nhieu-tre-em-bi-cho-can-dut-tai,-nat-mat,-thuong-tich-nghiem-trong

Nhiều trẻ em bị chó cắn đứt tai, nát mặt, thương tích nghiêm trọng

Tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương vừa cho biết, thời gian gần đây, nhiều trẻ em bị chó cắn nhập viện trong tình trạng thương tích nặng. 

Mới đây là bệnh nhi Hoàng Phước N, 8 tuổi (Xuân Khanh, Sơn Tây, Hà Nội) nhập viện với vành tai phải bị mất 1 phần sụn, chảy nhiều máu. 

Gia đình cho biết, bé N bị chó lạ vồ, cắn vào vành tai khi bé vừa ra khỏi nhà. Theo bác sĩ Đỗ Bá Hưng, khoa Tai Thần kinh, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, vành tai phải của bệnh nhi bị đứt rời 1 phần, bờ nham nhở khoảng 3cm, lộ sụn vành tai. 

Bệnh nhi được sơ cứu, tiêm phòng dại và hẹn quay lại để phục hồi vành tai. 

Nhiều trẻ em bị chó cắn đứt tai, nát mặt, thương tích nghiêm trọng  - Ảnh 1.

Chó cắn mất vành tai của bé N. Ảnh BVCC

Một bệnh nhi khác bị chó cắn thương tích nặng hơn là em Nguyễn Ánh L. (6 tuổi, trú Túc Duyên, Thái Nguyên). Bé L. được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương trong tình trạng có nhiều vết thương hở phức tạp ở đầu, mặt, tai trái, tay trái do bị chó cắn. 
Các bác sĩ đã phải phẫu thuật tái tạo hình tổn thương mất chất vùng mặt; khâu phục hồi cơ vòng miệng, đóng vết thương vùng nhân trung 2 lớp, đóng vết thương các vùng má, dưới hàm, vùng sau cánh tay…

Nhiều trẻ em bị chó cắn đứt tai, nát mặt, thương tích nghiêm trọng  - Ảnh 2.

Bệnh nhi Nguyễn Ánh L. bị chó cắn tổn thương nặng vùng đầu và mặt. Ảnh BVCC

Bác sĩ Hưng cũng cho biết, 1 số trường hợp đáng tiếc đã bị nhiễm bệnh dại sau khi chó, mèo cắn cào nhưng lại chủ quan không đi tiêm phòng dại. 

“Nếu mắc bệnh dại thì tỷ lệ tử vong là 100%. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người. Cho tới nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Do vậy, ngay sau khi tai nạn xảy ra, cần sơ cứu vết thương đúng cách, tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại càng sớm càng hiệu quả. 

Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc bôi, đắp vào vết thương, tự chữa bằng các mẹo dân gian, mẹo trên mạng xã hội”, bác sĩ Hưng khuyến cáo. 

Để phòng tránh nguy cơ chó mèo cắn, cào, các bác sĩ khuyến cáo người dân không thả rông vật nuôi, khi cho chó ra đường cần phải đeo rọ mõm. Cho chó mèo tiêm phòng dại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. 

Cha mẹ cũng tránh cho con chơi đùa với chó lạ, có kích cỡ lớn, dữ tợn. Không trêu chọc, đánh đập chó mèo. 

Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật bị bệnh dại lên vùng da bị tổn thương. Bệnh dại trên người có thể hoàn toàn phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Nếu tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%.

Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.

Chó mang virus bệnh dại không phát điên ngay nên khó có thể nhận biết bằng mắt thường con chó nào có virus dại hay không. Do đó, khi bị chó, mèo cắn, dù chỉ là vết xước to hay nhỏ, bệnh nhân đều cần được tiêm phòng bệnh dại ngay.

Để phòng tránh chó mèo tấn công, bố mẹ, người chăm sóc trẻ cần quan sát, chú ý trông nom trẻ cẩn thận, không nên cho trẻ chơi chung với chó, mèo nhiều.

Nếu là chó mèo của gia đình thì phải bắt buộc tiêm phòng đầy đủ định kỳ. Khi nghi ngờ trẻ có tiếp xúc không an toàn với chó, mèo hoặc bị chó, mèo cào, cắn, liếm lên vết thương hở cần đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh dại ngay”.

Bác sĩ Cao Việt Hưng (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *