũng vậy. Mình được dạy phải dùng cả bàn tay để chỉ hàng cho khách khi khách hỏi. Các ngón tay phải khép lại khi mình đưa tay ra. Đó là một hành động rất nhỏ nhưng nó thể hiện phép lịch sự khi giúp đỡ khách hàng.

Tuy tới nay mình chưa bỏ hẳn được thói quen chỉ tay bằng một ngón, thỉnh thoảng mình vẫn dùng một ngón tay để chỉ nhưng là chỉ vào đồ vật. Mình đã bỏ hẳn thói quen chỉ tay vào một người nào đó. Mình nhận ra rằng chỉ một ngón tay về phía ai đó là một con người kém lịch sự vì thế mà mình đã cố gắng để bỏ thói quen này.  

Theo: Spiderum

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *