NHỚ HƯƠNG MÙI GIÀ CHIỀU CUỐI NĂM

Mẹ mở nắp vung nồi, đổ đầy cho tôi một chậu nước mùi già vừa đun nóng ấm sực. Hương thơm phảng phất khắp căn nhà nhỏ, ấm áp và dễ chịu.

 Chiều cuối năm, tôi tất bật ra về sau buổi làm việc cuối cùng. Niêm phong tài sản, đóng cửa là mọi việc đã xong xuôi. Hai giờ chiều, tôi chạy về nhà, chuẩn bị bữa cơm cúng chiều ba mươi cùng gia đình.

Đường vắng hơn hẳn ngày thường, các gia đình ở xa đều đã về quê từ trước đó mấy ngày. Công sở cũng đã đóng cửa hết, kết thúc buổi làm việc cuối cùng từ hôm qua. Mọi người đều đã ở nhà chuẩn bị cho bữa cơm tất niên. Ngoài phố thưa thớt người qua vì hàng quán cũng đã đóng cửa. Chỉ có chợ  vẫn tấp nập. Những ai  chưa mua sắm hết đồ ăn cho mấy ngày Tết, tranh thủ mua nốt trong chiều hôm nay.

Một gánh mùi già đi qua trên chiếc xe đạp cũ kỹ, kẽo kẹt. Những bông hoa li ti, trắng muốt, chùm quả nhỏ xíu rung rinh theo từng nhịp quay đều. Chẳng rõ từ lúc nào, những bó hoa mùi già trở thành hình ảnh của Tết. Có hoa đào hồng, có quất chín vàng, có vi-ô-lét tím mà chưa có hương mùi già, xuân hình như còn thiếu và Tết vẫn chưa về.

Xe mùi già dùng những nhịp quay, đỗ lại bên hè phố. Chẳng cần mời gọi mua hàng vì hương hoa đã nói hộ cho sự có mặt của nó trên phố. Các bà, các mẹ tíu tít vây quanh, chẳng mấy chốc đã gần hết cả xe hoa mùi. Những ngày Tết, mùi giá bán chạy hơn rau ngoài chợ, hơn cả đào quất bởi gia đình nào cũng mua ít nhất vài bó về nấu nước tắm cuối năm cho cả gia đình. Hương thơm ngai ngái, dìu dịu và trầm ấm của mùi lan tỏa khắp con phố, xoa dịu bớt cái lạnh của mùa đông. Bó mùi lấp ló trong những chiếc làn đi chợ, tỏa về muôn ngả. Tôi cũng mua một bó mùi dù biết ở nhà thế nào mẹ cũng đã mua. Bó mùi già buộc sau đuôi xe tỏa hương thơm ngát dọc con đường về nhà.

Chẳng biết tục tắm mùi già cuối năm có tự khi nào nhưng đã trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày giáp Tết. Ấn tượng về loài hoa mùi trong tôi thuở bé chỉ là những bó hoa xấu xí được mẹ treo trong góc bếp, nhưng lại thơm hơn nhiều loài hoa thược dược, hoa vi-ô-lét hay hoa dơn cắm trên bàn và chỉ có khi Tết đến. Khi lớn lên, hương mùi thơm dễ chịu mỗi khi xuân về như một thói quen. Cũng chẳng có ai để ý cây hoa mùi đến từ đâu, chỉ biết đó là loài hoa báo Tết.

Sau một buổi chiều bận rộn với cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, mẹ cuộn tròn những bó mùi già vào một nồi nước lớn, đặt đun trên bếp. Cả nhà lần lượt tắm tất niên bằng nước lá mùi. Mùi để đun xanh lấm tấm, lác đác vài bông hoa trắng muốt bé xinh xinh. Mùi già cho hương thơm rất sâu và đọng lại rất lâu. Tắm xong, cả nhà thơm hương mùi ấm áp, phảng phất hương đến vài ba ngày Tết mới bay hết mùi. Tắm trong nước lá mùi ngày cuối năm để gột bỏ hết những lo toan, ưu phiền, mệt mỏi của một năm cũ, đón chào một năm mới nhiều niềm vui và hy vọng

Thời gian qua cuộc sống đã có nhiều thay đổi, cách đón Tết cũng giản đơn đi nhiều, nhưng phong tục tắm tất niên bằng nước lá mùi vẫn được giữ gìn. Một năm chỉ có một lần vào những ngày cuối năm, người Hà Nội lại được đắm mình trong hương thơm rất riêng của lá mùi già.

Lập gia đình rồi ra ở riêng, tôi vẫn giữ thói quen đun nước mùi già tắm cuối năm giống mẹ. Hương thơm của mùi già bay khắp không gian, vương vấn từng góc nhà, góc bếp, xua tan giá lạnh mùa đông bên ngoài. Cả nhà lại lần lượt đắm mình trong hương thơm bình dị ấy. Bây giờ người ta tắm gội sữa tắm, bằng xà phòng với đủ loại hương thơm của muôn loài hoa nhưng chỉ có hương mùi già với tôi mới thực sự là hương thơm của Tết, của Xuân về.

Tôi quấn mình trong hương mùi, để hương thơm xua tan đi những điều không may mắn của năm cũ. Hương mùi tựa lá xông, khiến ta thông thoáng hết đầu óc, toàn thân được thư giãn, thả lỏng. Hương mùi vuốt ve dịu dàng. Một năm cũ đi qua, một năm mới đang đến thật gần, cho những điều tuyệt vời hơn sẽ đến. Hương mùi già chiều cuối năm như tấm lòng mẹ ấm áp chở che, như mùa xuân đang về bên hiên nhà.

Bài viết của Nhà báo Lam Linh trong cuốn Tết Đoàn Viên do Sống phát hành.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *