Nhìn nhận khái quát Trung Quốc thời xưa như thế nào?
*bài viết tham khảo vài đoạn của tác giả ở nguồn, có thể gây khó chịu ở vài so sánh Đông – Tây. Tự thấy bài có giá trị nên lược dịch một đoạn nhỏ trong cả bài lớn để mọi người cùng đọc. Có sai thì mong lượng thứ, và góp ý.
Trung Quốc năm 1949 chọn cho mình hướng đi độc lập cho riêng mình, quay lưng lại với phương Tây. Dù rằng có những rất nhiều sự mở cửa từ những cải cách trong thời của Đặng Tiểu Bình, những cải cách mở cửa kể từ sự giảng hòa của Mao với Hoa Kì năm 1970, có vẻ Trung Quốc vẫn tiếp bước trên con đường riêng đã chọn.
Kể từ đó, đối với hầu hết truyền thông phương Tây, sự xuất hiện và vươn lên nhanh chóng của thứ gọi là “Red China” trên toàn cầu được đánh giá đầy xấu xa và nguy hiểm. Nhưng thực tế lịch sử của nước này đã chứng minh, sau hàng loạt thử nghiệm, chủ nghĩa Cộng sản phù hợp với sự phát triển của quốc gia này.
Màu vàng lại mới là màu chủ đạo gợi nhớ đến Trung Quốc trong danh sách dài các triều đại quân chủ trước khi nước CHDCND Trung Hoa ra đời năm 1949, vốn chiếm đa phần thời gian lịch sử của nước này. Màu vàng là màu của hoàng kim, một biểu tượng của hoàng gia. Người dân quốc gia này, trong hàng ngàn năm về trước đã tự định nghĩa cho bản thân mình là “những đứa con của Hoàng Đế (Yellow Emperor trong tiếng Anh)”. Một nhân vật huyền thoại “lập trình” nên nền văn minh của họ.
Nền văn minh mà màu vàng đại diện trong vài thiên niên kỉ này của Trung Quốc, ngày nay, bị đa phần người hiện đại đánh giá là tồi tệ, ngu dốt, lạc hậu, thối nát,… Nhưng phải công nhận, châu Âu và sự cất cánh của họ trong giai đoạn từ thế kỉ XVI tới thể kỉ XIX sẽ chẳng thể xảy ra nếu không có các phát minh tưởng như rất tầm thường từ “Nền văn minh vàng xấu xí” này trong suốt thời gian tồn tại của Hy Lạp cổ đại cũng như Đế chế La Mã. Không quá khi nói rằng, thời đại thống trị văn minh của châu Âu có công lớn từ giấy, kĩ thuật in, thuốc súng và la bàn, những phát minh đều đến từ Trung Quốc.
Người Trung Quốc đã phát minh ra la bàn như một công cụ điều hướng trong giao thông. Trong thời kì Tống – Nguyên, các tàu buôn từ Trung Hoa, Ba Tư, Ả Rập,… đã hoạt động rất tích cực trên biển khơi. Kĩ thuật in ấn của họ đến với Nhật Bản vào thế kỉ thứ VIII, Triều Tiên vào thế kỉ thứ X và Ai Cập vào thế kỉ XII, hoặc có thể sớm hơn một chút. Mãi tới tận thế kỉ XIII, Il-Khanate của Ba Tư mới học nó và truyền bá tới Châu Phi và Châu Âu. Kĩ thuật in “sắp chữ” tiên tiến, thuận tiện và linh hoạt hơn ra đời trong thế kỉ XI, đến Triều Tiên hai thế kỉ sau và một thời gian sau mới được sử dụng ở Châu Âu.
Việc giới thiệu súng từ Trung Quốc tới Châu Âu thì liên quan mật thiết tới các chiến dịch trải dài khắp quả đất của Đế chế Mông Cổ trong thế kỉ XIII. Bắt đầu từ cuộc xâm lược nhà Tống, người Mông Cổ đem công nghệ súng ổng ở đây tới các cuộc chiến ở Trung Á và Ba Tư, nhờ người Ả Rập học được cách sử dụng thuốc súng trong chiến đấu. Tiếp sau đó là người phương Tây với quá trình du nhập tương tự.
Nhìn nhận khách quan, thì Trung Quốc cổ là một xã hội vận hành tốt và ổn định với những khuôn khổ nhất định do nó đặt ra. Một xã hội đem lại không ít sự tò mò, ngạc nhiên xen lẫn thích thú cho những người phương Tây đến đây ngày một nhiều trong thế kỉ XIX. Chắc chắn rằng đó là một xã hội với ít nguy cơ xung đột và căng thẳng giữa các tầng lớp, nhóm người thường trực, dấy lên mối nguy về những hủy hoại từ bên trong như các đất nước phương Tây khác. Người dân và cả giai cấp của quốc gia này không mấy bận tâm về những gì người khác tin hay tôn thờ, miễn là niềm tin của bạn không có khả năng biến thành nhiên liệu khởi động một cuộc lật đổ giai cấp cầm quyền. Rõ là chẳng ai ở Trung Quốc thời kì này quan tâm tới “ngày tận thể”, vấn đề quan tâm hàng đầu của các tín đồ Thanh Giáo ở Anh. Họ cũng không dành thời gian để lên án điều đó là ngu ngốc như những người theo chủ nghĩa cấp tiến đã làm, họ đơn giản là chẳng quan tâm.
Có thể hơi gây tranh cãi khi nói câu này nhưng thực sự, Trung Quốc cổ xưa “phần nào may mắn” khi không có các triết gia như Plato hay Aristotle. Những người với đầy những thành tựu được thừa nhận, nhưng cũng khá thành công trong công cuộc truyền đạt, xây dựng niềm tin vững chắc của con người nhiều thế hệ vào những kiến thức hoàn toàn sai lầm của họ. Chẳng hạn, mô hình Mặt trời xoay quanh Trái đất (được đề cập trong Cộng hòa của Plato) đã dễ dàng thế nào khi đánh bại quan điểm “ít nhất cũng có một hành tinh xoay quanh Mặt trời” của các triết gia đối lập. Hai học trò “xuất sắc” của Socrates là Critias và Alcibiades thì gần như phá tan Athens: Critias thì trở thành tên bạo chúa tham lam, trong khi Alcibiades thì chạy trốn và phục vụ cho kẻ thù của Athens là Sparta sau khi bị tước quyền lực. Trong khi Athens đang hồi phục hậu quả do những người này gây ra thì lời khuyên thiện chí nhưng thiếu thực tế của Plato dành cho những người cai trị Syracuse lại khiến Sicily tuột dốc. Làm mất đi cơ hội thống nhất Hy Lạp của một thành bang trù phú, tràn trề cơ hội làm điều mà những người Macedonia sau này làm được một cách dễ dàng, hiệu quả hơn nhiều.
Phillip của Macedon thì nhờ Aristotle dạy học cho con trai Alexandre cũng như hoàng thân, nhóm những người đáng ra phải ủng hộ ông. Nhưng rồi nhóm người này xé toạc vương quốc sau khi đại đế qua đời, giết con trai Alexandre cùng những người yêu sách hợp pháp khác.
Là những hướng dẫn về đạo đức trước những cám dỗ quyền lực, trường phái Socarates thậm chí còn trở nên vô dụng. Họ có thể nói hùng hồn về đức hạnh, nhưng đâu đó thấp thoáng ý tưởng, mục đích cá nhân thấp kém một chút trong từng câu chữ của họ.
Triết học Trung Quốc thì lại khác, các trường phái phần nào đó rõ ràng và thực dụng hơn. Một bức tranh dễ hình dung với một bên là tư tưởng Pháp gia được áp dụng tới tàn khốc trong việc thống nhất và cai quản quốc gia của Tần Thủy Hoàng, theo sau đó, một bên là các nhà Nho với tư tưởng Khổng giáo mong muốn xây dựng một xã hội hài hòa hơn. Nên nghi ngờ về quan điểm phân chia quá rạch ròi này, các triết học gia nhà Hán đã chia nhỏ hơn nữa các hệ tư tưởng thành các “trường phái” với những điểm khác nhau. Nhà Hán lật đổ nhà Tần cùng hệ thống Pháp gia của nó, nhưng đồng thời cùng với Nho giáo họ cũng có những tư tưởng Pháp gia khác của chính mình. Một cõi thống nhất chỉ duy trì được nếu có hệ thống kiểm soát đủ mạnh. Và sẽ thật khó có thể hướng người dân lối sống tốt, văn minh nếu không có pháp luật, cũng khó mà chống lại các cuộc xâm lược của các bộ tộc du mục nếu không có kỉ cương quân đội đủ mạnh.
Nho giáo được nghe tới nhiều hơn ở Châu Âu trong thế kỉ XVIII. Trước sự phát triển vùn vụt của khoa học, và các cuộc cách mạng công nghiệp, Nho giáo có thể là tín ngưỡng duy nhất có quyền lực chính trị mạnh mẽ mà chẳng cần kéo theo đó là gánh nặng về duy trì niềm tin của các tín đồ, thậm chí đôi khi tới mức mê tín. Nhiều đầu óc mơ mộng có thể tưởng tượng tới cảnh Nho giáo tác động vào châu Âu và thay đổi bộ mặt chính trị của lục địa này vào thời điểm đó. Quyết định của giáo hoàng trong việc dừng sự truyền đạo của các giáo sĩ Dòng Tên vào thời nhà Thanh là hoàn toàn hợp lí nếu xét trên phương diện những tác động trái chiều mà Nho giáo có thể đem lại khi hai tín ngưỡng này va chạm, giao thoa với nhau. Dòng Tên đã thực sự thành công ở một mức độ nào đó trong thay đổi tư tưởng của một bộ phận người Tàu, nhưng việc đặt ra bài toán “ai sẽ cải đạo ai?” khi các giáo sĩ tiếp tục sống và thậm chí làm các công việc về khoa học cho triều đình tại Trung Quốc cũng là một bài toán đau đầu.
Nó thành công bất chấp sự du nhập của các tôn giáo như Phật giáo, dù rằng tôn giáo này phát triển rất mạnh ngay từ khi mới du nhập vào quốc gia này, điều không xuất hiện ở nhiều quốc gia với tôn giáo này phát triển. Phật giáo chẳng thể nào tác động sâu sắc vào tư duy, hành động của những người được giáo dục, cao hơn là các nhà cầm quyền. Hãy để ý xem, Phật giáo Tây Tạng cũng có vai trò của riêng nó, một tín ngưỡng với các thế lực huyền bí nằm cách xa trung tâm của sự giàu có và quyền lực, những vùng đất gần như vô dụng theo quản điểm Nho giáo.
Là cốt lõi trong các chính phủ Trung Hoa xưa, Nho giáo chủ yếu dựa vào phong tục đã tồn tại hàng ngàn năm và được coi là bất biến. Các phong tục này được duy trì trong vòng ít nhất hai lăm thế kỉ, dựa trên những lời được cho là của Khổng Tử.
Truyền thống này quy định sự cai quản của một lãnh đạo được cho là “hiền tài”, được lựa chọn chủ yếu từ công đức, thành quả cho triều đại nhưng phần nào vẫn có vị trí trong bản đồ di truyền của dòng tộc cai trị triều đại. Các kì thi, khởi đầu là chế độ tiến cử trong thời nhà Hán, cùng thời với Đế chế La Mã. Trở nên hoàn thiện và rực rỡ trong thời nhà Đường khi mà Châu Âu đang trong thời Dark Age. Hệ thống chọn người cho bộ máy nhà nước này khiến những người giàu không thể dùng tiền để chen chân vào giới học giả, họ phải cố mà giáo dục con cái theo đường hướng Nho giáo.
Cứ như vậy, cấu trúc nền tảng cơ cấu xã hội dựa theo Nho giáo này có sức mạnh bảo thủ rất lớn. Khủng hoảng chỉ đe dọa tới thẩm quyền pháp lý, quyền lực của một hay một nhóm người, chứ trật tự xã hội thì không. Sự thẩm thấu của tư tưởng Nho giáo ở mức độ toàn xã hội đã được hệ thống kiểm tra hoàn thiện tới mức hoàn hảo. Học tập, thi cử với lối thi văn học phải mất nhiều năm mới thành thạo không phải lí do khiến đi học chỉ là câu truyện của người có tiền. Hệ thống giáo dục của Trung Quốc thời phong kiến là một phúc lợi xã hội tiến bộ, không quá khó để một người nghèo vẫn đủ kinh tế theo học, đi thi và làm việc cho nhà nước. Tất nhiên, các hiện tượng như mua điểm hay gian lận kết quả bằng tiền bạc không phải là không có nhưng nhìn chung không quá nhiều để trở thành vấn nạn trong suốt chiều đại mà chỉ xuất hiện vào cuối mỗi thời đại đang suy yếu đi mà thôi. Hệ giáo dục Nho giáo cùng nền giáo dục này đem lại sự độc lập đáng chú ý cho các quan chức phục vụ đất nước. Họ không phải là một tầng lớp, mà là một đại diện được chọn bởi một tầng lớp. Các quan lại liêm khiết thời đại này thấm nhuần việc hạ các mối lợi ích cá nhân, dòng tộc xuống dưới lợi ích quốc gia, khác với các quý ông Anh thế kỉ XVIII. Quan lại sau khi được bổ nhiệm thì không được làm việc tại địa phương của họ, không được làm cùng một nơi với người cùng dòng họ,… hay nhiều quy định khác là minh chứng cho điều này.
Vậy nên, Trung Quốc không phải là một chính thể quý tộc hoàn toàn, quyền lực chính trị không đi qua dòng dõi trong một nhóm các gia đình quý tộc, mặc dù sinh ra cao quý vẫn là xuất phát điểm tốt trong xã hội. Đối với các chức vị cố vấn cấp cao cho đế quốc, như tể tướng, những người đã vượt qua hệ thống phân cấp chính thức lên cấp cao nhất của hệ thống quan chức, đối thủ quan trọng nhất lại là hoạn quan của triều đình. Những sinh vật thường được Hoàng đế tin tưởng với uy quyền lớn, bởi theo định nghĩa, họ không thể có gia đình. Tuy nhiên, các đặc điểm về tính bảo thủ của hệ thống giáo dục và bổ nhiệm này được các bộ mày quan liêu tận dụng triệt để. Trong các trường hợp này, Nho giáo trở thành công cụ để thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là đều đặn duy trì các tiêu chuẩn chung trong một đế chế rộng lớn và đa dạng. Bằng cách này các bộ máy quan liêu đã thành công ngoạn mục, khi vừa đạt được mục đích nhưng đồng thời vẫn giữ được các giá trị đạo đức của Nho giáo một cách nguyên vẹn, để rồi tiếp tục dùng nó như một cung cụ hiệu quả.
Mặc dù Trung Quốc truyền thống không hoàn hảo với các tiêu chuẩn hiện đại, nhưng những tiêu chuẩn ấy không tồn tại vào hàng trăm năm trước. Trung Quốc truyền thống biết tới thế giới bên ngoài, nhưng không gì làm nó thoải mái hơn các quy tắc riêng của mình. Nhưng điều đó khiến Trung Hoa trong một khoảng thời gian tương đối (không phải tất cả) hài lòng với những gì mình có, điều mà Tây Âu chưa từng có khi biến thành nền Cơ Đốc giáo.
Tham khảo, dịch một đoạn từ bài: Why a sophisticated Empire could not modernise – Gwydion M. Williams